Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Kim Cang Tam Muội

PHẬT THUYẾT

KINH KIM CANG TAM MUỘI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Thi Hộ, Đời Tống
 

PHẨM NĂM

PHẨM NHẬP THẬT TẾ
 

Bấy giờ, Đức Như Lai bảo: Này các Bồ Tát! Vào sâu nơi bản lợi, có thể hóa độ chúng sinh. Nếu sau này chẳng phải thời, nên như thời mà thuyết pháp lợi ích, không những thuận hợp mà không thuận hợp cũng thuyết, chẳng phải đồng, chẳng phải khác, ứng hợp như vậy mà giảng nói, dẫn dắt trí của hữu tình nhập vào biển nhất thiết trí, không để cho chúng như gió thổi vào hư không, mà làm cho nhiều thứ trở về một vị.

Thế gian chẳng phải là thế gian, trụ chẳng phải chỗ trụ, có năm không, ra, vào, không có, lấy, bỏ… vì sao?

Vì các pháp là không tướng, tánh chẳng phải là có không, phi không chẳng không, chẳng không chẳng có, không có tánh quyết định, không trụ vào có không. Chẳng phải là hữu vô kia. Trí của Thánh phàm có thể suy lường được.

Này các Bồ Tát! Nếu nhận biết lợi ấy thì chứng được bồ đề.

Khi ấy, trong chúng hội có một Bồ Tát tên là Đại Lực, từ chỗ ngồi đứng dậy thưa: Bạch Thế Tôn!

Như lời Phật dạy: Có năm không ra, vào, có, không, lấy, bỏ.

Thế nào là năm không mà không lấy bỏ?

Đức Phật dạy: Này Bồ Tát!

Năm không là: Ba cõi là không, hình ảnh của sáu đường là không, pháp tướng là không, danh tướng là không, nghĩa của tâm thức là không.

Này Bồ Tát! Các thứ không như thế, không chẳng trụ nơi không, không chẳng trụ nơi tướng, pháp không có tướng thì có gì để nắm bắt, xả bỏ?

Vào cõi không chấp thủ tức hội nhập nơi ba không.

Bồ Tát Đại Lực hỏi: Thế nào là ba không?

Đức Phật dạy: Ba không là: Không tướng cũng không, không không cũng không, đối tượng không cũng không. Những không như vậy không trụ nơi ba tướng, đều là chân thật, con đường ngôn từ dứt bặt nên không thể nghĩ bàn.

Bồ Tát Đại Lực thưa: Chẳng phải không chân thật là tướng nên có?

Đức Phật dạy: Vô không trụ nơi vô, hữu không trụ nơi hữu. Không hữu, chẳng vô, chẳng hữu. Pháp của chẳng hữu tức chẳng trụ nơi vô. Tướng của chẳng vô tức chẳng trụ nơi hữu. Chẳng phải đem chỗ hữu, vô mà hiển bày được lý.

Này Bồ Tát! Nghĩa tướng không tên, nên chẳng thể nghĩ bàn.

Vì sao?

Vì danh của vô danh, chẳng phải không nơi danh. Nghĩa của vô nghĩa, chẳng phải không nơi nghĩa.

Bồ Tát Đại Lực thưa: Danh, nghĩa như vậy là như tướng chân thật, như tướng của Như Lai. Như chẳng trụ nơi như, như không có tướng như, vì như là vô tướng, nên chẳng phải là không. Thưa Như Lai, tướng tâm của chúng sinh cũng là tướng Như Lai, nên tâm của chúng sinh không có cảnh khác.

Đức Phật dạy: Đúng vậy, tâm của chúng sinh thật không khác biệt.

Vì sao?

Vì tâm vốn thanh tịnh, lý không có ô uế, do nhiễm cảnh trần gọi là có ba cõi. Tâm của ba cõi gọi là cảnh khác. Cảnh ấy hư vọng, từ tâm hóa sinh. Nếu tâm không vọng, thì không có cảnh khác.

Bồ Tát Đại Lực thưa: Tâm nếu đang tịnh thì các cảnh không sinh. Khi tâm này tịnh thì tức không có ba cõi.

Đức Phật dạy: Đúng vậy, này Bồ Tát! Tâm không sinh cảnh, cảnh không sinh tâm.

Vì sao?

Vì chỗ thấy nơi các cảnh chỉ là chỗ thấy nơi tâm, tâm không huyễn hóa tức không chỗ thấy.

Này Bồ Tát! Bên trong không có chúng sinh, vì ba tánh vắng lặng nên không có mình cũng không có người khác, cho đến hai nhập tâm cũng không sinh. Được lợi như vậy thì không có ba cõi.

Bồ Tát Đại Lực hỏi: Thế nào là hai nhập không sinh nơi tâm?

Tâm vốn không sinh sao lại có nhập?

Đức Phật dạy: Hai nhập: Một là nhập của lý, hai là nhập của hành.

Lý nhập Nhập của ly là tin chắc chúng sinh chân tánh không khác, không một, không nhiều, chỉ do bị khách trần che lấp làm chướng ngại. Không đi, không đến, dừng trụ nơi giác quán, thấy được Phật tánh. Không hữu, không vô, không tự, không tha, phàm Thánh không hai, tâm địa Kim Cang trụ vững, không dời đổi, vắng lặng vô vi, không có phân biệt, đó gọi là lý nhập.

Hành nhập nhập của hành là tâm không điên đảo, ảnh tượng không dời đổi. Đối với nơi chốn có, tâm thanh tịnh không mong cầu, gió thổi không động, giống như mặt đất, xa lìa tâm ngã, cứu độ chúng sinh không sinh, không tướng, không thủ, không xả.

Này Bồ Tát! Tâm không ra vào, không có tâm xuất nhập, nhập mà không nhập nên gọi là nhập.

Này Bồ Tát! Pháp nhập như vậy là pháp tướng chẳng không, pháp của chẳng không, pháp không xả bỏ.

Vì sao?

Vì pháp của chẳng không, công đức đầy đủ, chẳng phải tâm, hình, vì pháp vốn thanh tịnh.

Bồ Tát Đại Lực hỏi: Thế nào là chẳng phải tâm, chẳng phải hình, pháp vốn thanh tịnh?

Đức Phật dạy: Pháp của không và như chẳng phải là pháp của tâm, hay thức. Chẳng phải do tâm mà có, vì pháp chẳng phải là tướng không, pháp chẳng phải là sắc tướng, pháp chẳng phải là tâm hữu vi, là pháp không tương ưng, chẳng phải là tâm vô vi, là pháp tương ưng. Chẳng phải là chỗ hiện hình ảnh, chẳng phải là chỗ để chỉ dạy, chẳng phải là tự tánh, chẳng phải là sai biệt, chẳng phải là danh, tướng, nghĩa.

Vì sao?

Vì nghĩa không có như, pháp của vô như cũng không vô như, chẳng có vô như, chẳng phải không có như.

Vì sao?

Vì pháp của căn và lý chẳng phải lý, chẳng phải căn, lìa xa các tranh luận, không thấy tướng của chúng.

Này Bồ Tát! Pháp tịnh như vậy, sinh chẳng phải là sinh của chỗ sinh, diệt chẳng phải là diệt của chỗ diệt.

Bồ Tát Đại Lực thưa: Pháp tướng như vậy là không thể nghĩ bàn, vì không hợp thành, không riêng thành, không cậy nhờ, không ràng buộc, không tụ tán, sinh diệt, cũng không có tướng đến đi, nên không thể nghĩ bàn.

Đức Phật dạy: Đúng vậy! Không thể nghĩ bàn, là tâm không nghĩ bàn nên tâm cũng như vậy.

Vì sao?

Vì tâm không khác như, tâm vốn là như. Phật tánh, chúng sinh là không một, không khác. Tánh của chúng sinh vốn không sinh diệt. Tánh của sinh diệt, vốn là tánh Niết Bàn. Tướng của tánh vốn như, vì như không động. Tất cả pháp tướng không từ duyên khởi. Tướng tánh của như khởi, như không chuyển động.

Tánh tướng của nhân duyên, tướng vốn không vô, duyên duyên không không, không có duyên khởi. Tất cả pháp duyên, do tâm mê vọng thấy, hiện vốn không sinh, vì duyên vốn không. Tâm như pháp lý, vì tự the là không, vô. Như không vương kia vốn không trụ xứ. Tâm của hàng phàm phu vọng phân biệt thấy. Tướng của như như, vốn chẳng có và không. Tướng của có và không, chỉ do tâm thức thấy.

Này Bồ Tát! Tâm pháp như vậy, tự thể chẳng không, tự thể chẳng có, tức chẳng có chẳng không.

Này Bồ Tát! Thảy đều là vô tướng, nằm ngoài lĩnh vực ngôn thuyết.

Vì sao?

Vì pháp của chân như, như hư không vô tướng, hàng nhị thừa chẳng thể nhận biết được. Cảnh giới của hư không, trong ngoài không thể suy lường, người tu tập sáu hành mới có thể nhận biết.

Bồ Tát Đại Lực hỏi: Thế nào là sáu hành?

Đức Phật dạy: Một là hành Thập Tín, hai là hành Thập Trụ, ba là hành Thập Hạnh, bốn là hành Thập Hồi Hướng, năm là hành Thập Địa, sáu là hành Đẳng Giác. Người hành hóa như vậy mới có thể nhận biết.

Bồ Tát Đại Lực hỏi: Giác lợi của thật tế không có vào ra, thì những tâm pháp gì được hội nhập vào thật tế?

Đức Phật dạy: Pháp của thật tế là pháp không có biên vực, bến bờ, tâm của vô tế tức hội nhập vào thật tế.

Bồ Tát Đại Lực hỏi: Trí của tâm vô tế, trí ấy không bến bờ, tâm không bến bờ, tức tâm được tự tại.

Trí của tự tại có thể nhập vào thật tế, như hàng phàm phu kia, với chúng sinh tâm yếu kém, tâm ấy đa đoan nên dùng pháp nào để chế ngư, khiến tâm được kiên cố để nhập vào thật tế?

Đức Phật dạy: Này Bồ Tát! Tâm người đa đoan, khiến cho bên trong và ngoài tùy tiện trôi chảy, tích chứa lâu dần thành biển, gió to sóng lớn, đại long kinh sợ, do tâm kinh sợ nên khiến thành nhiều mối.

Này Bồ Tát! Phải khiến cho chúng sinh lưu lại ba giữ lấy một, nhập vào thiền Như Lai, nhờ thiền định, tâm tức không còn nhiều mối.

Bồ Tát Đại Lực thưa: Thế nào là nhập thiền Như Lai lưu lại ba mà giữ lấy một?

Phật dạy: Lưu lại ba là ba giải thoát, giữ lấy một là giữ một tâm như. Người vào thiền Như Lai, tâm như quán lý, vào cõi tâm như vậy tức là hội nhập thật tế.

Bồ Tát Đại Lực hỏi: Những gì là ba giải thoát?

Thiền định như lý quan sát, từ pháp nào hội nhập?

Đức Phật dạy: Ba giải thoát là: Hư không giải thoát, Kim Cang giải thoát và Bát Nhã giải thoát. Người đúng quan sát như lý, tâm như lý thanh tịnh, không thể không tâm.

Bồ Tát Đại Lực hỏi: Thế nào là tồn dụng?

Thế nào là quan sát?

Đức Phật dạy: Tâm sự cảnh không hai, gọi là tồn dụng. Trong hành, ngoài hành, xuất nhập không hai, chẳng trụ vào một tướng, tâm không được mất, một chẳng phải một cõi, tâm tịnh hội nhập, đó gọi là quán sát.

Này Bồ Tát! Người hành hóa như vậy không trụ nơi hai tướng, tuy không xuất gia mà chẳng vướng tại gia, tuy không mặc pháp phục, không thọ trì đầy đủ giới Ba La Đề Mộc Xoa, không vào Bồ Tát nhưng có thể điều phục tự tâm đạt vô vi, tự tứ chứng được quả Thánh, không trụ nơi hai thừa, nhập đạo Bồ Tát, sau đấy sẽ viên mãn các địa, thành tựu đạo quả bồ đề vô thượng.

Bồ Tát Đại Lực nói: Thật không thể nghĩ bàn! Người như vậy chẳng phải là xuất gia, chẳng phải là không xuất gia.

Vì sao?

Vì vào nhà Niết Bàn, mặc y phục của Như Lai, ngồi nơi tòa bồ đề, những người như vậy thậm chí hàng Sa Môn cũng phải cung kính, cúng dường.

Đức Phật dạy: Đúng vậy! Vì sao?

Vì vào nhà Niết Bàn thì tâm vượt khỏi ba cõi. Mặc y của Như Lai là nhập vào chốn pháp không, ngồi nơi tòa bồ đề chứng Thập Địa Chánh Giác. Người như vậy tâm siêu việt nhị thừa, huống chi là hàng Sa Môn không cung kính, cúng dường.

Bồ Tát Đại Lực thưa: Như một địa kia cùng với biển không, người của hàng nhị thừa không thể thấy được?

Phật dạy: Đúng vậy! Người của hàng nhị thừa kia mê chấp nơi tam muội, chứng được tam muội, thân đối với một địa của biển không kia như người mắc bệnh uống rượu say sưa hôn mê không tỉnh, cho đến nhiều kiếp hãy còn không giác ngộ. Tới khi rượu hết mới tỉnh, tìm cách tu hành, về sau chứng được thân Phật.

Như người kia từ chỗ lìa bỏ hàng xiển đề tức hội nhập nơi sáu hành, ở trong cõi hành, niệm chuyên nhất, tâm thanh tịnh, quyết định sáng suốt rõ ràng, từ diệu lực của trí Kim Cang được không thoái chuyển, độ thoát chúng sinh, hiện bày từ bi vô tận.

Bồ Tát Đại Lực thưa: Người như vậy, nếu không trì giới thì đối với người ấy, hàng Sa Môn chẳng nên kính ngưỡng.

Đức Phật dạy: Vì người ấy thuyết giới, không hoàn toàn kiêu mạn, như biển có sóng lớn, tâm địa người ấy cũng vậy, lúc này tám thức lắng trong, chín thức trôi chảy thanh tịnh, gió chẳng thể động, sóng không sinh khởi, tánh của giới bình đẳng như hư không, chấp giữ là điên đảo mê muội.

Người như vậy, thức thứ bảy, thứ tám không sinh các tập, tu diệt định mà không xa lìa ba thân Phật, phát tâm bồ đề. Ở trong ba vô tướng, tâm tùy thuận hội nhập vào chỗ thâm diệu, cung kính sâu xa đối với Tam Bảo, không mất oai nghi. Đối với người ấy hàng Sa Môn đều phải cung kính.

Này Bồ Tát! Nhân giả này chẳng trụ chấp nơi thế gian, pháp động và chẳng động, tâm nhập vào ba không, diệt hết ba cõi.

Bồ Tát Đại Lực thưa: Người này đối với Phật đầy đủ quả đức, đối với Phật của Như Lai tạng, đối với Phật hình tượng, ở chỗ các Đức Phật như thế phát tâm bồ đề, vào tam tụ giới, chẳng trụ chấp nơi tướng, diệt hết tâm của ba cõi, không ở trong cõi tịch tĩnh, không xả bỏ chúng sinh, hội nhập cõi không thuận hợp không thể nghĩ bàn.

Lúc này, Tôn Giả Xá Lợi Phất từ chỗ ngồi đứng dậy nói kệ rằng:

Biển trí tuệ đầy đủ

Chẳng trụ thành Niết Bàn

Như hoa sen đẹp quý

Chẳng nở từ vùng cao,

Chư Phật vô lượng kiếp

Không bỏ các phiền não

Độ đời nên sau đạt

Như từ bùn hoa nở,

Đối với cõi sáu hành

Bồ Tát đã tu tập

Tích tụ ba không kia

Đạo bồ đề chân thật,

Nay ta trụ chẳng trụ

Như lời của Phật thuyết

Lại đến chỗ đã đến

Đầy đủ, sau mới xuất,

Lại khiến các chúng sinh

Như ta, một không hai

Người đến trước đến sau

Đều chứng Đẳng Chánh Giác.

Đức Phật bảo Tôn Giả Xá Lợi Phất: Thật không thể nghĩ bàn! Ông đời sau sẽ được thành tựu đạo quả bồ đề, hóa độ vô lượng chúng sinh, đều vượt khỏi biển khổ sinh tử.

Khi ấy, đại chúng đều giác ngộ đạo bồ đề, các hàng Thanh Văn đều nhập vào biển cả của năm không.

***