Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Kim Quang Minh Hợp Bộ

PHẬT THUYẾT KINH

KIM QUANG MINH HỢP BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Chân Đế, Đời Trần
 

PHẨM HAI

PHẨM THỌ LƯỢNG
 

Lúc bấy giờ, trong thành Vương Xá, có vị Đại Bồ Tát tên là Tín Tướng, đã từng cúng dường vô lượng ức Na Do Tha trăm ngàn các Đức Phật đời quá khứ và gieo trồng các thiện căn.

Vị Bồ Tát Tín Tướng này suy nghĩ rằng:  nhân gì, duyên gì mà thọ mạng của Đức Thích Ca Như Lai ngắn ngủi chỉ tám mươi năm?

Ông lại nghĩ rằng: Như lời Đức Phật nói, có hai nhân duyên làm cho thọ mạng được dài.

Những gì là hai?

Một là chẳng giết hại, hai là thí thực cho ăn. Nhưng mà Đức Thế Tôn của ta ở trong vô lượng trăm ngàn ức na do tha A tăng kỳ kiếp, đã tu giới chẳng giết hại, đầy đủ mười thiện, đồ ăn thức uống ban cho chẳng thể hạn lượng.

Thậm chí cả thân mình, xương tủy, máu thịt... làm no đủ sung mãn cho chúng sinh đói khát huống là đồ ăn, thức uống khác?

Vị Đại Sĩ chí tâm nghĩ về Đức Phật như vậy.

Khi suy nghĩ nghĩa này thì nhà vị ấy tự nhiên rộng lớn ra với những việc trang nghiêm: Lưu ly xanh biếc, đủ thứ những báu xen lẫn vào nhau tạo thành đất nơi ấy, giống như nơi ở thanh tịnh của Đức Như Lai.

Có hương thơm vi diệu hơn cả hương thơm của Chư Thiên, khói mây buông xuống khắp đầy gian nhà ấy. Bốn mặt của ngôi nhà ấy đều có bốn tòa ngồi cao thượng diệu quí báu tự nhiên xuất hiện, thuần dùng thiên y mà làm đồ trải. Trên tòa ngồi vi diệu này đều có hoa và mọi thứ báu hợp thành làm chỗ ngồi cho các Đức Phật.

Ở trên hoa sen có bốn Đức Như Lai:

Phương Đông hiệu A Súc

Phương Nam hiệu Bảo Tướng

Phương Tây Vô Lượng Thọ

Phương Bắc Vi Diệu Thanh.

Bốn vị Như Lai này tự nhiên mà ngồi trên Tòa Sư Tử, phóng ra ánh sáng lớn chiếu soi thành Vương Xá và ba ngàn đại thiên Thế Giới này cho đến Thế Giới Chư Phật nhiều như cát Sông Hằng trong mười phương. Trời mưa xuống những hoa Trời, tấu lên kỹ nhạc nhà Trời...

Lúc bấy giờ, chúng sinh sở hữu của ba ngàn đại thiên Thế Giới, nhờ thần lực của Đức Phật, hưởng thụ khoái lạc của Trời. Những kẻ các căn chẳng đủ liền được đầy đủ... Nói tóm lại, tất cả lợi ích sở hữu của thế gian, những việc chưa từng có đều xuất hiện đầy đủ.

Lúc bấy giờ, Bồ Tát Tín Tướng thấy các Đức Phật và những việc hy hữu này vui mừng hớn hở, cung kính chắp tay hướng về các Đức Thế Tôn, chí tâm niệm Phật mà suy nghĩ rằng: Đức Thích Ca Như Lai công đức không lường, chỉ trong sự sống lâu là làm cho lòng sinh nghi hoặc.

Sao thọ mạng của Đức Như Lai mới có tám mươi năm như vậy?

Lúc bấy giờ, bốn Đức Phật do Chánh Biến Tri nên bảo Bồ Tát Tín Tướng rằng: Này thiện nam tử! Ông nay chẳng nên suy nghĩ về thọ mạng ngắn ngủi của Đức Như Lai.

Vì sao vậy?

Này thiện nam tử! Vì chúng ta chẳng thấy Chư Thiên, người đời, ma chúng, Phạm Chúng, Sa Môn, Bà La Môn, người và chẳng phải người có thể suy nghĩ, tính toán về thời lượng sống lâu của Như Lai và biết giới hạn của sự sống lâu ấy, chỉ trừ chính Như Lai.

Bốn Đức Như Lai sắp muốn tuyên nói cặn kẽ việc được thọ mạng của Đức Thích Ca Văn Phật thì Chư Thiên, Rồng, Quỷ Thần, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già Của Dục Giới, Sắc Giới và vô lượng trăm ngàn ức na do tha Đại Bồ Tát, nhờ thần lực của Phật, đều đến tụ tập ở tại nhà của Đại Bồ Tát Tín Tướng.

Lúc bấy giờ, bốn Đức Phật, ở giữa đại chúng, sơ lược dùng Kệ dụ nói về thời lượng thọ mạng sở đắc của Đức Thích Ca Như Lai mà làm bài tụng rằng:

Nước những biển sông

Có thể tính giọt

Nhưng không thể tính

Thọ mạng Thích Tôn!

Tu Di các núi

Có thể cân lường

Không có thể lượng

Thọ mạng Thích Tôn!

Tất cả đại địa

Biết được bụi trần

Không thể tính toán

Thọ mạng Thích Tôn!

Hư không chia cõi

Còn thể tận biên

Không thể kể hạn

Thọ mạng Thích Tôn!

Không thể tính kiếp

Ức trăm ngàn muôn

Phật thọ như vậy

Vô lượng vô biên!

Do nhân duyên đó

Nên nói hai duyên:

Chẳng hại mạng vật,

Thí ăn không lường

Nên thọ Đại Sĩ

Chẳng thể tính lường

Vô biên vô lượng

Giới hạn cũng không.

Vậy nay ông hãy

Với Phật chẳng nên

Sinh lòng nghi hoặc:

Thọ mạng không lường!

Theo chân bản năm hàng sau cùng không có.

Lúc bấy giờ, Đại Bồ Tát Tín Tướng nghe bốn vị Phật này tuyên nói về thọ mạng không lường của Đức Như Lai thì thân tâm tín giải vui mừng hớn hở.

Khi nói Phẩm Thọ Mạng của Như Lai này thì vô lượng vô biên a tăng kỳ chúng sinh phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Bốn vị Phật bỗng nhiên biến mất. Đoạn sau này do Ngài Quật Đa dịch bổ sung.

Lúc bấy giờ, Bồ Tát Tín Tướng ở bên các Đức Phật đó nghe nói về thọ mạng của Đức Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn rồi, bạch với các Đức Phật đó rằng: Thưa các Đức Thế Tôn! Tại sao Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai kia hiển thị thọ mạng ngắn ngủi như vậy?

Nói như vậy rồi thì các Đức Thế Tôn kia bảo Bồ Tát Tín Tướng rằng: Nhưng khi Đức Thích Ca Mâu Ni xuất hiện ở đời ngũ trược thì ở trong cõi đời sống lâu trăm tuổi, đối với chúng sinh tín giải thấp, chúng sinh thiếu căn lành, ngã kiến, chúng sinh kiến, mạng kiến, dưỡng dục phú dà la kiến, tà kiến, ngã, ngã sở, chấp trước v.v... vì lợi ích các chúng sinh phàm phu và ngoại đạo Ni Kiền Tử, Ba Lê Bà Xà Ca v.v... nên Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni Như Lai hiển thị thọ lượng ngắn ngủi như vậy để thành thục chúng sinh.

Này thiện nam tử! Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai kia hiển thị thọ lượng ngắn ngủi như vậy mà những chúng sinh cõi đó, nếu biết Đức Như Lai vào Niết Bàn rồi thì phát sinh khổ tưởng, hy hữu tưởng, vị tằng hữu tưởng, ưu sầu tưởng mà mau chóng sẽ thọ nhận những Kinh Điển, sẽ gìn giữ đọc tụng, sẽ chẳng hủy báng.

Vậy nên Đức Như Lai hiển thị thọ lượng ngắn ngủi như vậy. Những chúng sinh đó, nếu thấy Đức Như Lai chẳng vào Niết Bàn thì chẳng sinh ra hy hữu tưởng, ưu sầu tưởng, vị tằng hữu tưởng mà họ sẽ chẳng thọ nhận các Kinh Điển đã nói của Đức Như Lai cũng sẽ chẳng giữ gìn, đọc tụng.

Sở dĩ vì sao?

Vì cho là thường thấy vậy.

Này thiện nam tử! Ví như có một trượng phu mà cha mẹ có nhiều quả báo tiền tài. Nhưng các con của vị trượng phu đó biết tài tụ rồi thì chẳng sinh hy hữu tưởng, vị tằng hữu tưởng.

Sở dĩ vì sao?

Vì cho là quả báo nhiều vậy.

Này thiện nam tử! Đúng vậy! Đúng vậy! Những chúng sinh đó, nếu biết Như Lai chẳng vào Niết Bàn rồi, chẳng sinh hy hữu tưởng, vị tằng hữu tưởng, nan đắc tưởng.

Sở dĩ vì sao?

Vì cho là thường thấy.

Này thiện nam tử! Ví như có một trượng phu, cha mẹ nghèo cùng có ít quả báo, những người đó, hoặc đến trong nhà của Vua và Đại Thần của Vua. Những người đó ở chỗ kia thấy kho lẫm đầy, đủ thứ những báu. Những người đó ở chỗ kia được hy hữu hạnh, được vị tằng hữu tưởng, sẽ sinh ra nan đắc tưởng và cũng vì của cải đó mà cần cù phát sinh ý tinh tấn, muốn được số của cải đó.

Sở dĩ vì sao?

Vì cho là ít quả báo vậy.

Này thiện nam tử! Đúng vậy! Đúng vậy! Những chúng sinh kia nếu thấy Đức Như Lai đã vào Niết Bàn thì sẽ được việc hy hữu, được việc chưa từng có, sẽ sinh ra khổ tưởng. Vào lúc không lường các Đức Phật Thế Tôn mới xuất hiện ở đời, ví như hoa Ưu Đàm Bát La vào lúc không lường mới sẽ xuất hiện ở đời.

Đúng vậy! Đúng vậy! Các Đức Phật Thế Tôn vào lúc không lường mới sẽ ra đời thì những chúng sinh kia được hạnh hiếm có, được thấy việc chưa từng có nên sẽ được vui sướng.

Những người đó thấy Đức Như Lai rồi thì sẽ tin tưởng hướng về. Nếu khi nghe lời thật ngữ của Đức Như Lai thì sẽ thọ nhận những Kinh Điển như vậy, sẽ chẳng ganh đua sai trái.

Này thiện nam tử! Do nghĩa này nên Đức Như Lai trụ thế chẳng lâu, sẽ mau chóng Niết Bàn.

Này thiện nam tử! Các Đức Phật Thế Tôn dùng phương tiện khéo léo như vậy để thành thục chúng sinh. Lúc ấy, những Đức Phật Thế Tôn kia biến mất.

Bấy giờ, Bồ Tát Tín Tướng cùng vô lượng trăm ngàn Bồ Tát và vô lượng câu trí na do tha trăm ngàn chúng sinh đi đến chỗ Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai Chánh Biến Tri trong núi Kỳ Xà Quật. Đến nơi rồi, họ đảnh lễ dưới chân Đức Phật, lùi về trụ ở một bên.

Trụ ở một bên xong, Đại Bồ Tát Tín Tướng bạch với Đức Phật những việc như đã nói ở trên. Rồi đến những Đức Phật Thế Tôn kia, đi tới chỗ Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai trong núi Kỳ Xà Quật. Đến nơi rồi, các vị mỗi mỗi đều theo phương hướng mà ngồi vào từng tòa ngồi của mình.

Lúc bấy giờ, các Đức Phật Thế Tôn, mỗi mỗi đều bảo Bồ Tát thị giả rằng: Này thiện nam tử! Ông hãy đi đến chỗ Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai!

Đến nơi rồi, ông vì chúng ta thăm hỏi Ngài rằng: Ngài có ít bệnh, đi đứng nhẹ nhàng, khí lực an vui chăng?

Lại nói tiếp lời này: Hay thay! Thưa Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai!

Hôm nay Ngài muốn nói pháp bổn Kim Quang Minh, chúng con sẽ tùy hỷ. Lúc bấy giờ, những vị Đại Bồ Tát đó đi đến chỗ Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai. Đến nơi họ đảnh lễ dưới chân Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai.

Lễ rồi, lùi về trụ ở một bên, trụ một bên xong, những vị Đại Bồ Tát kia bạch Đức Phật rằng: Thưa Đức Thế Tôn! Bốn Đức Phật Thế Tôn ở bốn phương hỏi thăm Đức Thế Tôn có ít bệnh, đi đứng có nhẹ nhàng, khí lực có an lạc không?

Rồi những vị Bồ Tát đó lại bạch rằng: Hay thay! Thưa Đức Thế Tôn! Nguyện xin Ngài nói pháp bản Kinh Kim Quang Minh làm cho các chúng sinh lợi ích an lạc, cho đến trừ diệt đói khát, hiểm nguy v.v...

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni Như Lai khen các chúng Bồ Tát rằng: Hay thay! Hay thay!

Này các thiện nam tử! Các ông mới có thể vì các chúng sinh khuyển thỉnh Như Lai.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói bài kệ rằng:

Ta chẳng rời khỏi núi Kỳ Xà Quật

Kinh báu này nói luôn

Vì thành thục sinh chúng

Thị hiện Bát Niết Bàn

Kiến phàm phu nhiễm trước

Lời ta nói chẳng tin

Những người đó thành thục

Ta hiện Bát Niết Bàn.

Lúc đó, đại hội có người Bà La Môn họ Kiều Trần Như tên là Thánh Ký, ở giữa đại chúng, lòng xét nét an tọa, với vô lượng trăm ngàn chúng Bà La Môn vây quanh trước sau mà chung cung kính cúng dường Đức Như Lai.

Nghe thọ mạng của Đức Phật Thế Tôn, tám mươi tuổi ứng vào Niết Bàn, ông ấy rơi lệ buồn khóc, cùng với trăm ngàn chúng Bà La Môn đều đứng dậy đảnh lễ dưới chân Đức Phật mà bạch rằng: Thưa Đức Thế Tôn!

Nếu Đức Phật Như Lai thương xót lợi ích tất cả chúng sinh mà Ngài đại từ đại bi muốn khiến cho họ đều được đại an lạc thì Ngài vì chúng sinh làm cha mẹ chân thật tối thượng vô đẳng và vô đẳng đẳng, vì thế gian làm chỗ quy y che chở hộ trì khiến cho các chúng sinh khoái lạc thanh lương như vầng trăng tròn đầy trong sạch tạo ra ánh sáng lớn, như mặt trời soi rọi đến núi Ưu Đà Diên.

Nếu Đức Phật Thế Tôn xem chúng sinh bình đẳng như La Hầu La thì nguyện xin Đức Phật vì con ban cho một ân đức. Lúc đó Đức Như Lai mặc nhiên chẳng đáp. Ở trong hội này có đồng tử con của Vua nước Lật Xa Tỳ tên là Nhất Thiết Chúng Hỷ Kiến, ở giữa đại chúng, đầy đủ biện từ, giỏi hay hỏi đáp.

Lúc đó, Vương Tử thừa thần lực của Đức Phật, nói với Bà La Môn Kiều Trần Như rằng: Thưa Đại Bà La Môn! Ngài cầu ân đức gì ở Đức Thế Tôn?

Ta có thể vì ông thi ân như ý muốn!

Vị Bà La Môn nói rằng: Hay thay!

Thưa Vương Tử! Chúng tôi nguyện muốn cung kính cúng dường thân của Đức Thế Tôn. Vậy nên chúng tôi muốn được Xá Lợi của Đức Như Lai, dù là như hạt cải.

Sở dĩ vì sao?

Vì theo như tôi nghe, nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân cung kính cúng dường Xá Lợi của Đức Như Lai thì làm đế chúa sáu Trời, giàu sang an lạc ắt được vô cùng.

Lúc đó Vương Tử liền đáp rằng: Thưa Đại Bà La Môn! Ngài hãy một lòng lắng nghe!

Nếu Ngài muốn nguyện cầu công đức không lường và quả báo sáu Trời thì Vua của các Kinh Kim Quang Minh này, khó nghĩ khó giải nhưng phước báo không cùng, điều chẳng thể biết của hàng Thanh Văn, Duyên Giác. Kinh nay nhiếp trì hết công đức như vậy và vô biên phước báo chẳng thể nghĩ bàn. Tôi nay vì ông lược nói điều đó vậy.

Vị Bà La Môn nói rằng: Hay thay! Thưa Vương Tử! Như vậy, Kinh Điển vi diệu Kim Quang Minh công đức vô biên, khó giải, khó giác ngộ... cho đến như Kinh này chẳng thể nghĩ bàn.

Những Bà La Môn bên cạnh nước của chúng ta đều nói như vậy: Nếu thiện nam tử và thiện nữ nhân được Xá Lợi của Đức Phật như hạt cải, đặt trong Tháp nhỏ, tạm thời lễ bái cung kính cúng dường thì công đức vô biên. Người này mạng chung làm chủ sáu Trời, thọ niềm vui thượng diệu chẳng thể cùng tận.

Ông nay làm sao mà chẳng ưa nguyện cúng dường Xá Lợi cầu quả báo này vậy?

Như vậy, thưa Vương Tử! Do nhân duyên này, tôi nay theo Đức Phật muốn cầu xin một ân huệ.

Lúc đó Vương Tử liền dùng kệ đáp ông Bà La Môn rằng:

Trong dòng sông chảy nhanh

Sinh được hoa Câu Vật

Xá Lợi thân Thế Tôn

Rốt ráo chẳng thể có.

Giả sử quạ màu hồng

Câu chỉ la hình trắng

Thân chân thật Thế Tôn

Chẳng thể thành Xá Lợi,

Giả sử Diêm Phù thọ cây

Hay sinh trái Đa La

Những cây Khư Thọ La

Chuyển sinh Am La quả

Như Lai vô diệt thân

Chẳng thể sinh Xá Lợi.

Giả sử rùa có lông

Khả dĩ dệt quần áo

Chẳng phải dối, Phật thân

Trọn không có Xá Lợi

Giả sử chân muỗi mòng

Khả dĩ làm thành quách lâu

Như Lai tịch tịnh thân

Không có việc Xá Lợi.

Ví con thủy chí trùng

Trong miệng sinh răng trắng

Như Lai giải thoát thân

Trọn không trói buộc sắc.

Sừng thỏ làm bậc thềm

Lên đến Trời từ đất

Xá Lợi mà nghĩ càn quấy

Công đức không chỗ đó.

Chuột leo thềm sừng thỏ

Nguyệt thực trừ Tu La

Nương Xá Lợi hết hoặc

Giải thoát không chỗ ra.

Như con ruồi say rượu

Chẳng thể tạo ổ hang

Với Phật không chánh hạnh

Ba thừa chẳng thể mong

Như lừa chỉ no đủ

Trọn không có kỹ năng

Ca múa khiến người thích

Là nhị thừa phàm tục,

Hay nói và hay làm

Tự, tha không chỗ đó.

Giả sử ngạc cùng quạ

Đồng thời đậu một cành

Hòa hợp nhau ái niệm

Thể Như Lai thật chân

Thân Xá Lợi hư vọng

Những điều đó đều không

Như lá Ba La Nại

Mưa gió, chẳng thể ngăn

Với Phật khởi hư vọng

Sinh tử chẳng diệt tan.

Như thuyền lớn trên biển

Chở của báu đầy tràn

Sức con gái mới lớn

Nắm giữ, điều nay không!

Pháp thân không bờ cõi

Đất bất tịnh não phiền

Như Lai, chẳng thể nhiếp

Nghĩa ấy cũng như trên.

Ví như loài chim sẻ

Chẳng thể ngậm Hương Sơn

Phiền não nương pháp thân

Chẳng bị phiền não động.

Như vậy Như Lai thân

Thậm thâm khó nghĩ lường

Nếu chẳng như pháp quán

Sở nguyện khó được thành.

Vị Bà La Môn nghe nghĩa này rồi liền dùng kệ đáp Vương Tử rằng: Hay thay! Hay thay!

Ông chân Phật Tử

Người đại cát tường

Thiện xảo phương tiện

Với lý chẳng động

Chánh ký đã thành

Vương Tử nghe tôi

Nay lần lượt nói:

Chỗ nương độ đời

Phật đức khó nghĩ

Cảnh giới Như Lai

Người không thể biết.

Tất cả Chư Phật

Chẳng chung cùng người.

Tất cả Chư Phật

Tịch tịnh xưa nay

Tất cả Chư Phật

Tu hành như nhau.

Tất cả Chư Phật

Thường trụ đời sau

Tất cả Chư Phật

Một thể đồng nhau.

Những nghĩa như vậy

Là pháp Như Lai.

Thân thật Như Lai

Chẳng phải tạo tác

Vì sao như thế?

Vì Phật vô sinh

Kim cương chẳng hoại

Trong ngoài không ngăn

Thị hiện tướng thân

Theo hóa sinh chúng.

Như Lai Đại Tiên

Không có sắc tượng

Như vậy là thân

Chẳng phải máu thịt

Làm sao mà được

Xá Lợi đó còn?

Vì hóa sinh chúng

Phương tiện hiện lên

Tất cả Chánh Giác

Chân pháp là thân.

Pháp giới thanh tịnh

Là Như Lai tên!

Vương Tử phải biết

Như vậy Phật thân

Đúng như Phật nói

Nghĩa lý như vậy

Tôi nghe biết rồi.

Vì thỉnh Như Lai

Rộng nói phân biệt

Nghĩa lý chân thật

Xá Lợi cầu xin

Mở phương tiện môn!

Lúc đó, ba vạn hai ngàn Thiên Tử trong hội nghe nói nghĩa thọ lượng thậm thâm như vậy của Như Lai rồi, tất cả đều đối với Đạo Bồ Đề Vô Thượng phát tâm kiên cố, vui mừng hớn hở, khác miệng đồng âm, nói kệ khen rằng:

Tất cả Chư Phật

Chẳng Bát Niết Bàn

Tất cả Chư Phật

Thân không hoại tan.

Chỉ vì thành thục

Các chúng sinh nên

Phương tiện Thắng trí

Thị hiện Niết Bàn

Như Lai đời trước

Chẳng thể nghĩ bàn

Như Lai hậu tế

Thường, không hoại tan

Như Lai trung tế

Đủ thứ nghiêm trang.

Chúng sinh pháp giới.

Đều vì lợi tha! Lúc đó, Bồ Tát Tín Tướng theo các Đức Như Lai và hai Đại Sĩ nghe nói ý nghĩa thọ mạng của Đức Thích Ca rồi thì được thỏa mãn sở nguyện, lòng không nghi hoặc, hớn hở vui mừng, thân tâm khoái lạc, trong ngoài cùng khắp.

Bấy giờ có vô lượng A tăng kỳ những loài chúng sinh nghe nghĩa này thì đối với đạo vô thượng, đều được phát tâm. Bốn Đức Như Lai bỗng nhiên biến mất, trong đại hội này chỉ còn lại Đức Thích Ca Như Lai.

***