Kinh Đại thừa

Bộ Pháp Hoa

PHẬT THUYẾT KINH LÃO NỮ NHÂN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Chi Khiêm, Đời Ngô
 

Tôi nghe như vậy!

Một thời Đức Phật dừng nghỉ tại trú xứ Lạc âm nước Đọa Xá La, cùng với tám trăm Tỳ Kheo và đông đủ một vạn Bồ Tát.

Bấy giờ, có một bà lão nghèo đến chỗ Đức Phật cúi đầu đảnh lễ sát đất, bạch với Đức Phật rằng: Kính thưa Đức Thế Tôn! Con có điều muốn hỏi.

Đức Phật bảo: Lành thay! Bà cứ hỏi.

Bà lão hỏi: Sanh từ đâu đến và đi về đâu?

Già từ đâu đến và đi về đâu?

Bệnh từ đâu đến và đi về đâu?

Tử từ đâu đến và đi về đâu?

Sắc, thọ, tưởng, tành, thức từ đâu đến và đi về đâu?

Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý từ đâu đến và đi về đâu?

Địa, thuỷ, hoả, phong, không từ đâu đến và đi về đâu?

Đức Phật bảo: Hay thay! Hỏi như vậy rất hay. Sanh không từ đâu đến và cũng không đi về đâu. Già không từ đâu đến và cũng không đi về đâu. Bệnh không từ đâu đến cúng không đi về đâu. Tử không từ đâu đến cũng không đi về đâu. Sắc, thọ, tưởng, hành, thức không từ đâu đến cũng không đi về đâu.

Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý không từ đâu đến cũng không đi về đâu. Địa, thuỷ, hoả, phong, không không từ đâu đến cũng không đi về đâu. Các pháp đều như vậy. Ví như hai thanh cây cọ xát vào nhau phát ra lửa rồi lửa lại đốt hai thanh cây, cây cháy hết lửa cũng tắt.

Phật bảo bà lão: Vậy ngọn lửa từ đâu đến và đi về đâu?

Bà lão thưa: Nhân duyên hoà hợp được lửa, nhân duyên ly tán thì lửa cũng mất.

Phật bảo: Các pháp cũng như vậy. Nhân duyên hoà hợp mới thành, nhân duyên ly tán tức diệt. Pháp không chỗ đến và không chỗ mất đi. Mắt thấy sắc tức là ý, ý tức là sắc.

Cả hai đều không, không có chỗ để mà thành, diệt cũng như vậy. Ví như cái trống không phải do một thứ mà thành. Khi khởi sự muốn thành phải có da, có cây, người cầm dùi đánh vào trống thì trống mới có âm thanh. Vậy âm thanh cũng không, âm thanh đó không phải âm thanh hiện tại, tương lai, hay âm thanh quá khứ.

Âm thanh đó không phải từ da, không phải từ cây, không phải từ dùi trống của người cầm, phải hợp các thứ lại mới thành tiếng trống. Âm thanh từ chỗ không nên cuối cùng là không. Vạn vật đều như vậy, vốn thanh tịnh không có nhân tạo ra pháp, pháp cũng không có sở hữu.

Ví như mây kéo đến mù mịt rồi mưa nhưng không từ thân Rồng xuất ra, cũng không từ tâm Rồng làm ra mà đều nhờ nhân duyên Rồng mới tạo thành trận mưa đó. Các pháp không chỗ đến và không chỗ đi. Ví như hoạ sĩ trước tiên phải dàn dựng giá vẽ, khung vải, sau đó pha trộn các màu cho hài hoà rồi mới vẽ.

Vậy vẽ không từ giá vẽ hay khung vải, cũng không từ tay người hoạ sĩ vẽ ra mà mỗi thứ theo ý làm mới thành. Sanh tử cũng vậy, mỗi thứ tuỳ theo sự hoạt động của nó mà thành. Ví như bị tai hoạ đoạ vào địa ngục, sinh lên Trời hay làm người thế gian cũng thế. Ngoài ra các thứ khác không phải tự nhiên mà có.

Bà lão nghe rồi vui mừng hớn hở nói: Nhờ hồng ân Đức Thế Tôn con đắc được pháp nhãn, tuy thân thể già yếu cũng được khai ngộ.

A Nan chỉnh y phục quì gối bạch Phật: Thưa Thế Tôn! Vì sao bà lão có trí tuệ như vậy, vừa mới nghe Phật thuyết liền khai ngộ.

Phật bảo A Nan: Bà bão này tiền thân đời trước là mẹ của ta. Bà có phát tâm học đạo.

A Nan hỏi Phật: Là mẹ tại sao bần cùng khốn khổ thế?

Phật bảo: Thuở quá khứ, vào thời Đức Phật Câu Lưu Tần. Ta muốn làm Sa Môn nhưng từ mẫu thương mến không cho ta đi, ta buồn rầu bỏ ăn một ngày. Vì thế, năm trăm đời bà sanh ở thế gian bị nghèo khổ.

Đời này thọ mạng hết sẽ sanh vào Cõi Phật A Di Đà, cúng dường Chư Phật và trải qua sáu mươi tám kiếp mới hoá thành Phật hiệu là Ba Kiền. Nước đó gọi là Hóa Hoa. Khi thành Phật mọi người ở đó ăn mặc như cung Trời Đao Lợi, nhân dân trong nước tuổi thọ một kiếp.

Đức Phật nói Kinh xong. Bà lão, A Nan, các vị Bồ Tát, Tỳ Kheo Tăng, Chư Thiên, Người, Quỷ, Thần, Rồng, A Tu La đều vui mừng khôn siết. Tất cả đứng trước Phật đảnh lễ thối lui.

***