Kinh Đại thừa

Các Bộ Khác

PHẬT THUYẾT

KINH LỜI DẠY CUỐI CÙNG

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
 

KINH TỰ
 

Đức Phật Thích Ca Mưu Ni, bắt đầu chuyển pháp luân, độ cho năm vị Tỳ Kheo là Tôn Giả Kiều Trần Như. Sau cùng, Ngài thuyết pháp độ cho ông Tu Bạt Đà La.

Những người nên độ, Ngài đã độ xong. Ngài nghỉ ở giữa hai cây Sa La và sắp nhập Niết Bàn. Khi ấy, vào khoảng nửa đêm, vẳng lặng không có tiếng động Ngài vì các đệ tử, nói qua về các giáo pháp quan yếu.
 

TRÌ GIỚI
 

Các vị Tỳ Kheo, sau khi tôi nhập diệt, các vị nên tôn trọng và trân kính Ba La Đề Mộc Xoa, như tối gặp sáng, như người nghèo được của báu. Các vị nên biết giới ấy là bậc Đại Sư của các vị và, không khác gì Tôi còn ở đời vậy.

Người giữ giới thanh tịnh, không được làm những việc như: Buôn bán, đổi chác, tạo dựng ruộng nhà, nuôi dưỡng người dân, tôi tớ, súc sinh. Hết thảy sự trồng trọt, các của cải châu báu, đều nên tránh xa, như tránh hầm lửa. Không được chặt phát cây cỏ, đào sới đất đai, điều hòa thuốc thang, xem tướng tốt, xấu quan sát tinh tú, suy đoán đủ, thiếu, lịch số kế toán, đều không nên làm.

Giữ thân tiết độ, ăn uống đúng thời, sinh hoạt nơi mình một cách thanh tịnh. Không được tham dự việc đời, sứ mệnh liên lạc, chú thuật thuốc tiên, kết thân với người sang, thân cận đậm đà với những người nhàm nhỡ, kiêu mạn, đều không nên làm.

Các vị nên tự giữ tâm ngay thẳng, suy niệm chân chính, để cầu độ thoát.

Các vị không được che dấu vết nhơ, bày trò khác lạ, để mê hoặc quần chúng.

Đối với bốn sự cúng dường, lượng biết tri túc. Được đồ cúng dường, không nên cất chứa.

Đó là nói qua về tướng trì giới.

Giới là căn bản chân chính thuận theo đường giải thoát, nên gọi là ba la đề mộc xoa. Nhân y vào giới này được sinh ra các thiền định và trí tuệ diệt khổ.

Thế nên, các vị Tỳ Kheo nên giữ giới thanh tịnh, đừng để thiếu, hủy. Nếu ai giữ được giới thanh tịnh, sẽ có các thiện pháp. Nếu không giữ giới thanh tịnh, các công đức thiện đều không sinh được. Do đó, nên biết giới là trụ xứ công đức an ổn thứ nhất vậy.
 

CHẾ TÂM
 

Các vị Tỳ Kheo, các vị đã an trụ trong giới luật, nên phải kiềm chế năm căn, đừng để nó buông thả vào năm dục. Ví như người chăn trâu, cầm roi dòm ngó nó, không để cho nó tha hồ xâm phạm vào lúa mạ người ta.

Nếu buông thả năm căn, chẳng phải nó chỉ lan vào năm dục, mà nó, hầu như xông tới không bờ bến nào và không thể chế phục được.

Cũng như con ngựa dữ, không thể dùng giây cương mà kiềm chế được và nó sẽ kéo người ta sa xuống hố.

Như bị cướp hại, chỉ khổ một đời, nhưng tai họa của giặc năm căn kéo đến nhiều đời, làm hại rất nặng, không thể không cẩn thận.

Thế nên, bậc trí giả kiềm chế năm căn mà chẳng dựa theo, gìn giữ nó như giặc, không để cho nó buông lung. Giả như, để cho nó buông lung, chẳng bao lâu, sẽ thấy sự tan diệt vì nó. Đối với năm căn ấy, tâm làm chủ chúng.

Do đó, các vị nên khéo chế phục tâm. Tâm rất đáng sợ, sợ hơn rắn độc, ác thú, oán tặc.

Và ngay như lửa cháy bừng bừng cũng chưa đủ làm ví dụ về chúng. Ví như có người tay cầm bát mật, di động hấp tấp, chỉ ngó bát mật, không thấy hố sâu.

Ví như voi cuồng không có móc câu, con khỉ, con vượn, kiếm được rừng cây, leo, trèo, nhẩy nhót, khó ngăn cấm, chế phục được chúng.

Nên gấp bẻ gẫy tâm niệm ấy, đừng để cho chúng buông lung. Buông lung tâm ấy, làm mất những việc tốt của người. Chế phục nó vào một chỗ, không việc gì là không xong.

Vì vậy, các vị Tỳ Kheo, nên siêng năng tinh tiến triết phục tâm các vị.
 

TIẾT ĐỘ SỰ ĂN UỐNG
 

Các vị Tỳ Kheo, các vị nhận các món ăn uống, nên tưởng như uống thuốc. Đối với các đồ ngon hay dở, các vị đừng sinh tâm tăng giảm.

Cốt giúp cho thân khỏi đói, khát là được. Như ong hái hoa, chỉ hút vị của hoa mà không làm tổn hại đến sắc và hương.

Các vị Tỳ Kheo cũng vậy, nhận sự cúng dường của người, cốt khỏi phiền não, chứ không được cầu nhiều, làm băng hoại thiện tâm của người.

Ví như bậc trí giả, biết lượng sức trâu, có thể làm việc được nhiều hay ít, đừng để nó làm quá phần, kiệt sức.
 

RĂN VIỆC NGỦ NGHỈ
 

Các vị Tỳ Kheo, ban ngày nên siêng năng tu tập các thiện pháp, không để phí thời giờ. Đầu đêm, cuối đêm cũng đừng bỏ phí công phu. Nửa đêm tụng Kinh, để tự quán sát lý sinh diệt tiêu tức.

Không bởi nhân duyên ngủ nghỉ, khiến cho một đời luống qua không ngộ được gì. Nên niệm ngọn lửa vô thường, đốt mọi thế gian, vì vậy, nên sớm cầu tự độ, đừng nên ngủ nghỉ. Các giặc phiền não, thường rình giết người.

Nó tệ hơn oán gia, sao có thể ngủ nghỉ được mà không tự răn tỉnh?

Rắn độc phiền não nằm ở tâm người. Ví như con rắn độc màu đen, ngủ trong nhà ngươi, ngươi nên lấy cái móc câu trì giới, sớm gạt trừ đi.

Con rắn ngủ trong nhà đã ra ngoài rồi, mới có thể ngủ yên được. Nếu nó không ra ngoài mà cứ nằm ngủ, đó là người không biết thẹn.

Bộ áo thẹn hổ, đối với các đồ trang nghiêm, nó là bậc nhất.Thẹn như móc câu bằng sắt, hay chế phục những người làm điều phi pháp. Thế nên, các vị Tỳ Kheo, thường thường phải biết thẹn hổ, không được thay đổi trong tạm thời.

Nếu xa lìa sự thẹn hổ thời mất các công đức. Người có tâm biết thẹn hổ thời có thiện pháp. Người không có tâm biết thẹn hổ thời cùng như các loài cầm thú không khác.
 

RĂN VỀ OÁN GIẬN
 

Các vị Tỳ Kheo, nếu có người lại cắt xẻo từng chi tiết nơi thân thể, nên tự nhiếp tâm đừng để cho nó phát sinh sân hận. Và, cũng nên giữ miệng, đừng thốt ra lời nói ác.

Nếu buông thả tâm oán giận thời tự mình làm phương ngại cho sự tiến đạo, mất sự lợi ích về công đức.

Đức nhẫn nhục, trì giới, khổ hạnh cũng không thể bì kịp. Người làm hạnh nhẫn nhục, mới được gọi là bậc đại nhân có lực.

Nếu ai không có thể vui vẻ nhận chịu được lời độc hại của sự ác mạ, như uống thuốc cam lộ, thời không được gọi là người trí tuệ vào đạo.

Sở dĩ thế là sao?

Cái hại của sự oán giận là nó phá hoại các thiện pháp, hư hoại các tiếng tốt, đời nay, đời sau, người ta không muốn nhìn thấy bằng một cách vui vẻ.

Nên biết, tâm oán giận, nó mạnh hơn lửa dữ, vậy, luôn luôn phải gìn giữ, không để nó xâm nhập được.

Giặc cướp công đức, không gì tệ hơn oán giận, người bạch y hưởng thụ các dục lạc, chẳng phải là người hành đạo, họ không có pháp gì để tự kiềm chế, họ khởi ra oán giận, còn có thể tha thứ được.

Người xuất gia hành đạo, không có sự ham muốn, mà còn ôm ấp tâm oán giận, rất không nên vậy. Ví như trong đám mây trong lạnh, khởi ra tia lửa sấm sét, thời không nên vậy.
 

RĂN VỀ KIÊU MẠN
 

Các vị Tỳ Kheo, nên xoa lên đầu mình, tự thấy, mình đã bỏ thứ trang sức tốt đẹp, mặc áo hoại sắc, mang giữ đồ ứng khí, lấy việc đi xin ăn để sống như thế, mà nếu, còn khởi ra tâm kiêu mạn, thời nên sớm diệt nó đi.

Tăng trưởng tính kiêu mạn, còn chẳng phải là người bạch y thế tục nên làm, huống là người xuất gia nhập đạo, đã vì sự giải thoát, tự hạ thân mình xuống, mà làm hạnh khất thực ư?
 

RĂN VỀ SIỂM KHÚC
 

Các vị Tỳ Kheo, tâm nịnh hót, cong queo, là trái với đạo, thế nên, cần phải giữ tâm chất trực.

Nên biết, nịnh hót, cong queo, chỉ là dối trá. Người đã vào đạo, thời không có lẽ ấy. Do đó, các vị phải nên giữ tâm ngay thẳng, lấy chất trực làm gốc.
 

THIỂU DỤC ÍT MUỐN
 

Các vị Tỳ Kheo, các vị nên biết: Người ham muốn nhiều, vì cầu lợi nhiều, nên khổ não cũng nhiều. Người ham muốn ít, không cầu không muốn, thời không có tai hoạn ấy.

Thẳng thắn mà nói, không có gì, sự ít ham muốn còn nên tu tập, huống là sự ít ham muốn còn sinh ra các công đức?

Người ít ham muốn thời không có tâm siểm khúc để cầu vừa ý người ta, và cũng lại không bị các căn lôi kéo.

Người làm hạnh thiểu dục ít ham muốn thời tâm thản nhiên, không lo sợ gì, chạm tới sự gì đều có thừa, và thường không có gì là không đầy đủ. Người có đức tính ít ham muốn thời có niết bàn. Thế gọi là thiểu dục.
 

TRI TÚC BIẾT ĐỦ
 

Các vị Tỳ Kheo, nếu muốn thoát khỏi các khổ não, nên quán tri túc biết đủ. Biết pháp tri túc, tức là chỗ giàu sang, vui vẻ và an ổn. Người tri túc, tuy nằm trên đất vẫn cho là vui vẻ.

Người không tri túc, tuy ở thiên đường cũng chẳng vừa ý. Người không tri túc, tuy giàu mà nghèo, người tri túc tuy nghèo mà giàu. Người không tri túc thường bị năm dục lôi kéo, bị người tri túc thương xót. Thế gọi là tri túc.
 

VIỄN LY
 

Các vị Tỳ Kheo, muốn cầu sự an lạc, vô vi tịch tĩnh, nên rời khỏi chốn ồn ào, ở nơi an nhàn một mình. Người ở chốn an tĩnh, vua Đế Thích cũng như Chư Thiên đều cùng kính trọng.

Thế nên, nên bỏ đồ chúng của mình và cả đồ chúng người khác, ở nơi trống vắng, an nhàn một mình, suy nghĩ về sự diệt trừ gốc khổ. Nếu ưa chỗ nhiều người, thì chịu nhiều phiền não.

Ví như cây lớn, mọi loài chim tụ tập trên đó, thì sẽ có tai hoạn khô gẫy. Sự ràng buộc của thế gian, đắm chìm trong mọi khổ. Ví như con voi già bị lún vào bùn, không thể tự rút ra được. Thế gọi là viễn ly xa lìa.
 

TINH TIẾN
 

Các vị Tỳ Kheo, nếu siêng năng tinh tiến thì việc gì cũng không nhớ. Thế nên, các vị nên siêng năng tinh tiến. Ví như giọt nước nhỏ chảy mãi, thời có thể làm thủng đá.

Nếu tâm của hành giả, thường thường lười biếng bỏ phế, như người dùi cây lấy lửa, cây chưa bốc nóng đã thôi, vì vậy, tuy muốn được lửa, nhưng lửa khó thể bùng lên được. Thế gọi là tinh tiến.
 

BẤT VONG NIỆM
 

Các vị Tỳ Kheo, cầu bậc thiện tri thức, cầu bậc thiện hộ trợ, không bằng cầu được tâm bất vong niệm không quên chính niệm.

Nếu người đã có tâm bất vong niệm, thời các giặc phiền não không thể xâm nhập được. Thế nên, các vị thường nên nhiếp niệm tại tâm.

Nếu mất chính niệm thời mất các công đức. Nếu năng lực của chính niệm kiên cường, tuy vào trong đám giặc ngũ dục, cũng không bị hãm hại. Ví như mặc áo giáp vào trận thời không sợ gì. Thế gọi là bất vong niệm.
 

THIỀN ĐỊNH
 

Các vị Tỳ Kheo, nếu nhiếp tâm được, thời tâm an tại định. Tâm an tại định nên cơ thể biết được pháp tướng sinh diệt của thế gian.

Thế nên các vị, thường nên tinh tiến tu tập các định. Nếu được định, tâm không tán loạn. Ví như các nhà trông coi về việc nước, khéo sửa trị đê, đường. Hành giả cũng vậy, vì nước trí tuệ, phải khéo tu thiền định, khiến cho không dò rỉ. Thế gọi là thiền định.
 

 TRÍ TUỆ
 

Các vị Tỳ Kheo, nếu có trí tuệ thì không tham đắm. Thường tự xem xét, không để cho mình có chỗ sai lạc. Như thế, ở trong giáo pháp của ta sẽ được giải thoát.

Nếu không được như thế, đã không phải là đạo nhân, cũng khôngphải là bạch y và, không gọi là tên gì được vậy!

Người có trí tuệ như thực, như là có con thuyền bền chắc vượt qua biển lão, bệnh, tử, cũng là ngọn đèn rất sáng soi chỗ vô minh tăm tối, là lương dược chữa trị mọi bệnh, là búa sắc đẵn cây phiền não.

Thế nên các vị, nên lấy văn, tư, tu tuệ, tăng thêm sự ích lợi cho mình. Nếu người nào có sự soi sáng bởi trí tuệ, tuy là nhục nhãn, nhưng là người minh kiến thấy rõ vậy. Thế gọi là trí tuệ.
 

KHÔNG HÝ LUẬN
 

Các vị Tỳ Kheo, mọi thứ hý luận, nó làm tâm loạn. Còn vương vào hý luận, tuy là xuất gia, nhưng chưa được thoát.

Thế nên, các vị Tỳ Kheo, nên gấp lìa bỏ hý luận loạn tâm. Nếu các vị muốn được sự an vui tịch diệt, chỉ nên khéo diệt cải tai hoạn hý luận. Thế gọi là không hý luận.
 

TỰ GẮNG SỨC
 

Các vị Tỳ Kheo, đối với các công đức, thường nên nhất tâm, bỏ mọi sự phóng dật, như là bỏ oán tặc. Đại bi Thế Tôn nói ra những điều lợi ích, đều đã trọn vẹn, các vị nên siêng năng thực hành.

Khi ở trong núi non, khi ở bên đầm trống, khi ở dưới gốc cây, hay khi ở chốn an nhàn, trong ngôi nhà vắng vẻ, cần niệm những giáo pháp đã lĩnh thụ, đừng để cho quên mất. Thường nên tự gắng sức, tinh tiến tu theo những pháp ấy. Không làm gì, chết rỗng không, sau này sẽ đưa lại sự hối tiếc.

Ta như thày thuốc hay, biết bệnh cho thuốc, uống hay không uống, lỗi không phải nơi thày thuốc. Lại như người khéo chỉ đường, chỉ cho người ta con đường thiện, nghe mà không đi, không phải lỗi ở người chỉ đường vậy.
 

 QUYẾT NGHI
 

Các vị, nếu trong pháp Tứ Đế như khổ. Còn có chỗ nào nghi ngờ, các vị nên hỏi mau lên, không được mang lòng ngờ vực, mà không cầu sự giải quyết. Khi ấy đức Thế Tôn xướng lên ba lần như thế, không có vị nào hỏi nữa.

Sở dĩ thế là sao?

Vì chúng không còn nghi ngờ nữa.

Bấy giờ Tôn Giả A Nâu Lâu Đà quán sát tâm đại chúng, bạch Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn, mặt trăng có thể nóng, mặt trời có thể lạnh, Chư Phật nói pháp Tứ Đế, không thể có sự sai khác được. Phật nói Khổ Đế thực là khổ, không thể vui được. Tập Đế thực là nhân, không có nhân khác. Khổ, nếu diệt trừ, tức là nhân diệt.

Nhân diệt nên quả diệt. Đạo diệt khổ, thực là chân đạo, không còn đạo nào khác nữa. Bạch Đức Thế Tôn các vị Tỳ Kheo, đối với pháp Tứ Đế, quyết định không còn sự ngờ vực gì nữa.
 

CHÚNG SINH ĐẮC ĐỘ
 

Trong chúng này, những vị chưa làm xong công việc tu chứng, thấy Phật diệt độ, nên có sự bi cảm. Vì mới nhập pháp, nghe lời Phật nói, liền đắc độ. Ví như ban đêm thấy ánh chớp, liền được thấy đạo.

Nếu vị nào đã làm xong việc tu chứng, đã vượt qua biển khổ liền khởi niệm rằng: Thế Tôn diệt độ, nhất thời, sao chóng vậy!

Tôn Giả A Nâu Lâu Đà nói ra lời trên rồi, trong chúng đều tỏ suốt nghĩa tứ Thánh đế.

Đức Thế Tôn muốn cho đại chúng này được kiên cố, Ngài đem tâm đại bi lại vì chúng nói: Các vị Tỳ Kheo, đừng mang lòng bi não, nếu ta ở đời một kiếp, hội hợp rồi cũng tan diệt. Hội hợp mà không tan lìa, hoàn toàn không thể có được. Việc tự lợi lợi tha, các pháp đều đã đầy đủ.

Nếu Ta ở đời lâu nữa cũng không ích gì. Nếu những người ở trên Cõi Trời hay cõi người, nên độ, đều đã độ, những người chưa được độ, đều cũng đã gây nhân duyên đắc độ.
 

PHÁP THÂN THƯỜNG TẠI
 

Từ nay về sau, các đệ tử của ta, triển chuyển thực hành các giáo pháp ấy, thời như pháp thân Như Lai thường trụ không tan diệt.

Vì vậy, nên biết: Đời là vô thường, họp tất có tan. Đừng mang lòng ưu não. Thế tướng như thế. Nên siêng năng tinh tiến, sớm cầu giải thoát.

Dùng ánh sáng trí tuệ, diệt các si ám. Thế gian thực nguy ngập, không bền chắc. Ta nay được diệt độ, như trừ được ác bệnh. Thân này là tấm thân nên xả. Thân này là vật tội ác, mượn danh là thân mà thôi.

Ai là người có trí tuệ, trừ diệt được nó đi, như giết oán tặc, mà lại không hoan hỷ?
 

KẾT LUẬN
 

Các vị Tỳ Kheo, thường nên nhất tâm siêng cầu đạo xuất thế. Hết thảy pháp động hay bất động ở thế gian, đều là tướng trạng bại hoại bất an.

Các vị hãy ngưng, đừng nên hỏi nữa.

Thời gian sắp qua, ta muốn diệt độ. Đây là lời giáo hối tối hậu của ta.

***