Kinh Nguyên thủy
Phật Thuyết Kinh Ma Ha Diễn Bảo Nghiêm
PHẬT THUYẾT
KINH MA HA DIỄN BẢO NGHIÊM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Thi Hộ, Đời Tống
PHẦN BA
Này Tôn Giả Ca Diếp! Ví như ngôi nhà suốt trăm năm tăm tối, nếu khi thắp đèn sáng liệu bóng tối ấy có nghĩ ta phải ở đây chẳng đi đâu chăng?
Đáp: Bạch Thế Tôn, không. Bóng tối ấy chắc chắn diệt mất.
Cũng vậy, này Tôn Giả Ca Diếp! Nếu có chúng sinh đã tạo nghiệp trong trăm ngàn kiếp, nay dùng một pháp quán sát chân chánh, ánh đèn của trí vô lậu sẽ trừ diệt hết.
Ví như hạt giống chẳng sinh trưởng trong hư không. Cũng vậy, Bồ Tát chẳng từ vô vi mà sinh pháp Phật.
Ví như trong đại địa, các loại cỏ cây xen tạp mà mọc lên năm thư lúa thóc. Cũng vậy, Bồ Tát ở trong đời kiết phược xen tạp mới sinh ra pháp Phật.
Ví như trên đất liền chẳng sinh hoa sen. Cũng vậy, Bồ Tát ở trong vô vi chẳng sinh pháp Phật.
Ví như trong bùn nước ẩm thấp sinh ra nhiều loại hoa sen. Cũng vậy, Bồ Tát ở trong kiết phược của chúng sinh mới sinh pháp Phật.
Ví như trong bốn biển đầy chất đề hồ, phải biết Bồ Tát gieo trồng căn lành cũng như vậy. Ví như chẻ sợi lông ra làm trăm phần, lấy một phần của sợi lông chấm vào một giọt nước trong bốn biển, phải biết Thanh Văn gieo trồng căn lành cũng ít như vậy.
Ví như khoảng trống trong hột cải, phải biết Thanh Văn gieo trồng căn lành cũng nhỏ ít như vậy.
Ví như hư không trong mười phương, phải biết Bồ Tát gieo trồng căn lành cũng nhiều như vậy.
Ví như hoàng hậu của Vua Sát lợi thông dâm với kẻ hạ tiện, sau đó sinh một người con.
Ý ông thế nào?
Đứa con này là vương tử chăng?
Đáp: Bạch Thế Tôn, chẳng phải.
Cũng vậy, này Tôn Giả Ca Diếp! Các Thanh Văn này từ pháp giới của ta sinh ra nhưng tất cả họ đều chẳng phải đệ tử của Thế Tôn.
Ví như Vua Sát lợi đảnh sinh, giao hợp với kẻ tiện nữ, sau đó sinh ra một người con.
Ý ông thế nào?
Đứa bé do người tiện nữ sinh ra chẳng phải là vương tử chăng?
Bạch Thế Tôn, chính là vương tử.
Cũng vậy, này Tôn Giả Ca Diếp! Tuy sinh ra từ tầng lớp thấp kém nhưng vẫn gọi là vương tử. Cũng vậy, Bồ Tát từ lúc mới phát đạo tâm, tuy trụ trong sinh tử để giáo hóa chúng sinh, nhưng tất cả đều là đệ tử của Như Lai.
Ví như Chuyển Luân Thánh Vương tuy có ngàn con nhưng không người nào có tướng của Thánh Vương. Ý của Thánh Vương không nghĩ đó là con trai của mình.
Cũng vậy, này Tôn Giả Ca Diếp! Đức Như Lai tuy có trăm ngàn chúng đệ tử Thanh Văn, nhưng không có vị Bồ Tát nào, Đức Như Lai chẳng tưởng về những người ấy.
Ví như phu nhân của Thánh Vương mang thai bảy ngày, sẽ sinh một hoàng nam, đủ tướng của Thánh Vương, Chư Thiên Trời Đao Lợi đều kính trọng hơn các cậu bé khác.
Vì sao?
Vì hoàng nam tuy còn nhỏ nhưng sẽ nối ngôi Thánh Vương. Cũng vậy, Bồ Tát khi mới phát tâm đạo, các căn tuy chưa đủ nhưng các chúng Trời trông thấy thảy đều cung kính hơn bậc A La Hán đủ tám giải thoát.
Vì sao?
Vì Bồ Tát mới phát tâm các căn chưa đủ nhưng chẳng đoạn mất giống Phật.
Ví như có một viên ngọc ma ni nhỏ vẫn hơn cả khối thủy tinh lớn bằng núi Tu Di. Cũng vậy, Bồ Tát dầu mới phát tâm đạo vẫn hơn hẳn tất cả Thanh Văn.
Này Tôn Giả Ca Diếp! Ví như phu nhân của Chuyển Luân Thánh Vương mới sinh được hoàng nam, tất cả quần thần đều bái yết. Cũng vậy, Bồ Tát mới phát tâm đạo, tất cả hàng Trời người đều nên kính lễ.
Ví như trên núi Tu Di mọc lên các cây thuốc hay, có thể chữa lành bệnh hoạn đau khổ cho tất cả mọi người, không có giới hạn. Cũng vậy, Bồ Tát tu học thuốc trí tuệ trị lành bệnh sinh tử cho tất cả mọi người, cũng không có giới hạn.
Ví như kính lễ mặt nguyệt từ lúc mới mọc chẳng phải đợi sau khi tròn đầy.
Cũng vậy, này Tôn Giả Ca Diếp! Kính lễ Bồ Tát khi mới phát tâm thì hơn hẳn, chẳng phải đợi thành Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác.
Vì sao?
Vì chư Phật Như Lai đều từ Bồ Tát sinh.
Này Tôn Giả Ca Diếp! Ví như không bỏ mặt nguyệt mà thờ các tinh tú. Cũng vậy, không có chuyện lìa xa Bồ Tát đủ giới đức và trí tuệ mà lễ bái Thanh Văn.
Này Tôn Giả Ca Diếp! Ví như tất cả hàng Trời, người không thể dung thủy tinh làm ra ngọc báu ma ni. Cũng vậy, Thanh Văn dầu đã thành tựu tất cả giới hạnh thanh tịnh vẫn không thể ngồi nơi cội cây Bồ Đề mà thành đạo Chánh chân vô thượng.
Ví như người được ngọc báu ma ni lại được vô lượng trăm ngàn vật báu khác. Cũng vậy, Bồ Tát thị hiện ở thế gian thì có được vô lượng Thanh Văn, Duyên Giác xuất hiện ở thế gian.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Tôn Giả Đại Ca Diếp: Bồ Tát vì tất cả chúng sinh, cầu tu các căn lành, đầy đủ thuốc trí tuệ, trụ khắp bốn phương tùy theo bệnh mà chữa trị thích ứng như thật.
Này Ca Diếp! Thế nào là chữa trị như thật?
Nghĩa là dùng quán bất tịnh về thân để trừ bệnh tham dục, dùng tâm từ trị bệnh sân hận, dùng duyên khởi để trị ngu si, dùng quán không để trị các kiến chấp, dùng vô tướng trị tất cả bốn tướng, dùng vô nguyện trị tất cả dục giới, sắc giới và vô sắc giới, dùng bốn thứ phi điên đảo trị bốn thứ điên đảo nơi tất cả hạnh.
Dùng vô thường trị vọng tưởng có thường trong vô thường, dùng khổ trị vọng tưởng có vui trong cái khổ, dùng vô ngã trị vọng tưởng có ngã trong vô ngã, dung tưởng bất tịnh trị vọng tưởng có tịnh trong bất tịnh, dùng bốn niệm xứ trị những kiến chấp thân trong thân thọ tâm pháp.
Quán thân thì chẳng khởi ngã kiến mà quán thân.
Quán thọ thì chẳng khởi ngã kiến mà quán thọ.
Quán tâm thì chẳng khởi ngã kiến mà quán tâm.
Quán pháp thì chẳng khởi ngã kiến mà quán pháp.
Dùng bốn ý đoạn bốn chánh cần để đoạn dứt tất cả pháp bất thiện và tu tập tất cả pháp thiện.
Dùng bốn thần túc để xả bỏ vọng tưởng về thân tâm chân thật.
Dùng năm căn năm lực để trị chẳng tín, biếng nhác, niệm loạn, không trí.
Dùng bảy giác chi để trị sự không trí đối với các pháp.
Dùng tám Thánh đạo để trị tất cả tà đạo.
Ca Diếp, đây gọi là tùy theo bệnh mà chữa trị như thật cho thích ứng.
Này Tôn Giả Ca Diếp! Bồ Tát phải như đây mà tu học.
Lại nữa, này Tôn Giả Ca Diếp! Giả sử khiến tất cả chúng sinh nơi các quốc độ trong Tam thiên đại thiên thảy đều như Y Vương Kỳ Vực.
Nếu có người hỏi: Dùng thuốc gì để trị bệnh kia kiết sử, tà kiến, nghi, hối trong tâm thì chắc chắn họ không đáp được, chỉ có Bo tát mới đáp được.
Thế nên, này Tôn Giả Ca Diếp! Bồ Tát phải nghĩ: Ta chẳng nên cầu lấy thuốc của thế gian mà phải tu tất cả căn lành để cầu học thuốc của xuất thế gian, chính là thuốc trí tuệ, rồi đi khắp bốn phương tùy theo bệnh của chúng sinh mà chữa trị đúng như thật.
Lại nữa, này Tôn Giả Ca Diếp! Thế nào là thuốc trí tuệ xuất thế gian?
Nghĩa là trí biết các pháp do duyên hòa hợp mà sinh, trí tin tất cả pháp không có ngã, nhân, thọ mạng, trí hiểu tất cả pháp là không, không có tâm kinh sợ.
Bồ Tát quán như vậy:
Gì là tâm tham dục?
Gì là tâm sân giận ngu si?
Là quá khứ chăng?
Là vị lai hay hiện tại chăng?
Nếu là quá khứ thì tâm đã diệt hết. Nếu là vị lai thì tâm vị lai chưa sinh khởi. Nếu là hiện tại thì tâm hiện tại chẳng trụ.
Như vậy, này Tôn Giả Ca Diếp! tâm vị lai chẳng ở bên trong, cũng chẳng ở bên ngoài, cũng chẳng ở khoảng giữa. Tâm là phi sắc, không thể thấy, cũng không đối, không biết, không tri, không an trụ, không nương tựa.
Này Tôn Giả Ca Diếp! Tâm ấy, tất cả Chư Phật đều chẳng đã thấy, chẳng sẽ thấy, chẳng đang thấy. Nếu tất cả Chư Phật chẳng đã thấy, chẳng sẽ thấy, chẳng đang thấy thì làm sao biết có chốn tu hành, chỉ do điên đảo tưởng nên có sự vận hành của các pháp. Các pháp như huyễn như hóa, thọ nhận vô số thứ để sinh khởi. Tâm này như gió bay xa, không thể nắm giữ được.
Tâm như dòng nước chảy nên không thể an trụ.
Tâm như ngọn đèn do các duyên tương tục mà có.
Tâm như lúc ánh chớp chẳng đứng yên.
Tâm như sương mù làm cấu uế các vật bên ngoài.
Tâm như khỉ vượn vì tham chấp tất cả cảnh giới.
Tâm như họa sư vì tạo ra vô số các pháp.
Tâm chẳng đắc trụ vì tùy theo các kiết sử.
Tâm thường một mình không có bạn vì ưa thích giong ruổi.
Tâm như Đại Vương vì là thủ lãnh tất cả pháp.
Tâm này như người mẹ vì sinh ra tất cả khổ.
Tâm này như đống lửa cháy vì làm tiêu tan tất cả các căn lành.
Tâm này như cá nuốt lưỡi câu vì khổ mà tưởng là vui.
Tâm này như mộng vì trong vô ngã mà tưởng có ngã.
Tâm này như loài ruồi nhặng vì trong bất tịnh mà tưởng là tịnh.
Tâm này như oan gia vì đã làm những việc không đáng làm.
Tâm này như La Sát vì thường ưa tìm dịp hại người.
Tâm này như kẻ ganh ghét vì thường ưa tìm lỗi của người khác.
Tâm này không thể thương yêu vì thương yêu là mê tối.
Tâm này như kẻ giặc vì đoạn mất tất cả căn lành.
Tâm này tham đắm nơi sắc như loài thiêu thân đâm đầu vào lửa.
Tâm này tham âm thanh như quân binh thích tiếng trống trận.
Tâm này tham ái hương như loài heo ưa chỗ dơ bẩn.
Tâm này tham đắm mùi vị như khiến người ưa thích ăn uống.
Tâm này ưa tiếp xúc như ruồi nhặng ưa mùi hôi.
Suy tìm tâm không có cũng không thể thủ đắc.
Nếu không thể thủ đắc tức không có quá khứ, vị lai, hiện tại.
Nếu không có quá khứ, vị lai, hiện tại tức vượt qua ba đời.
Nếu vượt qua ba đời tức là chẳng có cũng chẳng không.
Nếu chẳng có chẳng không tức là chẳng sinh khởi.
Nếu chẳng sinh thì đây là vô tánh.
Nếu vô tánh thì chính là chẳng khởi.
Nếu chẳng khởi thì cũng chẳng diệt.
Nếu chẳng diệt tức không hủy hoại.
Nếu không hủy hoại tức là không đến không đi.
Nếu không đến không đi tức là không có sự sinh tử.
Nếu không đến đi, không sinh tử tức là không hành.
Nếu không hành tức là vô vi.
Nếu vô vi tức là tánh của Hiền Thánh.
Nếu là tánh của Hiền Thánh thì không có giữ giới hay không phải là không giữ giới. Nếu không có giữ giới hay không phải là không giữ giới tức không có hành oai nghi, cũng không có chẳng oai nghi.
Nếu không có hành, không có oai nghi hay chẳng phải là không oai nghi thì không có tâm, không có số pháp của tâm.
Nếu không có tâm và số pháp của tâm thì không có nghiệp không có báo.
Nếu không có báo thì không có khổ không có vui.
Nếu không có khổ vui tức là tánh của Hiền Thánh.
Nếu là tánh của Hiền Thánh thì không có nghiệp, không có tạo tác. Như trong tánh này thì không có thân nghiệp, cũng không có khẩu nghiệp, ý nghiệp. Tánh này bình đẳng không có thượng, trung, hạ, cũng không có sai biệt. Vì tất cả các pháp thảy đều bình đẳng.
Này Tôn Giả Ca Diếp! Tánh này xa lìa vì lìa thân khẩu.
Tánh này vô vi vì thuận với Niết Bàn.
Tánh này thanh tịnh vì lìa tất cả các phiền não cấu uế.
Tánh này vô ngã vì lìa ngã và ngã sở.
Tánh này bình đẳng vì lìa hư thật.
Tánh này chân thật hơn hết vì là đệ nhất nghĩa.
Tánh này cho đến tận cùng cũng chẳng khởi vì thường như pháp.
Tánh này an lạc vì đồng đẳng với vô vi.
Tánh này thanh khiết vì rốt ráo không có cấu uế.
Tánh này phi ngã, cầu ngã vì không thể thủ đắc.
Tánh này trong lành vì thanh tịnh rốt ráo.
Này Tôn Giả Ca Diếp! Các ông phải cầu bên trong chớ nên cầu bên ngoài. Đời vị lai, sẽ có Tỳ Kheo giong ruổi như chó.
Thế nào là Tỳ Kheo giong ruổi như chó?
Ví như có người lấy cục đất ném chó làm cho nó sợ, chó liền đuổi theo cục đất, chẳng đuổi theo người ném.
Cũng vậy, này Tôn Giả Ca Diếp! Có những Sa Môn, Bà La Môn sợ sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp mà trở lại ưa ở trong đó, chẳng chịu quán ben trong, chẳng biết thế nào là rời sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.
Vì chẳng biết, chẳng quán sát nên rơi vào thế gian, lại bị sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp trói chặt. Họ ở trong chốn núi rừng vắng vẻ đến mạng chung, do trì tục giới nên được sinh lên Cõi Trời, lại bị sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp nơi Cõi Trời trói chặt, nên khi thân hoại mạng chung, sinh vào bốn đường ác.
Những gì là bốn?
Nghĩa là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, A tu la.
***