Kinh Nguyên thủy

Phật Thuyết Kinh Ma Ha Diễn Bảo Nghiêm

PHẬT THUYẾT

KINH MA HA DIỄN BẢO NGHIÊM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Thi Hộ, Đời Tống
 

PHẦN BỐN
 

Này Tôn Giả Ca Diếp! Tỳ Kheo giong ruổi như chó cũng như vậy.

Thế nào là Tỳ Kheo chẳng giong ruổi như chó?

Nếu bị người chửi thì im lặng chịu đựng chẳng đáp lại. Nếu bị trách mắng giận dữ Tỳ Kheo cũng chẳng giận lại.

Chỉ quán bên trong thân: Đánh, mắng là ai?

Ai lãnh chịu, ai giận dữ?

Này Tôn Giả Ca Diếp! Như vậy là Tỳ Kheo chẳng giong ruổi như chó.

Ví như người chăn ngựa giỏi, tùy ngựa ngang bướng vẫn có thể điều phục. Tỳ Kheo tu hành cung như vậy, tùy tâm của vị ấy giong ruổi về hướng nào thì theo đó chế ngự, chớ để buông lung.

Ví như người nghẹt yết hầu ắt có thể chết.

Cũng vậy, này Tôn Giả Ca Diếp! Tất cả các kiến chấp chỉ có ngã kiến là có thể đoạn dứt tuệ mạng.

Ví như có người bị trói, lần theo chỗ trói ấy thời ắt sẽ mở được. Cũng vậy, tùy theo tâm chấp trước chỗ nào mà Tỳ Kheo liền trừ diệt.

Này Tôn Giả Ca Diếp! Người xuất gia học đạo có hai sự trói buộc.

Thế nào là hai?

Một là đọc tụng Kinh sách thế tục.

Hai là mang giữ y bát mà chẳng tinh tấn.

Lại nữa, này Tôn Giả Ca Diếp! Người xuất gia học đạo có hai sự trói buộc.

Thế nào là hai?

Một là trói buộc vì kiến thức.

Hai là bị tiền tài danh lợi trói buộc.

Lại nữa, này Tôn Giả Ca Diếp! Người xuất gia học đạo có hai pháp chướng ngại.

Những gì là hai?

Một là thân cận với hàng bạch y.

Hai là ganh ghét thầy bạn.

Người xuất gia học đạo lại có hai thứ cấu uế.

Những gì là hai?

Một là giữ lấy hai kiết sử.

Hai là đến nhà người quen xin ăn.

Lại nữa, này Tôn Giả Ca Diếp! Người xuất gia học đạo có hai thứ hành hủy hoại.

Những gì là hai?

Một là phỉ báng chánh pháp.

Hai là phạm giới mà nhận của tín thí.

Lại nữa, người xuất gia học đạo còn có hai thứ ung nhọt.

Những gì là hai?

Một là dòm ngó lỗi người.

Hai là che đậy lỗi mình.

Lại nữa, này Tôn Giả Ca Diếp! Người xuất gia có hai sự phiền não thiêu đốt.

Thế nào là hai?

Một là đắp mặc pháp y để che giấu tâm cấu uế.

Hai là muốn làm cho người có giới hạnh thuận theo ý mình.

Người xuất gia tu học lại có hai thứ bệnh.

Thế nào là hai?

Một là kiêu căng ngạo mạn, chẳng xem xét tâm.

Hai là hủy báng người học đại thừa.

Lại nữa, này Tôn Giả Ca Diếp! Hàng Sa Môn xưng là Sa Môn có bốn hạng.

Thế nào là hàng Sa Môn xưng là Sa Môn có bốn hạng?

Một là hình sắc giống Sa Môn.

Hai là Sa Môn trá hiện oai nghi.

Ba là Sa Môn tham danh tiếng.

Bốn là Sa Môn chân thật.

Thế nào là hình sắc giống Sa Môn?

Nghĩa là có hạng Sa Môn đầy đủ hình tướng, cạo bỏ râu tóc, đắp mặc pháp y, tay ôm bình bát, nhưng thân hành ác, miệng ý đều hành ác, chẳng tu tập, chế ngự, cũng chẳng giữ gìn nên phạm giới, làm ác, tham lam, chẳng tinh tấn.

Này Tôn Giả Ca Diếp! Đây gọi là hình sắc giống Sa Môn.

Thế nào là Sa Môn trá hiện oai nghi?

Có hạng Sa Môn thành tựu các phép tắc, chánh niệm quán sát trong việc đi lại, ăn uống biết dừng đủ, hành bốn Thánh chủng, chẳng ưa chúng hội tụ tập kiểu thế tục, ít nói, ít ngủ, nhưng oai nghi của họ đều là giả dối không thật, chẳng mong muốn tâm thanh tịnh.

Chẳng tu tập chỉ quán mà có những kiến tưởng, đối với pháp không, khởi lên tưởng chấp như hố sâu. Nếu có Tỳ Kheo tu tập pháp không thì họ tưởng như oan gia.

Này Tôn Giả Ca Diếp! Đây gọi là Sa Môn trá hiện oai nghi.

Thế nào là Sa Môn tham danh tiếng?

Có hạng Sa Môn vâng giữ giới cấm là muốn cho người khác biết mình giữ giới. Tinh tấn học hỏi là muốn cho người khác biết mình có học hỏi. Ở nơi tịch tĩnh là muốn người khác biết mình là A lan nhã. Thiểu dục tri túc, ở một mình là cũng muốn cho người khác biết được.

Chẳng nhàm bỏ sinh tử. Chẳng xa lìa dục lạc, chẳng ưa thích vắng lặng. Chẳng muốn cầu đạo, lìa bỏ phạm hạnh, chẳng vì Niết Bàn.

Này Tôn Giả Ca Diếp! Đấy gọi là Sa Môn ưa danh tiếng.

Thế nào Sa Môn chân thật?

Có bậc Sa Môn chẳng vì thân mạng, huống hồ lại tham tiền tài, đắm danh lợi. Họ thích nghe pháp khôngvô tướng vô nguyện. Nghe pháp rất hoan hỷ, tu hành đúng pháp. Chẳng vì Niết Bàn mà tu phạm hạnh huống hồ là vì ba cõi.

Họ chẳng khởi chấp không huống chi là chấp về ngã nhân thọ mạng, chỉ nương vào pháp ấy để cầu đạo, lìa kiết sử đạt giải thoát, chẳng tìm cầu ngoại đạo, quán tánh các pháp là thanh tịnh rốt ráo, không vướng cấu uế mà tự quán chiếu, chẳng nhờ vào năng lực của người khác.

Đúng như pháp, nghĩa là chẳng thấy Như Lai huống chi là thấy có sắc thân, chẳng thấy pháp vô dục huống hồ lại thấy có sự trang sức, chẳng tưởng về vô vi, huống hồ lại thấy có các công đức, chẳng tu tập theo pháp đoạn, chẳng học theo pháp tu, chẳng trụ nơi sinh tử, chẳng chấp nơi Niết Bàn, chẳng cầu giải thoát, cũng chẳng cầu trói buộc, biết tất cả pháp là rốt ráo thanh tịnh, chẳng sinh chẳng diệt.

Này Tôn Giả Ca Diếp! Đây gọi là Sa Môn chân thật.

Thế nên, này Tôn Giả Ca Diếp! Phải học theo Sa Môn chân thật ấy, chớ tập theo Sa Môn tham cầu danh tiếng.

Ví như người bần cùng, bên ngoài giả danh giàu sang.

Ý ông thế nào?

Người ấy có xứng với danh không?

Bạch Thế Tôn, không.

Cũng vậy, này Tôn Giả Ca Diếp! Sa Môn chỉ có danh tự không có đức hạnh của Sa Môn, ta nói người này cũng như người nghèo cùng kia.

Ví như có người đang bị dòng nước lớn cuốn trôi, nhưng khát nước mà chết.

Cũng vậy, này Tôn Giả Ca Diếp! Có những Sa Môn, Phạm chí tu học nhiều Kinh pháp mà không thể ngăn được sự khao khát về tham, sân, si. Người ấy cũng bị trôi chìm trong nước pháp mà chết vì khao khát phiền não, sinh trong đường ác cũng như vậy.

Ví như thầy thuốc tay cầm các thứ thuốc, trị lành bệnh người khác mà không thể trị lành bệnh của chính mình.

Cũng vậy, này Tôn Giả Ca Diếp! Có những Sa Môn, Phạm chí đọc tụng nhiều giáo pháp mà chẳng trừ được bệnh tham, sân, si của mình.

Ví như có người uống thuốc quý của nhà Vua mà chẳng thích hợp nên phải chết.

Cũng vậy, này Tôn Giả Ca Diếp! Có nhiều Sa Môn, Phạm chí chẳng hành đúng như pháp, nên phát nhiều bệnh phiền não, sau khi chết sinh vào cõi ác.

Ví như ngọc ma ni rơi vào chỗ bất tịnh thì không được giá trị như trước.

Cũng vậy, này Tôn Giả Ca Diếp! Những Sa Môn, Phạm chí tham đắm của cải danh lợi, nên biết những vị ấy cũng như viên ngọc ma ni rơi vào chỗ bất tịnh không còn giá trị gì cả.

Ví như thây người chết đeo chuỗi vàng.

Này Tôn Giả Ca Diếp! Người phạm giới mà đắp mặc pháp y cũng như vậy.

Ví như Trưởng Giả tử tự tắm gội sạch sẽ, mặc y phục mới, thoa bột thơm, đeo tràng hoa.

Này Tôn Giả Ca Diếp! Bậc Đa văn trì giới, mặc pháp y cũng như vậy.

Lại nữa, này Tôn Giả Ca Diếp! Có bốn hạng chẳng trì giới nhưng giống như trì giới.

Những gì là bốn?

Có hàng Tỳ Kheo hộ trì giới cấm, đầy đủ oai nghi, tâm thường lo sợ dù chỉ phạm lỗi nhỏ. Giới mà Tỳ Kheo ấy giữ rất thanh tịnh, oai nghi phép tắc đầy đủ. Thân, khẩu, ý nghiệp và chánh mạng thanh tịnh, mà lại chấp ngã.

Này Tôn Giả Ca Diếp! Đây gọi là loại Tỳ Kheo thứ nhất, chẳng trì giới nhưng tựa như trì giới.

Lại có Tỳ Kheo tụng luật thông suốt, an trú theo giới luật nhưng chẳng đoạn thân kiến.

Này Tôn Giả Ca Diếp! Đây là hạng thứ hai, chẳng trì giới nhưng tựa như trì giới.

Lại có Tỳ Kheo hành tâm từ với chúng sinh, nghe nói các pháp vốn chẳng sinh chẳng diệt thì khởi tâm lo sợ.

Này Tôn Giả Ca Diếp! Đây gọi là hạng thứ ba, chẳng trì giới nhưng tựa như trì giới.

Lại có Tỳ Kheo hanh mười hai hạnh Đầu Đà thanh tịnh mà khởi chấp ngã và ngã sở.

Này Tôn Giả Ca Diếp! Đây gọi là hạng thứ tư, chẳng trì giới mà tựa như trì giới.

Này Tôn Giả Ca Diếp! Người thật trì giới thì không có ngã, cũng không có ngã sở, không tạo hay chẳng tạo, không có sự hay phi sự, cũng không có oai nghi, không hành hay chẳng hành, không có tướng danh sắc, cũng không có phi tướng, không có diệt, cũng không có tướng diệt.

Không lấy không bỏ, không có cái đáng lấy, cũng không có cái chẳng đáng bỏ, chẳng nêu bày là có chúng sinh, cũng chẳng nêu bày là không có chúng sinh, không có khẩu hành, không có chẳng khẩu hành, không có tâm, chẳng tâm, không nương tựa, chẳng nương tựa, không có giới, chẳng giới.

Này Tôn Giả Ca Diếp! Đây gọi là giới của Bậc Thánh vô lậu, không còn bị thoái chuyển, ra khỏi ba cõi, lìa tất cả sự lệ thuộc.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:

Người trì giới thanh tịnh

Không cấu không sở hữu

Trì giới không kiêu mạn

Cũng không chỗ nương dựa.

Trì giới chẳng si ám

Cũng không bị trói buộc

Trì giới không bụi nhiễm

Cũng không có lỗi quấy.

Giới vô thượng an lạc

Rốt ráo thường tịch diệt

Không có tưởng, chẳng tưởng

Cũng không sự cấu uế.

Đoạn mọi chỗ nương tựa

Cùng tất cả tham tiếc

Như vậy này Ca Diếp

Đây gọi trì giới Phật.

Chẳng đắm vướng thân khẩu

Chẳng bám víu thọ mạng

Cũng chẳng tham tất cả

Lãnh thọ cùng sinh tử.

Tu tập các chánh hạnh

An trụ trong chánh đạo

Như vậy này Ca Diếp

Đây gọi trì giới Phật.

Chẳng đắm nhiễm thế gian

Cũng chẳng nương thế pháp

Thành tựu trí tuệ sáng

Không tối, không sở hữu.

Không tưởng ngã đây kia

Đoạn trừ tất cả tưởng

Thành tựu giới thanh tịnh

Không bờ này bờ kia.

Cũng không có trung gian

Nơi không bờ kia đây

Chẳng sinh tâm chấp trước

Không trói buộc, không lậu.

Cũng không có khi dối

Như vậy, này Ca Diếp

Đấy gọi trì giới Phật

Ý chẳng chạy theo sắc.

Cũng chẳng đắm hư danh

Tâm luôn được chế ngự

Trong thiền định chánh niệm

Như vậy, này Ca Diếp.

Đấy gọi an trụ giới

Chẳng chấp nơi giới cấm

Để thành tựu giải thoát

Chẳng tôn sùng trì giới.

Để thân tâm an vui

Dầu hành trì tịnh giới

Nhưng cầu tám Thánh Đạo.

Đấy gọi là chân thật.

Thanh tịnh trì giới tướng

Chẳng kỳ hẹn trì giới

Chẳng lệ thuộc thiền định

Cho tu tập chánh trí.

Thì đạt được trí tuệ

Vô sở hữu, thủ đắc

Thể tánh của Hiền Thánh

Trì Thánh giới thanh tịnh.

Được Chư Phật ngợi khen

Tâm giải thoát thân kiến

Chấp ngã cùng ngã sở

Quyết chẳng để sinh khởi.

***