Kinh Nguyên thủy

Phật Thuyết Kinh Ma Ha Diễn Bảo Nghiêm

PHẬT THUYẾT

KINH MA HA DIỄN BẢO NGHIÊM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Thi Hộ, Đời Tống
 

PHẦN HAI
 

Thế nào là ba mươi hai pháp?

Một là dốc tâm tạo lợi ích cho chúng sinh.

Hai là muốn đạt được nhất thiết trí.

Ba là tự khiêm tốn chẳng hủy hoại trí tuệ của người.

Bốn là chẳng kiêu mạn đối với tất cả chúng sinh.

Năm là có tâm tin đối với tất cả chúng sinh.

Sáu là thương nhớ tất cả chúng sinh.

Bảy là hết lòng thương xót mọi chúng sinh.

Tám là oán và thân đều bình đẳng.

Chín là chúng sinh cầu Niết Bàn thì càng đem lại vô lượng phước.

Mười là thấy chúng sinh thì hoan hỷ thuyết pháp.

Mười một là điều đã hứa thì không hối.

Mười hai là có tâm đại bi đối khắp cả chúng sinh.

Mười ba là cầu pháp, nghe nhiều mà không nhàm chán.

Mười bốn là tự biết lỗi mình đã phạm.

Mười lăm là thấy người phạm lỗi thì can gián chẳng nổi giận.

Mười sáu là tu hành tất cả oai nghi, phép tắc.

Mười bảy la bố thí chẳng mong đền đáp.

Mười tám là nhẫn nhục vô ngại.

Mười chín là tinh tấn cầu tất cả căn lành.

Hai mươi là tu tập thiền định vượt qua cõi vô sắc.

Hai mươi mốt là dùng phương tiện thâu giữ trí tuệ.

Hai mươi hai là khéo léo đền đáp bốn ân.

Hai mươi ba là đối với người có giới hay không có giới đều bình đẳng hành tâm từ.

Hai mươi bốn là chí tâm nghe pháp.

Hai mươi lăm là thường ở nơi vắng lặng.

Hai mươi sáu là chẳng ưa thích việc thế gian.

Hai mươi bảy là chẳng ưa pháp tiểu thừa, chỉ ưa công đức của đại thừa.

Hai mươi tám là xa lìa tri thức ác, thân cận thiện hữu.

Hai mươi chín là thành tựu bốn phạm hạnh.

Ba mươi là thường dựa nơi trí tuệ.

Ba mươi mốt là đối với chúng sinh có hạnh hay không có hạnh đều chẳng rời bỏ.

Ba mươi hai là lời nói luôn chân thật, dứt khoát. Tâm Bồ Tát luôn trụ nơi hiện tiền.

Này Tôn Giả Ca Diếp! Đại Bồ Tát thành tựu ba mươi hai pháp này được gọi là Bồ Tát.

Lại nữa, này Tôn Giả Ca Diếp! Ta sẽ vì ông nói rõ ví dụ về công đức của Bồ Tát, như người trí do ví dụ để nhận biết.

Ví như đại địa vì tất cả chúng sinh mà không thấy có hai. Cũng vậy, Bồ Tát từ lúc mới phát tâm cho đến ngồi nơi Đạo Tràng, vì tất cả chúng sinh không thấy có hai.

Ví như nước, trăm thứ lúa, đậu, cỏ, cây, thuốc thang đều nhờ đó mà sinh sống.

Cũng vậy, này Tôn Giả Ca Diếp! Bồ Tát vì tự tâm thanh tịnh nên từ bi trùm khắp tất cả, vì các chúng sinh mà tăng trưởng đức thanh tịnh.

Ví như lửa thành thục trăm thứ lúa, đậu, cây, cỏ, thuốc thang.

Cũng vậy, này Tôn Giả Ca Diếp! Bồ Tát đem trí tuệ Ba la mật thành tựu tất cả chúng sinh.

Ví như gió làm trang nghiêm tất cả các quốc độ của Phật.

Cũng vậy, này Tôn Giả Ca Diếp! Bồ Tát dùng phương tiện làm trang nghiêm tất cả các Cõi Phật.

Ví như mặt trăng mỗi ngày một tang trưởng.

Cũng vậy, này Tôn Giả Ca Diếp! Bồ Tát chí thành thanh tịnh nên tăng trưởng tất cả pháp thiện.

Ví như mặt Trời lúc mọc lên, chiếu sáng khắp chúng sinh.

Cũng vậy, này Tôn Giả Ca Diếp! Bồ Tát đem trí tuệ Ba la mật chiếu khắp tất cả chúng sinh.

Ví như sư tử chúa đi đến bất cứ nơi nào cũng chẳng Kinh sợ.

Cũng vậy, này Tôn Giả Ca Diếp! Bồ Tát trì giới thanh tịnh, dù đi bất cứ nơi nào cũng không kinh sợ.

Ví như voi chúa có thể đảm nhận các việc nặng mà không hề mệt nhọc. Cũng vậy, Bồ Tát khéo điều phục tâm, vì tất cả chúng sinh nhận lấy trọng trách mà không hề mệt mỏi.

Ví như hoa sen sinh ở nơi bùn lầy mà chẳng dính nước. Cũng vậy, Bồ Tát tuy sinh ở thế gian nhưng chẳng tham đắm các pháp thế gian.

Ví như đại thọ, tuy bị chặt hết cành lá nhưng chẳng phá gốc nên lại mọc lên như cũ.

Cũng vậy, này Tôn Giả Ca Diếp! Bồ Tát vì tâm phương tiện khéo léo nên dầu đoạn trừ kiết sử mà vẫn sinh trong ba cõi.

Ví như nước sông từ các phương chảy vào biển lớn, đều thành một vị.

Cũng vậy, này Tôn Giả Ca Diếp! Bồ Tát gieo trồng bao nhiêu công đức thiện nguyện để hồi hướng về Phật Đạo thảy đều có một vị.

Ví như núi Tu Di, Trời Tứ Thiên Vương và Trời Đao Lợi đều ở trên đó.

Cũng vậy, này Tôn Giả Ca Diếp! Tâm của Bồ Tát là chỗ nương của các thiện căn.

Ví như quốc vương nhờ sự trợ giúp của các quan mà thành tựu tất cả việc nước.

Cũng vậy, này Tôn Giả Ca Diếp! Trí tuệ Ba la mật của Bồ Tát nhờ sự hỗ trợ của thiện căn mà thành tựu tất cả Phật Sự.

Này Tôn Giả Ca Diếp! Ví như lúc Trời quang mây tạnh thì không thể có mưa được. Cũng vậy, nếu Bồ Tát chẳng đa văn thì không thể có mưa pháp được.

Này Tôn Giả Ca Diếp! Ví như lúc Trời đầy mây thì ắt có mưa. Cũng vậy, Bồ Tát có mây đại từ sẽ có mưa pháp.

Ví như Chuyển Luân Thánh Vương xuất hiện nơi nào thì nơi ấy có bảy báu.

Cũng vậy, này Tôn Giả Ca Diếp! Khi Bồ Tát xuất hiện thì ba mươi bảy phẩm trợ đạo cũng có mặt.

Ví như ngọc ma ni ở chỗ nào thì chỗ đó có được vô lượng trăm ngàn châu báu.

Cũng vay, này Tôn Giả Ca Diếp! Chỗ nào có tâm của Bồ Tát thì nơi ấy có vô lượng trăm ngàn pháp Thanh Văn, Duyên Giác.

Ví như các khu vườn để dạo chơi ở Cõi Trời Ba Mươi Ba, tất cả các nhạc cụ vui chơi thảy đều bình đẳng.

Cũng vậy, này Tôn Giả Ca Diếp! Bồ Tát rất thanh tịnh vì tất cả chúng sinh theo phương tiện giáo hóa bình đẳng, thảy không có sai biệt.

Ví như nhờ vào chú thuật và thuốc giải nên chất độc không thể hại người.

Cũng vậy, này Tôn Giả Ca Diếp! Bồ Tát do trí tuệ nên không bị hại do chất độc kiết sử.

Ví như các phân dơ trong thành ấp mà đổ vào ruộng thì càng lợi ích. Cũng vậy, Ca Diếp, Bồ Tát nhân nơi kiết sử mà việc học nhất thiết trí càng lợi ích.

Thế nên, này Tôn Giả Ca Diếp! Bồ Tát muốn học Kinh Bảo Nghiêm này thì phải chánh quán các pháp.

Thế nào là chánh quán?

Nghĩa là quán chân thật nơi các pháp.

Thế nào là quán chân thật nơi các pháp?

Nghĩa là chẳng quán ngã nhân thọ mạng.

Đó là trung đạo của pháp quán chân thật.

Lại nữa, này Tôn Giả Ca Diếp! Người quán chân thật thì chẳng quán sắc là thường hay vô thường, cũng chẳng quán thọ tưởng hànhthức là thường hay vô thường. Đây gọi là trung đạo của pháp quán chân thật.

Lại nữa, này Tôn Giả Ca Diếp!

Thế nào là quán chân thật các pháp?

Nghĩa là chẳng quán địa chủng là thường hay vô thường. Cũng chẳng quán thủy hỏa phong giới là thường hay vô thường. Đây gọi là trung đạo của pháp quán chân thật.

Lại nữa, này Tôn Giả Ca Diếp! Thường là một bên, vô thường là một bên, giữa thường và vô thường là trung gian không có sắc, không thể thấy, cung không thể nắm bắt được. Đây gọi là trung đạo của pháp quán chân thật.

Ngã là một bên, vô ngã là một bên, trung gian giữa hai bên là vô sắc, không thể thấy, cũng không thể nắm bắt được. Đây gọi là trung đạo của pháp quán chân thật.

Tâm chân thật là một bên, tâm không chân thật là một bên. Vô tâm, vô tư, vô ý, vô thức, gọi là trung đạo của pháp quán chân thật.

Như vậy, pháp bất thiện, pháp thế gian, pháp có tranh cãi, pháp hữu lậu, pháp hữu vi, pháp có cấu uế, đây gọi là một bên.

Còn pháp thiện, pháp xuất thế gian, pháp không tranh cãi, pháp vô lậu, pháp vô vi, pháp thanh tịnh, đây là một bên.

Khoảng trung gian giữa hai bên thì vô sở hữu, cũng không thể nắm bắt được. Đây gọi là trung đạo của pháp quán chân thật.

Hữu là một bên, vô là một bên, trung gian giữa hai bên này không có sở hữu, cũng không thể nắm bắt. Đó gọi là trung đạo của pháp quán chân thật.

Lại nữa, này Tôn Giả Ca Diếp! Ta nói cho ông rõ: Vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên sáu nhập, sáu nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sinh, sinh duyên lão tử khổ não ưu bi. Như vậy là sự tạo thành khổ ấm lớn.

Nếu vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thì sáu nhập diệt, sáu nhập diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sinh diệt, sinh diệt thì lão tử, ưu bi khổ não đều diệt. Như vậy là sự diệt tận khổ ấm lớn.

Không có hai thứ ấy, cũng không có hai hành, trung gian có thể nhận biết. Đó gọi là trung đạo của pháp quán chân thật. Như vậy, vô minh, hành dứt, thức, danh sắc, sáu nhập v. v… sinh lão tử dứt. Không có hai thứ ấy, cũng không có hai hành, trung gian có thể nhận biết.

Như vậy, này Tôn Giả Ca Diếp! Đó gọi là trung đạo của pháp quán chân thật.

Lại nữa, này Tôn Giả Ca Diếp! Trung đạo của pháp quán chân thật về các pháp là chẳng đem Tam Muội không quán các pháp là không, vì các pháp tự nó là không.

Chẳng đem Tam Muội Vô tướng quán các pháp là không tướng vì các pháp tự nó là không tướng.

Chẳng dùng Tam Muội Vô nguyện quán các pháp là vô nguyện, vì các pháp tự nó là vô nguyện.

Chẳng dùng vô hành quán các pháp là vô hành, vì các pháp tự nó là vô hành.

Chẳng dùng vô khởi mà quán các pháp là vô khởi, vì các pháp tự nó là vô khởi.

Chẳng dùng vô sinh quán các pháp là vô sinh, vì các pháp tự nó là vô sinh.

Chẳng dùng Như mà quán các pháp là Như, vì tự thân các pháp là Như. Đây gọi là trung đạo của pháp quán chân thật về các pháp.

Chẳng dùng vô nhân mà quán các pháp là không, vì các pháp tự nó là không. Quá khứ không, vị lai không và hiện tại cũng không. Phải dựa nơi không, chớ dựa nơi người. Nếu do có được không bèn dựa chấp nơi không này thì ta nói người ấy xa lìa pháp đó.

Như vậy, này Tôn Giả Ca Diếp! Thà dựa vào ngã kiến tích chứa bằng núi Tu Di chẳng đem tâm kiêu mạn, cũng chẳng phải nhờ đa văn mà chấp vào không kiến là ngã sở không thể đối trị.

Ví như lương y cho thuốc thích ứng với bệnh, nhưng bệnh thì mất đi mà thuốc vẫn tồn tại trong cơ thể.

Này Ca Diếp! Ý ông thế nào?

Người bệnh này được lanh chăng?

Đáp: Bạch Thế Tôn, không.

Vì sao?

Vì thuốc ấy vẫn tồn tại trong cơ thể.

Cũng vậy, này Tôn Giả Ca Diếp! Không có thể đoạn trừ tất cả kiến chấp, nhưng nếu dựa vào không kiến thì đó là ngã sở không thể đối trị.

Ví như có người sợ hư không nên kêu la: Nay hãy vì tôi mà bỏ hư không ấy.

Này Ca Diếp! Ý ông thế nào?

Hư không ấy có thể bỏ được chăng?

Đáp: Bạch Thế Tôn, không.

Cũng vậy, này Tôn Giả Ca Diếp! Nếu người nào sợ pháp không thì ta bảo người đó là si cuồng lầm lạc.

Vì sao?

Vì chúng sinh tạo ra không mà người ấy lại sợ không.

Ví như họa sĩ vẽ ra tượng quỷ thần rồi lại kinh sợ tượng ấy.

Cũng vậy, này Tôn Giả Ca Diếp! Hàng phàm phu ngu si tự tạo ra sắc thanhhương vị xúc, nên qua lại nơi sinh tử mà chẳng tự biết.

Ví như huyễn sư tự tạo ra người huyễn, rồi trở lại ăn huyễn sư, đều là không chân thật.

Như vậy, này Tôn Giả Ca Diếp! Tỳ Kheo tu hành tùy theo sự tư duy, tất cả là hư giả, chẳng chân thật, không có sự kiên cố, cũng như vậy. Ví như hai khúc gỗ cọ xát nhau phát ra lửa, lửa ấy trở lại đốt cháy khúc gỗ.

Cũng vậy, này Tôn Giả Ca Diếp! Do quán chân thật nên sinh trí tuệ vô lậu, trí tuệ đó trở lại đốt cháy quán chân thật.

Ví như thắp đèn sẽ trừ hết tối tăm. Bóng tối ấy không từ đâu lại cũng không đi đến đâu, chẳng phải từ phương Đông, phương Nam, phương Tây, phương Bắc mà lại, cũng chẳng đi đến những phương ấy.

Cũng vậy, này Tôn Giả Ca Diếp! Khi trí tuệ phát sinh rồi thì vô trí liền diệt vô trí này không từ đâu lại cũng không đi đến đâu. Ánh đèn này không nghĩ ta phải diệt trừ bóng tối, nhưng khi đèn sáng thì bóng tối liền mất. Sáng và tối đều là không, không thể hộ trì, không tạo, không tác.

***