Kinh Nguyên thủy

Phật Thuyết Kinh Ma Ha Diễn Bảo Nghiêm

PHẬT THUYẾT

KINH MA HA DIỄN BẢO NGHIÊM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Thi Hộ, Đời Tống
 

PHẦN MỘT
 

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Đức Phật du hóa tại núi Kỳ Xà Quật, thuộc thành Vương Xá, cùng với chúng Đại Tỳ Kheo tám ngàn vị, một vạn sáu ngàn vị Bồ Tát, từ các cõi Phật tập hợp về đây, đều là bậc dốc cầu đạo chánh chân vô thượng.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Tôn Giả Đại Ca Diếp: Bồ Tát có bốn pháp làm mất trí tuệ Ba la mật.

Những gì là bốn: Một là chẳng tôn trọng pháp, chẳng quý kính Pháp Sư.

Hai là làm Pháp Sư mà bỏn sẻn đối với giáo pháp.

Ba là đối với người cầu mong được giáo pháp thì lại ngăn trở, trách mắng, khinh dể, chẳng chịu thuyết pháp.

Bốn là cao ngạo, kiêu mạn, đề cao mình, hủy báng người.

Này Tôn Giả Ca Diếp! Như thế gọi là Bồ Tát có bốn việc làm mất trí tuệ Ba la mật.

Lại nữa, này Tôn Giả Ca Diếp! Bồ Tát có bốn việc làm cho đến đạt được trí tuệ Ba la mật.

Thế nào là bốn việc?

Một là tôn trọng giáo pháp, kính trọng Pháp Sư.

Hai là tùy theo pháp được nghe giảng nói rộng cho người, nhưng tâm không tham chấp, cũng không có mong cầu, chỉ vì trí tuệ Ba la mật nên xả bỏ tất cả tài vật để cầu học nhiều hơn, như cứu lửa cháy trên đầu.

Ba là nghe rồi thọ trì.

Bốn là thực hành đúng như pháp, chẳng chấp vào lời nói.

Này Tôn Giả Ca Diếp! Như vậy gọi là Bồ Tát có bốn việc đạt được trí tuệ Ba la mật.

Lại nữa, này Tôn Giả Ca Diếp! Bồ Tát có bốn việc làm mất tâm Bồ Tát.

Bốn việc đó là: Một là khi dối Sư Trưởng và bậc Trưởng Lão.

Hai là người kia không phạm lỗi mà nói có phạm lỗi.

Ba là đối với người cầu pháp Đại Thừa thì chê bai, bêu xấu họ.

Bốn là có tâm dối nịnh không thành thật.

Này Tôn Giả Ca Diếp! Như vậy là Bồ Tát có bốn việc làm mất tâm của Bồ Tát.

Lại nữa, này Tôn Giả Ca Diếp! Bồ Tát thành tựu bốn pháp. Từ lúc mới sinh cho đến lúc ngồi nơi Đạo Tràng, tâm Bồ Tát luôn luôn hiện tiền chẳng mất.

Những gì là bốn?

Một là thà chết, quyết chẳng vọng ngữ.

Hai là đối với tất cả Bồ Tát tưởng là Phật nên thường xưng dương danh hiệu khắp bốn phương.

Ba là hết sức thành thật không có tâm giả dối dua nịnh.

Bốn là không ưa pháp Tiểu thừa.

Này Tôn Giả Ca Diếp! Như vậy gọi là Bồ Tát thành tựu bốn pháp từ lúc mới sinh cho đến lúc ngồi nơi Đạo Tràng, tâm của Bồ Tát luôn hiện tiền chẳng mất.

Lại nữa, này Tôn Giả Ca Diếp! Bồ Tát gây tạo bốn pháp khiến pháp thiện đã sinh phải diệt mất, chẳng tăng trưởng.

Thế nào là bốn?

Một là đem tâm cao ngạo kiêu mạn học theo Kinh sách thế tục.

Hai là vì tham đắm tài vật nên thường đến nhà đàn việt.

Ba là đố kỵ, chê bai Bồ Tát.

Bốn là đối với Kinh Điển chưa từng nghe hoặc đã nghe thì lại phỉ báng.

Này Tôn Giả Ca Diếp! Đây gọi là Bồ Tát gây tạo bốn pháp, làm mất hẳn, chẳng tăng trưởng pháp thiện đã sinh.

Lại nữa, này Tôn Giả Ca Diếp! Bồ Tát thành tựu bốn pháp khiến pháp thiện tăng trưởng chẳng lui mất.

Thế nào là bốn?

Một là ưa nghe pháp thiện, chẳng ưa nghe phi pháp, ưa nghe sáu Ba la mật và pháp tạng của Bồ Tát.

Hai là khiêm tốn, chẳng kiêu mạn đối với chúng sinh.

Ba là dùng pháp biết đủ trừ pháp tà mạn, chẳng nêu lỗi của người phạm hay khong phạm, chẳng tìm lỗi của người.

Bốn là đối với giáo pháp chưa thông đạt thì chẳng nói đúng sai.

Nghĩ: Vô lượng cảnh giới Như Lai đều tùy theo căn tánh của chúng sinh mà thuyết pháp cho họ. Tôi không thể hiểu được, chỉ có Đức Phật chứng biết thôi.

Này Tôn Giả Ca Diếp! Như vậy gọi là Bồ Tát thành tựu bốn pháp làm cho pháp thiện tăng trưởng chẳng lui mất.

Lại nữa, này Tôn Giả Ca Diếp! Có bốn tâm dối nịnh mà Bồ Tát phải trừ diệt.

Thế nào là bốn?

Một là do dự nghi ngờ đối với giáo pháp của Phật.

Hai là đối với chúng sinh có tâm kiêu mạn, sân giận.

Ba là sinh tâm ganh ghét đối với lợi lạc của kẻ khác.

Bốn là bêu xấu, phỉ báng Bồ Tát.

Này Tôn Giả Ca Diếp! Đây gọi là có bốn tâm dối nịnh mà Bồ Tát phải diệt trừ.

Lại nữa, này Tôn Giả Ca Diếp! Bồ Tát có bốn tướng thuận.

Thế nào là bốn?

Một là đã phạm lỗi thì phát lồ chẳng che giấu, tâm không phiền muộn.

Hai là lời nói chân thật dù đến chết cũng chẳng dối trá.

Ba là khi gặp những nghịch cảnh như bị hủy báng, đánh đập, trói buộc thì tự trách: Đó là nghiệp báo của mình, chẳng giận dữ với người, chẳng sinh phiền não.

Bốn là vững tâm không tin vào lời người khác, chỉ tin pháp Phật.

Bên trong thanh tịnh.

Này Ca Diếp! Đây gọi là Bồ Tát có bốn tướng thuận.

Lại nữa, này Tôn Giả Ca Diếp! Bồ Tát có bốn điều xấu.

Thế nào là bốn?

Một là nghe nhiều nhưng xem thường nên hành động không đúng pháp, chẳng thuận theo những điều răn dạy.

Hai là xa lìa chánh pháp, chẳng kính sư trưởng, chẳng xứng đáng nhận sự cúng dường của tín thí.

Ba là làm mất giới, định, tuệ, nên ngu si, dối thọ tín thí.

Bốn là thấy bậc Điều ngự Bồ Tát có trí tuệ thì chẳng cung kính, lại cao ngạo khinh mạn.

Này Ca Diếp! Đây là bốn điều xấu của Bồ Tát.

Lại nữa, này Tôn Giả Ca Diếp! Bồ Tát có bốn trí:

Một là đối với Kinh chưa nghe hoặc nghe rồi đều thực hành đúng pháp.

Hai là dựa vào ý nghĩa chẳng dùng văn tự trau chuốt.

Ba là thuận theo lời dạy bảo, nói năng khéo léo, làm việc gì đều luôn hiếu thuận với tôn sư, đạt được giới định tuệ, thọ nhận cúng dường.

Bốn là gặp bậc Điều Ngự Bồ Tát có trí tuệ phải khởi tâm thiện cung kính hoàn toàn.

Này Ca Diếp! Đây là bốn trí của Bồ Tát.

Lại nữa, này Tôn Giả Ca Diếp! Bồ Tát có bốn việc trái nghịch.

Thế nào là bốn?

Một là chưa biết rõ chúng sinh bèn kết làm thân cận, trái nghịch với Bồ Tát.

Hai là chúng sinh không thể thọ nhận giáo pháp vi diệu của Phật mà thuyết giảng cho họ, trái nghịch với Bồ Tát.

Ba là đối với người ưa thích pháp vi diệu tối thượng lại thuyết cho pháp tiểu thừa, trái nghịch với Bồ Tát.

Bốn là đối với chúng sinh chánh hạnh đáng được lãnh hội diệu pháp thì ngược lại, trái nghịch với Bồ Tát.

Này Ca Diếp! Đây là bốn sự trái nghịch.

Lại nữa, này Tôn Giả Ca Diếp! Bồ Tát có bốn đạo.

Thế nào là bốn?

Một là đem tâm bình đẳng đối với chúng sinh.

Hai là khuyến hóa tất cả chúng sinh tu học trí tuệ của Phật.

Ba là vì tất cả chúng sinh mà thuyết giảng chánh pháp.

Bốn là làm cho tất cả chúng sinh thuận với chánh hạnh.

Này Ca Diếp! Đó là bốn chánh đạo của Bồ Tát.

Lại nữa, này Tôn Giả Ca Diếp! Bồ Tát có bốn tri thức ác.

Thế nào là bốn?

Một là hàng Thanh Văn chỉ cầu tự lợi.

Hai là hàng Duyên Giác ít nghĩa ít sự.

Ba là bậc thầy dạy ngoại điển thế tục truyền đạt lời lẽ trau chuốt.

Bốn là thân cận với họ chỉ được pháp thế tục, chẳng ích lợi cho chánh pháp.

Này Ca Diếp! Đây là bốn tri thức ác.

Lại nữa, này Tôn Giả Ca Diếp! Bồ Tát có bốn tri thức thiện.

Thế nào là bốn?

Một là người đến xin cầu học là tri thức thiện của Bồ Tát vì nuôi lớn đạo pháp.

Hai là người làm Pháp Sư là tri thức thiện đa văn của Bồ Tát vì nuôi lớn trí tuệ Ba la mật.

Ba là người khuyên bảo xuất gia học đạo là tri thức thiện của Bồ Tát vì nuôi lớn tất cả các căn lành.

Bốn là chư Phật Thế Tôn là tri thức thiện của Bồ Tát vì nuôi lớn tất cả pháp Phật.

Ca Diếp, đây là bốn tri thức thiện.

Lại nữa, này Tôn Giả Ca Diếp! Có bốn pháp tương tự Bồ Tát.

Thế nào là bốn?

Một là tham lợi dưỡng, chẳng cầu công đức.

Hai là chỉ cầu tự vui, chẳng vì chúng sinh.

Ba là chỉ trừ khổ của chính mình, chẳng vì chúng sinh.

Bốn là muốn được quyến thuộc, chẳng ưa xa lìa.

Ca Diếp, đây là bốn pháp tương tự Bồ Tát.

Lại nữa, này Tôn Giả Ca Diếp! Bồ Tát có bốn công đức chân thật.

Thế nào là bốn?

Một là hiểu về không nhưng tin nơi nghiệp báo.

Hai là hiểu các pháp không có ngã nhưng hiện bày tâm đại từ đối với chúng sinh.

Ba là tuy ưa thích Niết Bàn nhưng chẳng xả bỏ sinh tử.

Bốn là hành bố thí vì giáo hóa chúng sinh, chẳng mong cầu quả báo.

Ca Diếp, đây là bốn công đức chân thật của Bồ Tát.

Lại nữa, này Tôn Giả Ca Diếp! Đại Bồ Tát có bốn đại tạng.

Thế nào là bốn?

Một là gặp Phật xuất hiện ở đời.

Hai là nghe thuyết giảng về sáu Ba la mật.

Ba là đem tâm vô ngại nhìn Pháp Sư.

Bốn là chẳng buông lung, ưa ở chỗ rừng núi.

Ca Diếp, đây là Bồ Tát có bốn đại tạng.

Lại nữa, này Tôn Giả Ca Diếp! Bồ Tát có bốn pháp vượt qua các ma.

Thế nào là bốn?

Một là chẳng bỏ tâm của Bồ Tát.

Hai là tâm không trở ngại đối với tất cả chúng sinh.

Ba là chẳng chấp trước tất cả các kiến chấp.

Bốn là chẳng khinh mạn tất ca chúng sinh.

Ca Diếp, đây là bốn pháp vượt qua các ma của Bồ Tát.

Lại nữa, này Tôn Giả Ca Diếp! Đại Bồ Tát có bốn pháp thâu nhận tất cả pháp thiện.

Thế nào là bốn?

Một là thường ở chỗ vắng lặng thanh tịnh, tâm không dối trá.

Hai là có ân hay không có ân tâm cũng nhẫn chịu.

Ba là xả bỏ thân mạng vì chúng sinh, nhớ nghĩ đến bốn ân.

Bốn là cầu pháp không có sự nhàm chán, nên đủ tất cả căn lành.

Ca Diếp, đây là bốn pháp thâu nhận tất cả pháp thiện của Đại Bồ Tát.

Lại nữa, này Tôn Giả Ca Diếp! Đại Bồ Tát có bốn phước đức vô lượng.

Thế nào là bốn?

Một la hành pháp thí với tâm thanh tịnh.

Hai là sinh tâm đại bi đối với người phạm giới.

Ba là nguyện cho tất cả chúng sinh ưa thích tâm Bồ Tát.

Bốn là đối với những kẻ thấp kém thì chẳng bỏ nhẫn nhục.

Ca Diếp, đây là bốn phước đức vô lượng của Bồ Tát.

Lại nữa, này Tôn Giả Ca Diếp! Chẳng phải vì danh tự Bồ Tát mà gọi là Bồ Tát, mà vì người hay hành pháp, hành bình đẳng, hành phân biệt phước, nên mới gọi là Bồ Tát.

Lại nữa, này Tôn Giả Ca Diếp! Đại Bồ Tát thành tựu ba mươi hai pháp được gọi là Bồ Tát.

***