Kinh Nguyên thủy

Phật Thuyết Kinh Ma Ha Diễn Bảo Nghiêm

PHẬT THUYẾT

KINH MA HA DIỄN BẢO NGHIÊM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Thi Hộ, Đời Tống
 

PHẦN NĂM
 

Tâm hiểu được nghĩa không

Là rõ cảnh giới Phật

Trì Thánh giới như vậy

Thì không gì sánh bằng.

Khéo an trụ tịnh giới

Thành tựu được thiền định

Do thiền định thành tựu

Liền tu tập trí tuệ.

Nhân nơi tu trí tuệ

Mà đạt được giải thoát

Người đã được giải thoát

Tịnh giới đều bình đẳng.

Đức Phật nói kệ xong, có tám trăm Tỳ Kheo dứt bỏ mọi phiền não đạt được giải thoát. Ba vạn hai ngàn người xa lìa trần cấu, dược pháp nhãn thanh tịnh. Năm trăm Tỳ Kheo trước đây đã đắc định, nghe giáo pháp thâm diệu của Phật, tâm họ chẳng thông đạt nên đứng dậy bỏ đi.

Bấy giờ, Tôn Giả Đại Ca Diếp liền thưa: Bạch Thế Tôn! Năm trăm Tỳ Kheo này trước đây đã đắc định, nay nghe pháp sâu xa này vì không thể thông hiểu nên họ bỏ đi.

Phật dạy: Này Tôn Giả Đại Ca Diếp! Năm trăm Tỳ Kheo ấy vì kiêu mạn nên không thể hiểu giới tướng thanh tịnh vô lậu này, là những lời thuyết pháp hết mực vi diệu, là đạo lý mầu nhiệm của chư Phật. Lỗi là vì chưa gieo trồng căn lành và bị tri thức ác sai khiến nên không the hiểu được.

Về thuở quá khứ, thời Đức Phật Ca Diếp, năm trăm Tỳ Kheo này đều làm đệ tử của ngoại đạo, khi nghe Đức Phật Ca Diếp thuyết pháp, do chấp trước về hữu nên một lần nghe giáo pháp tâm rất hoan hỷ. Do nhân duyên ấy, sau khi qua đời được sinh lên Cõi Trời Đao Lợi.

Từ Cõi Trời ấy mạng chung, sinh trở lại nhân gian, xuất gia học đạo trong giáo pháp của ta. Các Tỳ Kheo này vì ôm sâu kiến chấp nên nghe giáo pháp thâm diệu này không thể lãnh hội. Vì nay mới tạo duyên nên chẳng bị đọa vào đường ác, thân ấy mạng chung sẽ đạt được Niết Bàn.

Khi ấy, Đức Thế Tôn bảo Tôn Giả Tu Bồ Đề: Ông hãy đi giáo hóa năm trăm Tỳ Kheo kia.

Tôn Giả Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Năm trăm Tỳ Kheo này còn chẳng tin lời Phật dạy, huống là tin nơi Tôn Giả Tu Bồ Đề này.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn hóa làm hai vị Tỳ Kheo đi trên đường năm trăm Tỳ Kheo kia đang hướng đến.

Chư Tỳ Kheo ấy gặp hai vị hóa Tỳ Kheo, liền đến hỏi: Các Hiền Giả định đi đâu?

Hóa Tỳ Kheo đáp: Chúng tôi muốn đến chốn núi rừng vắng vẻ để trụ vào thiền định an lạc.

Vì sao?

Vì chúng tôi không hiểu được giáo pháp Đức Thế Tôn giảng nói.

Các Tỳ Kheo liền nói: Chư Hiền, chúng tôi cũng chẳng hiểu được pháp do Đức Thế Tôn giảng nói, lại còn có sự sợ hãi, nên cũng muốn đi đến chỗ vắng lặng để tu thiền định.

Hóa Tỳ Kheo nói: Này chư Hiền! Chúng ta hãy đến đây cùng bàn luận, chớ tranh cãi, vì đấy chẳng phải là hạnh của Sa Môn. Chư Hiền, người nói Niết Bàn là vì những pháp nào mà nhập Niết Bàn.

Ở trong thân này cái gì là chúng sinh?

Là nga?

Là nhân?

Là thọ mạng mà gọi là nhập Niết Bàn?

Hay có pháp diệt tận nào liền được nhập Niết Bàn?

Năm trăm Tỳ Kheo đáp: Khi tham dục, sân hận, ngu si diệt thì được Bát Niết Bàn.

Hóa Tỳ Kheo hỏi: Chư Hiền, có sự chấm dứt tham, sân, si chăng?

Để nói cái này diệt thì được Bát Niết Bàn?

Năm trăm Tỳ Kheo đáp: Chư Hiền! Tham, sân, si chẳng ở trong, chẳng ở ngoài, cũng chẳng ở trung gian, cũng chẳng phải không có suy tưởng mà có.

Hóa Tỳ Kheo nói: Thế nên các vị chớ có tưởng, cũng chẳng phải là không có tưởng. Nếu chẳng tưởng, chẳng phải chẳng tưởng thì không có nhiễm, chẳng phải là không có nhiễm. Nếu không có nhiễm, chẳng phải không có nhiễm thì gọi là tịch diệt.

Chư Hiền nên biết: Giới thân có được, chẳng sinh cũng chẳng diệt độ. Định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, thân chẳng sinh, cũng chẳng diệt độ. Do đấy nên năm phần pháp thân mà nói diệt độ ấy là pháp xa lìa, không có sở hữu, là rỗng lặng, không có lấy, không có bỏ.

Như vậy, này Chư Hiền! Vì sao lại có thể tưởng về Bát Niết Bàn?

Thế nên Chư Hiền! Chớ có tưởng đối với tưởng, chớ có tưởng đối với vô tưởng, cũng đừng đoạn tưởng và vô tưởng. Nếu đoạn tưởng, vô tưởng thì đấy là duyên lớn.

Chư Hiền! Nếu nhập vào tưởng mà biết định diệt thì ở đấy tợ như có chỗ tạo tác.

Khi giảng nói pháp này, năm trăm Tỳ Kheo ấy liền xa lìa các phiền não, tâm được giải thoát, liền đi đến chỗ Đức Phật, đầu mặt lạy sát chân Phật rồi ngồi qua một bên.

Bấy giờ, Tôn Giả Tu Bồ Đề hỏi các Tỳ Kheo: Chư Hiền, các vị đã đi đâu và nay từ đâu lại?

Các Tỳ Kheo đáp: Tôn Giả Tu Bồ Đề, như Đức Phật thuyết pháp là không đi, không đến.

Tu Bồ Đề lại hỏi: Chư Hiền, thầy của các vị là ai?

Các Tỳ Kheo đáp: Thầy của chúng tôi vốn chẳng sinh, cũng chẳng diệt.

Tu Bồ Đề lại hỏi: Như thế nào gọi là biết pháp?

Đáp: Là không có sự ràng buộc, không có sự giải thoát.

Tu Bồ Đề lại hỏi: Chư Hiền, làm thế nào để giải thoát?

Đáp: Vô minh diệt thì minh sinh.

Tu Bồ Đề lại hỏi: Chư Hiền, các vị là đệ tử của ai?

Đáp: Người được gọi là Chánh trí như vậy, nên chứng đắc như vậy.

Tu Bồ Đề hỏi: Chư Hiền, khi nào sẽ diệt độ?

Đáp:  Khi hóa nhân của Như Lai nhập Niết Bàn.

Tu Bồ Đề hỏi: Chư Hiền, việc cần làm đã làm xong chăng?

Đáp: Việc cần làm của chúng tôi đã dứt.

Tu Bồ Đề hỏi: Chư Hiền, đồng phạm hạnh với ai?

Đáp: Chẳng hành nơi ba cõi.

Tu Bồ Đề hỏi: Chư Hiền, các vị đã hết phiền não chăng?

Đáp: Các pháp đều rốt ráo tịch diệt.

Tu Bồ Đề hỏi: Chư Hiền, đã hàng phục ma chăng?

Đáp: Các ấm là không thể thủ đắc.

Tu Bồ Đề hỏi: Chư Hiền, thuận theo lời dạy của Đức Thế Tôn chăng?

Đáp: Không do thân, khẩu, ý.

Tu Bồ Đề hỏi: Chư Hiền, các vị là phước điền thanh tịnh chăng?

Đáp: Không thọ cũng không có chỗ thọ.

Tu Bồ Đề hỏi: Chư Hiền đã vượt qua sinh tử chăng?

Đáp: Không có thường, không có đoạn.

Tu Bồ Đề hỏi: Chư Hiền hướng đến quả vị phước điền chăng?

Đáp: Tất cả các thứ chấp trước đều được giải thoát.

Tu Bồ Đề hỏi: Chư Hiền, sẽ hướng đến chỗ nào?

Đáp: Tùy nơi mà hóa nhân của Như Lai đến.

Khi Tôn Giả Tu Bồ Đề cùng năm trăm Tỳ Kheo hỏi đáp, đại chúng nghe rồi, có tám trăm Tỳ Kheo chấm dứt phiền não, tâm được giải thoát. Ba vạn hai ngàn người xa lìa trần cấu được pháp nhãn thanh tịnh.

Bấy giờ, Tôn Giả Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn, thật kỳ lạ, thật đặc biệt! Kinh Bảo Nghiêm này đã đem lại nhiều lợi ích cho mọi người và làm cho các tộc tánh nam, tộc tánh nữ phát tâm hướng đến đại thừa.

Tôn Giả Tu Bồ Đề lại hỏi: Bạch Thế Tôn! Các Tộc tánh nam nữ giảng nói Kinh Bảo Nghiêm này thì được bao nhiêu phước?

Đức Thế Tôn đáp: Nếu Tộc tánh tử và Tộc tánh nữ giảng nói Kinh Bảo Nghiêm này rồi truyền dạy cho người khác, biên chép thành quyển, bài trí đúng chỗ, thì các chỗ ấy chính là Chùa, tháp đẹp đẽ nhất trong thế gian.

Người nào được nghe, được truyền dạy, biên chép Kinh này từ vị Pháp Sư thì phải kính Pháp Sư ấy như kính Đức Như Lai.

Người nào kính Pháp Sư, cúng dường, phụng sự, ta thọ ký cho người ấy sẽ đạt được đạo quả chánh chân vô thượng, khi qua đời được gặp Như Lai. Người này sẽ được mười điều thanh tịnh nơi thân.

Đó là:

1. Khi chết an vui, không có sự chán ghét.

2. Mắt nhìn chẳng rối loạn.

3. Tay chẳng nhiễu loạn.

4. Tai chẳng rối loạn.

5. Thân chẳng có sự phiền nhiễu.

6. Chẳng rối loạn đại tiểu tiện và bất tịnh.

7. Tâm chẳng ô uế.

8. Tâm chẳng tán loạn.

9. Tay chẳng sờ soạng trong hư không.

10. Mạng chung theo tư thế ngồi.

Đây gọi là mười điều thanh tịnh của thân.

Lại nữa, này Tôn Giả Ca Diếp! Người này sẽ được mười điều thanh tịnh nơi miệng.

Những gì là mười?

1. Âm thanh hoàn hảo.

2. Giọng nói nhẹ nhàng.

3. Giọng nói vui vẻ.

4. Âm thanh dễ mến.

5. Lời nói hòa dịu.

6. Âm thanh lưu loát.

7. Lời nói đáng kính.

8. Lời nói dễ nghe.

9. Âm thanh như Chư Thiên.

10. Âm thanh như Phật nói.

Đây là mười điều thanh tịnh của miệng.

Lại nữa, này Tôn Giả Ca Diếp! Người này được mười điều thanh tịnh nơi ý.

Những gì là mười?

1. Không sân giận, chẳng phẫn nộ với người khác.

2. Không oán hận, không nói ra.

3. Chẳng tìm lỗi của người khác.

4. Không bị trói buộc.

5. Không có vọng tưởng điên đảo.

6. Tâm không biếng trễ.

7. Giữ giới chẳng buông lung.

8. Ý vui bố thí, hoan hỷ lãnh thọ.

9. Xa lìa sự cao ngạo, kiêu mạn.

10. Đạt được tam muội.

Đây là mười điều thanh tịnh của ý.

Lại nữa, này Tôn Giả Ca Diếp! Nếu đem bảy báu đầy khắp trong hằng sa quốc độ, cúng dường cho hằng hà sa chư Phật Như Lai Đẳng Chánh Giác và chúng đệ tử, trải qua hằng sa kiếp đều cúng dường, bố thí, cho đến sau khi nhập Niết Bàn thì xây tháp bằng bảy báu, cũng chẳng bằng Tộc Tánh Tử và Tộc Tánh Nữ nghe Kinh Bảo Nghiêm này rồi thọ trì, đọc tụng, thuyết giảng cho người khác, chẳng hề phỉ báng.

Người nữ nào giảng nói Kinh này thì trọn chẳng đọa vào đường ác, cũng chẳng còn thọ lại thân nữ.

Lại nữa, này Tôn Giả Ca Diếp! Nếu có Tộc tánh tử nào muốn đem tất cả châu báu quý giá cúng dường nơi Kinh Điển này thì phải thọ trì, đọc tụng, biên chép thành quyển, thuyết giảng cho người khác. Đó chính là đã cúng dường Kinh Điển này.

Người nào thọ trì, đọc tụng, biên chép, thuyết giảng cho người khác tức là đã cúng dường Chư Phật Như Lai.

Khi Đức Phật giảng nói Kinh này xong, Tôn Giả Đại Ca Diếp và tất cả chúng Trời, Rồng, Quỷ Thần, Dân Chúng trong thế gian nghe Phật thuyết giảng rồi đều hoan hỷ phụng hành.

***