Kinh Đại thừa

Các Bộ Khác

PHẬT THUYẾT KINH MẠ Ý

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

 An Thế Cao, Đời Hậu Hán
 

Đức Phật thuyết giảng Kinh Mạ Ý: Tất cả loài côn trùng sâu kiến trong mười phương đều ăn thịt lẫn nhau, tất cả sâu kiến trong mười phương cũng đều ăn thịt ta, vậy sao ta không biết tủi thẹn.

Tất cả sâu kiến trong mười phương đều làm vợ con của ta, ta cũng nhận tất cả sâu kiến trong mười phương làm vợ con, tại sao ta không tự xấu hổ, vì vậy nên cứ mãi mãi trôi lăn trong sinh tử. Phải nên tích tập chủng tử đạo, không nên tích tập chủng tử nghiệp súc sanh.

Người phạm dâm dục có năm tội:

1. Quên mất tiền tài.

2. Luôn hoang man lo sợ.

3. Sợ đến quan huyện.

4. Gặp tai họa oán thù.

5. Sau khi chết đọa vào địa ngục xấu ác.

Người từ nơi sắc dục ăn uống, được làm thân người không còn lo sợ, nhưng e rằng sẽ bị làm súc sanh, hoặc rơi vào trong địa ngục hay loài ngạ quỷ. Người học đạo, cạo bỏ râu tóc, khất thực để ăn, nhẫn chịu đói khát, xuất gia từ bỏ tài sản, mắt không nhìn bậy, giữ gìn sáu căn, xa lánh nhân duyên xấu ác, vì muốn thoát khỏi khổ đau nên phát khởi tâm ý đến trăm số kiếp.

Ví như trồng lúa gấp trăm gấp vạn lần, số lượng lúa ấy không thể đếm được. Nhưng với người có tâm hiểu biết thì dù gấp vạn lần, cũng chẳng có gì lo sợ.

Người tọa thiền hành đạo, nếu thấy trùng trong nước biển thì nên biết đời trước làm trùng trong nước. Nếu thấy cầm thú hoặc loài cầm thú thì nên biết đời trước làm cầm thú. Đời nay gặp nhân duyên, cho nên tội hiện ra theo sự thấy biết, hãy nên biết mình đời trước đã từng bị đọa trong địa ngục.

Tội quá khứ suy giảm, tội hiện tại chưa sinh. Điều ác có cha mẹ, ngu si là cha ác, tham ái là mẹ ác. Điều thiện cũng có cha mẹ. Ba mươi bảy phẩm Kinh là cha lành, sáu pháp Ba la mật là mẹ hiền.

Lại có cha mẹ khác, Phật là cha, Pháp là mẹ. Tùy theo lời dạy dỗ của Phật mà thực hành đúng pháp, tức là tuân hành theo cha mẹ. Người đọa vào địa ngục, các quỷ muốn cầm gậy uy hiếp người ấy.

Tâm người ấy liền niệm nghĩ: Chẳng bao lâu quỷ cũng sẽ bị diệt. Suy nghĩ như vậy liền được giải thoát, sinh lên Cõi Trời.

Có sáu việc làm mất pháp:

1. Không tôn thờ Phật.

2. Không thừa sự pháp.

3. Không thân cận Tỳ Kheo Tăng.

4. Không phục vụ người thông tuệ.

5. Không giáo hóa người tinh tấn hành đạo.

6. Hý luận đối với bậc Hiền thánh.

Rời xa sáu việc này thì tăng trưởng pháp.

Không nên ở trong phước mà tạo tội, thà ở trong tội mà tạo phước. Người đang theo học các trường lớp mà không tụng Kinh hành đạo, đó là người ở trong phước mà tạo tội. Người bị bệnh nặng, hoặc bị nạn quan huyện, nước lửa, mất tiền của nhưng không lo buồn, đó là người trong tội mà tạo phước.

Không nên ở trong phước mà tạo tội, đốt hương, rải hoa, lại quát mắng người đánh xe, người hầu cận, đó là ở trong phước mà tạo tội.

Sát hại có chín bậc, tội lỗi có nặng nhẹ thà giết một ngàn con kiến, không bằng giết một con ruồi. Như vậy, trên hết đến loài người, giết hại loài vật lớn tội càng nặng hơn. Tạo dựng một trăm ngôi Chùa Phật, không bằng cứu sống một mạng người, không bằng giữ gìn tâm ý trong một ngày. Người được tâm ý tốt thì phước của người ấy khó lường.

Bố thí vật cho người ác, sau sẽ cùng với người ác kết nhân duyên, đó là chịu khổ não. Bố thí vật cho người thiện, đó là phước đức đi theo.

Cũng không nên nhận lấy vật của người ác, về sau sẽ cùng với họ gặp nhau, đó là khổ não lại càng khổ não. Thà thọ nhận vật của người thiện, bố thí vật cho người thiện. Không nên thọ nhận vật của người ác, bố thí của người ác. Thà bố thí vật cho người ác không nhận vật của người thiện.

Thà nhận vật của người thiện không thọ nhận vật của người ác. Người có tâm ác sẽ chết, mà người có tâm thiện cũng sẽ chết. Người tâm ý ác sẽ đọa vào địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ. Người có tâm ý thiện sẽ sinh trong chốn Trời, người. Nhưng tất cả cũng đều chấm dứt.

Có năm loại ma làm nhiễu loạn lòng người, khiến cho người không được chứng đạo:

1. Thiên ma.

2. Tội ma.

3. Nghiệp ma.

4. Não ma.

5. Tử ma.

Người thực hành đạo nên nhận biết năm loại ma này.

Có năm việc mà chư Phật trong mười phương không thể ngăn được:

1. Mạng sống đời trước sẽ quên.

2. Mạng sống sẽ được sinh ra.

3. Mạng sống sẽ bị hoại diệt.

4. Mạng sống sẽ già.

5. Mạng sống sẽ chết.

Đó là năm việc không thể ngăn được.

Người đời có bốn việc:

1. Có tâm thiện suy tính việc thiện theo nhau.

2. Có tâm ác suy tính việc ác theo nhau.

3. Có tâm thiện suy tính việc ác theo nhau.

4. Có tâm ác suy tính việc thiện theo nhau.

Những ý niệm hiện có của con người, ý cũng diệt, thân cũng diệt, nhân duyên của sự nhận thức cũng diệt. Tai họa hay phước đức phải nhận chịu đời sau cũng ví như trồng quả, năm nay quả đã chín rơi xuống đất, năm sau lại sinh ra quả khác. Tội ví như cây, nhân duyên của ý ví như quả.

Những tạo tác thiện hay ác của con người, có bốn vị thần biết đến:

1. Thần đất biết.

2. Thần Trời biết.

3. Người bên cạnh biết.

4. Tự mình biết.

Có ba nhân duyên để giữ đạo:

Một là hành.

Hai là thọ.

Ba là ương.

Người làm việc ác là hành tạo nghiệp đã sinh ra tức là thọ. Đã thọ tức là có tai ương tội báo. Có năm kẻ đồ tể, khi về già liền nghĩ đến đạo, biết sau khi chết đọa vào địa ngục, ngày đêm dùng năm thứ dục lạc để vui chơi cho thỏa thích, rồi dùng năm thứ độc để đối trị.

Có hai hạng người lãnh hội lời dạy của Phật. Một là hạng người thông tuệ. Hai là hạng người ngu si. Đó là hai hạng người, ba là việc không nên thấy. Thí như trì giới thì các ác không nên thấy.

Người tu đạo, truyền giảng Kinh Điển, thực hành đạo, được nhận bốn phước đức:

1. Nhất tâm hành đạo, không vì sự ăn uống, nên được mọi người kính lễ.

2. Đời sống thanh bần, không có sở hữu nên được mọi người kính lễ.

3. Chỗ ở tự mình biết đủ, không nhận sự kính lễ của người.

4. Tự thân hành đạo, nhận vừa đủ ăn, không nhận nhiều.

Lời nói của người ứng thuận với Kinh pháp thì nên lãnh hội, không ứng thuận thì không nên lãnh hội. Nghe Kinh cũng vậy, nghe rồi vì người khác thuyết giảng Kinh pháp, tuy có làm loạn tâm người nhưng không có tội.

Vì sao?

Do vì khi thuyết giảng Kinh pháp không muốn làm loạn động tâm người. Thuyết giảng Kinh nếu làm cho tâm người loạn động. Cũng ví như uống phải thuốc độc sẽ bị chết. Nhờ vào sự giảng dạy Kinh pháp, cũng như thuốc ngăn các độc hại thì sẽ không bị chết. Kinh Điển của Phật ví như thuốc giải mọi độc hại.

Người tu học có bốn việc mà lửa không thể thiêu đốt, binh khí không thể làm hại:

1. Ở chỗ Phật thì không bị hại.

2. Chứng quả diệt tận.

3. Đạt đến bốn thiền.

4. Chứng đắc đạo tâm, không rơi vào đường sinh tử.

Khi Đức Phật còn tại thế, nếu đi đến nhà người, người chủ nhà liền đóng cửa không muốn cho người khác thấy Phật, thì đời sau hai mắt của họ sẽ bị mù.

Do vậy cho nên người đem Kinh Điển của Phật khiến phát khởi lan truyền mạnh mẽ như ngọn đèn thì được thiên nhãn nhìn xa trông rộng, cũng được ánh sáng cho sáng rỡ, được mí mắt đẹp như tô điểm, được con ngươi mắt long lanh như lửa sáng, được thấy rõ chắc chắn. Từ những nhân duyên này mà có được đôi mắt sáng như đèn, đời sau sẽ được vật quý báu như vàng, bạc, châu báu.

Người nói ra những lời ác làm mê hoặc lòng người, đó là những việc làm, nhận thức của ma. Nếu có người tốt được cha mẹ ác, đó là ma gây tội lỗi, người đến chửi mắng, chỉ xem như gió thoảng, tai nên tránh nghe những ngọn gió ác đó. Ngược lại, nếu không tránh nghe, trở ngại làm người ác, hành năm dục sẽ bị đọa vào năm đường ác.

Người vào trong chúng hội, có bốn việc phải kéo họ ra.

1. Thuyết giảng những điều phi pháp làm rối loạn tâm người thì nên kéo họ ra.

2. Người nói lời nói sai lầm mà không ngăn được nên lôi họ ra.

3. Người nhận biết về điều sai lầm nhưng không cần sự giảng dạy thì nên kéo họ ra.

4. Người hỏi những câu hỏi không đúng như pháp thì không được trả lời và nên lôi họ ra, rồi gom những người ấy lại cho gần bậc Đạo nhân.

Làm côn trùng có bốn lý do:

1. Hành nghiệp đời trước đi theo để chịu tội.

2. Ma chướng phá hoại, không muốn người được chứng đạo.

3. Không ưa tìm chỗ nhàn tịnh.

4. Không có tâm bình đẳng.

Có tám hạng người không thể tin hiểu:

1. Người tham lam.

2. Người tật đố.

3. Người sân giận.

4. Người hời hợt.

5. Những quan lại.

6. Người tâm thay đổi.

7. Người oán thù.

8. Người nữ.

Những quan quyền, nước lửa, rắn rít, dao bén đều là những thứ không thể gần gũi, nếu gần gũi sẽ khiến xảy ra hại người.

Tham muốn nơi Kinh Điển có bốn việc:

1. Muốn khiến người ta biết được mình có nhiều Kinh Điển, muốn được nổi tiếng để kiêu căng ngã mạn.

2. Muốn cầm Kinh đi với người thua kém mình, người không hiểu biết mình.

3. Muốn nương vào Kinh Điển để nhận sự kính lễ của người.

4. Muốn cho tất cả mọi người theo mình lãnh hội Kinh giáo, mình làm thầy của họ. Ngược lại, người cầu đạo nơi Kinh Điển, mong tìm giải thoát khỏi sinh tử, vượt khỏi thế gian, cùng đi trên đường đạo.

Người học Kinh Điển có năm việc:

1. Muốn được nghe nhiều Kinh.

2. Muốn thực hành nhiều phước.

3. Muốn hiểu rõ Kinh.

4. Thuyết giảng Kinh cho người khác.

5. Muốn đoạn dứt sinh tử.

Năm sự ganh tỵ:

1. Ví như những người cùng một thầy mà muốn chỉ yêu thương riêng mình, không muốn người khác được yêu thương đó là ganh tị về nơi ở.

2. Tự mình suy nghĩ chỉ riêng mình sinh vào nhà ít họ hàng đó là ganh tị về sự sinh.

3. Thấy người khác giàu có mình muốn được bằng người đó là ganh tị về tài sản.

4. Kinh pháp thâm sâu của Phật chỉ muốn riêng mình có, không muốn người khác có được. Đó là ganh tị về Kinh pháp.

5. Thấy người khác đẹp đẽ, tự mình nghĩ mình không được như vậy, đó là ganh tị về sắc đẹp.

Người phạm vào năm thứ ganh tị này thì không được chứng đạo.

Người học đạo, chớ rơi vào năm điều tranh cãi:

1. Tranh cãi về Phật.

2. Tranh cãi về Pháp.

3. Tranh cãi về Giới.

4. Tranh cãi về Kinh Giáo.

5. Tranh cãi với Thánh Hiền.

Người học đạo chớ nên tranh cãi như vậy.

Có năm sự sai lầm kiên cố:

1. Sai lầm kiên cố về thân.

2. Sai lầm kiên cố về pháp chính yếu.

3. Sai lầm kiên cố về nẻo tà.

4. Sai lầm kiên cố về tham dục.

5. Sai lầm kiên cố về giới cấm.

Có bảy thứ dâm dật:

6. Ưa nhìn màu sắc của y phục.

7. Ưa nghe tiếng của vòng ngọc.

8. Ưa nghe tiếng nói của người nữ.

9. Tâm ý nhớ nghĩ nói chuyện với người nữ.

10. Mắt ưa xem ngắm.

11. Nhớ nghĩ việc vợ chồng.

12. Tâm nghĩ tưởng phạm giới.

Đó là bảy thứ dâm dật không thể chứng đạo.

Có năm nhân duyên mà người đời thích quên bỏ:

1. Quên thân.

2. Quên nhớ nghĩ nhiều.

3. Tham chấp.

4. Chấp sự nhận thức.

5. Do nguồn gốc đời trước.

Nghĩa là những điều đã nói làm cho người đời khổ não, lo sợ, nên ưa thích quên bỏ sự khổ nhọc. Ý niệm về khổ nhọc như uống rượu bị trúng độc. Bốn phần nước uống có được khí của Cõi Trời. Bốn phần nghỉ ngơi sẽ dẫn đến sự chết. Bốn phần nói ra những lời thiện sẽ được lên Cõi Trời. Bốn phần nói việc ác sẽ bị đọa địa ngục.

Nhà Vua có người em vợ chết sắp đọa vào địa ngục.

Vợ của Vua nói với Vua: Đừng để cho em tôi phải vào địa ngục.

Nhà Vua nói: Nàng hãy thay ta ngăn nó lại.

Khi người em sắp vào địa ngục, vợ của Vua nói: Cửa địa ngục không thể vào.

Người em nói: Trong ấy có rất nhiều thứ, rồi chạy vào trong ngục. Người tạo tội cũng như vậy.

Có người đến lấy cái cày của người khác mà không báo cho chủ nhân của nó. Người ấy dùng mà không muốn trả lại.

Đức Phật nói: Không nên như vậy.

Người ăn trộm nói: Vì tôi muốn làm cái cày bằng vàng để đền trả cho người ấy.

Đức Phật bảo: Người ấy vẫn mắc tội ăn trộm.

Người trì giới mới là người hiếu thuận, báo đáp ân đức cha mẹ.

Vì sao?

Vì không giết hại vạn vật nên được sống lâu. Không trộm lấy vật nên được giàu có. Không dâm dục, không loạn động, không dối trá, nên được lòng tin. Không uống rượu, nên được thanh tịnh.

Cha Mẹ có khi rơi vào những tình huống ấy, liền làm cho họ được an ổn, ở trong chùa Phật, phải tề chỉnh nghiêm túc, không được nằm trên giường dây, ghế, sập và mặc y phục của Sa Môn, nếu vậy đều là phạm giới.

Có người thỉnh mời người hành đạo, người hành đạo chưa thọ thực thì không nên hỏi Kinh pháp. Nếu người hành đạo vì thế mà thuyết giảng Kinh sẽ mắc tội, để vị ấy thọ thực xong mới được thưa hỏi Kinh pháp.

Không trì giới là không hành đạo. Ở trong chùa Phật, chẳng khác như đem thân ném vào trong chảo, chảo nóng thiêu hủy thân này. Người không trì giới tức không hành đạo, mà ở trong chùa lâu ngày mạng sống bị thiêu hủy.

Người hành đạo cũng nên thuyết giảng Kinh Điển. Có người đến hỏi Kinh không nên trái ý họ. Khi đem vật đến cúng cho người hành đạo, không nên hỏi Kinh trước, sau đó mới cúng. Nhận vật của người cũng không nên thuyết giảng Kinh sẽ mắc tội.

Người hành đạo có năm nhân duyên thỉnh mời mà không nên đi:

1. Thỉnh người A không bằng thỉnh người B, không nên đi.

2. Thỉnh người B không bằng thỉnh người A, thì không nên đi.

3. Nếu thỉnh người A, người A nói làm thế này, lại thỉnh người B, người B không nên đi.

4. Nói: Tôi từ phương xa đến, ngay khi đó không thỉnh, sau đó mới thỉnh thì không nên đi.

5. Nếu có mối oan gia không gặp nhau liền cho cùng gặp nhau, ngồi gần nhau, thì không nên đi.

Vì sao như vậy?

Vì ngủ nghỉ dùng để ngăn chặn tâm ý.

Ngăn chận có ba hạng:

1. Ngăn những hành nghiệp vào sinh tử.

2. Hành đạo, ý không dừng lại nơi các nhân duyên sinh tử.

3. Lại người thích ngủ nghỉ có ba nhân duyên:

1. Ăn nhiều.

2. Uống.

3. Lo buồn.

Lại có ba nhân duyên:

1. Thân an nghỉ.

2. Ngoài những tâm ý khác.

3. Muốn nhận mới ở lại.

Người nằm ngủ có ý thức, có thọ mạng, có hơi thở. Thông thường, một ngày có ba vạn sáu ngàn năm trăm hơi thở.

Có tám việc để trừ ngủ nghỉ:

1. Ăn ít.

2. Ngồi.

3. Đứng.

4. Kinh hành.

5. Tụng Kinh.

6. Ngắm sao.

7. Rửa mặt.

8. Quán xương cốt.

Nếu không trừ được nữa thì nên niệm các việc thiện. Khi ý đã chuyển đổi thì nên tự hoàn trả những vật ham muốn mong được phước nơi thiền định, được niệm rồi thì các việc khác tự mình giải trừ.

Có thân được phước, có miệng, ý được phước, có không được phước. Lại cũng có thân mắc tội, cũng có miệng, ý mắc tội, cũng có không mắc tội. Không được phước, nghĩa là trong giấc mộng được vàng bạc châu báu, phú quý giàu sang, đó là không được phước. Không mắc tội, nghĩa là trong mộng thấy có người đến giết hại hoặc xâm chiếm người, đó là không mắc tội.

Miệng dạy bảo người làm ác, hoặc khuyến khích người giết người, sau đó tạo lý do sai lầm để người khác bị đánh đập, đó là miệng tạo tội. Ý tự tạo tác các duyên, làm cho người bị tổn thương, đó là ý tạo tội.

Con người sở dĩ có những giấc mộng thiện hoặc ác, bởi lẽ muốn ăn uống, không có vật, chỉ có ý, nhân khi mộng thấy ăn uống ngon. Ý muốn giết người nhân vào mộng thấy người đến giết. Tất cả đều có nhân duyên cả, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại. Ban đêm nằm mộng do ban ngày không thấy các việc.

Trong mộng có thiện, có ác đều do ý tạo tác, đối tượng trong mộng cũng đều do ý. Ví như có người lấy một vật, quan sát xong liền cất đi, tuy không thấy vật nữa, nhưng trong ý niệm hiện ra cũng như khi thấy vật không khác. Những việc làm đời trước, liền theo yêu cùng những đối tượng của ý trong đời này.

Người chết rồi, sau đó lại ngồi dậy được là do lúc còn sống thường hay làm ma quỷ dọa người, hoặc trong khi mắc bệnh nói với người bên cạnh: Gọi ta thức dậy do vậy cho nên khi đã chết, lại khởi thân ngồi dậy.

Người đọa làm rồng có bốn nhân duyên:

1. Bố thí cho nhiều.

2. Sân giận nhiều.

3. Khinh dễ người khách.

4. Tự cao ngã mạn.

Đó là bốn việc làm phải đọa loài rồng. Một việc đầu tiên thì được phước, còn ba việc sau đọa làm thân rồng.

Trong Kinh luật dạy: Các loài súc sanh có sừng là do đời trước thích lấy tay bắt chéo ngang làm sừng, vì ưa thích nên được thân súc sanh có sừng. Hoặc làm thân súc sanh có nhiều màu sắc khác là do thích mặc y phục sặc sỡ có tâm xấu ưa dùng đồ tốt, cho nên phải mắc tội như vậy.

Chim anh vũ có cái mỏ màu đỏ, đôi chân màu đỏ là do vì đời trước thích mặc y phục sặc sỡ, môi đỏ như người nữ. Nếu thích mặc quần dài, đời sau đọa làm chim trĩ có lông dài. Tất cả đều do đời trước ưa thích gì thì đời nay có được như vậy.

Loài người hay súc sanh, thân thể có nhiều ghẻ nhọt, đều do đời trước dùng tre gỗ đâm giết cá sống, đâm vào miệng súc sanh, nên đời nay mắc tội như vậy.

Hoặc người hoặc súc sanh, vừa trông thấy nhau thì có người vui vẻ, có người sân giận, ấy là do đời trước cùng nhau làm thiện nên đời này vừa thấy nhau liền vui vẻ, còn đời trước không thể làm thiện với nhau thì đời nay thấy nhau liền sinh giận dữ.

Làm thân súc sanh vì tạo tội ác, có phước được thức ăn liền vui mừng, đó là cái vui xấu ác. Vì đời trước người này làm việc ác, nay được vui vẻ đó là phước. Làm súc sanh không được thức ăn ngon, có ba lý do:

1. Không tu tập.

2. Phước lành đã hết.

3. Tội lỗi sai khiến một cách tự nhiên.

Súc Sanh cũng ham muốn về sắc, thanh, hương, vị, xúc, cũng cùng nhau nói chuyện nhưng không thể nói như người được. Người nữ có râu là do đời trước từ trong loài dê, loài vịt mà đến nên có râu.

Loài cá, ba ba không có âm thanh. Vì đời trước hay đoạn đứt lời nói của người. Loài cá sinh ra không sống liền, mà phải trải qua bảy ngày mới sống, hoặc vướng vào cỏ cây ở nơi cạn đến bốn năm chục năm mới được sinh ra.

Sở dĩ cá có nhiều con là do người làm nhiều điều ác. Tội cùng sinh theo sự ưa thích sân giận, tật đố, si mê, dâm dục, do bốn hành nghiệp này mà đọa trong loài khỉ, vượn. Làm các việc không an ổn chắc chắn, cũng đọa làm vượn, khỉ. Người Thích Ca hát âm nhạc thì đời sau đọa làm chim, sâu, vượn, khỉ. Người ưa thích giết vật để cúng tế, thì đời sau đọa làm loài dê.

Vì sao?

Vì hay chặt đầu lột da lóc thịt sinh vật. Hoặc đời trước ưa thích cướp hiếp người, cởi lấy y phục của người, sẽ bị đọa làm côn trùng, cũng do đời trước ăn hiếp người, cởi lấy y phục của người, đời nay bị đọa phải chịu lạnh rét, hướng tìm đến lửa, trước phải chịu tội, tự nhả tơ làm ấm hoặc quá lạnh nên nhảy vào lửa nóng mà chết.

Người ngu si ưa thích sát hại, đời sau sẽ làm heo. Hoặc ưa uy hiếp người, đời sau sẽ làm hươu nai. Ham thích vị ngon, đời sau sẽ làm con ruồi. Ưa thích đánh đập người, đời sau sẽ làm con lừa, sở dĩ lừa có tai dài, vì đời trước ưa thích kéo tai người và tai súc sanh. Nếu thích tát tai người thì đời nay phải làm lính.

Vì sao?

Vì một người lính bị đánh tát thì các lính khác đều lên tiếng, một con lừa kêu lên các con lừa khác cũng kêu lên. Kẻ mắc nợ mà không trả sẽ làm trâu bò.

Sở dĩ bị phá móng chân, vì có hai lý do:

Một là mang nợ.

Hai là ưa thích mang guốc gỗ để làm đẹp.

Con ngựa có hai móng chân cũng có hai lý do:

Một là mắc nợ.

Hai là ưa thích mang giày gỗ để làm đẹp.

Có sáu người cùng kết bạn với nhau, sau đều đọa vào địa ngục, cùng vào trong một cái chảo, đều muốn nói lên tội của mình.

Người thứ nhất nói ra: Sa.

Người thứ hai nói: Na.

Người thứ ba nói: Trì.

Người thứ tư nói: Thiệp.

Người thứ năm nói: Cô.

Người thứ sáu nói: Đà la.

Đức Phật thấy vậy liền mỉm cười.

Tôn Giả Mục Liên hỏi: Vì sao Đức Phật cười?

Đức Phật nói: Có sáu người kết bạn bè, đang cùng ở trong chảo dầu nơi địa ngục. Mỗi người đều muốn nói về mình, nhưng bị chảo dầu sôi sùng sục, nên không thể nói được. Họ đều chỉ cùng một chữ và chịu chìm chết.

Người thứ nhất nói: Sa, tức là Ở thế gian có sáu ngàn ức vạn năm bằng ở trong địa ngục một ngày, biết đến khi nào mới hết.

Người thứ hai nói: Na, nghĩa là Không có kỳ hạn ra khỏi, cũng không biết đến khi nào được thoát khỏi.

Người thứ ba nói: Trì, tức là nói: Ôi thôi, ta thường lấy mưu sinh để duy trì sinh mạng, cứ như vậy không thể tự mình kiềm chế được tâm ý, do đời trước mình đã bao nhiêu lần không biết nhàm chán biết đủ.

Người thứ tư nói: Thiệp, tức là Ta mê mải làm ăn nhưng tài sản của ta cũng thuộc về người khác, vì thế ta phải chịu khổ đau.

Người thứ năm nói: Cô tức là nói: Ai có thể giúp cho ta khi thoát ra khỏi địa ngục rồi, không trở lại phạm phải cấm giới và được sinh Cõi Trời hoặc hưởng vui của cõi người.

Người thứ sáu nói: Đà la, tức là Những việc nói trên đây vốn không xảy ra theo ý muốn. Ví như xe ngựa quên đường lớn, đi vào đường tà bị gãy trục nhíp, có hối hận cũng không kịp nữa.

Đức Phật dạy có bốn cửa ải. Từ thế gian lên đến Cõi Trời thứ sáu là cửa ải chết. Từ Cõi Trời thứ bảy lên đến Cõi Trời thứ mười tám là cửa ải trống rỗng. Từ Cõi Trời thứ mười chín lên đến Cõi Trời thứ hai mươi ba là cửa ải vô thường.

Từ Cõi Trời thứ hai mươi lăm đến Cõi Trời hai mươi tám là cửa ải xuất. Xuất là cửa chính trong bốn cửa ải. Phước đức tột cùng không vượt quá Cõi Trời thứ hai mươi tám, tội ác tột cùng không qua khỏi Địa Ngục A Tỳ.

Ngoài ra, các tội khác đều có nhiều ít khác nhau. Từ một việc liền có ba độc, từ ba độc liền có ba đường ác. Nếu không có ba đường ác thì mọi người đều được chứng đạo. Từ địa ngục Đại A tỳ lên đến Cõi Trời thứ sáu đồng làm một cõi.

Từ Cõi Trời thứ bảy lên đến Trời thứ mười chín đều thực hành bốn tâm vô lượng, lại làm một cõi. Từ Trời thứ hai mươi lăm lên đến Trời thứ hai mươi tám, đều hành trì vô thường, khổ, không, vô ngã, cũng đều làm một cõi. Không vượt qua hai mươi tám Cõi Trời thì ba độc chưa dứt, trở xuống làm người, luân hồi trong ba cõi, muốn mong cầu giải thoát, cần phải diệt trừ tư tưởng.

Từ địa ngục Đại A tỳ lên đến Cõi Trời thứ sáu là Cõi Dục, từ Cõi Trời thứ bảy lên đến cõi thứ mười chín là cõi Sắc. Từ cõi hai mươi lăm lên đến cõi hai mươi tám là cõi Vô sắc, không có tư tưởng mà cũng có tư tưởng. Từ địa ngục A Tỳ cho đến Cõi Trời hai mươi tám là cõi sinh tử, hai mươi tám vượt qua cõi là cõi Vô vi.

Đoạn tham dục mới đến Cõi Sắc, đoạn được sân giận mới đến cõi không có tư tưởng, đoạn trừ ngu si mới đạt đến giải thoát.

Trong ba cõi đó có ba xứ:

1. Từ địa ngục A Tỳ lên đến Cõi Trời thứ sáu là cõi tham dục.

2. Từ Cõi Trời thứ bảy lên đến Cõi Trời thứ mười chín gọi là hành chấp vào sắc.

3. Từ Cõi Trời hai mươi lăm lên đến Cõi Trời hai mươi tám, bốn cõi này đạt đến quả A Na Hàm, không có tư tưởng cũng có tư tưởng, gọi là hành động không có sắc.

Đó là ba xứ. Nếu đọa vào địa ngục sẽ chuyển thành hành chấp vào sắc. Ví dụ như ngọn lửa, chỉ có thể thấy chứ không thể nắm bắt. Ở nơi xứ tham dục hoặc ở nơi xứ hành có sắc cũng vậy, đó là ba xứ. Từ địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ do còn tham muốn sắc nên trong đời sống phát sinh ba ý muốn của mình.

Thế nào là đạo?

Có ba hành căn bản. Căn bản ác, căn bản thiện, căn bản đạo. Địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ là căn bản ác. Từ trong loài người lên đến Cõi Trời thứ sáu là căn bản thiện. Từ Cõi Trời thứ bảy vì ra khỏi mười hai cửa là căn bản của đạo, đã đến được Cõi Trời hai mươi tám.

Người không được giải thoát có ba lý do:

1. Do tham.

2. Do ngu si.

3. Do có ý.

Cho nên đã không được giải thoát phải thoát khỏi mười hai cửa nên nguyện không có ý, người ba độc không đoạn trừ, thì không được giải thoát lên trên, vì chưa Cõi Trời thứ hai mươi tám.

Vì sao?

Vì trước thân vốn còn ở thế gian, không tham thân loạn ý, đoạn trừ ba việc bên ngoài, được sinh lên Cõi Trời thứ sáu, thọ hưởng phước đức, đoạn ba việc bên trong được sinh lên Cõi Trời thứ mười tám. Từ Cõi Trời hai mươi mốt làm bốn xứ, chứng quả vị A Na Hàm.

Thực hành mười điều thiện, có người được sinh lên Cõi Trời thứ nhất, có người được sinh lên Cõi Trời thứ sáu, vì làm thiện có nhiều hay ít khác nhau cho nên chỗ sinh về cũng không đồng nhau.

Thực hành mười điều ác, có người vào địa ngục, có người làm súc sanh hay ngạ quỷ, vì làm điều ác cũng có nặng hay nhẹ khác nhau cho nên chỗ sinh về cũng không đồng nhau. Thực hành thiện lại bị quả ác, thực hành ác lại được quả thiện vì trong thiện có ác nhỏ, trong ác có thiện nhỏ, nhỏ vi tế không thể thấy.

Trong thiện không có ác nhỏ nào, cũng không đọa trong ác. Trong ác không có thiện nhỏ nào, cũng không thoát khỏi cực ác. Cực ác không vượt quá địa ngục A Tỳ, cực thiện không vượt quá Cõi Trời hai mươi tám. Nếu không nhận thức rõ tâm vi tế như vậy thì không thể giải thoát.

Chúng sinh thực hành mười điều thiện sẽ được sinh lên Trời. Các vị Trời sở dĩ được hóa sinh là do khi còn ở thế gian, không hướng đến sắc, hiểu rõ đường ác bất tịnh, từ đó được hóa sinh. Có ý hướng đến liền vào thai người nữ.

Chư Thiên được hóa sinh, có năm lý do:

1. Không gần với người nữ.

2. Ý không khởi.

3. Không mong có con trẻ.

4. Thích sống một mình.

5. Không cần thế gian, không tham đắm thân, nên được hóa sinh.

Khi mạng sống của con người sắp chấm dứt, nên họ trì tâm ý, quán niệm hơi thở, buộc tâm vào hơi thở, có khi từ Cõi Trời thứ nhất trở lên là dứt tâm, rồi quán thân có ba mươi hai vật. Tóc, lông, răng, móng, xương, da thịt, năm tạng, gồm mười một thứ thuộc về đất.

Nước mắt nước dãi, máu mủ, mỡ tùy, tiểu tiện, gồm bảy thứ thuộc về nước. Hơi thở, nhiệt độ tiêu hóa thức ăn, gồm hai thứ thuộc về lửa. Có mười hai thứ thuộc về gió. Đó là ba mươi hai vật đều từ đất, nước, lửa, gió phát sinh ra.

Những gì làm đất?

Con người sinh ra từ tinh khí tinh thần và vật chất. Vật chất làm đất, ý làm hạt giống, tinh khí làm nước, cả hai hòa hợp sinh ra thân, tìm cầu sự ăn mặc, đó là dưỡng khí để bảo vệ thân người.

Vì vốn thân là không, là diệt tận, vô thường, nếu chứng đạo liền biết rõ thân chăng phải thân, quán niệm thân chẳng bao lâu sẽ bị hủy hoại chết đi. Chỉ có ý là hạt giống của người, nên một lòng hộ trì tâm ý. Người ngu si không thể giữ gìn tinh thần, hồn phách, chỉ nuôi dưỡng bốn thứ làm màu sắc mùi vị cho riêng mình.

Nghĩa là chấp thân này là của ta, không biết rằng tất cả các ác đều từ thân mà sinh ra, vì ăn, uống, tham đắm mùi vị mà rơi vào khổ đau, luân hồi sinh tử, không thoát khỏi những ác nghiệp căn bản, hồn phách đi vào hư không.

Thân thể chôn vào trong đất, trải qua thời gian bị tiêu hủy, vốn không thật có, chỉ có ý mới hành nghiệp chuyển hóa, thân chết trở về đất, vạn vật cũng như vậy, đều là vô thường, con người không thể mưu tính được.

Suy nghĩ trăm phương nghìn kế nhưng cuối cùng chẳng được gì cả. Thân chết đi, mong cầu từ bỏ được trăm điều lo nghĩ nhưng cũng vậy, đã diệt rồi lại sinh, sinh rồi lại khổ, lại tạo tác các nghiệp thiện, ác, cứ gieo trồng mà chưa biết nẻo về, đó là chẳng phải thân. Người hành đạo, nên đoạn dứt thân này mà không biết rõ bốn sự vô thường, thì hoàn toàn không được chứng đạo.

Tự mình quán sát thân, thấy rõ các thây chết bị tan hủy thì biết thân người và vạn vật đều không, không có sở hữu, ý liền dừng lại, thực hành hạnh hoan hỷ, khi đã được tâm hành, thì luôn luôn được an ổn, tâm chuyên nhất gọi là Đạo.

Đã tự quán sát thân, biết rõ thân không thật có, tức đó là thân niệm xứ. Thọ, tâm, pháp cũng vậy. Chỉ có nghĩa là ba việc thọ cũng dừng, ý về thọ cũng dừng, bốn việc tham dục cũng dừng, ba việc tư tưởng bên trong cũng dừng, tác ý cũng dừng, gọi là thức diệt và dừng pháp bên ngoài. Đó là bốn Niệm xứ. Đã giữ gìn bảo hộ thì chỉ, đã chỉ thì quán.

Kinh dạy: Chỉ quán cùng đi đôi để thực hành là chứng được bốn Đế.

Đức Phật dạy: Một mình ngồi thiền, quán xét tự tâm, nghĩa là tư duy về sắc, thọ, tư tưởng hành sinh tử, thức. Người tự quán, diệt trừ các duyên bên ngoài, quán ý chỉ thường thực hành như thật, thấy đạo cũng như thật, người hành thiền sẽ tự thấy.

Kinh dạy: Tỳ Kheo có thể ngăn giữ ý bên trong, sau mới dừng, tức là trước hết phải tư duy quán sát diệt vọng niệm các niệm đối đãi bên trong liền ngăn giữ ý, ý không rời khỏi thân. Đối với người hành đạo, các đối đãi bên ngoài tức là vạn vật. Các ý niệm bên trong tức là tư duy nhận thức.

Muốn diệt trừ các niệm đối đãi thì luôn niệm các vật là vô thường dễ hủy hoại, đều chẳng phải là vật sở hữu của ta, ta cũng chẳng phải vật, lập tức niệm nghĩ đến cái chết nhanh chóng, ta có đem được gì. Giữ việc thiện, duy trì nhất tâm, duy trì tụng Kinh được nhiều an lạc.

Đức Phật dạy: Đó là những thứ mà ông đem đi được, ngoài những thứ ấy ra, còn tất cả đều chẳng phải của ta, ý nên nhận thức rằng: Những gì thuộc về ân ái phải bị biệt ly, đều tự tiêu hủy, nhớ nghĩ đến nó chỉ rối loạn tâm ý, tùy theo tội ác của người mà có quả báo nơi thân, cần duy trì sự thanh tịnh để hướng đến đạo Niết Bàn.

Đức Phật từ thiền định vào đến đạo thứ chín, quán niệm bốn màu sắc nơi thân bị tiêu diệt. Nghĩa là khi người chết được bốn đến năm ngày sẽ có mùi hôi xông lên, sắc màu chuyển thành tái xanh.

Từ năm đến sáu ngày, máu mủ từ trong miệng mũi, tai, mắt chảy ra mà đỏ bầm, sau đó, da thịt bị hủy hoại, trong ruột, dạ dày sinh ra vi trùng, chúng trở lại rúc rỉa thịt ấy. Khi da bị tiêu hủy, xương cốt trở thành màu trắng, lâu ngày chuyển thành màu đen rồi tan thành tro đất. Quán bốn đại đất, nước, lửa, gió và không đều chẳng phải sở hữu của ta.

Từ vô số kiếp đến nay, cũng đã từng làm vợ con nô bộc của người, cũng từng bị làm súc sanh, trâu, ngựa, trùng, khổ nhọc mang nợ nặng nề, cũng từng bị giết hại, mổ xẻ, bóc da thiêu nướng, bằm chặt. Ngày nay làm người, ta trở lại lấy người làm vợ con tôi tớ cho mình, cũng lại đem súc sanh, trâu, ngựa, sinh vật để giết hại, mổ xẻ, bóc da, thiêu nướng, đâm chặt một cách tự do.

Khi thân chết đi, đều phải trở lại chịu hành nghiệp. Người hành đạo thà rằng thấy người chết chấm dứt hơi thở, thì không còn nhận biết được nữa, thân thể nằm thẳng cứng, mùi hôi từ sự hủy hoại xông lên, nên quán sát kỹ thì thật ghê sợ, không còn gì để muốn thấy nữa.

Vì sao?

Vì nếu không lo sợ nữa sẽ khiến được sinh Cõi Trời và chứng Niết Bàn.

Đức Phật biết rõ chín đường đều là không, không sở hữu, nên trở lại hành thiền định.

Người hành đạo nên mau chóng diệt trừ vọng niệm, không còn niệm khác, như thế liền đạt đến nẻo hành thâm sâu nơi vạn vật, ở nơi đối tượng thấy biết sâu xa ấy, do nhờ chúng không tồn tại, cho nên không thấy được. Khi tâm ý khởi tham dục nên niệm vô thường, tan hoại, đối trị với tâm sân hận nên niệm bốn tâm bình đẳng bốn tâm vô lượng.

Đối trị với ngu si nên niệm nguồn gốc các hành là vô thường, vô vi, an ổn. Người không hiểu rõ sự vô thường thì hoàn toàn không từ bỏ tham dục, cũng không thoát khỏi đường ngạ quỷ. Vật sở hữu của thế gian như mộng ảo. Trong mộng thấy được ăn ngon, thức dậy thì không thấy nữa.

Vật sở hữu thế gian như thế, sinh ra rồi chết đi, thành tựu rồi tan hoại, cuối cùng trở về không, có gì phải tham đắm?

Nếu người có cả vợ con, tài sản cũng như vậy.

Vì sao?

Vì con người muốn duy trì sự sống phải có được tiền tài danh vọng. Nếu khi gia đình hòa hợp thì vui vẻ hạnh phúc, cũng ví như bầy chim tụ hội bay về. Nhưng mọi sự đều vô thường, một ngày kia sẽ xa cách biệt ly thì không thấy được nữa. Giả sử như có thường đi chăng nữa, thì cũng vạn mối sầu lo, tâm ý ở trong sinh tử, mỗi ngày tích chứa tội lỗi.

Nếu người thông minh sáng suốt thì tự mình kiểm thúc, tu hạnh thiểu dục, hướng cầu hạnh mặc một y, ăn ngày một bữa, theo hạnh thiền định không chút nghỉ ngơi, thường giữ thân thanh tịnh, đoạn trừ tham dục, quán niệm pháp không.

Hỏi: Hành đạo giữ tâm vốn từ đâu sinh ra?

Đáp: Tánh của Trời đất hình thành con người. Từ Cõi Trời thứ mười lăm trở lên thọ mạng con người không yểu, dứt trừ năm đường sinh tử theo sáu trần phát sinh ra.

Con người sinh ra, tâm ý vốn thiện, không có tham ái, thọ, tưởng, hành sinh tử, thức, nhưng bị mắt, tai, mũi, miệng lừa dối, như mắt nhìn thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi biết hương, miệng biết vị, tâm khởi niệm, tạo mười việc thành năm ấm, ý hợp với pháp trần tạo thành ý thức, nhân đó tạo tác các hành nghiệp thiện ác, hình thành bản ngã theo quá trình sinh, già, bệnh, chết. Ở trong năm đường cầu đạo giải thoát vì muốn đoạn diệt sinh tử, phải giữ thân dừng ý.

Tức là mắt dừng tiếp xúc với sắc, tai dừng tiếp xúc với âm thanh, mũi dừng tiếp xúc với hương, miệng dừng tiếp xúc mùi vị, thân ưa thích không tiếp xúc sáu trần, thực hành thiền quán, một lòng nhớ nghĩ thiền định, diệt trừ các nhận thức của ý, người chứng đạo thì năm ấm thảy đều diệt mất, biết rõ tất cả đều vốn không thật, nên nhớ nghĩ về không và luôn quán tưởng không, hướng đến cửa Niết Bàn.

Đối với người giữ gìn tâm ý, ý thức làm chủ mọi hành động, xét thấy sáu trần là tai họa gây nên các hành nghiệp căn bản trong năm đường.

Người hành đạo phải tinh chuyên tư duy, tự mình duy trì pháp quán bốn Niệm xứ không sai lệch thì các ý niệm nhận thức, tư duy phải đi đường nào?

Người muốn diệt trừ ý niệm, nhận thức, tư tưởng, phải thực hành tất cả không gián đoạn mười việc thiện của thân khẩu ý.

Xét rõ năm ấm, sáu trần, cho đến ba định là: Khẩu không còn đối tượng nhận thức là khẩu định, thân không còn đối tượng nhận thức là thân định, ý không còn đối tượng để niệm nghĩ là ý định.

Ý có bốn bệnh, người ngu si nhiều thì các phiền não che nhiều, phiền não ngăn che nhiều thì không được tu tập, không tu tập thì sân giận tham ái khởi lên không thể kiềm chế được, do đó bị rơi vào vô minh. Người hành đạo cần phải đoạn trừ năm ấm phiền não ngăn che. Người nhiều tham dục.

Đức Phật dạy: Đó là người không muốn làm việc, do nhiều mệt mỏi, ý không muốn tu hành, không muốn quán niệm, sau khi chết chịu mọi khổ đau.

Hỏi: Thế nào là sự sống căn bản.

Đáp: Không nghi hoặc là sự sống căn bản.

Hỏi: Thế nào là hướng?

Thế nào là đối?

Thế nào là hành?

Đáp: Không chuyển ý là hướng, không chuyển niệm là đổi, đáng để ý là hành.

Hỏi: Thế nào là ruộng đất?

Ý của ông là có ý còn ruộng đất nhà cửa vô tri nên không có ý chăng?

Ruộng đất nhà cửa không có tri giác còn ông là người có tri giác, nhà cửa ruộng đất không có ý nên không có tri giác chăng?

Có thể nói ý hiểu biết về vị ngọt của dục cũng là ý.

Vì sao?

Vì người không hiểu biết gần gũi với người không ruộng đất nhà cửa.

Như vậy, tức là hỏi trong nhà Phật có ý hay không ý?

Nếu thân không có ý làm gốc thì tự tạo tác tự chứng được. Ví dụ như năm thứ giống căn bản, cũng không trồng mà lại sinh ra. Con người cũng vậy, vốn không trồng mà có, giống như đốt lửa cháy rực, bỏ củi đi thì lửa tắt. Người hành đạo nên quán sát thân chẳng phải thân, vạn vật cũng như vậy.

Hỏi: Vốn dĩ không có ý niệm thì lấy gì mà gìn giữ?

Đạo có bốn điều:

1. Giữ gìn các căn môn.

2. Biết rõ thân chẳng phải thật có nên hủy hoại thân không luyến tiếc, đó là hạng người được ra khỏi cửa Cõi Trời thứ sáu.

3. Biết rõ vô thường, tâm không còn hướng đến đó là người vượt khỏi cửa Cõi Trời thứ mười tám.

4. Như không diệt không, đó là người vượt khỏi cửa Trời thứ hai mươi tám, tức là diệt không và đạt đạo.

Kinh dạy: Người hành đạo, giác ngộ, được giải thoát, tức là giác ngộ về khổ, không, vô thường, vô ngã. Được giải thoát tức là vượt khỏi bốn cõi, chứng thiền thứ nhất lên Cõi Trời thứ bảy, có thân nhưng chỉ có hình.

Vì sao?

Vì người hành đạo muốn hủy hoại thân. Quán niệm đầu, tóc, não nơi thân, tóc vốn không có nguồn gốc, đều do huyễn hóa tạo thành, sẽ bị hủy hoại, rơi rụng, quán não như cháo đặc đều bị thối rữa, quán mắt chỉ có lỗ chứa nước, bên trong tiết ra nước nhờn, tai có lỗ rỉ ra nước bẩn, mũi miệng luôn xuất ra đàm dãi, tất cả đều tiêu hủy, lưỡi yết hầu, phổi cuốn lấy tim gan.

Trong tim có máu xấu. Mật, ngực, lá lách dính với dạ dày. Thận liền với xương sống, trong dạ dày có dịch vị làm tiêu hóa thức ăn.

Ruột già có phân, ruột non có lỗ thông nước tiểu, tất cả đều phình trướng hôi thối, được tiêu tán vào nơi dơ bẩn bên dưới mông, máu dồn vào hai cẳng chân, dần dần da thịt bị tiêu hết, gân mạch tan hoại, các đốt xương bị phân chia từng đoạn, cẳng chân khớp với xương đùi như bánh xe, xương khu cùng với xương sống liền nhau, xương vai cùng với xương khủy tay liền nhau khi máu thịt tan rã, đều trở thành tro đất làm mồi cho các loài côn trùng.

Một khi hơi thở ra mà không thở vào thì bước sang đời khác. Quán thân này nằm ngay đơ không chút cử động, hỏa đại hết thì thân lạnh cóng, phong đại hết thì hơi thở dứt, chất nhờn từ chín lỗ chảy ra thì hết thủy đại, không còn ăn uống thì địa đại chấm dứt.

Sau ba bốn ngày, sắc thân chuyển sang xanh bầm, máu mủ từ miệng, mũi, mắt, tai, chín lỗ chảy ra, màu đỏ của da thịt xương cốt đều hủy hoại, ruột, dạ dày năm tạng và tây chân, tất cả đều thành tro đất. Quán sát vạn vật như vậy, tự quán thân mình cũng như vậy, tự quán thân mình cũng như vậy, tất cả đều diệt tận, đều là không, hơi thở ra vào cũng biết rõ là không, như vậy có thể gần với đạo.

***