Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Mục Liên Vấn Giới Luật Trung Ngũ Bách Khinh Trọng Sự

PHẬT THUYẾT KINH

MỤC LIÊN VẤN GIỚI LUẬT TRUNG

NGŨ BÁCH KHINH TRỌNG SỰ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Pháp Thiên, Đời Tống

PHẨM HAI

PHẨM THƯA HỎI VỀ PHẬT
 

Hỏi: Vật của Phật để ở chỗ này, Tỳ Kheo lấy làm Phật Sự chỗ khác, phạm tội gì?

Phạm Ba Dật Đề. Tất cả vật của Phật không được dời đổi. Nếu có nạn, Chúng Tăng đi hết thì phải bạch chúng, nếu chúng chấp nhận thì được lấy đến chỗ khác, không có tội.

Vật của Phật được mua để cúng dường không?

Được.

Vật của Phật dùng cất nhà, có thể cho thuê không?

Tất cả vật của Phật chỉ được mua, không được cho vay.

Tỳ Kheo làm Phật sự, được sai người giúp việc trong Chùa đi mượn bò, lừa, ngựa… không?

Nếu biết vốn là vật của Phật thì không được, nếu không biết thì được, vì phi pháp nên được

Đất của Tăng mà xây Tháp, đem vật của Phật xây cất, bày vẽ bên trong, có thể ở không?

 Nếu biết mà vào ở thì phạm tội Đọa, không biết thì không phạm. Nếu biết mà ở, can gián hơn ba lần, phạm tội Quyết đoán, can gián hơn bốn lần thì phạm tội nặng.

Trước đây Chùa chiền bị hư hoại, người chủ xuất tiền của xây cất lại Chùa, nếu dùng tiền đó cúng cho Tăng, Tăng được nhận không?

Không được.

Đất của Tăng, vật của Phật mà lấy xây cất, ở đất ấy trước đây có giếng, có hoa quả, rau trái có thể ăn không?

Không được ăn. Nếu vật của đàn việt làm Phật sự, trước đây họ dùng hoa quả rau trái cúng cho Tăng thì được ăn, họ không cúng thì không được ăn, nếu mua hơn năm tiền, nếu biết lại không mua mà ăn, tính theo số tiền nhiều hay ít đều phạm tội.

Quét trên Tháp Phật, có được bỏ đất và có tội không?

Được bỏ đất, không được dùng vào việc khác.

Mắc nợ vật của Phật thì trả thế nào?

Phải trả bằng giá trị vật cũ, vì vật của Phật không được xuất ra, nhập vào, nên cũng không trả thêm, tuy vậy vẫn bị đọa địa ngục. Thuở xưa, sau khi Phật nhập Niết Bàn, có một Tỳ Kheo thông minh, tinh tấn, một Bà La Môn thấy vị Tỳ Kheo thông minh, tinh tấn, nên đem con gái đến chỗ vị Tỳ Kheo, xin được làm Tỳ Kheo Ni.

Vị Tỳ Kheo ấy liền thâu nhận. Cô gái kia rất đoan chánh. Về sau, vị Tỳ Kheo liền khởi tâm ái nhiễm, cùng sống chung với cô ta, sử dụng vật của Phật, Pháp và Tăng, mỗi ngày đều dùng từ một đến mười vạn tiền để mua thức ăn, y phục.

Vị Tỳ Kheo ấy rất thông minh, có khả năng thuyết pháp làm cho người khác chứng đắc bốn đạo quả, nên vị ấy suy nghĩ: Tội này rất nặng, liền muốn đền trả số tiền và vật dụng ấy. Tỳ Kheo liền đến nước Sa khư để khất thực, được rất nhiều tiền, vật, muốn trở lại để đền trả.

Đến giữa đường, có ngọn núi rắn độc ở, chỉ cần bước đến bảy bước là bị rắn độc cắn, Tỳ Kheo biết đi thêm bảy bước sẽ chết, nên mới đi được sáu bước liền quay lại chỗ đệ tử.

Phân chia vật đền trả rồi sai đệ tử trở về nước và dặn: Ngươi đem vật này về trả lại, xong việc thì quay lại, ta sẽ đợi ngươi ở đây!

Người đệ tử đem trả vật xong, trở lại báo tin, vị Tỳ Kheo nghe xong, đứng dậy đi bảy bước liền bị chết, lập tức bị đọa vào địa ngục A tỳ, ban đầu vào địa ngục nóng bức, chưa hết lại đến khổ thiêu đốt, đó là ngục nóng, vị ấy liền tụng Kinh lớn tiếng để chú nguyện cho các loài quỷ và tội nhân trong ngục.

Nghe Kinh kệ xong, vô số ngàn người được thoát khỏi ngục. Ngục tốt rất sân hận, liền cầm chĩa ba đánh vị ấy. Tỳ Kheo liền qua đời được sanh lên Cõi Trời Ba Mươi Ba. Do việc này nên biết, mắc nợ vật của Phật, Pháp, Tăng thì không thể không trả, tuy vẫn chịu tội, nhưng có lúc cũng được thoát khỏi.

Vật của Phật lấy cho người khác, lấy cho con và tự sử dụng thì phạm tội không?

Người cho vật của Phật thì cùng một thể với phạm tội nặng, dù đem con dâng cho Phật còn không có phước, vì đã hủy hoại pháp thân, nên còn bị hình phạt.

Vật của Phật, người chủ tính toán đem chia cho người giúp việc trong Chùa và trẻ con, Tỳ Kheo được sử dụng không?

Không được sử dụng vì đó là vật của Phật.

Tỳ Kheo làm việc cho Phật, được thức ăn của Phật thì được ăn không?

Không được ăn. Vì Tỳ Kheo không lẽ làm người khách, huống nữa lại nhận và sử dụng vật của Phật như y phục, thực phẩm sao!

Bạch y làm việc cho Phật, được vật của Phật, họ dùng vật này làm thức ăn thỉnh Tăng, vậy Tăng được ăn không?

Không được ăn.

Làm việc Phật, việc pháp được phép cầm giữ vàng, bạc và tiền không?

Không được. Nếu cầm giữ thì phạm Xả Đọa.

Hỏi: Người cúng cho Phật bò, lừa, ngựa, nô tỳ để làm việc Phật, việc pháp có thể nhận không?

Đáp: Được nhận để sử dụng, nhưng không được buôn bán cung tên, dao rựa, binh lính vũ khí, một chút cũng không được thọ nhận.

Hỏi: Người cúng đèn, nhà ở cho Phật, chưa sử dụng có thể ở tạm không?

Đáp: Không được, vì đó là vật của Phật.

Hỏi: Thắp đèn cho Phật, ban ngày có thể tắt không?

Đáp: Không được, nếu tắt phạm tội Đọa, tuy Phật không có sáng tối, nhưng được phước cho người cúng, nên tắt thì phạm tội.

Hỏi: Chẳng phải Chùa mà thờ tượng Phật bên trong, có thể để phía trước chỗ ăn, chỗ nằm nghỉ không?

Đáp: Được. Nếu Phật ở đời cũng ở phía trước chỗ ăn, chỗ nằm nghỉ, huống chi tượng Phật mà không được! Nhưng nằm phải lấy bức ngăn lại nếu có đèn sáng, không được dùng trong chỗ ở, nếu mình có đèn thì được.

Hỏi: Nhìn ngắm Phật trên tranh, Phật trên Tháp, Phật trên tường, phạm tội gì?

Đáp: Không biết nên không phạm, nếu việc gấp khó khăn thì cũng không phạm, biết mà khinh thường thì phạm tội Đọa, can gián hơn ba lần thì phạm tội Quyết đoán, can gián hơn bốn lần thì phạm tội khí.

Hỏi: Đã có vật để làm Kinh Phật, bèn nhận được vật của người khác, nên không dùng vật trước, có được không?

Đáp: Không được. Vì đã chấp nhận như vậy rồi.

Hỏi: Khen chê hình tướng tượng Phật, phạm tội gì?

Đáp: Tất cả tượng Phật không hỏi xấu đẹp, không được khen chê, tội ấy rất nặng, nhất định không nên làm.

Hỏi: Được phép mua hình tượng Phật trên tấm vải may áo không?

Đáp: Không được.

Hỏi: Người tạc tượng Phật nhưng không làm lỗ mũi, về sau, người khác làm lại được không?

Đáp: Không được.

Hỏi: Được phép cầm vật để dựa vào vách tường nơi thờ Phật không?

Đáp: Không được, nếu làm thì phạm tội Đọa. Xưa, có một Tỳ Kheo muốn vào Chùa lễ Phật, có một Bà La Môn biết xem tướng, thấy vị Tỳ Kheo ấy có tướng Thiên Tử.

Nên nói với Tỳ Kheo: Ta có một đứa con gái, sẽ gả cho ông.

Tỳ Kheo nói: Đợi sau khi lễ Phật về. Tỳ Kheo liền dựng cây gậy thiếc vào vách điện Phật rồi vào trong Chùa lễ Tháp Phật. Khi trở ra, Bà La Môn lại nói không gả con gái nữa.

Tỳ Kheo hỏi: Ông đem con gái gả cho tôi không?

Bà La Môn nói: Không gả.

Tỳ Kheo hỏi: Vừa rồi nói gả, vì sao nay lại nói không?

Bà La Môn nói: Vừa rồi, thấy ông có tướng tôn quý nên tôi mới gả, nay không còn tuớng ấy nên tôi không gả nữa.

Vì sao?

Vì ông đã diệt mất công đức. Cho nên, không được để vật dựa vào Tháp Phật và tường vách thờ Phật, vì đã phạm giới, lại mất hết vô lượng công đức.

Hỏi: Vật của Phật được làm tượng người, Trời và súc sinh không?

Đáp: Nếu hầu bên Phật thì được làm.

Hỏi: Tỳ Kheo độ người không hỏi rõ đầu đuôi mà độ người ấy, sau đó mới biết là người giúp việc trong Chùa, nếu không đuổi đi, phạm tội gì?

Đáp: Biết mà độ thì phạm tội nặng, nếu trước không biết, hoặc biết liền đuổi đi, nếu không đuổi đi, cũng phạm tội nặng.

Hỏi: Người ấy là người tu đạo lớn phải không?

Đáp: Không phải.

Hỏi: Có của cải riêng đưa cho Tỳ Kheo làm tượng Phật, người làm được lấy vật không?

Đáp: Không được.

Hỏi: Lá phướn trước tượng Phật, được lấy làm Phật Sự không?

Đáp: Phật Sự thì được dùng, hoặc đàn việt không cho không được.

Hỏi: Được đảnh lễ bảy Đức Phật quá khứ?

Đáp: Được. Vì đồng là pháp thân.

Hỏi: Nếu người trước đây hứa với Phật làm ba hội, nhưng sau đó chỉ làm một hội, hoặc làm ba hành hương, hoặc làm ba bố thí có được không?

Đáp: Không được, vì sai lời hứa nên phạm tội.

Hỏi: Tỳ Kheo phạm tội Quyết đoán có được ở trong đất Phật để sám hối không?

Đáp: Không được.

Hỏi: Ngôi Chùa quá cũ kỹ lâu đời, đều không còn tường vách ngăn che, không biết đất Phật gần hay xa, nếu người muốn làm, làm sao biết được bờ nào bằng phẳng?

Đáp: Không biết mà có ý muốn làm bờ bằng phẳng, vì không biết nên bị tổn hại chứ không có tội.

Hỏi: Vật của Phật lấy làm nhà cho mẹ con của quỷ và làm tượng, có tội không?

Đáp: Có tội, vì lấy vật của Phật cho người khác.

Hỏi: Tỳ Kheo tự tay đốn chặt cây, đào đất, xây cất Chùa, Tháp Phật và làm hình tượng có phước không?

Đáp: Còn không tránh khỏi địa ngục, chịu tội khổ lớn, huống là có phước, vì đã phạm giới.

Hỏi: Trước Tháp Phật, được đảnh lễ Tỳ Kheo không?

Đáp: Không được, nếu đảnh lễ thì phạm tội Đọa.

Hỏi: Tỳ Kheo buôn bán tượng Phật có tội gì?

Đáp: Tội giống với tội buôn bán cha mẹ.

***