Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Mục Liên Vấn Giới Luật Trung Ngũ Bách Khinh Trọng Sự

PHẬT THUYẾT KINH

MỤC LIÊN VẤN GIỚI LUẬT TRUNG

NGŨ BÁCH KHINH TRỌNG SỰ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Pháp Thiên, Đời Tống


PHẨM MƯỜI 

PHẨM HỎI VỀ TỲ KHEO QUA ĐỜI
 

Hỏi: Vật của Tỳ Kheo qua đời, không đánh kiền chùy, không Yết Ma mà chia, phạm tội gì?

Đáp: Trong cương giới có mười người trở lên, đều được đánh kiền chuỳ mà Yết Ma, nếu không đánh kiền chùy mà Yết Ma, hoặc đánh kiền chùy mà không Yết Ma, hoàn toàn phạm tội khí.

Sở dĩ làm như vậy vì tất cả vật của Tỳ Kheo qua đời đều thuộc Tăng bốn phương, không được tự ý chia, nếu ở ngoài cương giới thì năm người trở lên, được Yết Ma chia, không cần đánh kiền chùy, vì không có cương giới, bốn người trở xuống không được Yết Ma chia, nếu chia thì phạm tội khí.

Phải đem đến trong Chúng Tăng, nếu tự lấy đem đến chúng khác, mới vào trong cương giới thì không phạm, khi ra khỏi thì phạm tội khí, như vậy lại đến chúng khác, ra khỏi một cương giới phạm thêm một tội khí. Đệ tử đem vật của thầy đi cũng vậy.

Hỏi: Tỳ Kheo mất, đệ tử không lấy của thầy đưa cho Chúng, đích thân phân chia cúng dường Chúng Tăng, tăng có thể ăn không?

Đáp: Đệ tử ấy trước đây biết pháp thì có tội, Tăng không đánh kiền chùy không Yết Ma mà ăn, phạm Xả Đọa.

Hỏi: Nếu thầy qua đời, Tăng Yết Ma chia vật, đệ tử được chia không?

Đáp: Được, vì đệ tử là Tăng Chúng.

Hỏi: thầy qua đời, không có tăng khác, chỉ có đệ tử, hoặc năm hoặc mười, được Yết Ma chia vật không?

Đáp: Được chia vì đệ tử tức là Tăng nên được chia, phải đánh kiền chùy và Yết Ma, không làm như vậy thì không được.

Hỏi: Người bệnh qua đời, vật cúng cho người bệnh còn lại, được lấy cho người bệnh khác không?

Đáp: Đây là vật của Tăng, không được cho người khác, nếu đem cho với trị giá năm tiền, phạm tội khí.

Hỏi: thầy đưa tiễn cha, mẹ, anh em chết được khóc không?

Đáp: Không được, khóc một tiếng phạm tội Đoạ, chỉ có thể nhỏ một tí nước mắt thôi.

Hỏi: Hoặc Tỳ Kheo chết thì có mặt, khi Yết Ma không có mặt.

Hoặc khi chết không có mặt, khi Yết Ma thì có mặt đều được chia không?

Đáp: Kịp lúc Yết Ma thì đều được, khi chết thì có mặt, khi Yết Ma không có mặt thì không được chia.

Hỏi: Tỳ Kheo qua đời, người khác mua quan tài, y phục cho để mai táng, phạm tội gì?

Đáp: Bạch Tăng, Tăng cho y phục để che thân, những vật còn lại đều thuộc của Tăng, tất cả không được chôn, chôn đủ năm tiền phạm tội khí, nếu vật riêng của đệ tử thì được, nếu người mất không biết pháp, tự lấy để chia cho người khác thì không có tội.

Hỏi: Cha mẹ bà con chết, Tỳ Kheo được lo liệu áo quần, quan tài để chôn cất không?

Đáp: Đều không được. Nếu cha mẹ mất, hoặc bệnh không có người cúng dường, được khất thực chia cho một nửa, nếu họ có khả năng, hoặc chút ít nghề nghiệp, không được cho thức ăn, nếu cho thức ăn thì phạm tội Đoạ, cho quần áo phạm Xả Đọa, huống chi mua quan tài để chôn cất!

Hỏi: Người bệnh qua đời, y bát trước hết cho người nuôi bệnh, nhưng không Yết Ma, người nuôi bệnh lấy bán làm cơm cúng Tăng, Tăng ăn được không?

Đáp: Chúng chưa Yết Ma mà ăn, chúng phạm Xả Đọa, nếu người bệnh không biết pháp, đã tác pháp Yết Ma thì được ăn, nếu chưa tác pháp thì chúng nên tác pháp.

Hỏi: Tỳ Kheo mượn vật của người khác Tỳ Kheo đã chết, được lấy vật để trả không?

Đáp: Tất cả đều không được, tự lấy vật để trả, phạm Đột Cát La, phải bạch chúng, chúng trả thì được lấy, nếu chúng không cho mà lấy phạm tội Đoạ.

Hỏi: Tỳ Kheo được xây Tháp cho bậc thầy đã mất không?

Đáp: Vật của mình được dùng, vật của thầy thì không được.

Hỏi: Tỳ Kheo được đảnh lễ mồ mả của thầy không?

Đáp: Được.

Có người vấn nạn: Sống là thầy tôi, đã chết còn không phải Tỳ Kheo, chỉ là bộ xương khô mà thôi, vì sao phải đảnh lễ?

Đáp: Phật ở đời nên cung kính cúng dường, sau khi ngài nhập Niết Bàn cũng chỉ là bộ xương khô mà thôi, vì sao lại cúng dường!?

Thầy lúc còn sống đã dùng pháp làm lợi ích cho người, sau khi thầy chết kính lễ có lỗi gì?

Hỏi: Khi chia vật Yết Ma xong, có tăng khác đến, vị này có được phần không?

Đáp: Yết Ma ba lần xong, không cho thì không có lỗi, nếu đến kịp sau một lần Yết Ma, cũng được chia phần.

***