Kinh Nguyên thủy
Bộ Kinh Tập
PHẬT THUYẾT
KINH MƯỜI HAI NHÂN DUYÊN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Huyền, Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Nghiêm Phật Điều, Đời Hậu Hán
Một lần, tại Tịnh Xá Jetavana.
Phật đã giảng cho đại chúng nghe về mười hai nhân duyên.
Này các thầy, chúng sinh đều đồng có mười hai nhân duyên, bao gồm:
Phiền não quá khứ gọi là vô minh, nghiệp quá khứ gọi là hành, hiện tại lúc sơ khởi nhập thai gọi là thức, năm phần nhập thai chưa đủ bốn căn gồm: Mắt, tai, mũi, lưỡi gọi là danh sắc, các căn này đầy đủ gọi là lục nhập, ban đầu chưa phân biệt khổ vui gọi là xúc, sau đó biết phân biệt khổ vui gọi là thọ, thích hưởng thụ năm thứ dục gọi là ái, tham cầu và dính mắc vào các đối tượng bên trong và bên ngoài gọi là thủ.
Do ham thích thủ mà khởi nghiệp thân, miệng và ý gọi là hữu, thức hiện tại làm cho sinh trong tương lại, tất cả danh sắc, lục nhập, xúc và thọ trong hiện tại làm cho già, bệnh và chết trong tương lai. Chúng sinh từ sinh đến già chết đều có đủ mười hai nhân duyên nói trên, trừ khi phôi thai chết yểu.
Chúng sinh Cõi Sắc không có ba loại thọ, ba loại xúc và ba loại ái, không có già và bệnh nhưng cũng được xem là đủ. Chúng sinh Cõi Vô Sắc không có sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, già và bệnh nhưng cũng được xem là đủ. Có thể nói rằng chúng sinh có đầy đủ mười hai nhân duyên.
Này các thầy, trong kiếp trước, ta chưa thành Chánh Giác, một mình ở chỗ thanh vắng, thực tập tu thiền vắng lặng và thiền minh sát đã nghĩ thế này, vấn đề nan giải của thế gian là sinh, già, bệnh, chết, dời đổi, thọ sinh. Tuy nhiên, chúng sinh cứ hay nương tựa và bám víu vào sự sống và không biết rõ ràng về các đau khổ đó.
Quán chiếu tường tận, ta thấy có hữu nên có sinh, vì duyên hữu nên có sinh. Quán chiếu tường tận, ta thấy có thủ nên có hữu, duyên thủ nên có hữu. Quán chiếu tường tận, ta thấy do chấp giữ vào các pháp, nghĩ nhớ và vương vấn làm cho ái dục tăng trưởng, có ái nên có thủ.
Ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sinh, sinh duyên già, bệnh, chết và thế là ưu, bi, khổ, não. Ái chính là nguồn gốc của những đau khổ.
Này các thầy, các thầy nghĩ thế nào?
Nhờ dầu và tim đèn mà đèn được thắp sáng, nếu thêm dầu và tim thì đèn sáng lâu không?
Bạch Thế Tôn, nếu thêm dầu và tim đèn thì đèn cháy lâu hơn. Này các thầy, cũng vậy, đối với sáu trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp mà chấp thủ hay dính mắc càng nhiều, đồng thời hay nghĩ nhớ, thích thú, vấn vương thì ái càng tăng trưởng. Ái tăng thì thủ, hữu, sinh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não cũng tăng theo. Phải biết ái là nhân duyên sinh đau khổ.
Này các thầy, quán chiếu tường tận, ta thấy không có sinh thì không có già, bệnh, chết. Nếu sinh diệt thì già, bệnh, chết không còn. Quán chiếu tường tận, ta thấy nếu hữu không thì sinh không, nếu hữu diệt thì sinh diệt. Tiếp tục quán chiếu tường tận, ta thấy thủ không thì hữu không, ái không thì thủ không.
Nếu ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sinh diệt, sinh diệt thì già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não đều diệt. Muốn dứt sinh, già, bệnh, chết, và những đau khổ thì trước tiên hãy thực tập diệt trừ tham ái.
Này các thầy, các thầy nghĩ thế nào?
Nếu đem bỏ tim đèn, đổ hết dầu thì đèn kia có thắp sáng được không?
Bạch Thế Tôn, không còn tim đèn và dầu thì ngọn đèn không thể thắp sáng được.
Này các thầy, cũng vậy, các thầy không còn chấp thủ vào các pháp, mà lại thực tập quán vô thường, quán bất tịnh, khổ, ly dục, xả ly, diệt tận, không còn ham muốn, không nhớ nghĩ, không tham đắm, không dính mắc thì ái không sinh.
Ái không sinh thì sinh, già, bệnh, chết và những đau khổ không còn nương vào đâu để có mặt. Phật nói Kinh này xong, các thầy đều hoan hỷ tiếp nhận và thực tập theo.
***