Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Na Tiên đàm đạo

PHẬT THUYẾT

KINH NA TIÊN ĐÀM ĐẠO

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Đàm Ma Già Đà Da Xá
 

PHẦN BA

ĐỜI TRƯỚC VÀ ĐỜI SAU
 

Vua Di Lan Đà hỏi: Bạch Đại Đức, Kinh Phật nói con người sau khi chết tiếp tục thác sanh trở lại theo nghiệp lành hoặc nghiệp dữ đã gây, như vậy đó là con người cũ hay là một con người mới nào khác?

Tâu Đại Vương, không phải con người cũ, nhưng cũng chẳng phải là lìa con người ra mà sanh một con người mới khác.

Bạch Đại Đức, như thế nghĩa là thế nào?

Đại Đức Na Tiên hỏi lại: Bệ Hạ hồi còn bú sữa mẹ với Bệ Hạ cai trị trăm họ bây giờ có khác gì nhau không?

Bạch Đại Đức, khác chứ.

Hồi đó trẫm nhỏ dại bây giờ trẫm lớn khôn... 

Tâu Đại Vương, như vậy thì mẫu hậu hồi đó không phải mẫu hậu ngày nay.

Phụ Vương cũng thế.

Và Bệ Hạ cũng chẳng có phụ đạo.

Vì ông ấy chỉ dạy đứa bé mới mười lăm tuổi cách đây mấy chục năm, chứ đâu có dạy Bệ Hạ bây giờ.

Thân trước thân sau khác nhau thì mẹ đứa bé không phải mẹ nhà Vua.

Người học trò lúc trước cũng không phải nhà Vua trong hiện tại.

Và kẻ phạm tội giết người năm ngoái không phải là người bị cáo ra tòa ngày nay.

Bệ Hạ làm sao buộc tội được người ấy?

Bạch Đại Đức, không phải như thế.

Nhưng nếu có ai hỏi Đại Đức về điều này thì Đại Đức giải đáp ra sao?

Tâu Đại Vương, thân bần tăng lúc nhỏ với thân bần tăng bây giờ cũng là một thân mà thôi.

Thân ấy từ nhỏ đến lớn trải qua nhiều quãng thời gian khác nhau, nhưng vẫn được liên tục nuôi dưỡng bởi một sinh mạng.

Xin Đại Đức cho ví dụ.

Tâu Đại Vương, ví như một ngọn đèn thắp lên từ đầu hôm, nó có thể cháy mãi cho tới sáng không?

Bạch Đại Đức, có thể.

Tâu Đại Vương, lửa ngọn đèn thắp lên từ đầu hôm với lửa ngọn đèn lúc nửa đêm và lửa ngọn đèn lúc gần sáng có phải là một không?

Bạch Đại Đức, không.

Tâu Đại Vương, trong ba khoảng thời gian khác nhau ấy, người ta có đốt ngọn đèn nào khác không?

Bạch Đại Đức, vốn chỉ có một ngọn đèn với một cái bấc và cùng một loại dầu từ đầu hôm cho đến tảng sáng.

Tâu Đại Vương, trong con người cũng như thế đó.

Pháp này đi thì pháp kia tới, trước sau tiếp nối nhau mà nuôi dưỡng tinh thần.

Từ khi sinh ra cho đến lúc lớn lên rồi già chết, nó lại tiếp tục hướng đến một kiếp sống khác.

Cứ thế cuộc sống được tương tục mãi mãi.

Cho nên nói rằng thân cũ sinh trở lại thì không đúng, nhưng nói lìa thân cũ ra mà có một thân mới khác cũng không được.

Lại ví như sữa tươi mới vắt, để lâu thì thành sữa ối, thành bơ v. v... nói sữa tươi là bơ thì hẳn không phải, nhưng nếu nói bơ không do sữa tươi mà ra thì cũng sai.

Cũng tương tợ như thế, con người sinh ra với tinh thần và sau khi sinh ra thì lớn lên, già, rồi chết. Chết rồi, nó lại mang một thân mới mà sinh trở lại. Mất thân trước, nó liền thọ thân sau.

Cho nên nói người đầu thai sinh trở lại và người đã chết là một thì không đúng, mà nói chúng tách biệt, không có quan hệ gì lẫn nhau cũng không được.

Hay thay! Hay thay!

***