Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Na Tiên đàm đạo

PHẬT THUYẾT

KINH NA TIÊN ĐÀM ĐẠO

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Đàm Ma Già Đà Da Xá
 

PHẦN BỐN

THẦN THỨC TÁI SANH
 

Vua Di Lan Đà hỏi: Bạch Đại Đức, con người sau khi chết rồi cái gì sanh trở lại?

Tâu Đại Vương, đó là danh, tức thần thức, và tổ hợp sắc thân bao gồm đất, nước, gió, lửa.

Bạch Đại Đức, phải chăng đó là thần thức và thân của người cũ sanh trở lại?

Tâu Đại Vương, không phải thần thức cũ, cũng chẳng phải xác thân cũ.

Thần thức và xác thân của đời này làm các việc thiện ác, do nghiệp thiện ác ấy, một thần thức và xác thân khác chuyển sanh để thọ lãnh phước báo hay tội báo đã gây ra.

Bạch Đại Đức, như vậy là không phải cái thần thức và xác thân cũ sanh trở lại.

Thế thì đời này làm điều ác, đời sau đâu có chịu quả báo?

Và sanh trở lại nữa thì tức là đã thoát khỏi luân hồi rồi.

Tâu Đại Vương, không phải như vậy. Nếu sống ở đời mà chỉ làm toàn điều thiện thì sau khi chết có thể không sanh trở lại.

Nhưng thông thường thì làm điều thiện cũng có, mà gây điều ác cũng nhiều, việc lành việc dữ tiếp nối xen nhau không ngừng, cho nên phải sanh trở lại mà thọ báo.

Làm sao thoát khỏi luân hồi được.

Bạch Đại Đức, xin Đại Đức cho ví dụ về sự liên hệ giữa thần thức và xác thân cũ với thần thức và xác thân mới.

Tâu Đại Vương, ví như có người hái trộm xoài của kẻ khác.

Chủ vườn xoài bắt được quả tang, đem đến tố cáo với Đại Vương, yêu cầu Đại Vương xử trị.

Trước mặt Đại Vương, bị cáo cãi rằng: Tôi không hái xoài của anh ấy.

Cây xoài của ảnh trồng hồi trước là một cây mầm tí xíu.

Còn những trái xoài mà tôi hái bây giờ nằm ở trên một cành cây to lớn xum xuê. Tôi đâu có ăn trộm.

Trước những lý lẽ viện ra như thế, Đại Vương có cho rằng anh ta vô tội và xử cho anh ta được kiện chăng?

Bạch Đại Đức không, anh ta có tội, Trẫm sẽ xử cho người trồng xoài được kiện.

Vì trước kia nhờ người này ra công trồng trọt, bón xới cây mầm, cho nên ngày nay mới có cây xoài to lớn, đơm hoa kết trái.

Tâu Đại Vương, con người tái sanh trở lại cũng như thế. Với cái thân này, người ta sống trên đời mà làm các việc thiện ác.

Nghiệp thiện ác ấy tiếp nối nhau không ngừng, hình thành nên một hợp thể tinh thần và xác thân mới ở đời này và nhiều đời khác nữa.

Cũng như do công phu đào lỗ, bỏ hột và vun bón mầm cây nên về sau mới có cây xoài sum suê cành lá với trái chín trĩu đầy.

Làm việc thiện ác trong đời này tức như gieo hạt xuống đất và bón xới cây mầm.

Đời sau không sao không thọ quả báo được. Xin Đại Đức cho ví dụ khác.

Tâu Đại Vương, ví như có người gặt trộm lúa của kẻ khác. Bị bắt, anh ta cãi rằng lúa anh ta gặt hiện nay so với cây mạ của kẻ kia trồng mấy tháng về trước, không liên quan gì nhau.

Như vậy đâu có được.

Xin Đại Đức cho ví dụ khác.

Tâu Đại Vương, ví như có người Trời tối cầm đuốc lên lầu ăn cơm. Vô ý, y để tàn lửa bay ra cháy nóc nhà mình. Lửa lan sang nhà kế cận, cuối cùng thiêu rụi cả làng. Dân làng bắt tội y.

Y cãi rằng: Tôi không đốt làng. Tôi chỉ đốt đuốc ăn cơm mà thôi.

Ngọn lửa đuốc của tôi đốt lên để ăn cơm khác với ngọn lửa của cơn hỏa hoạn thiêu đốt cả làng, cãi nhau bất phân thắng bại, họ đưa nhau đến trước Đại Vương, yêu cầu xét xử.

Vậy Đại Vương sẽ xử ai được ai thua?

Bạch Đại Đức, dân làng được, người đốt đuốc kia thua.

Tâu Đại Vương, vì sao vậy?

Bạch Đại Đức, vì nguồn gốc tai họa chính do y gây.

Do y đốt đuốc lên để ăn cơm mà không cẩn thận, thì mới có hỏa hoạn sanh ra.

Lửa cháy cả làng bắt gốc từ ngọn đuốc của y.

Tâu Đại Vương, thân cũ, thân mới cũng lại như vậy.

Xin Đại Đức cho ví dụ khác.

Tâu Đại Vương, ví như có người đàn ông nọ đã nạp đủ lễ để xin cưới một bé gái. Sau đó anh ta ra đi, rồi biệt tích luôn.

Khi cô này đến tuổi trưởng thành, có một người đàn ông khác xin cưới và cũng nạp đủ lễ.

Thình lình người đàn ông trước trở về, quở trách người đàn ông sau sao dám lấy vợ mình.

Người sau cãi lại: Tôi đâu có cưới vợ anh. Cô bé mà anh trả lễ xin cưới trước kia và thiếu nữ mà tôi trả lễ xin cưới ngày nay là khác nhau.

Không ai chịu ai, họ dẫn nhau đến xin Đại Vương phân xử. Vậy Đại Vương sẽ xử ai được kiện.

Bạch Đại Đức, người đàn ông trước.

Tâu Đại Vương, vì sao vậy?

Bạch Đại Đức, vì cô bé thuở trước và thiếu nữ ngày nay cũng là một. Thân thiếu nữ ngày nay là do thân cô bé thuở trước mà ra. Ai cưới trước, người ấy được.

Tâu Đại Vương, tinh thần và xác thân cũ với tinh thần và xác thân mới cũng như vậy đó.

Xin Đại Đức, cho một ví dụ nữa.

Tâu Đại Vương, ví như có người đến chủ nuôi bò hỏi mua một bình sữa. Mua xong, người ấy gửi bình sữa lại, hẹn sau khi ra chợ về sẽ ghé lại lấy. Bị trắc trở công việc, vị ấy không về kịp.

Hôm sau mới tới lấy sữa thì sữa đã ối. Anh ta cự nự đòi lấy sữa mới, viện lẽ rằng anh ta không mua sữa ối. Cãi vã nhau, không ai chịu ai, họ dắt nhau đến kiện với Đại Vương. Vậy Đại Vương sẽ xử ai được kiện.

Bạch Đại Đức, chủ nuôi bò.

Tâu Đại Vương, vì sao vậy?

Bạch Đại Đức, sữa trong bình chính là sữa người kia đã mua hôm trước.

Vì để cách đêm nên nó mới trở nên ối. Chủ nuôi bò vô can.

Tâu Đại Vương, người tái sinh trở lại cũng như vậy đó. Nương nơi danh sắc, người ta sống ở đời mà làm các việc thiện ác.

Nghiệp thiện ác ấy nối tiếp không ngừng, chiêu cảm một danh sắc mới sau khi chết để thọ quả khổ vui hết đời này sang đời khác.

Nghiệp thiện ác chính là nguồn gốc của sự tái sanh vậy.

Cho nên ai bảo rằng đời này làm ác, đời sau không tái sanh để đền trả là không thể được.

***