Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Na Tiên Tỳ Kheo

PHẬT THUYẾT

KINH NA TIÊN TỲ KHEO

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Phật Đà Phiến Đa, Đời Nguyên Ngụy
 

PHẨM BA MƯƠI BẢY

PHẨM THÂN MẤT, VIỆC LÀM CÒN
 

Vua hỏi: Bạch Đại Đức, có cái thần hồn để nhớ không?

Tâu Đại Vương, không.

Thế thì trong con người cái gì ghi lại các việc làm đã qua?

Na Tiên trở hỏi ngược lại Nhà Vua rằng: Ví như có người hái trộm xoài của kẻ khác thì có chịu tội không?

Dĩ nhiên là có tội.

Khi mới trồng, cây xoài mầm đâu đã có trái?

Đây chỉ là hái trái, đâu có trộm cây xoài mầm mà cũng chịu tội?

Nhưng nếu không trồng cây xoài mầm thì lấy đâu ra xoài trái để người kia hái trộm?

Con người cũng giống như thế. Với cái thân hiện tại, người ta làm các việc lành dữ. Các việc lành dữ này không có tướng trạng gì hết, nhưng trong khoảng minh minh chi trung ấy, đương tựu thành một thân mới, để đời sau tái sanh mà thành thọ quả báo.

Theo Trẫm nghĩ, không phải con người đời sau chịu quả báo, mà nó dựa vào thân mới ấy để tiếp tục làm điều thiện điều ác khác.

Thế thì những việc lành dữ của nó trước kia đi đâu?

Như vậy, xoài mầm của Đại Vương đâu có kết trái?

Làm sao kết tội người hái trộm xoài trái được?

Vậy theo Đại Đức, những việc lành dữ trước kia đi đâu?

Chúng không đi đâu hết. Chúng theo sát gót kẻ đã tạo tác ra chúng, như bóng theo hình. Người chết chỉ mất cái thân, không bao giờ đánh rời những việc đã làm.

Ví như đêm tối đốt đèn viết sách, khi sách viết xong và đèn đã tắt, chữ vẫn tiếp tục tồn tại trên giấy. Vì vậy cho nên, những việc thiện ác đã làm trong đời này, đời sau đương nhiên phải thành tựu kết quả, và kết quả ấy cũng chính tác giả phải tự thọ lãnh lấy.

***