Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Na Tiên Tỳ Kheo

PHẬT THUYẾT

KINH NA TIÊN TỲ KHEO

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Phật Đà Phiến Đa, Đời Nguyên Ngụy
 

PHẨM BỐN

PHẨM DI LAN ĐÀ THỈNH NA TIÊN

VÀO HOÀNG CUNG
 

Bấy giờ, Nhà Vua thầm nghĩ rằng: Vị Sa Môn này quả thật là bậc thông minh có trí tuệ siêu việt. Ta còn nhiều điều dự định đem ra hỏi Ngài.

Hôm nay, Trời sắp tối rồi, mai ta sẽ cho triệu thỉnh Ngài vào Hoàng Cung, chừng đó mặc tình mà đối đáp.

Nghĩ như thế rồi, Nhà Vua liền phán bảo cận thần là Đờ Va Mang Ti Da thăm dò riêng ý kiến của Na Tiên xem Ngài có thuận tình không. Na Tiên khứng nhận.

Nhà Vua bèn rời khỏi chổ ngồi, chấp tay chào tạm biệt Na Tiên, rồi nhảy lên lưng tuấn mã mà trở về Hoàng Cung. Trên đường về, Nhà Vua như tuồng bị ám ảnh bởi hình bóng Na Tiên, cứ tơ tưởng vẫn vơ đến con người kỳ tài ấy mãi, không sao lắng quên được.

Có lúc Nhà Vua thốt lên thành lời: Na Tiên, Na Tiên... toàn tài!

Sáng hôm sau, lúc mặt trời vừa mọc thì các Đại Thần Đờ Va Măng Ti Da, A Năng Ta Ca Da, Nơ Mít Ti Da, Sa Ba Đi Na... đến chầu Vua và tâu rằng: Có nên đi rước Na Tiên chăng?

Nên lắm, Vua phán.

Thỉnh Ngài với bao nhiêu Tỳ Kheo Tăng tháp tùng?

Bao nhiêu cũng được. Việc ấy tùy Ngài định đoạt.

Lúc ấy, Sa Ba Đi Na là quan giữ kho, tiến lên tâu rằng: Xin thỉnh Na Tiên với mười vị Sa Môn là đủ rồi. Hãy cứ để Na Tiên tự do muốn mang theo theo bao nhiêu tùy ý, Vua phán.

Sa Ba Đi Na ba lần tâu. Nhà Vua ba lần từ chối.

Cuối cùng Nhà Vua nổi giận phán rằng: Nhà ngươi thật là người keo lẫn không ai bằng.

Hèn chi tên nhà ngươi là Sa Ba Đi Na! Sa Ba Đi Na nghĩa là keo lẫn.

Ngươi tiếc của của Nhà Vua một cách thái quá.

Nếu là của riêng của ngươi, ngươi còn tiếc đến bậc nào?

Vật thực ở trong Hoàng Cung có nhiều.

Làm đến bậc Đế Vương như trẫm mà không nuôi nổi tất cả chư vị Sa Môn hay sao?

Sa Ba Đi Na nghe Vua quở mắng, tự lấy làm hổ thẹn, chẳng dám thốt ra lời. Trong khi đó, Đờ Măng Ti Da, A Năng Ta Ca Da với các vị thần khác cùng nhau đi đến chỗ ở của Na Tiên để cung thỉnh Ngài vào Hoàng Cung.

Na Tiên hỏi: Tôn ý Đức Vua muốn bần Tăng đến với bao nhiêu Sa Môn?

Bạch Đại Đức, đến với bao nhiêu cũng được. Na Tiên bấy giờ đã chuẩn bị xong, mình choàng Cà Sa, tay ôm bình bát, cùng đi vào thành Sá Kiệt với tám mươi vị Tỳ Kheo tháp tùng.

Dọc đường, A Năng Ta Ca Da đi hộ vệ cạnh Na Tiên để lân la hỏi đạo, bèn bạch rằng: Bạch Đại Đức, hôm qua Ngài có nói với Đức Vua rằng Ngài tên là Na Tiên. Sau đó Ngài phủ quyết lại rằng không có Na Tiên.

Vậy chớ ai là Na Tiên?

Cái gì là Na Tiên?

Theo ông nghĩ cái gì là Na Tiên?

Theo tôi nghĩ, hơi thở tức mạng khí có vô có ra, chính đó là Na Tiên. Vì nhờ hơi thở đó mà sanh mạng được duy trì.

Nếu hơi thở kia có ra mà không có vô thì người có hơi thở ấy có sống không?

Người ấy chắc chắn phải chết.

Hơi thở của người thổi kèn, thổi sáo, hay thổi ống bễ thợ rèn, hơi thở đó ra rồi có trở vô không?

Thưa không.

Thế thì những người ấy sống hay chết?

A Năng Ta Ca Da sửng sờ ngơ ngác không biết nói sao.

Giây lâu mới bạch lại rằng: Bạch Đại Đức, trí tuệ của Đại Đức thật là siêu việt. Tôi không đủ thông minh để hiểu thấu. Xin Đại Đức khai thị giúp cho.

Này đại quan, hơi thở chẳng qua cũng chỉ là một phần việc trong nhiều phần việc của thân thể mà thôi. Cũng như phần việc của cái lưỡi là nói ra những điều gì mình suy nghĩ, mình cảm hay phần việc của cái ý là suy tư những điều gì xúc ...

Mỗi bộ phận trong cơ thể đều có phần việc của nó. Đó là điều được mệnh danh là thân hành hằng trú trong năm uẩn, nhất là trong sắc uẩn.

Phân tách các hành tướng của thân hành thì thấy toàn là trống không, vì vậy mà nói rằng: Không có Na Tiên. A Năng Ta Ca Da nghe Na Tiên giảng giải, tâm ý dần sáng tỏ và thông suốt. Ông bèn xin thọ trì năm giới và trở thành tín đồ Ưu Bà Tắc.

***