Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Na Tiên Tỳ Kheo

PHẬT THUYẾT

KINH NA TIÊN TỲ KHEO

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Phật Đà Phiến Đa, Đời Nguyên Ngụy
 

PHẨM BỐN MƯƠI BẢY

PHẨM MƯỜI SÁU CÁCH NHỚ
 

Vua hỏi: Bạch Đại Đức, có bao nhiêu trường hợp khiến con người phát khởi được trí nhớ?

Tâu Đại Vương, có mười sáu trường hợp:

1. Nhớ là vì việc đã làm từ xa xưa.

2. Nhớ vì mới vừa được học hỏi

3. Nhớ vì một dịp vinh quang.

4. Nhớ vì nghĩ đến điều thiện.

5. Nhớ vì từng bị khổ đau.

6. Nhớ vì tự mình suy tư.

7. Nhớ vì có nhiều yếu tố xen lộn.

8. Nhớ vì được nghe nhắc lại.

9. Nhớ vì thấy dấu hiệu.

10. Nhớ vì được thôi thúc nhắc nhở.

11. Nhớ vì quen tay.

12. Nhớ vì quen tánh.

13. Nhớ vì thuộc lòng.

14. Nhớ vì nhất tâm.

15. Nhớ vì đọc sách.

16. Nhớ vì đã cất dấu nay thấy lại.

Như trên là mười sáu trường hợp khiến con người phát khởi được trí nhớ.

Thế nào là nhớ vì việc đã làm từ xa xưa?

Như đệ tử Phật là Đức A Nan Ananda và nữ đệ tử là Ưu Bà Di Cưu Thù Đan La cùng nhiều Thánh Tăng, đều nhớ được các kiếp trước của mình.

Thế nào là nhớ vì mới được học hỏi?

Như có người đã học và biết rồi, nhưng sau đó quên đi, thấy người khác học bỗng nhớ lại.

Thế nào là nhớ vì một dịp vinh quang?

Như Nhà Vua nhớ ngày đăng quang, người xuất gia nhớ ngày thọ giới. Đó là những việc trọng đại vinh quang của đời mình, cho nên nhớ dai.

Thế nào là nhớ vì nghĩ đến điều thiện?

Như nhân có một dịp may nào đó, mình được đãi ngộ xứng ý. Do đó tự nghĩ rằng kiếp trước hẳn mình đã có gây nhiều phước đức nhân duyên mới được hưỡng quả báo tốt đẹp như thế này.

Thế nào là nhớ vì từng bị khổ đau?

Như những người từng bị lao lung khốn đốn, thường nhớ mãi những đau khỗ mình đả chịu đựng.

Thế nào là nhớ vì tự mình suy tư?

Như những gì mình đã thấy quen mắt trong gia đình, bất cứ là cha mẹ, anh chị em, hoặc vườn nhà, gia súc v.v... nay thấy những hình ảnh khác hao hao giống như thế, thì tự mình tư duy rồi liên tưởng từ cái nọ sang cái kia.

Thế nào là nhớ vì nhiều yếu tố xen lộn?

Như tên người, tên vật cùng là tự loại của chúng và màu sắc hương vị thơm hôi đắng ngọt v.v... của từng vật một. Nương nơi sự xen lộn của các yếu tố sai khác ấy tạo thành sự vật mà nhớ được chúng thì gọi là nhớ vì được tạo bởi nhiều yếu tố xen lộn.

Thế nào là nhớ vì được nghe nhắc lại?

Như người có tánh hay quên, nhờ kẻ khác nhắc lại mới nhớ.

Thế nào là nhớ vì thấy dấu hiệu?

Như trâu có dấu hiệu riêng của trâu, bò có dấu hiệu riêng của bò v.v... người ta nhớ từng sự vật, nương nơi các dấu hiệu riêng của chúng.

Thế nào là nhớ vì được thôi thúc nhắc nhở?

Như trong hoàn cảnh của người hay quên, phải có kẻ đứng bên nhắc nhở, hoặc tự người ấy phải luôn luôn tâm niệm để tránh khỏi quên.

Thế nào là nhớ vì quen tay?

Như người học chữ, phải tự mình viết đi viết lại mới nhớ mặt chữ được.

Thế nào là nhớ vì quen tính?

Như người học toán, học đến mức thành thục thì tính toán phân minh mau lẹ, có thể nhớ được những con số rất lớn.

Thế nào là nhớ vì thuộc lòng?

Nhờ thuộc lòng, người ta nhớ được nhiều bản văn rất dài và rất khó nhớ. Đây giống như luật trả vay. Có vay thì có trả, có thuộc lòng thì có nhớ.

Thế nào là nhớ vì nhất tâm?

Nhất tâm đạt được là nhờ tham thiền. Nhờ tu hành, nhờ nhất tâm, mà nhớ được những sự việc đã xảy ra trong mỗi đời.

Thế nào là nhớ vì đọc sách?

Vua chúa ai cũng có sử sách ghi chép lại những việc làm của Triều Đại mình. Nay muốn biết một đời Vua nào có làm được những việc gì trong năm nào, chỉ cần lật sách ra đọc là biết. Như thế gọi là nhớ vì đọc sách.

Thế nào là nhớ vì cất dấu?

Vật gì mình đã dụng ý cất dấu kỹ lưỡng cẩn thận, đến khi thấy trở lại thì nhớ rõ mồn một từng chi tiết.

Hay thay!

***