Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Na Tiên Tỳ Kheo

PHẬT THUYẾT

KINH NA TIÊN TỲ KHEO

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Phật Đà Phiến Đa, Đời Nguyên Ngụy
 

PHẨM HAI MƯƠI

PHẨM LIÊN HỆ GIỮA CĂN VÀ TÂM THẦN
 

Vua hỏi: Bạch Đại Đức, khi con mắt thấy thì tâm thần có cùng thấy không?

Tâu Đại Vương, có.

Nhưng cái nào thấy trước?

Con mắt thấy trước. Tâm thần thấy sau.

Phải chăng con mắt đã nói với tâm thần rằng: Này tâm thần! Tôi thấy chỗ nào thì anh cứ nương theo chỗ đó mà thấy sau?

Hoặc, tâm thần đã nói với con mắt: Này mắt! Anh hãy nhìn trước đi, tôi sẽ nương theo anh mà thấy sau?

Tâu Đại Vương, hai bên đâu có giao hẹn gì với nhau.

Thế thì vì sao Đại Đức lại nói rằng cái nọ thấy trước cái kia?

Nếu không giao hẹn với nhau thì làm sao xẩy ra như thế được?

Ấy là vì bốn sự kiện sau đây khiến cho chúng cùng nhau nhận thấy mà không có giao ước gì hết. Một là đường lài hạ hành, hai là một chiều hướng môn, ba là vết cũ hành triệt, bốn là quen chừng xúc.

Đường lài là như thế nào?

Đại Vương có biết khi Trời mưa thì nước mưa từ trên núi cao chảy xuống ra sao không?

Nước mưa chảy theo đường dốc lài.

Những lần mưa khác, nước mưa chảy xuống như thế nào?

Lại cũng theo đường dốc lài như trước.

Vậy chớ nước của trận mưa trước có nói với nước của trận mưa sau rằng: Hễ tôi chảy chỗ nào thì anh chảy theo chỗ đó không?

Hoặc nước của trận mưa sau có giao hẹn với nước của trận mưa trước rằng: Chỗ nào anh chảy qua, tôi sẽ chảy theo không?

Thưa không. Chúng nó không hề hẹn nhau. Chúng nó chỉ theo đường lài mà chảy thôi. Con mắt và tâm thần cũng như thế đó. Chúng nó cứ theo đườn lài mà nhận biết, chứ không hề có giao ước gì với nhau. Tai, mũi, lưỡi, thân và ý đối với tâm thần cũng đều có đường lài riêng mà nhận biết, giống như thế.

Bạch Đại Đức, còn một chiều là như thế nào?

Ví như đồn lũy ở chốn biên thùy có tường cao hào sâu, nhưng vào ra chỉ do một cổng lớn duy nhất mà thôi.

Người ở trong đồn muốn đi ra ngoài phải đi cách nào?

Phải do cổng lớn ấy.

Nếu có người thứ hai, thứ ba, v.v... muốn đi ra ngoài nữa, thì phải đi cách nào?

Cũng chỉ do một cổng ấy.

Họ có giao hẹn với nhau trước không?

Thưa không. Họ chỉ theo một chiều mà đi ra. Vì chiều ấy có cổng. Con mắt và tâm thần cũng như thế đó. Chúng nó cứ theo một chiều mà nhận biết, chứ không hề giao ước gì với nhau. Tai, mũi, lưỡi, thân và ý đối với tâm thần cũng lại giống như thế.

Bạch Đại Đức, còn vết cũ là như thế nào?

Ví như có một xe bò đi qua, để lại một vết đất lúa trên đường.

Tiếp theo, xe sau đi tới phải đi như thế nào?

Theo vết cũ đã có mà đi.

Hai xe có giao hẹn trước với nhau không?

Thưa không. Con mắt và tâm thần cũng như thế đó. Chúng nó cứ theo vết cũ mà nhận biết, không hề giao ước gì với nhau. Tai, mũi, lưỡi, thân và ý đối với tâm thần lại cũng giống như thế.

Bạch Đại Đức, còn quen chừng là như thế nào?

Trong các môn học như làm toán, tập viết, v.v... ban đầu thì ai cũng vụng về. Nhưng về sau, nhờ cố gắng và chú ý, người ta tự tạo cho mình một thói quen đan mau và trở nên nhậm lẹ, tính nhẩm được nhiều con số cũng như đặt bút xuống là viết ngay, không cần phải nghĩ ngợi.

Đó chính là sự quen chừng. Con mắt và tâm thần cũng như thế đó. Nhờ sự quen chừng ấy, chúng nó cùng nhận biết rất lẹ, không hề giao hẹn gì với nhau hết. Tai, mũi, lưỡi, thân và ý đối với tâm thần cũng như thế đó.

***