Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Na Tiên Tỳ Kheo

PHẬT THUYẾT 

KINH NA TIÊN TỲ KHEO

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Phật Đà Phiến Đa, Đời Nguyên Ngụy
 

PHẨM MỘT

PHẨM VÔ NGÃ HAY DANH
 

Vua Di Lan Đà ngự đến Chùa San Khế Đa, chỗ Đại Đức Na Tiên bây giờ đang tạm trú với tám chục Tỳ Kheo, ông tiến đến trước mặt Đại Đức và cung kính vái chào.

Đại Đức đáp lễ. Sau lễ tương kiến, Nhà Vua cung kính ngồi né một bên.

Đoạn, Vua khởi chuyện hỏi rằng: Kính bạch Đại Đức, Trẫm muốn hỏi Ngài ít câu có được không?

Xin Đại Vương cứ phán hỏi, bần Tăng xin nghe.

Bạch Đại Đức, quý danh là gì?

Người ta gọi bần Tăng là Na Tiên. Các pháp hữu của bần Tăng cũng gọi bần Tăng bằng tên ấy. Nhưng dù cho cha mẹ bần Tăng có đặt cho bần Tăng tên Na Tiên hay một tên nào khác, chẳng hạn như Duy Tiên, Thủ La Tiên hoặc Duy Ca Tiên... thì chẳng qua cũng chỉ là những tên suông, đặt ra để phân biệt người nọ với người kia mà thôi.

Trong những cái tên đó không hề có cái ta hay cái của ta như tà kiến và ngã chấp thường lầm nhận.

Nhà Vua kinh ngạc quay sang đám tùy tùng hộ vệ và chư vị Tỳ Kheo trong Chùa để phân bua: Này năm trăm quan chức và tám chục Tỳ Kheo! Tất cả quý vị hãy ghi nhớ lời nói của Đại Đức Na Tiên hôm nay.

Ngài nói: Tên là do cha mẹ đặt ra và bạn hữu dùng để gọi, chứ trong đó không có cái ta.

Như vậy Trẫm có thể tin được lời Ngài chăng?

Phân bua xong, Nhà Vua quay lại hỏi Đại Đức Na Tiên rằng: Bạch Đại Đức! Nếu không có cái ta trong đó thì khi tín thí cúng dường y bát, vật thực, phòng xá, thuốc men, dụng cụ..., ai thâu nhận các món cúng dường ấy?

Ai bảo tồn luân lý, đạo nghĩa?

Ai tham thiền nhập định?

Ai hành đạo, đắc quả và nhập Niết Bàn?

Nếu không có cái ta trong người thì ai giữ giới?

Ai phạm giới?

Ai sát sanh?

Ai trộm cướp?

Ai hành dâm?

Ai nói dối?

Ai say sưa?

Nếu quả như vậy thì không ai tạo nghiệp lành, cũng chẳng ai tạo nghiệp dữ. Luôn cả nghiệp lành dữ cũng không có. Những việc làm lành hay làm dữ không có quả báo gì hết.

Bạch Đại Đức, như thế thì nếu có kẻ giết Đại Đức cũng không phạm tội sát sanh chăng?

Và trong Chư Tăng, không có ai là giáo thọ giảng dạy, chẳng có ai là Hòa Thượng truyền giới thu nhận đệ tử tu lên bậc trên?

Ngay các pháp hữu của Đại Đức gọi Đại Đức là Na Tiên cũng không có nốt?

Và cái tên Na Tiên đó là ai?

Kính mong Đại Đức giải cho Trẫm được biết.

Thưa Đại Đức đã nghe rõ rồi chứ?

Tâu Đại Vương, bần Tăng đã nghe rõ rồi.

Người nghe đó có phải là Na Tiên không?

Tâu Đại Vương, không phải đâu.

Thế thì ai là Na Tiên?

Cái gì là Na Tiên?

Tóc trên đầu là Na Tiên chăng?

Tâu Đại Vương, không phải.

Lông là Na Tiên chăng?

Tâu Đại Vương, không phải.

Móng là Na Tiên chăng?

Tâu Đại Vương, không phải.

Hay răng, da, thịt, tủy, gân... là Na Tiên chăng?

Tâu Đại Vương cũng không phải.

Sắc là Na Tiên chăng?

Tâu Đại Vương, không phải.

Thọ là Na Tiên chăng?

Tâu Đại Vương, không phải.

Tưởng là Na Tiên chăng?

Tâu Đại Vương, không phải.

Hành là Na Tiên chăng?

Tâu Đại Vương, không phải.

Thức là Na Tiên chăng?

Tâu Đại Vương, không phải.

Hay nhãn căn là Na Tiên chăng?

Tâu Đại Vương, không phải.

Hay nhĩ căn, tỹ căn, thiệt căn, thân căn hoặc ý căn là Na Tiên chăng?

Tâu Đại Vương, không phải.

Hay tất cả năm uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức hợp lại là Na Tiên chăng?

Tâu Đại Vương, không phải.

Hay ngoài năm uẩn ra còn có cái gì đó là Na Tiên chăng?

Tâu Đại Vương, cũng không phải nốt.

Bạch Đại Đức, nãy giờ Trẫm gạn hỏi tường tận về ba mươi hai thể trược, năm uẩn và mười tám giới có phải là Na Tiên không, hết thảy đều bị Đại Đức phủ nhận.

Theo lời dạy bảo của Đại Đức, Trẫm quán tưởng cũng thấy rằng trong từng cái nêu hỏi đều không có Na Tiên, và Na Tiên cũng không có trong tất cả những cái đó hợp lại, Na Tiên chỉ là cái danh suông.

Như vậy trong đoạn trước, Đại Đức bảo với Trẫm rằng người ta gọi Đại Đức là Na Tiên, như thế là Đại Đức đã nói dối, chứ thật ra không có Na Tiên.

Này năm trăm quan chức và tám chục Tỳ Kheo! Xin các vị hãy làm chứng cho.

Bấy giờ, Đại Đức Na Tiên chậm rãi tâu lại Nhà Vua rằng: Tâu Đại Vương, Đại Vương thật là một bậc Đế Vương thanh nhã, hưởng nhiều phước báo an vui. Nhưng trên con đường từ Hoàng Cung đến Chùa này, chắc hẳn vì gặp lúc khí Trời oi bức, Đại Vương thấy trong người khó chịu, ngọc thể bất an, nên tâm trí Đại Vương có phần nóng nảy kém thanh tịnh.

Chẳng hay Đại Vương đến đây bằng bộ hay bằng xe?

Bạch Đại Đức, Trẫm đến bằng xe. Chỉ khi tiến vào đây, Trẫm mới đi chân.

Nghe Nhà Vua nói xong, Đại Đức Na Tiên hướng về đám tùy tùng hộ vệ của Nhà Vua mà phân bua rằng: Này năm trăm quan chức! Xin quý vị hãy ghi nhớ lời nói của Nhà Vua, Ngài bảo rằng đến đây bằng xe. Xin quý vị hãy nhớ và làm chứng cho.

Phân chứng cớ xong, Na Tiên quay lại hỏi Nhà Vua: Tâu Đại Vương, Đại Vương bảo rằng Ngài ngự đến bằng xe.

Đó là Ngài nói thật chứ?

Bạch Đại Đức, Trẫm nói chắc thật.

Vậy xin Đại Vương cho bần Tăng biết rõ về cái xe.

Gọng có phải là xe không?

Thưa, không phải.

Trục có phải là xe không?

Thưa, không phải.

Bánh có phải là xe không?

Thưa, không phải.

Căm có phải là xe không?

Thưa, không phải.

Thùng có phải là xe không?

Thưa, không phải.

Ách có phải là xe không?

Thưa, không phải.

Chỗ gác chân có phải là xe không?

Thưa, không phải.

Mui có phải là xe không?

Thưa, không phải.

Dây cương có phải là xe không?

Thưa, không phải.

Hay cây roi là xe?

Thưa, không phải.

Hay tất cả các món ấy họp lại và buộc chung với nhau là xe?

Thưa, không phải.

Hay ngoài các món ấy ra còn có một món nào khác gọi là xe?

Thưa cũng không phải.

Hay tiếng khua động là xe?

Thưa, cũng không phải nốt.

Vậy chớ xe là cái gì?

Nhà Vua lặng thinh, không trả lời.

Đại Đức Na Tiên dừng nghỉ một lát, rồi tâu rằng: Tâu Đại Vương! Nãy giờ bần Tăng đã gạn hỏi tường tận về từng món một như gọng, mui, thùng... có phải là xe không, hết thảy đều bị Đại Vương phủ nhận.

Theo lời phán bảo của Đại Vương, bần Tăng quả thật cũng thấy rằng trong từng món nêu hỏi đều không có xe, và xe cũng không có trong tất cả những món đó họp lại. Xe chỉ là cái danh suông. Như vậy, khi Đại Vương nói với bần Tăng rằng Đại Vương đến đây bằng xe, điều đó tưởng e đáng ngờ vực lắm.

Đại Vương là một vị đại Hoàng Đế cao cả, làm chủ một vùng đất nước mênh mông, thật hẳn không đáng lại đây để nói những lời luống dối như thế. Này năm trăm quan chức. Xin Quý Vị hãy làm chứng cho.

Thấy Nhà Vua ngồi câm nín và các quan chức thì tỏ lòng tán dương bằng nhiều cách khác nhau, Đại Đức Na Tiên bèn từ hòa tâu với Nhà Vua rằng: Trong Kinh, Phật có dạy như vậy: Hiệp các món gọng, thùng, bánh, mui... theo một mẫu mực nào đó thì thành một cái mà người ta tạm gọi là xe. 

Cũng như thế, hiệp tất cả đầu, mặt, tay, chân, hơi thở, lời nói, sự khổ, sự vui, điều lành, điều dữ... thì cũng thành một đơn vị mà người ta tạm gọi là cái ta để tiện bề phân biệt. Chứ thật ra thì không có cái ta chân thật nào cả.

Đúng như lời của nữ Tôn Giả Hoa Si Ra đã bạch với Đức Thế Tôn khi Ngài còn tại thế: Danh xưng xe sở dĩ có là do nhiều món đồ hợp lại là vẽ thành. Nhiều món cơ thể vẽ thành một vật mệnh danh là chúng sanh.

Vua Di Lan Đà nghe đến đây, lấy làm hoan hỷ, cực lực tán thán Đại Đức Na Tiên: Hay thay! Hay thay! Chớ chi Đức Phật còn tại thế thì hẳn Ngài phải khen ngợi Đại Đức lắm.

***