Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Na Tiên Tỳ Kheo

 PHẬT THUYẾT

KINH NA TIÊN TỲ KHEO

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Phật Đà Phiến Đa, Đời Nguyên Ngụy
 

PHẨM MƯỜI

PHẨM TRÍ VÀ MINH
 

Vua hỏi: Bạch Đại Đức, người đắc đạo không còn tái sanh trong đời sau thì trí tuệ người ấy trong hiện tại có khác gì người thường không?

Tâu Đại Vương, có khác chứ!

Thế thì có sáng suốt minh không?

Có chứ!

Trí tuệ và sáng suốt giống và khác nhau chỗ nào?

Ngang bằng như nhau.

Người có trí tuệ và sáng suốt có biết hết vạn sự vạn vật không?

Hay là có điều còn không biết?

Có điều biết mà cũng có điều không biết.

Vì sao thế?

Vậy những gì trí tuệ biết được và những gì nó không biết được?

Những gì trước đã có học thì nay biết. Những gì trước chưa học thì nay không biết. Đó là lẽ đương nhiên.

Nhưng người có trí tuệ sở dĩ khác với người thường là chỉ ở các điểm sau đây: Họ biết rõ người và muôn vật thảy đều quy không, không tự tại. Biết rõ những ham muốn của con người gieo trồng đau khổ khiến nẩy sinh thêm nhiều đau khổ khác. Nói tóm lại là người có trí tuệ biết rõ mọi việc thành bại vô thường trên cõi đời này.

Người có trí tuệ rồi thì bao nhiêu si ám, u mê trước kia đi đâu?

Tự tiêu tan hết. Xin cho ví dụ. Ví như người cầm cây đèn đang cháy đi vào phòng tối, trọn phòng liền sáng, bóng tối tự nó tiêu tan không lưu dư dấu vết. Ấy người đắc đạo có trí tuệ cũng như vậy đó si ám, u mê tự dứt trừ.

Rồi sau đó trí tuệ đi đâu?

Nó lại cũng tự biến mất. Nhưng những gì mà nó tạo ra như sự hiểu biết về cuộc đời đau khổ, về bản ngã hư dối... những cái ấy thì còn.

Xin cho ví dụ. Ví như ban đêm thắp đèn lên để chép sách, sau khi đèn tắt, chữ trên trang giấy vẫn còn lưu lại dấu vết.

Đại Đức bảo rằng trí tuệ sau khi thành tựu công việc lại tự biến đi, như thế là ra làm sao?

Xin ví dụ cho nghe. Tâu Đại Vương, ví như để đề phòng một trận hỏa tai, người ta sắp sẵn năm chum đầy ấp nước. Kế đó, hỏa tai xảy ra nước trong năm chum được dùng để cứu lửa. Nước vào, lửa tắt. Tai qua, nạn khỏi, vĩnh viễn không còn sợ diễn lại nữa.

Bây giờ người ta có còn đem để năm chum nước ấy trở lại chỗ cũ nữa không?

Hẳn là không, vì không còn ích lợi nữa. Cũng thế, người có trí tuệ dùng năm điều thiện để tiêu trừ các điều ác, giống như kẻ kia dùng năm chum nước để diệt trừ ngọn lửa.

Năm điều thiện đó là: Tín tâm, trì giới, tinh tấn, niệm thiện và nhất tâm. Ai phụng hành được năm điều thiện ấy thì đắc đạo và có trí tuệ. Có trí tuệ thì biết rõ thân mình và muôn vật thảy đều vô thường, không tự tại, trống rỗng, không thật. Và cái trí tuệ sau khi thông đạt rồi thì tự nó lại tiêu biến, nhưng những gì mà nó đã thông đạt thì vẫn còn.

Xin cho một ví dụ khác. Ví như ông thầy thuốc trị bệnh cho người ốm, dùng năm loại dược thảo mà bào chế rồi cho người ốm uống. Uống xong, người ốm lành bệnh.

Sau đó ông thầy thuốc có còn đem năm thứ thuốc ấy mà tiếp tục cho người kia uống nữa không?

Hẳn là không. Vì không còn ích lợi gì nữa. Năm loại dược thảo ví như năm điều thiện. Ông thầy thuốc ví như người tu hành đắc đạo. Căn bệnh ví như cắc điều ác. Người ốm ví như kẻ ngu si. Người ốm lành bệnh ví như kẻ được cứu ra khỏi sanh tử luân hồi. Sau khi thành tựu sứ mạng, trí tuệ của người đắc đạo tự tiêu biến, nhưng những gì nó tạo ra đều vẫn còn.

Xin cho thêm một ví dụ nữa cho rõ nghĩa hơn. Ví như một tướng quân xuất trận tay cầm cung tên mà xông ra chống giặc. Tướng quân bắn ra năm mũi tên, giặc thua chạy.

Vậy sau đó, ông ta có còn bắn thêm nữa không?

Hẳn là không, vì không còn cần nữa. Năm điều thiện giống như năm mũi tên. Người tu hành đắc đạo giống như tướng quân xuất trận. Các điều ác giống như quân giặc.

Tướng quân nhờ năm mũi tên mà chiến thắng quân giặc. Cũng thế, người tu hành dắc đạo nhờ năm điều thiện mà chiến thắng các điều ác, chúng không còn nẩy sanh trở lại nữa, mà cái trí tuệ diệt trừ các điều ác cũng tiêu biến luôn. Nhưng những gì nó tạo ra thì vẫn thường tại, bất diệt.

Hay thay! Hay thay!

***