Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Na Tiên Tỳ Kheo

PHẬT THUYẾT

KINH NA TIÊN TỲ KHEO

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Phật Đà Phiến Đa, Đời Nguyên Ngụy
 

PHẨM MƯỜI BẢY

PHẨM ĐẦU MỐI CỦA SANH TỬ
 

Vua hỏi: Đại Đức vừa nói tìm đầu mối của sanh tử là việc bất khả đắc.

Nghĩa ấy như thế nào?

Tâu Đại Vương, nếu có đầu mối thì không có tái sanh. Vì không có đầu mối cho nên người ta mới phải tạm mượn quá khứ để làm đầu mối đấy thôi.

Theo Trẫm, không có đầu mối mới không có sanh tử chứ! Nhưng theo Đại Đức, phải có đầu mối thì mới không có tái sanh. Mà đã tạm cho rằng đầu mối ấy bắt đầu trong quá khứ thì như thế cũng đã là có rồi. Và vẫn theo Đại Đức, đã có đầu mối tức không có tái sanh. Cái gọi là tái sanh đó, chẳng qua là vì cái đầu mối kia chưa dứt mà thôi.

Nhưng nó đã ở trong quá khứ! 

Ý nói: tiếp tục cái đầu mối ấy trong hiện tại, tức là tái sanh vậy.

Vua lại hỏi: Trong dòng sanh tử, con người có nhờ những trợ giúp nào bên ngoài để mỗi ngày mỗi tăng nên nhiều thêm không?

Na Tiên hỏi lại: Trong loài bò hay máy cựa trong thế gian có nhờ sự trợ giúp nào bên ngoài mà tăng lên nhiều thêm không?

Trẫm không hỏi các loài kia. Trẫm chỉ hỏi đầu mối sanh tử của loài người mà thôi. Cây do cây sanh. Lúa do lúa sanh. Vạn vật trong thế gian, giống nào sanh ra giống ấy theo từng chủng loại. Con người thì bắt gốc từ lục tình ân ái.

Là con người thì có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Mắt với hình sắc và thức hợp lại, đó là xúc. Tai với âm thanh và thức hợp lại, đó là xúc.

Mũi với hương và thức hợp lại, đó là xúc.

Lưỡi với vị và thức hợp lại, đó là xúc.

Thân với vật trơn nhám và thức hợp lại, đó là xúc.

Ý với điều nhớ nghĩ và thức hợp lại, đó là xúc. Do xúc sanh ra cảm thọ khổ vui.

Từ cảm thọ khổ vui sanh ra ân ái.

Từ ân ái sanh ra tham dục. Từ tham dục hình thành một nghiệp mới, dẫn dắt đến tái sanh để chịu bao nhiêu ưu bi chồng chất do già nua bệnh tật và chết chóc gây nên.

Nếu mắt với hình sắc và thức không hợp lại thì không có xúc.

Nếu tai với âm thanh và thức không hợp lại thì không có xúc.

Nếu mũi với hương và thức không hợp lại thì không có xúc.

Nếu lưỡi với vị và thức không hợp lại thì không có xúc.

Nếu thân với vật trơn nhám và thức không hợp lại thì không có xúc.

Nếu ý với điều nhớ nghĩ và thức không hợp lại thì không có xúc.

Đã không có xúc thì không có cảm thọ khổ vui.

Không khổ vui thì không khát khao ân ái.

Không ân ái thì không tham dục.

Không tham dục thì không hình thành nghiệp mới hữu.

Không nghiệp mới thì không tái sanh và không già chết.

Không già chết thì không rên khóc lo rầu.

Không lo rầu than khóc thì lòng thanh thản an vui.

Như thế tức là độ thoát sanh tử, đắc đạo Niết Bàn.

***