Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Na Tiên Tỳ Kheo

PHẬT THUYẾT

KINH NA TIÊN TỲ KHEO

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Phật Đà Phiến Đa, Đời Nguyên Ngụy
 

PHẨM MƯỜI CHÍN

PHẨM LINH HỒN
 

Vua hỏi: Bạch Đại Đức, trong con người cái gì làm chủ?

Phải chăng đó là linh hồn thường tại?

Tâu Đại Vương, cái linh hồn thường tại ấy như thế nào?

Nó thường ở trong ta, dùng mắt mà nhìn hình sắc, dùng tai mà nghe âm thanh, dùng mũi mà ngửi mùi, dùng lưỡi mà nếm vị, dùng thân mà sờ mó nhám trơn, dùng ý mà hiểu biết và nhớ nghĩ.

Nó như Đại Đức và Trẫm hiện đang ở trong cung điện này nhưng vì bốn mặt đều có cửa sổ, nên ngang qua cửa sổ ấy, chúng ta thấy được phong cảnh bên ngoài.

Như vậy, ý Đại Vương là muốn ví các giác quan nơi con người với các cửa sổ của cung điện này chăng?

Ngang qua bất cứ cửa sổ nào, ta cũng thấy được cảnh vật bên ngoài.

Thế thì ngang qua bất cứ giác quan nào, linh hồn thường tại cũng phải thấy được ngoại cảnh giống như thế chớ gì?

Vậy linh hồn thường tại có thấy được hình sắc bằng tai, mũi, lưỡi, thân và ý chăng?

Thưa không.

Linh hồn thường tại có nghe được âm thanh bằng mắt, mũi, lưỡi, thân và ý chăng?

Thưa không.

Linh hồn thường tại có ngửi được mùi bằng mắt, tai, lưỡi, thân và ý chăng?

Thưa không.

Linh hồn thường tại có sờ biết nhám trơn bằng mắt, tai, mũi, lưỡi và ý chăng?

Thưa không.

Linh hồn thường tại có suy nghĩ bằng mắt, tai, mũi, lưỡi, và thân chăng?

Thưa không.

Như vậy thời lời lẽ của Đại Vương trước sau không xứng hợp nhau! Lại nữa, trong khi Đại Vương và bần tăng cùng ngồi trong cung điện này, nếu phá bỏ hết tất cả các cửa sổ ở bốn phía thì tầm mắt của chúng ta rộng xa thêm ra không?

Thưa có.

Vậy, phá bỏ một cái cửa nơi thân ta là cặp mắt chẳng hạn, thì linh hồn thường tại có thấy rộng xa thêm không?

Thưa không.

Và nếu phá bỏ thêm mấy cái cửa khác nơi thân ta là tai, mũi, lưỡi, thân, ý, thì linh hồn thường tại có nhờ đó mà nghe rộng thêm, ngửi nhiều hơn, nếm tăng lên, sờ nhiều ra và suy nghĩ rộng hơn không?

Thưa không.

Như vậy là lời lẽ của Đại Vương trước sau lại không xứng hợp nhau! Lại còn điều này nữa: Giả sử có quan giữ kho vào cung, tiến tới trước mặt Đại Vương, cái linh hồn thường tại của Đại Vương có biết y đã lui về không?

Thưa biết.

Nếu chầu xong, y lui trở về kho, linh hồn thường tại của Đại Vương có biết y đã lui về không?

Thưa biết y đã lui về.

Người ta khi để đồ ăn vào lưỡi, linh hồn thường tại của người ấy có biết vị chua, đắng, mặn, ngọt của đồ ăn không?

Thưa biết.

Khi đồ ăn đã vào đến bao tử, linh hồn thường tại của người ấy có còn nhận ra mùi vị như thế nào không?

Thưa không. Như vậy, lời lẽ của Đại Vương trước sau lại cũng không xứng hợp nhau.

Lại còn điều này nữa: giả sử có người gánh đổ hằng trăm hũ rượu ngon vào một cái bồn lớn. Đổ rượu xong lại bắt một người nghiền rượu trói lại bỏ vào bồn với mức rượu không lên cao tới cằm.

Như vậy y có biết được rượu trong bồn là ngon hay dở không?

Thưa không?

Vì sao vậy?

Vì y đâu có uống vào miệng, đâu có nếm bằng lưỡi mà biết được rượu ngon hay đở.

Như vâỵ, thêm một lần nữa, lời lẽ của Đại Vương trước sau không xứng hợp nhau! Bạch Đại Đức, Trẫm tài sơ trí thiển, không đủ sức đương đầu với Đại Đức. Kính mong Đại Đức giải thích cho nghe.

Na Tiên bèn giải rằng: Con mắt và hình sắc gặp nhau khiến tâm thần kích động. Tâm thần kích động thì liền sanh cảm thọ khổ vui. Với lỗ tai và âm thanh, hoặc với mũi và hương, lưỡi và vị, thân và nhám trơn, ý và điều nhớ nghĩ, cũng lại như thế. Tâm thần kích động thì liền sanh cảm thọ khổ vui.

Do cảm thọ khổ vui liền sanh ý niệm. Do ý niệm triển chuyển thành tựu cho nhau mà tạo nên một ông chủ vô thường là cái giả ngã. Cái gọi là linh hồn thường tại dính dáng gì ở đây.

Hay thay! Hay thay!

***