Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Năm Giới Tướng Của ưu Bà Tắc

PHẬT THUYẾT KINH

NĂM GIỚI TƯỚNG CỦA ƯU BÀ TẮC

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cầu Na Bạt Ma, Đời Tống
 

PHẦN BỐN

GIỚI VỌNG NGỮ
 

Phật bảo các Tỳ Kheo: Ta dùng các phương tiện quở trách vọng ngữ, khen ngợi người không vọng ngữ, cho đến đùa cười còn không nên vọng ngữ, huống chi là cố ý vọng ngữ.

Hình thức phạm tội trong đây là: Nếu hàng Ưu Bà Tắc không biết, không thấy Thánh Pháp hơn người.

Tự nói ta là bậc La Hán, đang hướng đến La Hán quả, phạm tội không thể hối.

Nếu nói ta là A Na Hàm, Tư Đà Hàm, Tu Đà Hoàn, cho đến hướng đến Tu Đà Hoàn, hoặc Đắc Sơ Thiền, Đệ Nhị Thiền, Đệ Tam Thiền, Đệ Tứ Thiền hoặc được từ bi hỉ xả, tứ vô lượng tâm, hoặc được Vô Sắc định.

Hư Không định, thức xứ định, Vô sở hữu xứ định, Phi Tưởng, Phi Phi Tưởng Xứ định, hoặc được bất tịnh quán An Na Ban Na.

Hoặc nói Chư Thiên đến chỗ ta, các rồng, Dạ Xoa, Bế Lệ, Tỳ Xá Xà, Cưu Bàn Trà, La Sát đến chỗ ta, chúng hỏi ta, ta trả lời với chúng, ta hỏi chúng, chúng trả lời với ta, tất cả những trường hợp trên đều phạm tội không thể sám hối.

Nếu muốn nói La Hán nhưng nói lầm là A Na Hàm, tội ấy có thể sám hối, còn những việc phạm tội khác cũng tương tự như vậy.

Nếu hàng Ưu Bà Tắc có người hỏi: Ngươi được đạo chưa?

Hoặc im lặng, hoặc hiện ra hình tướng, thì đều phạm tội có thể sám hối. Cho đến nói gió cuộn Quỷ Thần Thổ Địa đến chỗ ta, phạm tội có thể sám hối.

Nếu hàng Ưu Bà Tắc có thật nghe mà nói không nghe, thật thấy mà nói không thấy, nghi có mà nói không, không mà nói có, những sự vọng ngữ như thế đều phạm tội có thể sám hối.

Nếu khởi lòng muốn vọng ngữ nhưng chưa nói, phạm tội có thể sám hối, hoặc nói ra mà không hết ý, phạm tội có thể sám hối. Nếu đến nói với người là mình đã đắc đạo, phạm tội không thể sám hối.

Nếu tâm cuồng loạn, hoặc nói mà không biết thì không phạm.

***