Kinh Đại thừa

Bộ Niết Bàn

PHẬT THUYẾT KINH NGÂN SẮC NỮ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Phật Đà Phiến Đa, Đời Nguyên Ngụy
 

Tôi nghe như vậy!

Một thời Bà Ca Bà ở tại rừng cây Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Độc, nước Xá Vệ, cùng với một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ Kheo.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các vị Tỳ Kheo: Này các Tỳ Kheo, có chúng sinh nào có thể biết rõ được công đức và quả báo của việc bố thí như đã biết mà trong bữa ăn, từ miếng ăn đầu đến miếng ăn cuối, không có lòng rộng mở bố thí thì tự mình không nên ăn.

Khi ấy Đức Thế Tôn nói kệ:

Nếu có các chúng sinh

Như lời Phật đã dạy

Bớt phần ăn bố thí

Thành tựu quả báo lớn,

Hoặc ngay miếng cơm đầu

Hoặc là miếng sau cùng

Ai không dùng bố thí

Tự mình không nên ăn.

Đức Thế Tôn dạy bài kệ xong, bảo các Tỳ Kheo: Này các Tỳ Kheo, từ vô lượng kiếp quá khứ có một Kinh Đô tên Liên Hoa, trong thành có danh nữ tên Ngân Sắc, tướng mạo đoan trang vô cùng xinh đẹp, bởi nàng được kết hợp bằng những nét đẹp tuyệt diệu nhất. Một hôm có việc cần, Ngân Sắc rời nhà đi đến một nhà kia.

Khi vào nhà, cô thấy một sản phụ vừa sinh một đứa con trai rất xinh đẹp, dễ thương. Khi ấy, bà ta đang bế đứa con lên và muốn ăn thịt nó.

Thấy thế Ngân Sắc liền hỏi: Em làm gì vậy?

Sản phụ đáp: Tôi quá đói, không còn khí lực, không biết lấy gì ăn, nên tôi muốn ăn con tôi. Ngân Sắc liền bảo sản phụ. Em hãy dừng lại, việc này không thể được.

Trong nhà này không có ai lo thức ăn cho em sao?

Vị ấy đáp: Đã từ lâu tôi chỉ chất chứa xan tham, keo kiệt, cho nên bây giờ không có một chút gì có thể ăn được.

Ngân Sắc liền bảo: Em hãy đợi một lát, tôi về nhà đem thức ăn cho em.

Bà ta lại nói: Hiện giờ hai bên sườn của tôi như muốn gãy, lưng lại muốn bại, trong lòng ngỗn ngang, nhìn nơi nào cũng mờ mịt. Cô vừa ra khỏi nhà chắc tôi chết ngay.

Khi ấy, Ngân Sắc suy nghĩ: Nếu đem đứa con đi chắc người mẹ sẽ chết, mà nếu không đem nó đi ắt mẹ nó ăn thịt. Ta phải tìm cách nào để cứu hai mẹ con.

Cô liền nói với sản phụ: Tôi cần có một con dao bén, trong nhà này có không?

Sản phụ nói: Có. Và liền lấy dao trao cho Ngân Sắc.

Ngân Sắc dùng dao cắt hai vú của mình bảo sản phụ ăn và nói với bà ấy: Em hãy ăn vú của tôi, thân thể của em sẽ bớt đói khổ.

Khi sản phụ ăn xong, Ngân Sắc lại hỏi: Em no chưa?

Sản phụ đáp: Tôi no rồi.

Ngân Sắc nói: Em nên biết, đứa bé này chính là tôi đã đem thân thể chuộc lại. Nay tôi gởi nó cho em, tôi muốn về nhà lấy thức ăn.

Ngân Sắc nói xong thì khắp thân máu ra lênh láng, lê lết đi về đến nhà, bà con quyến thuộc trông thấy Ngân Sắc đều cùng hỏi: Ai làm thế này?

Ngân Sắc trả lời: Tự tôi làm như vậy.

Họ lại hỏi: Vì sao cô làm như vậy?

Ngân Sắc nói: Tôi đã khởi tâm không bỏ đại bi vì mong cầu quả vị Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Những người thân quyến nói: Tuy cô hành hạnh bố thí mà tâm còn hối tiếc, thì chỉ gọi là bố thí, mà không phải là Ba la mật.

Họ lại hỏi: Trong lúc cắt bỏ phần thân như vậy, cô có hoan hỷ không?

Cô chớ vì đau đớn quá mà sinh buồn tiếc.

Ngân Sắc liền phát thệ nguyện: Tôi cắt hai vú, lòng không hề nuôi tiếc hay có một vọng tưởng nào khác. Nếu đúng như lời, xin hai vú của tôi trở lại như cũ. Ngân Sắc vừa nguyện xong thì hai vú trở lại bình thường.

Bấy giờ, trong thành Liên Hoa, các Dạ Xoa cùng nói lớn rằng: Cô Ngân Sắc tự bỏ hai vú. Khi ấy Địa Thiên nghe được lại truyền lên hư không.

Chư Thiên nghe được lại loan truyền tiếp, truyền mãi như vậy cho đến Phạm Thiên, Trời Đế Thích suy nghĩ: Thật là sự kiện hy hữu, cô Ngân Sắc này vì lòng thương chúng sinh cho nên tự bỏ hai vú, nay ta đến hỏi cô ấy xem. Nghĩ xong, Đế Thích hóa thân làm người Bà La Môn, tay trái cầm bình nước và bát đều bằng vàng, tay phải cầm cây gậy cũng bằng vàng, rồi ông đi thẳng đến thành Liên Hoa và đi dần đến nhà Ngân Sắc ở, đứng ngoài cửa cất tiếng khất thực.

Ngân Sắc nghe ngoài cửa có tiếng người khất thực, vội lấy đồ đựng đầy thức ăn đem ra ngoài cửa.

Người Bà La Môn nói: Thôi cô ạ, tôi không cần thức ăn.

Ngân Sắc hỏi tại sao, người Bà La Môn nói: Ta là Đế Thích. Ta có sự hoài nghi đối với cô nên đến đây, xin cô đáp lời ta hỏi.

Ngân Sắc thưa: Đại Bà La Môn, xin ông cứ hỏi, con sẽ trả lời những điều ông hoài nghi, con sẽ làm vừa ý Ngài Bà La Môn.

Bà La Môn hỏi: Có phải cô thật cắt hai vú để bố thí cho người khác không?

Cô đáp: Đúng như vậy, thưa Đại Bà La Môn.

Bà La Môn lại hỏi: Tại sao cô làm như vậy?

Ngân Sắc trả lời: Vì lòng đại bi muốn đắc quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Bà La Môn nói: Việc này rất khó. Cái rất khó là đối với Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, nếu cô bố thí rồi mà sinh tâm hối tiếc, thì chỉ là thí chứ chẳng phải Ba la mật.

Lúc đang bố thí, cô có hoan hỷ không?

Trong lúc đang bị cắt đau đớn, cô có sinh ý khác không?

Ngân Sắc đáp: Thưa Kiều Thi Ca, con nay lập thệ: Con vì tâm cầu nhất thiết trí, vì tâm cầu thắng nhất thiết thế gian, tâm mong cứu độ tất cả chúng sinh, nên con không hề hối tiếc khi cắt bỏ hai vú. Nếu đúng là con không hối tiếc, xin cho thân nữ của con biến thành người nam.

Khi Ngân Sắc phát lời thệ nguyện xong, liền trở thành người nam. Ngân Sắc thấy thân nữ đã biến thành thân nam rồi, lòng sinh hoan hỷ, vui mừng không xiết, đi đến gốc cây nằm ngủ.

Trong thời gian ấy, Vua Liên Hoa bỗng nhiên băng hà. Vua lại không có con. Thời tiết vô cùng nóng bức. Ngay thời điểm ấy, các quan Đại Thần tìm kiếm khắp nơi, từ rừng này qua rừng khác, từ làng này qua làng khác, từ thành này đến thành kia, từ đô thị này đến đô thị khác, một người có tướng xứng đáng lên ngôi Vua.

Các quan đều nói: Chúng ta phải làm thế nào tìm được vị Vua cai trị nước nhà đúng chánh pháp. Trong lúc ấy có một vị quan đại thần, nhân Trời nóng bức nên vào trong ao Liên Hoa.

Vị đại thần chợt thấy người nằm dưới gốc cây tướng mạo thật hoàn hảo, thù thắng. Người ấy nằm ngủ mà không biết mặt trời dọi vào, thế nhưng bóng cây luôn che mát cho người.

Vị đại thần khảy móng tay cho người ấy thức dậy và dẫn người ấy vào thành Vương Xá, cho cạo râu và mặt Vương phục đội mũ châu báu, rồi nói với người ấy: Xin Ngài làm Vua trị vì đất nước.

Người ấy liền đáp: Tôi thật không thể chăm lo việc nước.

Các quan lại nói: Hôm nay chúng tôi cần mời Ngài lên ngôi Vua.

Vị ấy liền bảo: Nếu tôi làm Vua thì sẽ cai trị đất nước đúng như pháp, tất cả dân chúng trong nước phải nên thọ trì Thập Thiện Nghiệp Đạo thì tôi chịu lên làm Vua.

Các quan đồng thưa: Chúng thần xin thuận ý Ngài. Ngay khi ấy mọi người đều thọ Thập Thiện Nghiệp Đạo. Vị ấy khuyên mọi người thọ Thập Thiện Nghiệp Đạo như vậy rồi, mới lên ngôi Vua hiệu là Ngân Sắc. Bấy giờ nhân dân trong nước Vua Ngân Sắc sống lâu bảy vạn na do tha tuổi. Nhà Vua trị vì đất nước đến vô lượng trăm ngàn năm mới mạng chung.

Trước giờ lâm chung Vua nói kệ:

Tất cả đều vô thường

Ắt có sự tan hoại

Hội họp sẽ chia lỵ

Có sinh đều có tử.

Tùy theo nghiệp đã làm

Hoặc thiện hoặc bất thiện

Tất cả cái có sinh

Không tồn tại lâu dài.

Sau khi Nhà Vua mạng chung, thác sinh trở lại Kinh Đô Liên Hoa, trong một gia đình trưởng giả. Vừa tám chín tháng, bà vợ ông trưởng giả đã sinh một Đồng Tử. Đồng Tử có tướng mạo khôi ngô tuấn tú. Mãi hơn tám tuổi Đồng Tử mới đến trường học cùng năm trăm Đồng Tử khác. Ở nơi trường học trước đó có năm trăm Đồng Tử đọc sách.

Đồng Tử hỏi người bạn học cũ rằng: Các người ở đây làm gì?

Chúng nói: Chúng tôi đọc sách.

Đồng Tử lại hỏi: Đọc sách được ích lợi gì?

Các bạn không cần đọc sách này làm chi, các bạn chỉ cần phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Các bạn hỏi: Phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác thì phải làm gì?

Đồng Tử liền nói: Tất nhiên cần phải tu hạnh sáu Ba la mật, đó là:

1. Đàn Ba la mật.

2. Thí Ba la mật.

3. Sằn Đề Ba la mật.

4. Tỳ Lê Da Ba la mật.

5. Thiền Ba la mật.

6. Bát Nhã Ba la mật.

Người bạn cũ nghe xong nói: Tôi phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Khi vị Đồng Tử đã giáo hóa cho mọi người phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác rồi, suy nghĩ: Bây giờ ta muốn đem chút ít bố thí cho những loài cầm thú hai chân, bốn chân.

Suy nghĩ như vậy, Đồng Tử đi vào rừng Thi Đà, dùng dao bén cắt thân chảy máu thoa lên khắp thân, lại dùng dầu bôi lên rồi nằm trong rừng mà tự xướng rằng: Các loài cầm thú hai chân, bốn chân như hươu, nai… ở gần xa, có cần thức ăn hãy đến đây ăn thịt của ta. Khi đó có con chim tên Hữu Thủ ở trong đàn chim, bay đến đậu trên trán Đồng Tử và móc mắt phải của ông ta rồi bay đi.

Đồng Tử hỏi chim: Vì sao ngươi móc mắt của ta rồi bay đi?

Chim đáp: Đối với tôi trong phần thịt của con người, tất cả chỉ có thịt ở mắt là ngon hơn hết.

Đồng Tử hỏi chim: Giả sử ngươi có móc ngàn con mắt phải của ta rồi lại bay đi, ta cũng không có phật ý, ân hận. Chim ở đó ăn hai con mắt của Đồng Tử rồi, vô lượng chim khác trong rừng bay đến chỗ Đồng Tử ăn hết sạch thịt trên thân Đồng Tử, chỉ còn lại đống xương trắng.

Đồng Tử xả thân bố thí rồi, lại sinh trở lại Kinh Đô Liên Hoa, vào nhà một người Bà La Môn. Đúng mười tháng, bà vợ người Bà La Môn sinh được một Đồng Tử tướng mạo khôi ngô tuấn tú không ai sánh kịp.

Đến năm Đồng Tử đã hai mươi tuổi, cha mẹ nói: Ma Na Bà, chúng ta sẽ xây dựng nhà cửa.

Đồng Tử thưa cha mẹ: Cha mẹ vì con mà xây dựng nhà cửa có ý nghĩa gì?

Hiện giờ tâm con không ở tại nhà, xin cha mẹ hãy cho vào núi sâu. Cha mẹ Đồng Tử bằng lòng cho đi. Đồng Tử rời nhà đi đến núi rừng. Vừa đến nơi đã thấy phía trước có hai Tiên Nhân Bà La Môn cũ đang ở trong rừng kia.

Khi đó Ma Na Bà đến chỗ hai vị Tiên Nhân Bà La Môn, hỏi hai vị đó rằng: Hai vị Phạm Tiên ở trong núi rừng làm gì thế?

Họ đáp: Ma Na Bà, chúng tôi đều vì lợi ích của chúng sinh nên ở tại núi rừng này thực hiện tất cả các việc khổ hạnh.

Đồng Tử nói: Hôm nay tôi cũng vì lợi ích của tất cả chúng sinh nên muôn đến đây thực hành khổ hạnh. Ma Na Bà liền đến rừng cây, đắp đất làm nhà. Nhờ phước đức tu nghiệp thiện, Ma Na Bà bỗng nhiên đắc đại nhãn. Ngay khi ấy ông trông thấy có một vùng núi, cách đó không xa lắm, có một con hổ mẹ đang có thai sắp sinh.

Thấy vậy, Ma Na Bà suy nghĩ: Con hổ mẹ này chẳng bao lâu sẽ sinh con. Khi sinh xong có lẽ nó sẽ bị chết đói, hoặc chịu biết bao điều khốn khổ vì đói khát, hoặc nó sẽ ăn thịt con.

Ai có thể cắt thân cho con hổ này?

Sau khi suy nghĩ, Đồng Tử liền hỏi: Vị nào có thể cắt thân mình cho hổ ăn.

Tiên Nhân kia đáp: Chúng tôi không thể cắt thân bố thí. Bảy ngày sau con hổ mới sinh. Sinh xong, nó ngậm con đặt trên đất và ôm giữ con.

Ma Na Bà thấy như vậy rồi, liền đến chỗ hai vị Tiên nói: Đại Tiên, hổ mẹ đã sinh. Nếu hai người vì lợi ích chúng sinh thực hành bao khổ hạnh, thì nay đã đúng lúc nên cắt thịt thân mình đem cho con hổ này.

Lúc đó hai vị Tiên Bà La Môn đi ngay đến bên trái con hổ mẹ, suy nghĩ: Ai có thể nhẫn nhục chịu việc khổ này mà thực hành đại thí?

Ai có cắt thân thể yêu quý của mình cho hổ đói ăn?

Suy nghĩ như vậy rồi, hai vị Tiên Nhân rời hổ mẹ đi ra xa và vì tiếc thân mạng nên hai vị Tiên này bay lên hư không đi mất.

Từ xa, Ma Na Bà nói với theo hai Tiên Nhân Bà La Môn: Đây không phải là lời thệ nguyện của các vị sao?

Nói xong, Ma Na Bà phát nguyện: Nay tôi xin xả bỏ thân này để giúp hổ đói. Nguyện cho tôi nhờ nhân duyên này chứng đắc quả vị Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Phát nguyện xong, Ma Na Bà nhặt con dao bén dưới đất tự hủy hoại thân mình để bố thí cho hổ đói.

Này các Tỳ Kheo, ta sợ các ông sinh tâm hoài nghi. 

Này các Tỳ Kheo, các ông chớ sinh tâm nghi ngờ, chớ nghĩ điều gì khác.

Vì sao?

Các ông nên biết, lúc bấy giờ cô Ngân Sắc ở vương quốc Liên Hoa kia đã cắt hai vú đâu phải người nào lạ, nay chính là ta vậy. Này các Tỳ Kheo, chớ sinh tâm hoài nghi và chớ nghĩ điều gì khác.

Vì sao?

Các ông nên biết, Vua Ngân Sắc ở Kinh Đô Liên Hoa lúc ấy nay cũng chính là ta. Các Tỳ Kheo, các ông chớ sinh tâm nghi ngờ, chớ nghĩ điều gì khác.

Vì sao?

Các ông nên biết, ta lúc ấy tên là Ngân Sắc, cắt bỏ hai vú để cứu giúp đứa bé kia. Các Tỳ Kheo, các ông chớ sinh tâm nghi ngờ, chớ nghĩ điều gì khác.

Vì sao?

Các ông nên biết, đứa bé lúc đó chính là La Hầu La chớ không phải ai khác. Các Tỳ Kheo, chớ sinh tâm nghi ngờ, chớ nghĩ điều gì khác.

Vì sao?

Các ông nên biết, lúc đó Vua nước Liên Hoa trong vườn Thi Đà vì các bầy chim cắt xả thân thể, đâu phải người nào lạ, nay chính là ta vậy. Này các Tỳ Kheo, chớ sinh tâm nghi ngờ, chớ nghĩ điều gì khác.

Vì sao?

Các ông nên biết, lúc ấy hai vị tiên Bà La Môn đâu phải người nào lạ, nay chính là các Tỳ Kheo. Này các Tỳ Kheo, các ông chớ sinh tâm nghi ngờ, chớ nghĩ điều gì khác.

Vì sao?

Các ông nên biết, lúc ấy Ma Na Bà, con của người Bà La Môn, cũng chính là ta vậy.

Này các Tỳ Kheo, vì thế cho nên ta bảo cho các ông: Nếu các Tỳ Kheo biết rõ công đức bố thí và quả báo bố thí thì phải bố thí miếng ăn ban đầu, hoặc bố thí miếng ăn sau cùng, như vậy tự mình mới nên ăn. Khi Đức Phật nói Kinh này, các vị Tỳ Kheo thảy đều rất hoan hỷ.

***