Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Nghĩa Túc

PHẬT THUYẾT KINH NGHĨA TÚC

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Chi Khiêm, Đời Ngô
 

KINH PHẠM CHÍ MA KIỆT
 

Nghe như vậy!

Đức Phật trú ở khu lâm viên Kỳ Đà Cấp Cô Độc tại nước Xá Vệ.

Khi ấy có một vị Phạm Chí tên Ma Kiệt bỗng nhiên chết tại giảng đường.

Các vị đồng học đặt ông lên trên giường, khiêng đến các ngã tư đường làng của thành Xá Vệ, cất lời rao truyền: Người nào thấy Ma Kiệt thì đều được giải thoát. Bây giờ ai thấy thi thể của ông cũng được giải thoát, sau này có ai nghe tên ông cũng được giải thoát.

Đúng giờ thọ trai, các vị Tỳ Kheo, ôm bình bát vào thành khất thực, đều nghe thấy các Phạm Chí truyền rao công đức của Ma Kiệt như vậy.

Thọ thực xong, các vị rửa bình bát, trở về nơi Phật ngự, đảnh lễ xong, về chỗ ngồi, thưa lại toàn bộ câu chuyện trên cho Đức Phật. Nhân đó, Đức Phật diễn nói thành Kinh này, truyền tôi, đệ tử Ngài phải lắng nghe đầy đủ để rộng giảng cho đời sau được hiểu rõ.

Đức Thế Tôn dạy tôi phải giữ gìn để Kinh Pháp được trụ thế dài lâu.

Ngài nói Kinh Nghĩa Túc này:

Giữ tâm tịnh, không bệnh suy

Tự tịnh, tín, tỏ chân lý

Biết như thế đều được độ,

Muốn đoạn khổ, trừ tập trước

Nhờ tâm tịnh thành phước nhân.

Có tuệ hạnh, niệm lìa khổ

Tận trừ ác, rõ pháp thanh

Đoạn sở kiến thật toàn tịnh

Theo dị đạo, không thể thoát.

Học giữ giới, độ thế nhân

Không nhiễm tội là phước báo

Trừ tất cả, chớ khen thân

Trước đoạn trừ, sau nhớ nghĩ.

Đạt hạnh này, vượt bốn biển

Cứ thẳng tiến đừng lo khổ

Niệm khổ mãi, tâm bị trói

Ý tỉnh giác, trì giới hạnh

Hành tịnh hạnh tưởng khổ hành

Xả niệm ấy liền nhập hạnh.

Không nói kiêu, dùng tuệ quán

Với mọi pháp, không còn nghi

Cả thấy, nghe đều niệm xả

Rõ kiến văn gốc của hành.

Người theo trần bị sáu suy

Không niệm thân, không niệm kính

Cũng không nguyện hạnh chí tịnh

Ân oán xả, không chấp trước

Bỏ dục cầu, không mong ước

Vô sở hữu là Phạm Chí.

Thấy nghe pháp, tâm thu nhiếp

Dâm, không dâm, chấp dâm ô

Rời tâm tà, lòng sẽ tịnh.

Đức Phật giảng Kinh Nghĩa Túc xong, các vị Tỳ Kheo đều hoan hỷ.

***