Kinh Đại thừa

Bộ Hoa Nghiêm

PHẬT THUYẾT

KINH NGŨ THẬP TỤNG

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Thi Hộ, Đời Tống
 

Tôi nghe như vậy!

Một thuở nọ Đức Phật ở trong núi Thứu Phong, thuộc Thành Vương Xá cùng với một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ Kheo đều đã đắc A La Hán, các lậu đã tận, không còn phiền não, tâm hoàn toàn giải thoát, trí tuệ thông đạt, giống như đại Long Vương, đoạn trừ các kiết sử, vứt bỏ các gánh nặng, việc cần làm đã làm xong, đạt được tự lợi, tâm được tự tại.

Bấy giờ Đức Phật bảo Tôn Giả Tu Bồ Đề: Nếu có thiện nam, thiện nữ và các Thanh Văn, Duyên Giác, người ưa thích tu học Vô Thượng Bồ Đề, các ông đối với Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa này mà nghe, thọ trì, đọc tụng, phân biệt giảng nói thì mau đạt Chánh Giác.

Này Tu Bồ Đề! Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa này đầy đủ phương tiện, thông đạt tất cả, là pháp tạng thâm sâu của Chư Phật và Bồ Tát, phải học như vậy, tu hành như vậy.

Này Tu Bồ Đề! Nếu có Đại Bồ Tát tùy hỷ nghe, thọ trì, đọc tụng Kinh Bát Nhã Ba La Mật này thì nên học như vậy, tu hành như vậy.

Vì sao?

Vì Kinh này nói rộng tất cả tạng pháp vô thượng bồ đề thâm sâu của Chư Phật.

Này Tu Bồ Đề! Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa này tất cả pháp phần Bồ Đề của pháp Thanh Văn, pháp Duyên Giác, pháp Bồ Tát và tất cả pháp Bát Nhã Ba La Mật của tất cả Chư Phật nhóm họp nhiếp giữ bình đẳng như một.

Bấy giờ, Tu Bồ Đề thưa Phật: Bạch Thế Tôn!

Vì sao tất cả pháp phần bồ đề của pháp Thanh Văn, pháp Duyên Giác, pháp Bồ Tát và tất cả pháp bát nhã Ba La Mật của tất cả Chư Phật chứa nhóm nhiếp giữ bình đẳng như một?

Đức Phật dạy Tu Bồ Đề: Tất cả bố thí Ba la mật, trì giới Ba la mật, nhẫn nhục Ba la mật, tinh tấn Ba la mật, thiền định Ba la mật, trí tuệ Ba la mật, nội không, ngoại không, nội ngoại không, đại không, thắng nghĩa không, hữu vi không, vô vi không, vô biến dị không, vô tướng không, tự tướng không.

Hữu tế không, vô tế không, tánh không, bản tánh không, vô tánh không, tự tánh không, vô tánh tự tánh không, tất cả pháp không, bốn niệm xứ, bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy giác chi, tám Thánh đạo, bốn Thánh đế, bốn vô sắc, tám giải thoát, chín phần pháp, không giải thoát môn, vô tướng giải thoát môn, vô nguyện giải thoát môn.

Tất cả tam ma địa tổng trì môn, bốn trí, năm thần thông, tất cả mười lực của như lai, bốn vô sở úy, đại từ, đại bi, mười tám pháp bất cộng, quả Tu Đà Hoàn, quả Tư Đà Hàm, quả A Na Hàm, quả A La Hán, quả Duyên Giác, quả Bồ Tát, nhất thiết đạo trí. Như vậy tất cả các pháp thiện, tất cả Bát Nhã Ba La Mật đều chứa nhóm, nhiếp giữ bình đẳng như một không khác.

Nghe Đức Phật nói vậy, Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Kinh Điển này tích chứa, giữ gìn tất cả pháp lành, tất cả bát nhã Ba La Mật Đa bình đẳng như một, sâu xa vi diệu, ý nghĩa sâu sắc, khó hiểu khó biết.

Phật dạy Tu Bồ Đề: Đúng vậy, đúng vậy! Đúng như lời ông đã nói.

Này Tu Bồ Đề! Nếu có người không gieo trồng căn lành, bạn bè xấu ác, độn căn, biếng nhác, không trí, ngu si, ít hiểu ít nghe, mới học hiểu biết cạn cợt lại thích tiểu thừa, trí tuệ hẹp hòi… thì đối với Kinh Bát Nhã Ba La Mật này khó hiểu, khó thể nhập và lại không tin thọ. Các ông nên biết.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Nếu có thiện nam thiện nữ đối với Kinh Bát Nhã Ba La Mật này mà tùy hỷ tiếp thu, đọc tụng, giải nói như giữ Chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại, không bao lâu mau chứng vô thượng bồ đề.

Phật nói Kinh này xong, Tôn Giả Tu Bồ Đề và các Bồ Tát, Trời, Người, A Tu La v.v… nghe Phật nói như vậy đều rất vui mừng, tín thọ phụng hành.

***