Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Nguyệt đăng Tam Muội

PHẬT THUYẾT

KINH NGUYỆT ĐĂNG TAM MUỘI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Na Liên Đề Da Xá, Đời Cao Tề
 

PHẦN HAI
 

Lại có mười pháp:

1. Có tâm biết thẹn.

2. Xả bỏ tâm ác.

3. Không bỏ hạnh Đầu Đà.

4. Đối với đức tin không hề bị che lấp.

5. Thường hành hỷ hạnh.

6. Đem chỗ mình ngồi dâng cho các bậc tôn trưởng.

7. Xả bỏ tâm kiêu mạn.

8. Khéo nhiếp tâm.

9. Khéo biết tâm tương ưng.

10. Khéo biết tâm sinh khởi.

Lại có mười pháp:

1. Khéo biết nghĩa trí.

2. Khéo biết pháp trí.

3. Xa lìa vô trí.

4. Khéo nhập vào tâm vi tế.

5. Biết tự tánh của tâm.

6. Khéo biết pháp phương tiện tới lui.

7. Khéo biết tất cả trí ngôn ngữ.

8. Khéo đắc từ ngữ sai biệt vô ngại.

9. Đắc trí phương tiện quyết định nghĩa.

10. Xả bỏ điều chẳng phải nghĩa lý.

Lại có mười pháp:

1. Thân cận người lành.

2. Cùng làm việc với họ.

3. Nghe theo lời dạy của họ.

4. Xa lìa người ác.

5. Thông suốt việc tu thiền.

6. Không đắm trước thiền vị.

7. Thần thông du hý.

8. Đạt được trí thế gian.

9. Xa lìa sự phô trương giả danh.

10. Không chán lìa hữu vi.

Lại có mười pháp:

1. Được lợi không mừng.

2. Gặp suy thoái không buồn.

3. Được khen không vui.

4. Bị chê không lo.

5. Được tôn vinh vẫn không thích.

6. Bị hủy báng vẫn không nản.

7. Không khổ.

8. Không vui.

9. Không thân cận người tại gia.

10. Không ở trong Tăng Chúng.

Lại có mười pháp:

1. Bỏ sự không cung kính.

2. Thực hành sự cung kính.

3. Đầy đủ lễ nghi.

4. Bỏ tâm không lễ nghi.

5. Không bị nhiễm ô nhà thế tục.

6. Gìn giữ Phật Pháp.

7. Yên lặng, ít nói.

8. Lời nói, hành động không thô tháo.

9. Cung người đàm luận, khéo dùng phương tiện.

10. Hàng phục các oán thù.

Lại có mười pháp:

1. Khéo biết thời tiết.

2. Đối với các người phàm phu có tưởng không thể biết.

3. Không khởi tâm khinh người nghèo hèn.

4. Có người xin liền cho.

5. Với các người nghèo khổ cứ để họ xin, đừng gây chướng ngại.

6. Không khởi tâm ghen ghét người phá giới.

7. Có ý nghĩ muốn cứu người khác.

8. Khéo biết việc mình làm.

9. Nhiếp thọ chánh pháp.

10. Xả bỏ của cải.

Lại có mười pháp:

1. Không kinh doanh, tích tụ.

2. Khen ngợi người trì giới.

3. Chê trách người phạm giới.

4. Cung kính sự phụng trì giới, không có tâm dối láo.

5. Tất cả vật sở hữu đều có thể đem cho.

6. Thành tâm khuyến thỉnh.

7. Nói thế nào làm thế ấy.

8. Tôn thờ người trí.

9. Đối với các pháp quyết định, hết lòng ưa thích tu hành.

10. Được trí ví dụ.

Lại có mười pháp:

1. Phương tiện đối với đời trước.

2. Lấy việc tu thiện làm đầu.

3. Có các phương tiện.

4. Đoạn trừ các tướng

5. Xả bỏ các tưởng.

6. Khéo biết sự tướng.

7. Hay diễn nói các Kinh.

8. Khéo đắc phương tiện nơi các việc thuận, nghịch.

9. Quyết định đối với chân lý.

10. Chứng được giải thoát.

Lại có mười pháp:

1. Lời nói chân thật, ngay thẳng.

2. Hiển lộ trí tự tánh.

3. Lời nói không nghi ngờ.

4. Đưa tưởng về không.

5. Tu nơi vô tướng.

6. Biết tánh vô nguyện.

7. Đắc bốn vô úy.

8. Kiên cố đối với giới.

9. Nhập vào chánh đạo tròn đủ.

10. Đạt được trí tuệ.

Lại có mười pháp:

1. Buộc tư tưởng vào một duyên.

2. Ít bận tâm về người thân.

3. Không khởi tâm ô trược.

4. Xả bỏ các kiến.

5. Đắc Đà La Ni.

6. Đắc trí.

7. Đắc sự sáng suốt.

8. An trụ.

9. Trụ trì.

10. Chánh cần.

Này Đồng Tử! Đó gọi là Đại Bồ Tát từ tam muội các pháp thể tánh bình đẳng không hý luận ấy, thành tựu các công đức lợi lạc như vậy.

Này Đồng Tử! Tam muội như vậy gọi là nhân, gọi là tương ưng, gọi là giáo huấn, gọi là pháp môn, gọi là làm, gọi là đạo hạnh, gọi là không nghi, gọi là Đạo Sư, gọi là hành thuận nhẫn, gọi là nhẫn địa, gọi là trừ bỏ sự không nhẫn, gọi là trí địa, gọi là xa lìa vô tri, gọi là kiến lập nơi trí.

Gọi là phương tiện địa, gọi là Bồ Tát du hành, gọi là thân cận thắng trượng phu, gọi là xa lìa kẻ ác, gọi là Như Lai nói về Phật địa, gọi là người trí tùy hỷ, gọi là kẻ ngu vứt bỏ, gọi là Thanh Văn khó biết, gọi là không phải địa vị của ngoại đạo, gọi là chỗ thâu nhiếp của Như Lai, gọi là chỗ rõ biết của Đấng Thập Lực.

Gọi là Chư Thiên cúng dường, gọi là Phạm Vương lễ bái, gọi là Đế Thích đi theo sau, gọi là rồng, thần cúi lạy, gọi là Dạ Xoa tùy hỷ, gọi là Khẩn Đà La khen ngợi, gọi là Ma Hầu La Già xưng dương, gọi là chỗ tu của Bồ Tát, gọi là chỗ mong cầu của bậc trí, gọi là được đạo vô thượng, gọi là chẳng phải bố thí tài vật.

Gọi là thuốc trừ bệnh phiền não của chúng sinh, gọi là kho trí, gọi là biện tài vô tận, gọi là xuất sinh các lời dạy, gọi là trừ các bệnh khổ, gọi là biết ba cõi, gọi là thuyền bè đưa người, gọi là thuyền chở qua bốn dòng nước, gọi là phát sinh danh dự, gọi là Như Lai tán thán, gọi là sự lợi ích của Như Lai.

Gọi là hào quang khen ngợi của Đấng Thập Lực, gọi là xuất sinh đạo đức của Bồ Tát, gọi là lòng từ diệt trừ sự tức giận, gọi là lòng bi dứt trừ sự não hại, gọi là tâm hoan hỷ tịch tĩnh, gọi là người xả bỏ buồn rầu, gọi là hơi thở sống động của người đại thừa, gọi là có thể rống tiếng Sư Tử, gọi là Phật Đạo.

Gọi là tất cả Pháp ấn, gọi là dẫn đạo nhất thiết trí, gọi là khu vườn du hý của Bồ Tát, gọi là sự phá tan ma quân, gọi là đường an toàn, gọi là thành tựu các nghĩa tốt lành, gọi là ngăn chận kẻ thù địch, gọi là dùng pháp hàng phục oán thù, gọi là sự vô úy chân thật, gọi là sức mạnh không vọng cầu như thật.

Gọi là cội gốc của mười tám Bất cộng pháp, gọi là trang nghiêm pháp thân, gọi là oai lực của các hành, gọi là trang nghiêm Phật tuệ, gọi là bỏ các trói buộc của ái, gọi là trưởng tử của Phật vui mừng, gọi là trí Phật tròn đủ, gọi là không phải địa vị của Bích Chi Phật, gọi là tâm thanh tịnh, gọi là thân thanh tịnh.

Gọi là thành tựu giải thoát, gọi là không có các tạp dục, gọi là không có các tạp nhuế, gọi là không phải địa vị ngu si, gọi là trí A Hàm, gọi là có thể sinh khởi các kỹ thuật, gọi là trừ các vô minh, gọi là giải thoát tròn đầy, gọi là sự vui mừng của người thiền định, gọi là con mắt cần thiết để người thấy, gọi là thần thông du hý.

Gọi là có thể hiện bày thần túc, gọi là Văn trì Đà La Ni, gọi là nhớ nghĩ và thọ trì không quên, gọi là sự gia trì của Chư Phật, gọi là phương tiện của Đạo Sư, gọi là sự không tương ưng, vi tế khó biết, gọi là xả bỏ văn tự, gọi là biết sâu nghĩa trí, gọi là trí của tri kiến, gọi là trí phân biệt, gọi là trí bất khả ngôn thuyết.

Gọi là trí có thể điều phục sự sai, gọi là trí người chất trực, gọi là trí thiểu dục, gọi là tinh tấn nhiếp trì, gọi là có thể gìn giữ không quên, gọi là có thể tiêu trừ các khổ, gọi là các pháp vô sinh, gọi là một lời diễn thuyết có thể biết được sự sinh diệt trong các loài. Đó gọi là tam muội tất cả pháp thể tánh bình đẳng không hý luận.

Khi Phật nơi pháp môn này, trong hội có tám mươi na do tha người, Trời được vô sinh pháp nhẫn, chín mươi hai na do tha Trời, người được nhẫn tùy âm thanh, bảy mươi sáu na do tha người, Trời được thuận nhẫn, sáu vạn người, Trời được xa lìa trần cấu được pháp nhãn thanh tịnh.

Một ngàn vị Tỳ Kheo hết các hữu lậu, tâm được giải thoát, hai trăm năm mươi Tỳ Kheo Ni hết các hữu lậu, tâm được giải thoát, năm trăm Ưu Bà Tắc được quả A Na Hàm, tám trăm Ưu Bà Di được quả Tư Đà Hàm.

Bấy giờ tam thiên Đại Thiên Thế Giới chấn động sáu cách, đó là: Động biến động, đẳng biến động.

Dũng biến dũng, đẳng biến dũng. Khởi biến khởi, đẳng biến khởi. Hống biến hống, đẳng biến hống. Chấn biến chấn, đẳng biến chấn. Giác biến giác, đẳng biến giác.

Vọt lên ở Đông thì chìm mất ở Tây.

Vọt lên ở Tây thì chìm mất ở Đông.

Vọt lên ở Nam thì chìm mất ở Bắc.

Vọt lên ở Bắc thì chìm mất ở Nam.

Vọt lên ở giữa thì chìm mất ở một bên.

Vọt lên ở một bên thì chìm mất ở giữa.

Nhờ pháp lực nên bỗng nhiên khởi lên ánh sáng chưa từng có, có thể chiếu sáng ở những nơi tăm tối xa xôi, cho đến Địa Ngục A Tỳ, không chỗ nào không rực sáng.

Lúc ấy, khoảng giữa núi Thiết Vi của Thế Giới, chúng sinh tăm tối lại được thấy nhau, thảy đều kinh ngạc nói rằng:

Tại sao ở đây bỗng nhiên có những người này?

Bấy giờ Đức Thế Tôn nói bài kệ:

Ta nhớ kiếp xưa sáu vạn Phật

Vốn sống ở tại núi Kỳ Xà

Khi ta cầu đạo thời quá khứ

Theo các Thế Tôn nghe định này.

Lúc đó sáu ức Phật sau cùng

Vì thế gian nên phóng ánh sáng

Tên là Phật Ta La Thọ Vương

Ta theo vị ấy hỏi định này.

Lúc ấy ta sinh dòng Sát Lợi

Là Bậc Tối Tôn giữa các Vua

Có đến năm trăm các người con

Đầy đủ tất cả các tài nghệ.

Lúc ta là Vô Thượng Tôn ấy

Tạo dựng Già Lam đến ức kiếp

Toàn dùng đại chiên đàn thắng diệu

Xen lẫn vàng bạc và các báu.

Lúc ta làm Vua, người yêu kính

Tên là Vua Tỳ Sa Mô Đạt

Rộng bày nhiều thứ cúng dường

Phật Trọn một vạn tám trăm ức năm.

Lúc đó Lưỡng Túc Tôn tối thắng

Danh hiệu là Ta La Thọ Vương

Trong suốt bảy ức sáu ngàn năm

Sống ở thế gian hoằng hóa đạo.

Có tám mươi ức các Thanh Văn

Ba minh, sáu thông thường tại định

Thân cuối cùng ở trong lậu tận

Thánh Chúng như vậy không hủy báng.

Ta dâng các thứ thật tối thắng

Cúng dường bậc độ các ác thú

Vì muốn lợi ích các người, Trời

Cho nên mới cầu tam muội này.

Ta cùng vợ con đều xuất gia

Giữ lời Phật dạy không ai bằng

Trong một ngàn bốn vạn ức năm

Ta thường thưa hỏi tam muội này.

Tám vạn na do kệ xưng tán

Kệ tụng khác nhau tám ức triệu

Phật ấy đem ra dạy mọi người

Một phẩm duy nhất luận định này.

Đầu, mắt, tay chân cùng vợ con

Các thứ trân bảo và ẩm thực

Tất cả của cải đều bỏ hết

Vì để cầu tam muội như vậy.

***