Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Nguyệt đăng Tam Muội

PHẬT THUYẾT

KINH NGUYỆT ĐĂNG TAM MUỘI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Na Liên Đề Da Xá, Đời Cao Tề
 

PHẦN HAI MƯƠI BẢY
 

Bấy giờ Đức Thế Tôn lại bảo Đồng Tử Nguyệt Quang: Đại Bồ Tát cần phải thành tựu phương tiện quyền xảo.

Này Đồng Tử! Sao gọi là Đại Bồ Tát thành tựu phương tiện thiện xảo?

Này Đồng Tử! Đại Bồ Tát này đối với tất cả chúng sinh nên khởi tưởng thân quyến. Các chúng sinh này có bao nhiêu điều thiện thì đều sinh tâm tùy hỷ.

Ngày đêm sáu thời, đối với phước đức của họ nên sinh tâm tùy hỷ nhờ duyên nhất thiết trí, duyên nhất thiết trí nên sinh ra phước đức ở nơi tất cả chúng sinh. Vị Bồ Tát này nhờ căn lành này nên mau được tam muội này, thành tựu Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Bấy giờ Đức Phật liền nói bài kệ:

Xem các chúng sinh là thân quyến

Nếu có tất cả các phước đức

Ngày đêm sáu thời với việc thiện

Thường khởi tâm tùy hỷ với họ.

Ta tùy hỷ thọ trì giới tịnh

Cho đến mạng chung không làm ác

Bồ Tát đầy đủ thanh tịnh tín

Bao nhiêu phước đức đều tùy hỷ.

Tùy hỷ tin thích các Đức Phật

Đối với Pháp, Tăng tin cũng vậy

Tùy hỷ hay thờ kính Như Lai

Vì cầu Vô Thượng Bồ Đề vậy.

Tùy hỷ họ không có ngã kiến

Không chúng sinh kiến và thọ mạng

Tùy hỷ người không khởi ác kiến

Nghe pháp thắng không thêm yêu thích.

Ở trong Phật Pháp sinh tùy hỷ

Được xuất gia rồi thọ cụ giới

Ít muốn, biết đủ, sống giữa rừng

Ôm lòng từ mẫn như cây kiếm.

Tùy hỷ độc nhất, không bạn lữ

Ở rừng giống như đao trong vỏ

Tịnh mạng thường hay ít mong cầu

Không có lừa dối với bạn thân.

Tùy hỷ nơi tịnh, lìa huyên náo

Không có ái luyến với thân thuộc

Ở trong ba cõi thường sợ hãi

Du hành thế gian không nhiễm trước.

Tùy hỷ xa lìa người hý luận

Nhàm chán tất cả sự sinh tử

Không có tranh cãi, hành tịch tĩnh

Được tam muội này đâu có khó.

Tùy hỷ sự biết người thiện, ác

Thường lìa tất cả việc tranh luận

Đi đến rừng cây chỗ không nhàn

Cầu Thánh giải thoát, chân Phật Tử.

Tùy hỷ thường ở chỗ không nhàn

Không tự khen mình, chê kẻ khác

Tùy hỷ ưa thích sự công đức

Ở trong Phật Pháp không phóng dật.

Nếu có các công đức trợ đạo

Nhờ không phóng dật làm căn bản

Nếu có Bồ Tát lìa phóng dật được

Tam muội này sẽ không khó.

Được gặp Phật Pháp Tạng thứ nhất

Và được xuất gia tạng thứ hai

Tịnh tín không uế, Tạng thứ ba

Được tam muội này tạng thứ tư.

Nghe nơi cảnh giới Phật Đại Không.

Nghe không hủy báng là Thắng tạng

Nếu được biện tài là Đắc tạng

Được tam muội này cũng Thắng tạng.

Ta đã nói các thiện pháp ấy

Là giới, văn, xả và nhẫn nhục

Nhờ không phóng dật làm căn bản

Phật nói đó là Tạng tối thắng.

Nếu có Bồ Tát không phóng dật

Liền được đầy đủ các biện tài

Với trí tuệ Phật, không nghi hoặc

Được tam muội này sẽ không khó.

Này Đồng Tử! Vì nghĩa này cho nên ông phải trụ nơi hạnh không phóng dật, các Bồ Tát này nên tu học.

Vì sao?

Vì người không phóng dật sẽ chứng được quả vị Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, huống gì tam muội này.

Này Đồng Tử! Vì sao Bồ Tát trụ không phóng dật?

Này Đồng Tử! Bồ Tát này thành tựu tụ thiện tịnh giới.

Này Đồng Tử! Vì sao thành tựu tụ thiện tịnh giới?

Này Đồng Tử! Bồ Tát này không bỏ tâm nhất thiết trí, học sáu pháp Ba la mật.

Này Đồng Tử! Nếu Bồ Tát không bỏ tâm nhất thiết trí, hành sáu pháp Ba la mật sẽ được các lợi ích, ông hãy lắng nghe, ta sẽ vì ông mà nói.

Này Đồng Tử! Bồ Tát tin thích bố thí Ba la mật, được mười lợi ích.

Những gì là mười?

1. Hàng phục phiền não keo kiết.

2. Tu tập tâm xả liên tục.

3. Cùng với chúng sinh đồng hưởng tài sản và của cải, nhiếp thọ kiên cố cho đến diệt độ.

4. Sinh nhà giàu có.

5. Dù sinh ở đâu vẫn có tâm thí hiện tiền.

6. Thường được bốn chúng yêu thích.

7. Đối với bốn chúng không khiếp, không sợ.

8. Tiếng tốt lan khắp mọi nơi.

9. Tay chân mềm mại, lòng bàn chân bằng phẳng.

10. Cho đến cây đạo thành đạo không lìa thiện tri thức. Là đệ tử Thanh Văn, Bồ Tát của Chư Phật.

Này Đồng Tử! Đó là Bồ Tát tin thích bố thí được mười thứ lợi ích.

Bấy giờ Đức Thế Tôn liền nói bài kệ:

Hàng phục sự keo kiết

Tăng trưởng tâm bố thí

Giữ tâm thí kiên cố

Sinh vào nhà giàu có.

Ngay tại chỗ sinh ra

Hay phát khởi tâm xả

Bỏ nhà đi xuất gia

Các chúng sinh yêu mến.

Nếu vào trong đại chúng

Không sợ không khiếp nhược

Tiếng tốt lan khắp nơi

Khắp thành ấp, tụ lạc.

Tay chân thường mềm mại

Thành tựu tướng đầy đủ

Gặp được thiện tri thức

Thanh Văn, Bồ Tát, Phật.

Thường ôm lòng tuệ thí

Chưa bao giờ tiếc lẫn

Được chúng sinh kính yêu

Đó là bỏ lợi dưỡng.

Sinh vào nhà giàu có

Tâm thường ưa bố thí

Nhiếp thọ xả kiên cố

Là vui nơi bố thí.

Ở trong các đại chúng

Tiếng tốt lan khắp nơi

Tay chân đẹp, mềm mại

Là lợi ích lạc thí.

Được gặp thiện tri thức

Là Phật và Bồ Tát

Thấy rồi đến cúng dường

Là lợi lạc bố thí.

Này Đồng Tử! Bồ Tát giữ tịnh giới có mười thứ lợi ích.

Những gì là mười?

1. Đầy đủ nhất thiết trí.

2. Học theo những điều Chư Phật đã học.

3. Không bị người trí hủy báng.

4. Không thoái lui thệ nguyện.

5. An trụ tu hành.

6. Vất bỏ sinh tử.

7. Ưa thích Niết Bàn.

8. Được tâm không trói buộc.

9. Được thắng tam muội.

10. Không thiếu tài sản tín tâm.

Đó là mười loại lợi ích của tịnh giới.

Bấy giờ Đức Thế Tôn liền nói bài kệ:

Đầy đủ nhất thiết trí

Như Phật đã tu học

Người trí tuệ không chê

Thường không có sợ hãi.

Thệ nguyện không thoái chuyển

Hay an trụ thắng hạnh

Tránh khỏi chỗ sinh tử

Ưa thích đến Niết Bàn.

An trụ không chướng ngại

Mau được thắng tam muội

Trụ nơi tịnh giới tụ

Xa lìa sự bần cùng.

Trí ấy thường thanh tịnh

Tu tập sở học Phật

Không bị Thánh quở trách

Nhờ giới thanh tịnh vậy.

Người trí thề không lui

Dũng mãnh trụ thiện hạnh

Thấy đời các thứ lỗi

Tránh đời, hướng diệt đạo.

Tâm ấy không chướng ngại

Nhờ sức trụ tịnh giới

Mau được định, lìa não

Đó là lợi tịnh giới.

Này Đồng Tử! Bồ Tát trụ nơi từ nhẫn có mười thứ lợi ích.

Những gì là mười?

1. Lửa không thể đốt.

2. Dao không thể cắt.

3. Độc không thể trúng.

4. Nước không thể trôi.

5. Được phi nhân che chở.

6. Được thân tướng trang nghiêm.

7. Đóng kín các ác đạo.

8. Tùy theo sự ưa thích, sinh nơi Phạm Thiên.

9. Ngày đêm thường an ổn.

10. Thân thể luôn luôn hỷ lạc.

Này Đồng Tử! Đó là Bồ Tát thành tựu mười thứ lợi ích của từ nhẫn.

Bấy giờ Đức Thế Tôn liền nói bài kệ:

Người này lửa không đốt

Dao gậy không tổn thương

Thuốc độc không thể trúng

Nước lớn không thể trôi.

Phi nhân thường hộ vệ

Đủ ba hai tướng tốt

Đóng kín các đường ác

Đều là lợi từ nhẫn.

Đế Thích và Phạm Thiên

Muốn được đâu có khó

Thường ở chỗ an lạc

Hoan hỷ khó nghĩ bàn.

Dao, gậy, lửa không hại

Nước độc chẳng tổn hại

Thiên, Long, Dạ Xoa giúp

Trú nhẫn được lợi này.

Thân ba hai tướng tốt

Không sợ nơi ác đạo

Chết được sinh Phạm Thiên

Lợi lạc trú từ nhẫn.

Ngày đêm thường an ổn

Toàn thân được vui vẻ

Nơi chúng, thân thanh tịnh

Không có các chướng nạn.

***