Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Nguyệt đăng Tam Muội

PHẬT THUYẾT

KINH NGUYỆT ĐĂNG TAM MUỘI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Na Liên Đề Da Xá, Đời Cao Tề
 

PHẦN HAI MƯƠI MỐT
 

Nơi các phàm phu nói lời thật

Thường lìa tất cả pháp ngoại đạo

Chư Phật ngợi khen giới thù thắng

Như điện trong không khó nắm bắt.

Vô lượng ức chỗ Phật quá khứ

Bậc trí tu hành nơi giới, thí

Phải sớm xa lìa ác tri thức

Được của cha truyền thật vô thượng.

Nếu có Tỳ Kheo là Pháp Sư

Tuệ Nhật Tử tu hành phạm hạnh

Nghe được pháp này mà tùy thuận

Phát tâm bồ đề thật tối thượng.

Đức Phật Nhân Đà La Phan Tràng

Bảo Tỳ Kheo Pháp Sư kia rằng:

Tỳ Kheo, Tỳ Kheo! Khó thứ nhất

Đối với Bồ Đề phát tâm khó

Giữ giới giống như ngọc ma ni

Thân gần bạn lành, thuận Bồ Đề

Với ác tri thức, luôn xa lìa

Mau được quả Vô Thượng Bồ Đề.

Xưa kia ở cõi Diêm Phù này

Hai con trưởng giả không phóng dật

Ở trong Phật Pháp mà xuất gia

Giống như tê giác sống núi rừng.

Đạt được bốn thiền, có thần thông

Giỏi các kệ luận, không sợ hãi

Đất và hư không đều biết rõ

Đi trên hư không như chim bay.

An trụ ở trong chốn Hàn Lâm

Rừng hoa tươi tốt, rất kỳ đặc

Tất cả chim lạ đều bay đến

Hai Trưởng Giả Tử cùng nói chuyện.

Bây giờ có Vua đang đi săn

Nghe tiếng nói chuyện liền đi đến

Đức Vua cung kính lắng nghe pháp

Đối với Pháp Sư thêm ái kính.

Đức Vua cùng nhau đến thăm hỏi

Nói lời ấy rồi, ngồi ở trước

Nhà Vua có rất nhiều quyến thuộc

Đi theo Nhà Vua sáu ức người.

Một trong hai vị là Pháp Sư

Thấy Vua bảo rằng: Hãy lắng nghe!

Chư Phật ra đời rất khó gặp

Cúi mong Đại Vương chớ phóng dật.

Thọ mạng quá nhanh, chẳng dừng lâu

Như nước trên núi đổ xuống biển

Bị già, bệnh, chết làm bức bách

Không ai cứu được, nghiệp như mình.

Cúi mong Đại Vương giữ chánh pháp

Kiến lập pháp Chư Phật Thập Lực

Về sau mạt thế, đời ác trược

Cần phải trụ đó như bạn pháp.

Như vậy vô lượng, người thông tuệ

Vì lòng từ nên nói với Vua

Vua và sáu ức các quyến thuộc

Đều phát tâm Vô Thượng Bồ Đề.

Khi Vua nghe tịnh pháp cú này

Lời vi diệu, tịch diệt, nhu nhuyến

Thiện tâm vui sướng mà ái lạc

Đầu mặt lễ kính rồi tạ từ.

Khi ấy vô lượng Tỳ Kheo khác

Vì lợi dưỡng nên vào cung Vua

Vua biết bọn họ hạnh không chánh

Với người có đức, không cung kính.

Pháp Đạo Sư quá khứ khó diệt

Thời vị lai ác thế tăng trưởng

Con người đạo đức rất là ít

Có nhiều vô lượng kẻ phóng dật.

Các Tỳ Kheo cang cường, xan, mạn

Vì cầu lợi dưỡng, đắm các kiến

Ở trong Phật Pháp không hiểu chánh

Đem các phi pháp nói cho Vua

Cần phải giết chết Pháp Sư kia

Vì nói với Vua pháp không, đoạn

Khuyên Vua và tôi tu không,

Đoạn Chẳng chỉ cho Vua chân Niết Bàn

Nơi nghiệp báo ấy đều tán hoại

Kẻ nịnh nói ấm vốn không vô.

Nếu có thể giết Pháp Sư ấy

Sẽ khiến đại pháp được lâu dài

Bấy giờ thường có Thần hộ Vua

Thiện tri thức quá khứ của Vua.

Luôn luôn giúp Vua lìa các ác

Trời ấy nói Vua lời như vậy:

Vua cẩn thận chớ khởi tâm ấy

Lời ác tri thức rất đáng sợ.

Chớ đối với Pháp Sư thông tuệ

Nghe lời người ác mà giết hại!

Đại Vương lẽ nào chẳng nhớ lại

Tỳ Kheo giữa rừng đã nói rằng:

Về sau mạt thế, thời ác trược

Vua nên an trụ bạn như pháp

Trời vì Đức Vua nói lời thật

Nơi pháp Chư Phật chớ xa lìa.

Nhà Vua lại có người em ác

Ở tại biên cương giữ cõi nước

Lúc Tỳ Kheo ác đến giáo hóa

Bảo giết Pháp Sư nói: không, đoạn.

Khuyến ta thuở xưa từng tu hành

Không muốn cho ta cầu Niết Bàn

Đại Vương anh Ngài rất ngu, ác

Trong lòng không muốn để Ngài sống.

Có hai Tỳ Kheo là ác sư

Dùng sức thần thông bay lên không

Vì ta biết được sẽ đến đây

Nay đã nói hết cho Đại Vương.

Ngài nên giết ngay hai tà sư

Như vậy kịp thời, sau khỏi hối

Vương đệ tức thời liền cầm gậy

Theo lời người ác nên đến đó.

Cùng với tất cả các quân chúng

Đi đến trong rừng chỗ Tỳ Kheo

Ở rừng ấy có Rồng, Dạ Xoa

Biết em của Vua ác tâm đến.

Mưa cát, gạch, đá rất hãi hùng

Vua và binh chúng đều chết sạch

Nay phải thấy lời ác tri thức

Diệt sạch chúng Đại Vương như vậy.

Nơi chỗ Pháp Sư, khởi tâm sân

Trong sáu mươi đời đọa A Tỳ

Khi ấy ác Tỳ Kheo chấp trước

Khuyến hóa Sát Lợi Vương như vậy.

Về sau suốt cả mười ức đời

Chịu vô lượng khổ ở địa ngục

Vị Trời khuyên dẫn Đức Vua ấy

Và các người ủng hộ Pháp Sư.

Thấy được hằng hà sa số Phật

Hầu Phật, cúng dường và tu hành

Quyến thuộc của Vua đủ sáu ức

Đều đi theo Vua để nghe pháp.

Và họ đã phát được đạo tâm

Thế Giới khác nhau được thành Phật

Đức Phật thọ mạng nhiều ức năm

Trí tuệ vô đẳng, chẳng nghĩ bàn.

Chư vị đều tu tam muội này

Nói xong, thảy đều Bát Niết Bàn

Được nghe trí thắng diệu như vậy

Tích tập pháp công đức tịnh giới

Dũng mãnh, tinh tấn, không phóng dật

Thường xa tất cả ác tri thức.

Này Đồng Tử! Đại Bồ Tát phải không đắm trước thân, có thể vứt bỏ mạng sống.

Vì sao?

Này Đồng Tử! Nếu đắm trước thân thì tạo nghiệp bất thiện, cho nên, Bồ Tát phải biết sắc thân và Pháp Thân.

Vì sao?

Vì pháp thân của Chư Phật chẳng thuộc về sắc thân. Đức Phật dùng pháp thân hiển hiện, chẳng phải sắc thân vậy.

Này Đồng Tử! Cho nên Đại Bồ Tát muốn hành hạnh Phật, muốn cầu thân của Như Lai, muốn cầu trí Như Lai, muốn biết thân Như Lai, muốn biết trí Như Lai, đối với Kinh Điển của tam muội này cần phải thọ trì, đọc tụng, rộng nói cho người khác, tu tập tương ưng.

Này Đồng Tử! Thân của Như Lai xuất sinh vô lượng phước đức. Đức Như Lai chỉ nói một nghĩa, nghĩa là các pháp từ nhân sinh ra, là lìa các tướng, vì sâu xa vậy. Pháp không hạn lượng, vì không ngằn mé vậy. Pháp không có tướng, vì không tánh tướng. Pháp không có tướng, vì lìa các tướng.

Pháp không lay động, vì khéo an trụ. Pháp không có hai, vì chỉ có một tướng. Pháp không thể thấy, vì vượt qua cảnh giới của mắt. Pháp không thể suy nghĩ vì vượt qua lĩnh vực của tâm. Pháp không động chuyển, vì lìa hý luận.

Pháp không thể nói, vì vượt qua âm thanh. Pháp không có chỗ ở, vì lìa nhà cửa. Pháp không có hang, nhà, vì lìa ngôn âm. Pháp không có chỗ dựa, vì vượt qua các kiến. Pháp không có các lậu, vì vượt qua các quả báo.

Vì tâm kiên cố, nên lìa các dục. Vì tâm bất hoại, nên lìa các sân hận. Nhờ chánh trí kiên cố, nên vượt qua các si mê. Có điều để nói, vì các pháp là không. Không có sinh, vì đoạn các sự sinh, vì vô thường, chỉ có ngôn thuyết. Vì thoát ly khỏi âm thanh, nên tịch diệt nơi âm thanh. Có âm thanh, vì tư tưởng vậy.

Đồng tư tưởng vì hòa hợp. Lìa thế tục vì đệ nhất nghĩa đế. Dùng sự mát mẻ mà lìa sự nóng bức não. Vì Đệ nhất nghĩa đế, nên dùng lời như thật. Không nhiệt não vì nhờ Niết bàn vậy. Nhờ không thể phá hoại, nên không ai hơn được.

Vì không thủ trước, nên diệt trừ nghĩa hý luận. Vì không hý luận nên lìa phan duyên. Vì không có ngằn mé, nên chỉ nói phước. Vì không có vi trần nên nói vi tế. Thứ lớp đại thần thông, do bản nghiệp xuất sinh, vì được năng lực tự do tự tại. Không phá hoại được, vì nó kiên thật. Vì không có ngằn mé, nên gọi là vô tận. Vì to lớn nói đại bi bản nghiệp vậy. Đó là thân của Đức Như Lai.

Bấy giờ Đức Thế Tôn nói bài kệ:

Nếu ai muốn thấy thế gian thân

Và biết thân Phật làm thế nào?

Với tam muội này đã tu tập

Liền hay biết được thân Như Lai.

Phật từ phước đức mà sinh ra

Thân Phật thanh tịnh rất sáng rạng

Tướng Phật bình đẳng như hư không

Các thứ sai biệt, bất khả đắc.

Bồ Đề Chư Phật đã như vậy

Tướng trạng, diện mạo cũng như vậy

Tướng trạng, diện mạo không thể được

Thân tướng Như Lai cũng như thế.

Tướng mạo Bồ Đề cùng với thân

Thế Giới Chư Phật cũng như vậy

Các lực, các thiền, các giải thoát

Như vậy đều đồng chỉ một tướng.

Thể tánh Chư Phật là như đây

Như Lai Thế Thân cũng như vậy

Không ai có thể thấy được Phật

Mắt thịt làm sao thấy Chánh Giác?

Vô lượng số người nói như vậy

Ta từng được thấy các Đức Phật

Thân tuyệt đẹp, sắc vàng tuyệt diệu

Đều chiếu sáng tất cả thế gian.

Được Chư Phật Như Lai gia bị

Nhờ sức Ngài nên có thần thông

Liền có thể thấy được thân Phật

Các thứ tướng tốt tự trang nghiêm.

Tùy tướng cao lớn mà thị hiện

Thế gian không thể thấy tướng Ngài

Nếu ai hay biết thân tướng ấy

Phật với thế gian không sai khác.

Nếu ai hay biết thân lượng Phật

Nghĩa là tất cả các Như Lai

Thân Phật không thân, không sai khác

Người và Tu La cũng như vậy.

Tất cả các tâm đều không tịch

Thọ các quả báo tướng cũng vậy

Tướng mạo danh sắc đã như vậy

Đầy đủ thanh tịnh, có ánh sáng.

***