Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Nguyệt đăng Tam Muội

PHẬT THUYẾT

KINH NGUYỆT ĐĂNG TAM MUỘI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Na Liên Đề Da Xá, Đời Cao Tề
 

PHẦN NĂM MƯƠI BA
 

Sao gọi là các căn đoan nghiêm?

Đó là nhờ tư lương về hướng đi của pháp có thể biết thời tiết mà nói pháp tương ưng, đối với pháp như thật, diễn thuyết như thật.

Sao gọi là trí về thế đế?

Đó là khéo biết pháp quá khứ, vị lai, nên gọi là thế trí.

Sao gọi là giải thoát xả?

Đó là tùy theo tài sản có được mà sử dụng, không che giấu, không keo kiết.

Sao gọi là thường đưa tay bố thí?

Đó là khéo sống với người cùng giới.

Sao gọi là không có tâm keo kiết?

Đó là tín tâm, hết lòng bố thí.

Sao gọi là xấu hổ?

Đó là xấu hổ về các việc bạo ác.

Sao gọi là thẹn thùng?

Đó là hổ thẹn về các việc ngu si, độc hại.

Sao gọi là ghét bỏ tâm ác?

Đó là biết pháp ngu si thì vứt bỏ, không tương ưng.

Sao gọi là không bỏ hạnh Đầu Đà?

Đó là cần phải kiên cố, không thoái chuyển.

Sao gọi là thọ trì tín nghĩa?

Đó là làm đúng như sở thuyết.

Sao gọi là khởi hạnh hoan hỷ?

Đó là nhớ nghĩ sự lợi ích của pháp thiện.

Sao gọi là sống gần bậc tôn trưởng?

Đó là vứt bỏ sự kiêu mạn, xa lìa sự giải đãi.

Sao gọi là hàng phục tâm kiêu mạn?

Đó là vì không có ngã nên không phan duyên.

Sao gọi là nhiếp phục tâm?

Đó là trí nhớ nghĩ đến tất cả pháp lành nên không mất trí lợi ích.

Sao gọi là tâm trí siêng năng?

Đó là trí biết quả báo của sự tinh tấn nên trí không thoái thất.

Sao gọi là trí biết biện nghĩa?

Đó là trí thông đạt như thật.

Sao gọi là biết rõ về trí?

Đó là biết pháp thế gian, pháp xuất thế gian.

Sao gọi là trí xa lìa phi trí?

Đó là đối với pháp như thật, xa lìa sự chấp giữ.

Sao gọi là trí nhập tâm?

Đó là trí không sinh diệt.

Sao gọi là trí thiện xảo phân biệt từng bộ phận?

Đó là trí phân minh sáng rõ.

Sao gọi là trí biết các tiếng nói?

Đó là trí chỉ bày pháp như thật.

Sao gọi là trí biết xứ sở?

Đó là trí nhập vào chỗ như thật.

Sao gọi là trí phương tiện, quyết định nghĩa?

Đó là phụng sự tất cả Chư Phật, Bồ Tát và Thanh Văn.

Sao gọi là vứt bỏ sự phi nghĩa?

Đó là khéo vượt qua các cõi.

Sao gọi là thân cận người lành, cùng người lành làm việc?

Đó là thân cận Chư Phật, Bồ Tát và Thanh Văn.

Sao gọi là xa lìa người ác?

Đó là xa lìa sự chấp ngã, giải đãi.

Sao gọi là tu thiền phát sinh thông suốt?

Đó là lìa gia ái dục, không bỏ sự vui của thiền.

Sao gọi là không đắm vào thiền vị?

Đó là muốn lìa ba cõi.

Sao gọi là Thần Thông tự tại?

Đó là trụ vào năm thông khó nghĩ bàn của Phật Pháp mà hiển bày vì người khác.

Sao gọi là hiểu giả danh?

Đó là hiểu rõ danh không cứu cánh.

Sao gọi là rõ biết sự trình bày của lời nói?

Đó là biết danh số, văn tự của thế tục đế.

Sao gọi là vượt qua giả danh?

Đó là hiểu rõ trí không có ngôn thuyết.

Sao gọi là lìa thế gian?

Đó là trước hết phải quán sát sự xấu ác của thế gian.

Sao gọi là không thích danh lợi?

Đó là tự tánh thiểu dục.

Sao gọi là không đắm tham lợi dưỡng?

Đó là không có các tham lam, mong cầu, xa lìa dục ác.

Sao gọi là nghe người mắng chửi, không sinh tâm ghét giận?

Đó là biết bản thể các ấm và giới.

Sao gọi là nghe khen thật đức của mình không sinh tâm vui mừng?

Đó là che giấu công đức thiện pháp, biết sự tội lỗi của lợi dưỡng.

Sao gọi là không mong cung kính?

Đó là biết rõ bản thể nhân quả.

Sao gọi là không được cung kính, tâm không giận ghét?

Đó là không xả bỏ tâm thiền định.

Vì sao bị hủy nhục mà không giận?

Đó là quán sát thế gian, rõ biết nhân quả.

Vì sao nghe khen ngợi mà không tự cao?

Vì xuất gia cầu pháp lành.

Sao gọi là không có các lợi dưỡng, tâm không buồn rầu?

Đó là quan sát nghiệp đã làm ở kiếp trước.

Sao gọi là không giao du với người đời?

Đó là không thích mưu sinh.

Sao gọi là không thích ở chung với người xuất gia làm điều phi pháp?

Đó là thân cận với người sống như pháp, chứ không thân cận với người phi pháp.

Sao gọi là xa lìa chỗ phi cảnh giới?

Đó là vứt bỏ năm cái năm sự ngăn che.

Sao gọi là trụ cảnh giới sở hành?

Đó là tu bốn niệm xứ.

Sao gọi là thành tựu pháp thức?

Đó là hộ trì pháp thức.

Sao gọi là xa lìa phi pháp?

Đó là tự hộ trì thiện pháp.

Sao gọi là không làm ô uế nhà người khác?

Đó là xa lìa thân quyến vì biết lỗi lầm.

Sao gọi là hộ pháp?

Đó là đầy đủ sự cầu pháp, như pháp mà hành động.

Sao gọi là ngồi im lặng, ít nói?

Đó là được trí tịch diệt.

Sao gọi là thiện xảo việc hỏi và đáp?

Đó là trí tuệ tùy theo sự hỏi đều có thể trả lời tất cả.

Sao gọi là hàng phục oán thù?

Đó là phân biệt, hiển thị pháp như thật, xa lìa việc chấp trước.

Sao gọi là biết thời?

Đó là có thể phân biệt để biết năm tháng ngày giờ.

Vì sao không thân cận với kẻ phàm ngu?

Đó là vì thấy pháp phàm ngu là tội lỗi.

Vì sao không khinh chê kẻ bần tiện?

Vì đối với tất cả chúng sinh, khởi tâm bình đẳng.

Vì sao phải dùng tiền của bố thí mau chóng cho kẻ nghèo khổ?

Vì có người đến xin liền dùng tài thí và pháp thí.

Vì sao đối với người bần cùng có thể dùng thí vô ngại?

Đó là vì đối với các chúng sinh ấy, khởi lòng thương xót, theo ý người xin mà thí vật trong thân và ngoài thân.

Vì sao phải cứu giúp kẻ phá giới?

Vì để họ trừ bỏ nghiệp phạm giới, an trụ trong tịnh giới.

Sao gọi là làm việc lợi ích?

Vì hay trưởng dưỡng chúng sinh.

Sao gọi là bi trí?

Vì hay thấy sự khổ não của chúng sinh ở đời vị lai.

Sao gọi là nhiếp thọ nơi pháp?

Vì hay khiến chúng sinh nhập vào pháp như thật.

Sao gọi là xả bỏ tài sản?

Đó là xả bỏ các ấm vì tài sản làm lớn mạnh chúng.

Vì sao không kinh doanh tích tụ?

Vì nhàm chán đời sống, thấy sự chấp giữ là tội lỗi.

Vì sao phải khen ngợi sự trì giới?

Vì khéo biết quả báo của sự trì giới.

Vì sao lại chê trách sự phá giới?

Vì hiểu rõ lỗi lầm của sự phạm giới.

Vì sao dùng tâm không gièm pha để phụng sự người trì giới?

Vì đối với người trì giới phải sinh tưởng nghĩ là khó gặp.

Sao gọi là xả bỏ tất cả?

Vì khéo tín nhạo vậy.

Sao gọi là thành tâm khuyến thỉnh sự tăng thượng tín?

Vì mong cầu sự lợi ích cho chúng sinh.

Vì sao gọi là làm đúng như nói?

Vì đầy đủ sự tin nghe khéo léo, nên liền thực hành.

Sao gọi là phụng sự Tỳ Kheo trí tuệ?

Vì để thưa hỏi việc thiện.

Vì sao cùng người bàn luận, có thể sinh ra sự ưa thích?

Vì có chứng trí và giáo trí.

Sao gọi là trí thí dụ?

Vì dùng thí dụ để hiểu rõ gốc ngọn của pháp tướng.

Sao gọi là thiện xảo về tiền tế?

Vì tự biết được sự nghe nhiều của kiếp trước.

Sao gọi là lấy thiện căn làm đầu?

Vì để khởi đức tin tăng thượng đối với Bồ Đề, vì để khuyến khích người khác.

Sao gọi là thiện xảo phương tiện?

Đó là sám hối, tùy hỷ, khuyến khích những căn lành đã tạo thảy đều hồi hướng.

Sao gọi là đoạn trừ hữu tướng?

Đó là quán sát các việc, thấy các pháp như mộng.

Sao gọi là đoạn trừ đối với tưởng?

Đó là xa lìa tưởng điên đảo.

Sao gọi là khéo quán sự tướng?

Đó là được trí vô tướng.

Sao gọi là khéo nói các Kinh?

Đó là hay hiển thị, ví dụ việc ấy là pháp thiện hay chẳng phải thiện.

Sao gọi là phân biệt đối với đế?

Đó là đã diệt trừ vô minh rồi thì danh sắc không khởi lên.

Sao gọi là chứng sự giải thoát?

Đó là được Kim Cang tam muội, bất động, không phân biệt.

Sao gọi là chỉ nói một lời?

Đó là nhàm chán ngoại đạo, chứng được trí vô sinh.

Sao gọi là được sự vô úy?

Đó là biết sức mạnh của Phật Pháp.

Sao gọi là an trụ nơi giới?

Đó là giới Ba la đề mộc xoa ngăn cấm thân và miệng.

Sao gọi là nhập vào tam muội?

Đó là không nhiễm ba cõi.

Sao gọi là được trí tuệ?

Đó là khéo được trí vô công dụng.

Sao gọi là thích ở một mình chỗ thanh vắng?

Đó là xa lìa lỗi lầm của sự ồn ào, thường không xả bỏ sự không nhàn.

Sao gọi là thích ít bạn bè?

Đó là thiểu dục tri túc.

Sao gọi là tâm không ô trược?

Đó là nhờ nhập thiền định, trừ các ngăn che.

Sao gọi là xả bỏ các kiến?

Đó là xa lìa kiến chấp thủ.

Sao gọi là được Đà La Ni?

Đó là tùy theo pháp thấy được mà hiển bày như thật, không quên.

Sao gọi là được trí tuệ sáng?

Đó là biết nhập tự tánh.

Sao gọi là xứ?

Đó là xứ sở của tâm.

Sao gọi là an trú?

Đó là chỗ ở của tín tâm.

Sao gọi là hạnh?

Đó là trụ pháp tín hạnh.

Sao gọi là biện trí?

Đó là biết biện luận về đạo.

Sao gọi là nhân?

Đó là do vô minh sinh ra các hành.

Sao gọi là tương ưng?

Đó là thích ứng với pháp giải thoát.

Sao gọi là pháp?

Đó là đoạn trừ sự khát ái.

Sao gọi là môn?

Đó là đoạn trừ các lỗi lầm.

Sao gọi là đạo?

Đó là trí về vô thường, khổ, không, vô ngã.

Sao gọi là địa?

Đó là mười loại cấp bậc vô nguyện.

Sao gọi là xa lìa sự sinh?

Đó là pháp đoạn trừ sự sinh.

Sao gọi là trí địa?

Đó là trí không quên.

Sao gọi là xả bỏ sự vô tri?

Đó là đoạn trừ ngu si.

Sao gọi là an trụ nơi trí?

Đó là trí vô sở trụ.

***