Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Nguyệt đăng Tam Muội

PHẬT THUYẾT

KINH NGUYỆT ĐĂNG TAM MUỘI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Na Liên Đề Da Xá, Đời Cao Tề
 

PHẦN NĂM MƯƠI
 

Được nghe thân giới như vậy rồi

Vua đạt được lợi lạc tối thắng

Hoan hỷ, nhảy nhót và vui sướng

Trong Phật Pháp ấy liền xuất gia.

Xuất Gia trải qua mười ức năm

Tu hành phạm hạnh rất thanh tịnh

Luôn luôn tu hành bốn phạm trụ

Lợi ích thế gian các Trời, người.

Khéo tu phạm trụ thanh tịnh rồi

Liền được thân giới thù thắng vậy

Lại thấy mười phương ức ngàn

Phật Tu hành hạnh Bồ Đề như vậy.

Xuất gia trong thắng pháp ấy rồi

Tu hành tịnh phạm hạnh tối thắng

Đầy đủ đa văn, diệu biện tài

Gọi là Đại Pháp Sư thông tuệ.

Kiên trì cấm giới không khuyết lậu

Giới thân thanh tịnh, không ô uế

Đó là Thánh giới, vô lậu giới

Nên biết Thánh giới là thường trụ.

Đồng Tử! Xưa ta tu Bồ Đề

Bấy giờ hóa làm Vua Thắng Tư

Ông chớ có nghi là ai khác

Nên biết chính là thân của ta.

Đồng Tử! Ông nên tùy thuận học

An trụ thân giới thù thắng vậy,

Nên đem tuyên thuyết cho mọi người

Không lâu cũng sẽ được như ta.

Này Đồng Tử! Cho nên Bồ Tát phải tu hành thân nghiệp thanh tịnh.

Vì sao?

Vì Đại Bồ Tát tu hành tịnh nghiệp, không sợ đọa vào địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ và cảnh giới của ma. Cũng không sợ bị khổ ách nơi năm đường, tám nạn. Lại cũng không sợ tai nạn nước, lửa, đao binh, thuốc độc, Sư Tử, cọp, beo, chồn, cáo, tê giác, voi, gấu. Không bị tất cả ác thú, trùng độc ăn thịt. Cũng lại không sợ nạn nhân phi nhân làm hại.

Này Đồng Tử! Đại Bồ Tát tu hành thân hạnh thanh tịnh, nếu muốn dùng tay nâng tam thiên Đại Thiên Thế Giới này lên cao từ một cây đa la cho đến mười cây đa la thì tùy theo ý muốn đều làm được cả.

Này Đồng Tử! Đại Bồ Tát tịnh thân hạnh có thể đạt đến bờ kia, thần thông rốt ráo. Nhờ họ đạt được sức mạnh phước đức, thần túc nên được định tịch diệt, vô nhiễm tùy thuận, viễn ly, nhiếp thủ. Nhờ có thể nhập vào và nương nơi định này nên được vô lậu, thành tựu được con mắt vô ngại nơi tất cả thế gian.

Sao gọi là Thần túc?

Nghĩa là tùy theo ý nghĩ mà có thể tạo ra oai lực tự tại, hiểu rõ không bị ngăn trệ, tùy theo ý muốn mà đều có thể thành tựu nên gọi là thần túc.

Lại nữa, này Đồng Tử! Đại Bồ Tát trụ thần túc có thể làm các việc thần biến. Đó là một có thể biến thành nhiều, nhiều có thể biến thành một, ẩn hay hiện đều tự tại. Có thể đi xuyên qua vách đá, núi non, không bị trở ngại, như gió đi trên hư không. Ngồi kiết già trên không trung giống như chim bay, đi dưới nước như đi trên đất.

Ẩn hay hiện trong đất như ở trong nước không khác. Thân phát ra khói lửa, giống như đống lửa lớn. Mặt Trời, Mặt Trăng có đại oai đức mà có thể sờ mó được và muốn làm thân to lớn, tự tại, vô ngại cho đến Trời Phạm Thiên.

Bấy giờ Đức Thế Tôn liền nói bài kệ:

Thần Thông tự tại dạo mười phương

Ở nơi vách đá và núi non

Tùy ý xuyên qua không trở ngại

Giống như chim bay theo chiều gió.

Đi trên mặt đất như dưới nước

Ẩn hiện tự tại, không chướng ngại

Đi trên mặt nước không bị chìm

Cũng giống như đi trên đất cứng.

Một thân có thể hiện ngàn thân

Nhiều thân vô lượng hiện thành một

Tùy ý hiển hiện đủ màu sắc

Bậc trí vì độ các chúng sinh.

Du hành không trung như chim bay

Thân phun khói lửa như đống lửa

Lại có thể toàn thân lưu xuất

Nước hương thơm thanh tịnh mát mẻ.

Bậc Trí ngồi thẳng trên mặt đất

Có thể dùng tay sờ Trời, Trăng

Đến chỗ Phạm thiên trong một niệm

Diễn nói thắng pháp cho Phạm Chúng.

Ngàn vạn Phạm chúng nghe pháp xong

Thích cầu vô thượng, được lợi lạc

Lại hay đến các Cõi Trời khác

Diễn thuyết pháp tối thắng cho họ.

Nếu lúc vị ấy muốn thuyết pháp

Liền làm chấn động Đại Thiên giới

Lại khiến vô lượng ức Cõi Phật

Âm thanh vi diệu vang khắp nơi.

Này Đồng Tử! Cho nên Bồ Tát cần phải tu học thân hành thanh tịnh.

Vì sao?

Vì Đại Bồ Tát tu hạnh thân hành thanh tịnh, với thiên nhĩ giới thanh tịnh nghe âm thanh xa hơn cõi người, hoặc địa ngục, súc sanh, cõi Diêm Ma La, Thiên Thượng và nhân gian, hoặc gần, hoặc xa đó gọi là thiên nhĩ thông.

Này Đồng Tử! Bồ Tát cần phải tu học thân hành thanh tịnh.

Vì sao?

Vì Đại Bồ Tát tu hành thân hạnh thanh tịnh thường có thể biết được tâm người khác, nếu họ có tâm dục thì như thật biết có tâm dục, nếu họ không có tâm dục thì như thật biết là không có tâm dục.

Nếu có tâm sân thì như thật biết là có tâm sân, nếu không có tâm sân thì như thật biết là không có tâm sân. Nếu có tâm si thì như thật biết là có tâm si, nếu không có tâm si thì như thật biết là không có tâm si. Có tâm chấp thủ thì như thật biết là có tâm chấp thủ, không có tâm chấp thủ thì như thật biết là không có tâm chấp thủ.

Nếu có tâm điên đảo thì như thật biết là có tâm điên đảo, còn nếu không có tâm điên đảo thì như thật biết là không có tâm điên đảo. Nếu có tâm nhỏ nhoi thì như thật biết là có tâm nhỏ nhoi, nếu không có tâm nhỏ nhoi thì như thật biết là không có tâm nhỏ nhoi. Nếu họ có tâm to lớn thì như thật biết là có tâm to lớn, họ không có tâm to lớn thì cũng như thật biết là họ không có tâm to lớn.

Nếu họ có tâm trong sáng thì như thật biết có tâm trong sáng, nếu họ không có tâm trong sáng thì như thật biết họ không có tâm trong sáng. Nếu họ có tâm vô lượng thì như thật biết họ có tâm vô lượng, nếu họ có tâm hữu lượng thì như thật biết họ có tâm hữu lượng.

Nếu họ có tâm thu nhiếp thì như thật biết họ có tâm thu nhiếp, nếu họ không có tâm thu nhiếp thì như thật biết họ không có tâm thu nhiếp. Nếu tâm họ loạn thì như thật biết tâm họ loạn, nếu tâm họ không loạn thì như thật biết tâm họ không loạn.

Nếu tâm họ định thì như thật biết tâm họ định, nếu tâm họ không định thì như thật biết tâm họ không định. Nếu họ có tâm hướng thượng thì như thật biết tâm họ hướng thượng, nếu họ không có tâm hướng thượng thì như thật biết họ không có tâm hướng thượng.

Nếu họ có tâm giải thoát thì như thật biết họ có tâm giải thoát, nếu họ không có tâm giải thoát thì như thật biết là không có tâm giải thoát. Nếu tâm họ vô học thì như thật biết tâm vô học, nếu tâm có học thì như thật biết tâm có học.

Này Đồng Tử! Đó gọi là Bồ Tát hiểu biết như thật về tâm chúng sinh khác.

Lại nữa, này Đồng Tử! Bồ Tát cần phải tu học thân hành thanh tịnh.

Sao là Bồ Tát thân hành thanh tịnh?

Đó là nhớ biết vô số việc kiếp trước, hoặc một đời, hai đời, ba đời cho đến mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, trăm đời, ngàn đời, vạn đời, mười vạn đời, trăm vạn đời, ngàn vạn đời, vạn vạn đời.

Lại biết sự việc một kiếp, trăm kiếp cho đến ngàn vạn kiếp, biết kiếp thành, biết kiếp hoại, biết kiếp thành hoại, cho đến sự việc vô lượng kiếp thành hoại và biết trong kiếp ấy từng có chúng sinh tên như vậy, họ như vậy, sinh xứ như vậy, ăn uống như vậy, trường thọ như vậy, chết yểu như vậy, trụ lâu như vậy, kết thúc như vậy.

Biết sự chịu khổ như vậy, thọ vui như vậy, hoặc chết chỗ này, sinh chỗ kia, chết chỗ kia, sinh chỗ này, dáng mạo như vậy, Quốc Độ như vậy. Những việc kiếp trước như vậy thảy đều nhớ biết hết, đó gọi là Bồ Tát có Túc mạng trí thông.

Lại nữa, này Đồng Tử! Bồ Tát cần phải tu học thân hành thanh tịnh.

Sao là Bồ Tát thân hành thanh tịnh?

Đó là Thiên nhãn giới thanh tịnh thấy xa hơn người thường, thấy các chúng sinh sống chết qua lại, hoặc sắc đẹp, hoặc sắc xấu, hoặc đến đường thiện, hoặc đến đường ác, hoặc trụ thiện đạo, hoặc trụ ác đạo, hoặc khổ, hoặc vui, hoặc hơn, hoặc kém, như nghiệp tự mình tạo ra thảy đều biết rõ.

Vì các chúng sinh này thành tựu thân ác hạnh, thành tựu khẩu ác hạnh, thành tựu ý ác hạnh, hủy báng Hiền Thánh, do nhân duyên nghiệp tà kiến nên khi thân hoại mạng chung nên phải đọa vào địa ngục.

Các chúng sinh nào nếu thành tựu thân thiện hạnh, thành tựu khẩu thiện hạnh, thành tựu ý thiện hạnh, không hủy báng Hiền Thánh, nhờ có chánh kiến, nên khi thân hoại mạng chung, đi đến chỗ lành, sinh lên Cõi Trời.

Này Đồng Tử! Đó gọi là Bồ Tát có thiên nhãn giới thanh tịnh thấy xa hơn người thường, thấy các chúng sinh sống chết qua lại, hoặc sắc đẹp, hoặc sắc xấu, hoặc đến đường lành, hoặc đến đường ác, hoặc ở trên đường lành, hoặc ở trên đường ác, hoặc khổ, hoặc vui, hoặc hơn hoặc kém, như nghiệp của chính mình thảy đều biết rõ. Đó gọi là thiên nhãn thông.

Lại nữa, này Đồng Tử! Nếu Đại Bồ Tát tu hành thân hạnh thanh tịnh thì trong một niệm, trí tuệ tương ưng với ba đời, những điều hoặc biết, hoặc thấy, hoặc đắc, hoặc chứng cần phải rõ biết. Tất cả những điều ấy đều biết, đều thấy, đều đắc, đều chứng, thảy đều thấy rõ.

Pháp ấy thế nào?

Đó là vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sinh, sinh duyên lão tử ưu bi khổ não. Mười hai nhân duyên như vậy, nên biết, nên thấy, nên đắc, nên chứng cần phải rõ biết.

Như vậy do vô minh diệt nên hành diệt, hành diệt nên thức diệt, thức diệt nên danh sắc diệt, danh sắc diệt nên lục nhập diệt, lục nhập diệt nên xúc diệt, xúc diệt nên thọ diệt, thọ diệt nên ái diệt, ái diệt nên thủ diệt, thủ diệt nên hữu diệt, hữu diệt nên sinh diệt, sinh diệt nên lão tử diệt, ưu bi khổ não tất cả đều diệt, phải thấy biết như thật, chứng đắc như thật, giác biết như thật. Đối với bốn Thánh đế cũng biết rõ như thật. Đó gọi là lậu tận thông.

Bấy giờ Đức Thế Tôn nói bài kệ:

Bồ Tát đã hiện bày

Thứ lớp các thần thông

An trụ trong tam muội

Có thể tùy ý đến.

Khéo tu về nhĩ căn

Được thiên nhĩ siêu việt

Tai họ nghe tất cả

Pháp Đạo Sư nói ra.

Hay biết tâm chúng sinh

Có dục hay lìa dục

Có sân hay không sân

Có si hay không si.

Biết rõ việc kiếp trước

Thuở xưa sống ở đâu

Suốt cả ngàn ức kiếp

Kho trí đều chiếu thấu.

Khéo tu nơi nhãn căn

Được thiên nhãn siêu việt

Dùng mắt xem chúng sinh

Chết đây sinh ở kia.

Một niệm đều biết hết

Tâm niệm các chúng sinh

Đều rõ biết như vậy

Trí ấy khó nghĩ bàn.

Này Đồng Tử! Sao gọi là khẩu giới?

Nếu Đại Bồ Tát thành tựu khẩu giới thì được sáu mươi thứ âm thanh mỹ diệu, vô ngại, thanh tịnh, không thể nghĩ bàn. Đó gọi là khẩu giới.

Lại nữa, này Đồng Tử! Nếu Đại Bồ Tát có đầy đủ khẩu giới thì nói bất cứ điều gì cũng được mọi người tín thọ. Đó gọi là khẩu giới.

Lại nữa, này Đồng Tử! Đại Bồ Tát đầy đủ khẩu giới, được ba mươi hai tướng của đại nhân, được mười lực của Như Lai. Đó là trí lực về thị xứ, phi xứ. Trí lực biết về nghiệp xứ nhân quả của các chúng sinh ở quá khứ, vị lai và hiện tại, biết các thiền định giải thoát tam muội chánh thọ. Trí lực biết có phiền não, không phiền não.

Trí lực biết thọ mạng của người khác, biết căn tánh sai biệt các chúng sinh. Trí lực biết chúng sinh có nhiều dục. Trí lực biết vô lượng tâm tánh các chúng sinh. Trí lực biết con đường đến tất cả xứ. Trí lực biết túc mạng. Trí lực biết sự sinh tử tất cả chúng sinh. Trí lực biết lậu tận.

***