Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Nguyệt đăng Tam Muội

PHẬT THUYẾT

KINH NGUYỆT ĐĂNG TAM MUỘI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Na Liên Đề Da Xá, Đời Cao Tề
 

PHẦN NĂM MƯƠI HAI
 

Này Đồng Tử! Sao gọi họ là nghiệp thanh tịnh?

Vì họ thấy ba cõi giống nhu mộng tưởng, nên họ nhàm chán ba cõi, không khởi tham ái. Đó gọi là nghiệp thanh tịnh.

Sao gọi họ vượt qua phan duyên?

Vì họ biết ấm, giới và nhập giống như huyễn, nên xa lìa chúng.

Sao gọi là biết rõ các ấm?

Nghĩa là vì biết rõ các ấm giống như sóng nắng.

Sao gọi là được các giới bình đẳng?

Nghĩa là vì biết giới… như biến hóa nên xả bỏ chúng.

Sao gọi là trừ bỏ các nhập?

Nghĩa là vì các nhập như bóng ánh sáng nên trừ bỏ đi.

Sao gọi là đoạn trừ khát ái?

Nghĩa là vì đối với tất cả pháp không có sự phan duyên.

Sao gọi là chứng vô sinh nhẫn?

Vì đối với tất cả pháp không có sở đắc.

Sao gọi là biết các nghiệp?

Nghĩa là vì phát khởi tinh tấn, đoạn trừ các khổ.

Sao gọi là hiển thị các nhân?

Nghĩa là ấm như tiếng vang, không có sinh vậy.

Sao gọi là không hoại đối với quả?

Nghĩa là vì nghiệp quả giống như mộng nên không có hoại.

Sao gọi là hiện thấy các pháp?

Nghĩa là vì trong các pháp được nhẫn vô sinh.

Sao gọi là tu tập nơi đạo?

Nghĩa là đối với tất cả pháp không có cái để tu.

Sao gọi là gặp được Chư Phật?

Nghĩa là vì đầy đủ tất cả giới hạnh của Chư Phật.

Sao gọi là trí tuệ sáng suốt?

Nghĩa là vì đối với tất cả pháp, được nhẫn vô sinh.

Sao gọi là vào các dục lạc của chúng sinh?

Nghĩa là vì biết căn tánh trước sau các chúng sinh sai biệt.

Sao gọi là đắc pháp trí?

Nghĩa là đối với tất cả pháp vô sở đắc.

Sao gọi là trí vô ngại biện?

Nghĩa là hay đạt được pháp thức như thật.

Sao gọi là trí sai biệt khéo biết văn tự?

Nghĩa là nhờ biết ba thứ ngôn ngữ sai biệt.

Sao gọi là vượt qua các việc?

Nghĩa là nhờ hiểu rõ vô sự.

Sao gọi là biết về âm thanh?

Nghĩa là nhờ trí nhập vào âm thanh như tiếng vang.

Sao gọi là được hoan hỷ?

Nghĩa là đối với tất cả pháp mà vô sở đắc, xa lìa khổ não, vứt bỏ gánh nặng mà được ra khỏi.

Sao gọi là được sự ái hỷ?

Nghĩa là đối với kẻ đi xin, khiến cho họ được hoan hỷ, biết lúc bố thí nên thấy được lợi ích.

Sao gọi là giữ tâm ngay thẳng?

Nghĩa là hay hiểu rõ về bốn Chân Đế.

Sao gọi là oai nghi ngay thẳng?

Nghĩa là điều hòa thân quân bình.

Sao gọi là xa lìa sắc tức giận?

Nghĩa là đoạn trừ các lỗi sân hận.

Sao gọi là sắc mặt thường vui vẻ?

Nghĩa là khéo giữ giới cùng trú an ổn.

Sao gọi là âm thanh mỹ diệu?

Nghĩa là nói sự lợi ích cho người khác.

Sao gọi là trước tiên nói lời an ủi?

Nghĩa là trước tiên nói: Lành thay, liền đứng dậy để nghênh tiếp.

Sao gọi là không giải đãi?

Nghĩa là không bỏ sự siêng năng.

Sao gọi là cung kính bậc tôn trưởng?

Nghĩa là kính nể bậc tôn trưởng, tưởng như là thiện tri thức.

Sao gọi là cúng dường bậc tôn trưởng?

Nghĩa là theo lời dạy bậc tôn trưởng mà hầu hạ cúng dường.

Sao gọi là sinh ra liền biết đủ?

Nghĩa là đối với tất cả nhu cầu sinh sống đều không đắm trước.

Sao gọi là cầu pháp thiện không chán?

Nghĩa là chứa nhóm các thiện pháp.

Sao gọi là đời sống thanh tịnh?

Nghĩa là tùy nghi mà được, liền sinh lòng biết đủ, nếu không biết đủ liền sinh tâm quanh co, dua nịnh, khoa trương, dụ dỗ, sách động người khác, lấy lợi cầu lợi, những việc như vậy đều xả bỏ hết.

Sao gọi là không lìa việc sống ở A Lan Nhã?

Nghĩa là không bỏ sự siêng năng, thích ở một cách nhàn hạ và ở tòng lâm, hang núi, khe suối, ưa thích đối với pháp, không giao du với người tại gia và xuất gia, không thích lợi dưỡng, đoạn trừ khát ái và cảm thọ sự hỷ lạc của thiền định vậy.

Sao gọi là trí trụ xứ từng địa vị, cấp bậc?

Đó là trí ở quả Thanh Văn, trí ở quả Bích Chi Phật, trí trụ xứ Bồ Tát địa vậy.

Sao gọi là nhớ mãi không quên?

Nghĩa là nhớ vô thường, khổ, không và vô ngã.

Sao gọi là được trí thiện xảo về ấm?

Nghĩa là biết sự sai biệt của ấm, giới, nhập mà vô sở đắc.

Sao gọi là chứng thần thông?

Nghĩa là được bốn thần túc, nên có thể biến hiện được.

Sao gọi là diệt các phiền não?

Nghĩa là đoạn trừ tham, sân, si.

Sao gọi là đoạn trừ tập khí?

Nghĩa là nhàm chán hành động ngu si quá khứ, không thích địa vị Thanh Văn và Bích Chi Phật.

Sao gọi là chuyển thắng hạnh?

Nghĩa là hay khởi lên bốn vô ngại biện, năng lực vô úy của Như Lai.

Sao gọi là tu tập nhân?

Nghĩa là đoạn trừ sự thương, ghét.

Sao gọi là biết phương tiện phạm?

Nghĩa là biết Ba La Đề Mộc Xoa, biết Tỳ Ni, biết giới.

Sao gọi là đoạn trừ các sự hối hận?

Nghĩa là đối với các tội lỗi, phải chí thành sám hối, không còn tạo tội nữa, tu các thiện pháp.

Sao gọi là đoạn trừ ái luyến?

Nghĩa là nhổ sạch cành nhánh khát ái của ba cõi, phát sinh điều thiện chưa sinh, với điều thiện đã sinh đừng cho tiêu mất.

Sao gọi là vượt qua các cõi?

Nghĩa là đối với ba cõi mà không sở đắc, lại không hoài niệm, gọi là vượt qua các cõi.

Sao gọi là minh đạt túc mạng?

Nghĩa là nhớ biết sự việc đời quá khứ.

Sao gọi là không nghi ngờ đối với nghiệp quả?

Nghĩa là lìa các chấp thường, chấp đoạn.

Sao gọi là tư duy về pháp?

Nghĩa là suy nghĩ về pháp như thật.

Sao gọi là huân tập đa văn?

Nghĩa là tu tập, thọ trì tạng Thanh Văn, tạng Bích Chi Phật, tạng Bồ Tát.

Sao gọi là được trí tuệ lanh lợi?

Nghĩa là quán trí vô sinh giống như giấc mộng.

Sao gọi là ưa thích nơi trí?

Nghĩa là thường huân tập trí tuệ.

Sao gọi là trí tuệ thông đạt?

Nghĩa là khởi sinh Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Sao gọi là được địa vị điều phục?

Nghĩa là chỗ Bồ Tát đã tu học.

Sao gọi là giống như núi?

Đó là không bỏ tâm bồ đề.

Sao gọi là bất động?

Đó là vì không phân biệt nên không bị phiền não xâm đoạt.

Sao gọi là không lay động?

Đó là đối với tất cả tướng, không duyên nơi niệm.

Sao gọi là tướng không thoái?

Đó là đối với sáu pháp Ba La Mật không bị tổn giảm, luôn luôn được thấy Quốc Độ Chư Phật.

Sao gọi là sinh ra pháp lành?

Đó là thân cận Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Sao gọi là nhàm chán nghiệp ác?

Đó là kiên trì cấm giới, không còn khởi ra điều ác.

Sao gọi là không hành phiền não?

Đó là không khởi vô minh, hữu ái và sân hận.

Sao gọi là không xả bỏ giới?

Đó là nhờ tin nhân quả, nên cung kính Như Lai.

Sao gọi là phân biệt các thiền?

Đó là rõ biết tâm và thường dùng phương tiện thiện xảo để được nhất tâm.

Sao gọi là biết tất cả dục lạc của chúng sinh?

Đó là biết căn tánh sai biệt.

Sao gọi là trí khéo phân biệt chỗ sinh?

Đó là biết sự sai khác của năm đường.

Sao gọi là trí vô biên?

Đó là tự nhiên biết về pháp thế gian và xuất thế gian.

Sao gọi là trí thứ lớp về ngôn ngữ?

Đó là có thể biết về ngôn thuyết quyền xảo bí mật của Đức Như Lai.

Sao gọi là vứt bỏ duyên tục?

Đó là thân tâm xa lìa mà xuất gia.

Sao gọi là không thích ba cõi?

Đó là đối với ba cõi, thấy sự khổ đau tại đó một cách như thật.

Sao gọi là không dùng tâm hạ liệt?

Đó là không vứt bỏ tâm, cho dù lúc nhập chánh thọ, vẫn không bỏ tâm.

Sao gọi là đối với các pháp không chấp trước?

Đó là xả bỏ tâm ái dục đối với tất cả pháp.

Sao gọi là nhiếp thọ chánh pháp?

Đó là hộ trì Kinh Điển như vậy của Phật thì gọi là nhiếp thọ chánh pháp.

Sao gọi là thủ hộ chánh pháp?

Đó là đối với những chúng sinh hủy báng chánh pháp thì dùng pháp để hàng phục họ, gọi là hộ pháp.

Sao gọi là tin nơi nghiệp báo?

Đó là đối với các nghiệp ác phải biết xấu hổ, xa lìa và tu tập thiện pháp.

Sao gọi là biết luật phương tiện?

Đó là biết tự tánh phạm hay không phạm, biết phạm tánh tội hay không phạm.

Sao gọi là diệt trừ các sự tranh cãi, chống trái?

Đó là vứt bỏ các việc huyên náo.

Sao gọi là không chống trái?

Đó là không thích tất cả ngôn ngữ thế gian.

Sao gọi là nhẫn địa?

Đó là nhẫn chịu sự bức não của thân tâm.

Sao gọi là nhiếp thọ nơi nhẫn?

Đó là đối với những lời nói thô ác của kẻ khác thảy đều có thể nhẫn nhục, xả bỏ, không nghĩ đến.

Sao gọi là lựa chọn nơi pháp?

Đó là biết sự sai biệt của ấm, giới, nhập, biết trợ đạo hữu lậu và trợ đạo thanh tịnh, vì đối với pháp ấy là vô sở đắc.

Sao gọi là đối với pháp quyết định thiện xảo?

Đó là đối với tất cả pháp, không có ngôn thuyết.

Sao gọi là trí khéo biết sự sai biệt của cú nghĩa?

Đó là thông đạt tất cả các pháp.

Sao gọi là trí thiện xảo xuất sinh pháp cú?

Đó là nói về pháp như thật.

Sao gọi là trí biết về sự sai biệt của nghĩa và phi nghĩa?

Đó là biết pháp tánh không tăng không giảm.

Sao gọi là trí tiền tế?

Đó là trí về nhân.

Sao gọi là trí hậu tế?

Đó là trí về duyên.

Sao gọi là trí bình đẳng ba đời?

Đó là đối với tất cả Pháp Sự, hiểu rõ không có sai biệt, an trụ pháp vô sự.

Sao gọi là trí sai biệt về ba đời?

Đó là đối với pháp ba đời, không sở đắc, cũng không nhớ nghĩ.

Sao gọi là tâm trụ?

Đó là không sở đắc nơi tâm.

Sao gọi là thân trụ?

Đó là niệm xứ về thân, gọi là thân trụ.

Sao gọi là gìn giữ oai nghi?

Đó là oai nghi không có thác loạn.

Sao gọi là không hoại oai nghi?

Đó là che giấu việc thiện.

Sao gọi là không phân biệt oai nghi?

Đó là lìa bỏ sự ưa thích tâm ác.

***