Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Nguyệt đăng Tam Muội

PHẬT THUYẾT

KINH NGUYỆT ĐĂNG TAM MUỘI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Na Liên Đề Da Xá, Đời Cao Tề
 

PHẦN TÁM
 

Người phân biệt nơi căn

Thì không dùng Thánh Đạo.

Với các căn vô hạn

Thể ngoan không, vô ký

Muốn mong vui Niết Bàn

Phải tu nghiệp Thánh Đạo.

Diễn thuyết bốn niệm xứ

Ngu bảo thân chứng mạn

Thân chứng không ngã mạn

Vì hay diệt các mạn.

Diễn thuyết về bốn thiền

Ngu bảo đắc thiền hành

Người diệt mê không mạn

Nhờ tuệ quán đoạn mạn.

Diễn thuyết bốn Chân Đế

Kẻ ngu bảo thấy đế

Thấy thật thì không mạn

Thế Tôn nói như vậy.

Tuy đọc hết các Kinh

Ỷ đa văn, hủy giới

Đa văn không thể cứu

Phá giới khổ địa ngục,

Tự thị việc trì giới

Mà không học đa văn

Phước báo trì giới hết

Trở lại thọ các khổ,

Đa văn cùng trì giới

Cả hai không ỷ lại.

Khinh mạn người phước mỏng

Do đó sinh các khổ

Mạn là gốc các khổ

Các Đạo Sư đã nói

Có mạn khổ tăng trưởng

Lìa mạn khổ liền diệt.

Đời tuy tu tam muội

Mà không lìa ngã tưởng

Lỗi lầm lại khởi lên

Giống như Ưu Điệt Ca.

Nếu tu sự vô ngã

Trong đó sinh vui mừng

Là nhân vui Niết Bàn

Chẳng do pháp thế gian.

Như bị lũ giặc vây

Vì sống, muốn chạy trốn

Không chân, không thể chạy

Liền bị giặc giết hại.

Kẻ si phá giới vậy

Muốn ra khỏi thế gian

Không giới, không thể đi

Bị lão, bệnh, tử giết.

Như giặc mạnh cầm đao

Cướp giật hại khắp nơi

Phiền não cũng như vậy

Hại căn lành chúng sinh.

Nhiều người nói ấm không

Không biết ấm vô ngã

Nếu hỏi ấm có không

Nhăn mày, giận đối đáp.

Nếu biết ấm vô ngã

Nghe chửi, tâm không giận

Mê hoặc buộc, thuộc ma

Ngộ không, không phẫn nộ.

Như người bệnh, thân đau

Nhiều năm khổ bức não

Bệnh này qua nhiều năm

Muốn tìm thuốc chữa lành.

Người ấy hỏi nhiều nơi

Liền gặp được thầy hay

Thầy thương cho thuốc tốt

Bảo uống, sẽ lành bệnh.

Người ấy được thuốc hay

Không uống, bệnh không lành

Không phải lỗi thầy thuốc

Nên biết lỗi người bệnh.

Nơi pháp này xuất gia

Đọc tụng đạo phẩm giáo

Nói và làm không giống

Làm sao được giải thoát?

Thể tánh các pháp không

Con Phật quán việc ấy

Tất cả hữu đều không

Ngoại đạo không hề có.

Trí ngu không tranh nhau

Dũng mãnh nên lìa bỏ

Bị mắng không trả thù

Pháp ngu ngươi chớ ghét.

Trí, không ngu qua lại

Khéo biết tánh huân tập

Tuy lại cùng thân nhau

Sau trở thành oán ghét.

Trí không thân với ngu

Biết chí họ không bền

Thể tánh tự phá hoại

Đừng làm bạn với ngu.

Nếu nghe lời như pháp

Người hủy giới không vui

Tự nhiên khởi sân hận

Nên biết là người ngu.

Người ngu hợp người ngu

Như phân trộn với phân

Trí với trí cùng ở

Như hợp hai đề hồ.

Không xét lỗi thế gian

Không tin vào nhân quả

Không tin lời Phật dạy

Ở đời bị xa lìa.

Bần cùng không của cải

Không sống, cầu xuất gia

Đã xuất gia pháp ta

Lại tham trước y, bát,

Họ gần ác tri thức

Phá hủy cấm giới ta.

Không tự quán việc mình

Trong tâm không an trú

Ngày đêm sống phi pháp

Làm ác không biết chán.

Thân tâm luôn phóng dật

Miệng thường nói lời thô

Luôn rình mò lỗi người

Thấy rồi nói người khác.

Tự che lỗi của mình

Là tướng rất ngu si

Người ngu ham ăn uống

Không thể biết độ lượng.

Nhờ Phật được ăn uống

Vẫn không tâm báo đền

Được món ăn thượng diệu

Không đúng với pháp ấy

Ngược lại ăn bị hại

Như voi ăn sen bùn.

Tất cả món thượng vị

Người trí tuy ăn vào

Căn vắng lặng không tham

Chọn món ăn như pháp.

Tuy có người trí sáng

Hỏi kẻ ngu đâu đến?

Không thân luyến với họ

Chỉ khởi lòng xót thương.

Người trí lợi kẻ ngu

Kẻ ngu làm suy tổn

Ta thấy lỗi này rồi

Như nai ở chỗ vắng.

Người trí thấy lỗi này

Không ở chung với ngu

Nếu lui tới kẻ ngu

Mất Trời huống Bồ Đề.

Người trí thường từ bi

Từ, bi hợp với hỷ

Thường xả tất cả hữu

Tu định, chứng Bồ Đề.

Ngộ đạo, trừ lo sợ

Thấy người già chết khổ

Nên khởi lòng xót thương

Nói lời hợp chân nghĩa.

Nếu người biết Phật Pháp

Lìa ngôn thuyết Thánh Đế

Nếu ai nghe pháp này

Lìa tham thực, Thánh thương.

Này Đồng Tử! Vì nghĩa lý đó nên muốn được thành tựu hạnh kiên cố, Bồ Tát nên học như vậy.

Vì sao?

Này Đồng Tử! Nhờ hạnh kiên cố nên Bồ Tát đắc quả vị Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác không khó khăn, huống gì là tam muội này vậy.

Bấy giờ Đồng Tử Nguyệt Quang bạch Phật: Hy hữu thay Thế Tôn!

Như Lai, Bậc Ứng Chánh Biến Tri đã khéo nói về hạnh kiên cố này để nhập vào pháp tam muội ấy. Ngài đã khéo nói, khéo kiến lập tất cả sở học Bồ Tát. Đó chính là tất cả hành xứ của Như Lai, không phải là địa vị của Thanh Văn, Bích Chi Phật làm được, huống gì là ngoại đạo!

Bạch Thế Tôn! Nay con sẽ trụ hạnh kiên cố này.

Vì sao?

Vì con muốn sở học như Phật. Nay con muốn học vì con muốn biết quả vị Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác ấy. Con muốn phá hoại Ma Ba Tuần và quyến thuộc của chúng. Con muốn giải thoát tất cả khổ cho chúng sinh. Cúi mong Đức Như Lai và Tỳ Kheo tăng cùng các quyến thuộc chứng minh, chấp nhận sự thỉnh cầu của con, là vì thương xót con.

Bấy giờ Đức Như Lai và Tỳ Kheo Tăng im lặng chấp nhận. Đồng Tử Nguyệt Quang thỉnh Phật và Tỳ Kheo Tăng sáng ngày mai đến thọ thực và được Phật chấp nhận.

Bấy giờ Đồng Tử Nguyệt Quang đã được Đức Như Lai chấp nhận sự cúng dường nên vui mừng khôn xiết, hạnh sâu xa, liền từ tòa đứng dậy, bày áo vai bên phải, đảnh lễ dưới chân Đức Phật, nhiễu quanh bên phải ba vòng rồi cáo từ ra về.

Bấy giờ Đồng Tử Nguyệt Quang hướng về thành Vương Xá để trở về nhà mình. Về đến nhà thì ngay đêm ấy liền chuẩn bị các thứ ẩm thực thượng vị nhiều vô số. Tại thành Vương Xá, nơi nơi đều treo lụa năm màu, rải các loại hoa, dựng tràng phướn lọng, đốt các hương thơm, bố thí các mùng màn, quét sạch đường sá, vứt bỏ ngói gạch.

Tại ngã tư đường rưới nước làm cho sạch sẽ, rải tung bột chiên đàn và các loại quý báu khắp nơi. Lại tung các loại hoa, các thứ hoa báu xen kẻ trên mặt đất giống như hình vẽ. Lại dùng vô lượng vật dụng chạm trổ, trang nghiêm các nẻo đường.

Trong thành, khắp nơi đều có hoa Ưu Bát La, hoa Câu Vật Đà, hoa Bát Đầu Ma, hoa Phân Đà Lợi. Ở trong nhà toàn dùng chiên đàn ngưu đầu rải quanh, dùng các thứ trang nghiêm, giăng các trướng báu. Vì Đức Phật Thế Tôn mà Đồng Tử bày những món ăn thượng vị.

Khi Đồng Tử làm những việc trang nghiêm thành quách, đường sá, nhà cửa như vậy, bày các vật cúng dường suốt đêm đầy đủ đến lúc sáng sớm, cùng với tám mươi na do tha Bồ Tát, mà Bồ Tát A Dật Đa làm thượng thủ.

Các vị ấy là Bồ Tát Quán Thế Âm, Bồ Tát Đại Thế Chí, Bồ Tát Hương Thượng, Bồ Tát Bảo Tràng, Bồ Tát Man Thắng, Đồng Tử Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, Bồ Tát Dũng Kiện Quân, Bồ Tát Diệu Tý, Bồ Tát Bảo Hoa, Bồ Tát Bất Hư Hiện.

Các Đại Bồ Tát như vậy đối với các Bồ Tát khác làm bậc Thượng thủ, cùng các chúng Đại Bồ Tát như vậy, vây quanh trước sau, ra khỏi đại thành Vương Xá, đến chỗ Đức Như Lai, sửa lại y phục, đầu mặt đảnh lễ, nhiễu quanh bên phải ba vòng, bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Đã đến giờ thọ thực, trai soạn đã dọn xong, mong Thế Tôn hạ cố vào thành Vương Xá đến nhà con, vì lòng xót thương mà thọ nhận sự cúng dường của con.

Bấy giờ Đức Thế Tôn, trước đó đã đắp y, cầm bát, cùng Đại Tỳ Kheo cả thảy đến trăm ngàn vị, vô lượng trăm ngàn ức na do tha Đại Bồ Tát, Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu la, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già… vô lượng trăm ngàn vị Đồng Tử đã thiết lễ cúng dường, cung kính tán thán đại oai lực của Phật, đại thần túc của Phật, đại biến hiện của Phật, đại oai nghi của Phật, đã phóng ra trăm ngàn vạn ức na do tha ánh sáng, tấu lên trăm ngàn loại kỹ nhạc, mưa các thứ hoa Trời.

Vì thọ nhận sự cúng dường của Đồng Tử Nguyệt Quang, nên Đức Phật vào thành Vương Xá.

Đức Phật với sự tích tập vô lượng căn lành từ lâu, nên lúc bàn chân có bánh xe ngàn căm bước vào thành thì hiện ra vô số sự thần biến chưa từng có. Chư Phật Như Lai, nếu khi vào thành, pháp như vậy là đều hiện sự thần biến ấy. Nay các ông hãy lắng nghe, ta sẽ vì các ông mà nói.

***