Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Nguyệt Thượng Nữ

PHẬT THUYẾT

KINH NGUYỆT THƯỢNG NỮ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Xà Na Quật Đa, Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Đạt Ma Cấp Đa, Đời Tùy
 

PHẦN BA
 

Khi thấy cô ta, nhiều người tiến nhanh tới, cô liền bay lên trụ trên hư không cao một cây Đa La, nhưng tay vẫn cầm cành hoa kia, an nhiên ở trong không trung, dùng lời kệ thưa với mọi người:

Quý vị xem thân tốt đẹp này

Cũng như vàng ròng với sắc lửa

Do xưa chẳng phát khởi tâm dục

Nên nay được thân vi diệu ấy.

Do bỏ dâm dục như hầm lửa

Và các việc đời không nhiễm vướng

Tu tập khổ hạnh, giữ sáu căn

Và hành các phạm hạnh thanh tịnh.

Thấy thê thiếp người không tham dục

Tưởng như là mẹ, là chị, em

Như vậy mới sinh thân đáng mến

Mọi người ưa nhìn không biết chán.

Chân lông thân tôi phát hương thơm

Bay khắp thành này, há chẳng nghe?

Chẳng do tâm dục huân tập được

Đều do quả bố thí điều phục.

Nay tôi vốn không tâm dâm dục

Với người không dục, chớ khởi dục

Mong tôn tượng này chứng minh cho

Lời con chân thật không hư dối.

Các vị từ xưa hoặc cha tôi

Hoặc tôi từng làm mẹ các người

Cùng làm cha mẹ và anh em

Tại sao với nhau sinh tâm dục?

Hoặc xưa tôi có hại quý vị

Các vị hoặc lại giết hại tôi

Đều tạo oán thù, giết hại nhau

Vì sao ở đây sinh tưởng dục?

Nhờ không tham dục được đoan chánh

Tham dục ắt sinh chốn không lành

Người còn tâm dục không giải thoát

Vì vậy nay nên bỏ tâm dục.

Hoặc đọa địa ngục và ngạ quỷ

Hoặc rơi vào nơi loài súc sanh

Cưu bàn, Dạ Xoa, A Tu La

Tỳ xá già đều vì tham dục.

Đui mắt, không lưỡi, què cùng điếc

Thân thể hình dung đều thô xấu

Tất cả mỗi mỗi các lỗi lầm

Đều do nghiệp xưa nhiều tâm dục.

Nếu ở đời sau làm Luân Vương

Đế Thích chủ Trời Tam Thập Tam

Đại phạm tự tại, các Chư Thiên…

Đều do rộng hành phạm hạnh tịnh.

Sinh bị câm ngọng, mất bản tánh

Heo, chó, ngựa, lừa và lạc đà

Voi, bò, cọp, ruồi nhặng, muỗi mòng

Bị quả báo này do nhiều dục.

Sinh nhà an vui địa chủ lớn

Trưởng giả giàu có và cư sĩ

Tất cả đều do hành phạm hạnh

Hiện được hoan hỷ và an lạc.

Gánh nặng, nấu đốt, khói xông mũi

Gông cùm xiềng xích thân khổ nhục

Chặt chân, xẻo mũi và móc mắt

Bị người sai sử đều vì dục.

Muốn thành Duyên Giác, A La Hán

Các tướng trang nghiêm thân Chư Phật

Tự giác, giác tha lợi ích rộng

Đều do xa lìa tưởng có dục.

Theo dục đâu chỉ một tai họa

Rất nhiều xấu ác không lợi ích

Mong mau giải thoát các tham dục

Cùng tôi đi đến bên Như Lai.

Dù không quy y cũng bớt tội

Chỉ Phật tôn quý trong trời người

Các người mau đến bên Tôn đức

Trải vô lượng kiếp khó thấy Phật.

Nguyệt Thượng nói kệ cho mọi người nghe rồi, khi ấy mặt đất thảy đều chấn động, trong hư không có vô lượng các Thiên Tử cất tiếng tán thán, y phục hiện rõ, cùng múa, ca vui tươi, hòa điệu vô lượng. Hoa trời mưa xuống số đến trăm ngàn, tạo các âm nhạc không thể nói hết.

Tất cả đại chúng đã được thấy, nghe như vậy rồi, liền sinh tâm chán lìa các tưởng tham dục, sinh tưởng hy hữu, chưa từng có. Ngay lúc ấy, toàn thân họ xao động, tâm không còn tác động của tham dục, cũng không sân, không giận, không tham, không si, không ganh, không tức, không tranh, không còn phiền não và các kết sử, tất cả đều dùng tâm hoan hỷ để làm tươi tắn thân tướng.

Mỗi mỗi đều xem nhau như là cha mẹ, anh em, chị em, thân thuộc, tôn trưởng. Khi họ đã xả bỏ tất cả các phiền não rồi thì mỗi mỗi đều cúi đầu đảnh lễ Nguyệt Thượng.

Bấy giờ, đại chúng đem theo hương hoa, nào hương bột, hương thoa, vòng hoa, các loại y phục, các thứ chuỗi ngọc anh lạc… đều hướng về Nguyệt Thượng tung rải khen ngợi. Do thần lực của Phật, nên tất cả đồ vật kia biến thành một cái dù lớn che trên vị Như Lai hóa thân, rộng nửa do tuần.

Lúc ấy, Nguyệt Thượng từ hư không lần xuống cách mặt đất bốn ngón tay, chân bước trong hư không, kinh hành thong thả, trong chốc lát liền ra khỏi thành Tỳ Da Ly, nhằm đến chỗ Đức Thích Ca Như Lai. Nguyệt Thượng đặt chân đến đâu, đại địa đều chấn động. Toàn thể đám người đông đảo kia có đến tám vạn bốn ngàn, tuần tự đi theo Nguyệt Thượng.

Khi đó, Trưởng Lão Xá Lợi Phất cùng với năm trăm vị Tỳ Kheo, vào buổi sáng sớm, sửa y cầm bát, hướng đến thành Tỳ Da Ly để khất thực.

Chúng Thanh Văn ấy tư xa thấy Nguyệt Thượng và đại chúng vây quanh trước sau cùng nhau đi đến, Tôn Giả Xá Lợi Phất liền nói với Trưởng Lão Ma Ha Ca Diếp: Này Trưởng Lão Ca Diếp! Người đang đi kia là cô Nguyệt Thượng, muốn đến chỗ Đức Phật. Chúng ta có thể nêu hỏi cô ta, tùy theo ý nghĩa sâu xa của câu trả lời, có thể biết được cô ta đã đạt pháp nhẫn chưa!

Trưởng Lão Xá Lợi Phất cùng năm trăm vị Tỳ Kheo đi đến gần Nguyệt Thượng.

Trưởng Lão hỏi: Hôm nay cô muốn đi đâu?

Nguyệt Thượng đáp: Thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất! Tôn Giả đã hỏi như thế.

Vậy xin thưa: Nay con cũng đi theo hướng như Tôn Giả Xá Lợi Phất đang đi.

Tôn Giả Xá Lợi Phất lại hỏi Nguyệt Thượng: Tôi nay muốn vào thành Tỳ Da Ly, còn cô thì từ thành ấy đi ra, sao lại trả lời: Con nay cũng đi theo hướng như Tôn Giả Xá Lợi Phất đang đi.

Nguyệt Thượng trả lời: Nhưng Tôn Giả Xá Lợi Phất cất chân lên, đặt chân xuống thì phải nương vào chỗ nào?

Tôn Giả Xá Lợi Phất đáp: Tôi nay cất chân lên, đặt chân xuống đều nương vào hư không.

Nguyệt Thượng nói: Con cũng như vậy, đưa chân lên và đặt chân xuống đều nương vào hư không, nhưng hư không thì không khởi phân biệt.

Vì vậy cho nên con nói: Cũng như Tôn Giả Xá Lợi Phất đang đi.

Thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất! Việc này cũng như vậy.

Nay Tôn Giả nói đi là đi đâu?

Tôn Giả Xá Lợi Phất trả lời: Tôi hướng về Niết Bàn mà đi như vậy.

Nguyệt Thượng nói: Thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất! Hết thảy các pháp há chẳng phải là hướng về Niết Bàn mà đi sao?

Con nay cũng hướng về phía ấy mà đi.

Trưởng Lão Xá Lợi Phất lại hỏi Nguyệt Thượng: Nếu hết thảy các pháp đều hướng đến Niết Bàn, tại sao cô không vào diệt độ?

Nguyệt Thượng đáp: Thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất! Nếu hướng tới Niết Bàn tức không diệt độ.

Vì sao?

Vì hành Niết Bàn là không sinh diệt. Hành Niết Bàn là không thể thấy được, thể không phân biệt, là không hề diệt mất. Do ý nghĩa này nên hành Niết Bàn tức là Niết Bàn.

Tôn Giả Xá Lợi Phất lại hỏi Nguyệt Thượng: Cô nay tu hành theo thừa nào?

Là hành theo Thanh Văn thừa, Bích Chi Phật thừa hay là hành theo Đại Thừa?

Nguyệt Thượng đáp: Thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất!

Tôn Giả đã hỏi con như vậy, nay con xin hỏi lại Tôn Giả: Như pháp đã chứng đắc của Tôn Giả Xá Lợi Phất là hành theo Thanh Văn thừa, Bích Chi Phật thừa hay là hành theo Đại Thừa?

Tôn Giả Xá Lợi Phất trả lời: Chẳng phải như vậy đâu! Này cô Nguyệt Thượng!

Vì sao?

Vì pháp kia là không thể phân biệt, không thể nói năng, chẳng phải khác, chẳng phải một, cũng chẳng phải nhiều.

Nguyệt Thượng nói: Vì vậy không nên phân biệt các pháp là một tướng hay khác tướng, không có tướng dị biệt. Ở trong các tướng đều không thể trú, cho nên Niết Bàn thật không thể diệt.

Trưởng Lão Xá Lợi Phất nói: Thật là hy hữu, hy hữu! Cô nay đúng là biện tài vô ngại.

Tất là xưa kia cô đã từng tôn phụng bao nhiêu Đức Phật nên mới được như vậy?

Nguyệt Thượng trả lời: Thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất! Tôn Giả đã hỏi con như thế, con xin thưa: Cũng như thật tế cùng với pháp giới.

Tôn Giả Xá Lợi Phất lại hỏi: Như cô nói thật tế cùng với pháp giới, có từ bao lâu?

Nguyệt Thượng đáp: Như từ khi vô minh có ái không khác.

Tôn Giả Xá Lợi Phất lại hỏi: Vô minh có ái lại có từ bao lâu?

Nguyệt Thượng thưa: Như cảnh giới cua chúng sinh không khác.

Tôn Giả Xá Lợi Phất lại hỏi: Cảnh giới của chúng sinh lại có từ bao lâu?

Đáp: Như cảnh giới của Chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai.

Tôn Giả Xá Lợi Phất nói: Nếu như thế thì cô đã nói về việc gì là giải thích về gì?

Đáp: Nương theo chỗ hỏi của Tôn Giả mà con trả lời.

Tôn Giả Xá Lợi Phất lại hỏi: Tôi hỏi là nghĩa gì?

Đáp: Hỏi là văn tự.

Tôn Giả Xá Lợi Phất nói: Văn tự ấy vắng lặng, không có dấu vết.

Nguyệt Thượng đáp: Thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất! Tướng diệt ở trong hết thảy pháp như vậy, như có người hỏi, có người trả lời, cả hai đều là tướng diệt, không thể nắm bắt được.

Bấy giờ, Trưởng Lão Xá Lợi Phất hỏi Nguyệt Thượng: Cô nay ở trong quả vị của Bồ Tát đã được tướng nhẫn như vậy, không lâu sẽ thành tựu đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Nguyệt Thượng nói: Thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất! Luận về Bồ Đề thì không có ngôn thuyết, chỉ tạm dùng văn tự mà nêu bày. Chỗ nói có người thành tựu cũng chỉ giả danh mà nói, hoặc lâu hoặc mau cũng đều là danh tự.

Vậy thưa Tôn Giả! Vì sao Tôn Giả lại nói: Không bao lâu nữa con sẽ thành tựu đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất! Phàm là Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác là chỗ không sinh, không thể nêu bày, không có thể tánh, nên trong ấy cũng lại không người có thể thành tựu.

Vì sao?

Vì thể tánh của bồ đề không có hai tướng nên bồ đề không hai mà cũng xa lìa cái hai ấy.

Tôn Giả Xá Lợi Phất nói với Nguyệt Thượng: Trước hết, cô nên đến viếng Đức Phật. Vì để nghe pháp nên lát nữa chúng tôi cũng sẽ tới pháp hội để cùng nghe pháp.

Nguyệt Thượng lại bạch: Thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất! Như Lai không vì người nghe pháp mà giảng nói, cũng lại không vì người ưa pháp mà giảng nói.

Tôn Giả Xá Lợi Phất hỏi: Như Lai nếu như vậy thì Ngài sẽ vì ai mà giảng nói pháp?

Nguyệt Thượng đáp: Thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất! Nếu có người nghe mà không sinh tưởng chấp trước, không sinh tưởng vui thích thì Như Lai Lai mới vì những người như vậy mà giảng nói pháp.

Tôn Giả Xá Lợi Phất lại nói với Nguyệt Thượng: Nếu có chúng sinh đến chỗ Đức Phật để nghe pháp, vì có người muốn nghe pháp lúc ấy Như Lai lẽ nào không vì họ giảng nói pháp?

Nguyệt Thượng đáp: Nếu có chúng sinh khởi tưởng như vậy: Đó là Như Lai vì ta mà giảng nói pháp. Chúng sinh như vậy là trú vào tưởng ngã. Nếu có người chân chánh thông suốt, thể nhập nơi pháp tánh thì không có ý niệm như vậy.

Họ sẽ khong cho: Đức Phật vì chúng ta nên giảng nói pháp như vậy.

Lúc ấy, Tôn Giả Ma Ha Ca Diếp nói với Trưởng Lão Xá Lợi Phất: Này Tôn Giả Xá Lợi Phất! Hôm nay cô Nguyệt Thượng đến yết kiến Đức Phật ắt có pháp nghĩa lớn. Chúng ta cũng có thể trở về, dẫu không khất thực cũng tốt, chớ nên để thân ở bên ngoài mà không được nghe pháp nghĩa. Như vậy là tất cả đại chúng Thanh Văn đều quay trở về cùng với Nguyệt Thượng hướng đến chỗ Phật.

Nguyệt Thượng dần dần đi tới khu rừng lớn, nơi tinh xá lợp bằng cỏ tranh, đến trước Đức Phật cung kính, đảnh lễ dưới chân Ngài, đi nhiễu theo phía bên phải ba vòng, đem tất cả các thứ hương hoa, hương bột, hương xoa, y phục, cờ phướn, lọng báu, những đồ cúng Phật tung rải nhiều lần lên chỗ Ngài.

Lúc này, đại chúng mang theo các loại hương hoa, tràng hoa, hương xoa, hương bột, cũng đem tung rải nhiều lượt để cúng dường Phật. Tất cả hoa được tung rải ấy bay lên bên trên Đức Phật, biến thành một lọng báu bằng hoa, ngang rộng che khắp mười do tuần.

***