Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Nguyệt Thượng Nữ

PHẬT THUYẾT

KINH NGUYỆT THƯỢNG NỮ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Xà Na Quật Đa, Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Đạt Ma Cấp Đa, Đời Tùy
 

PHẦN BỐN
 

Bấy giờ, Đồng tử Văn Thù Sư Lợi bảo Nguyệt Thượng: Xưa kia cô từ đâu xả thân sinh đến đây?

Xả thân này rồi lại sinh về đâu?

Nguyệt Thượng đáp: Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Ý của Bồ Tát nghĩ thế nào?

Con nay mang hình tượng Đức Như Lai ngồi trên tòa sen, vậy Ngài từ đâu xả thân sinh lại đây, nay nếu xả thân này rồi sẽ sinh về đâu?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi nói với Nguyệt Thượng: Đây là hóa thân. Phàm nói về hóa thân tức không có chỗ xả thân nên về sau cũng không sinh.

Nguyệt Thượng nói: Đúng vậy, đúng vậy!

Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Bản thể của hết thảy các pháp là biến hóa. Con ở nơi pháp ấy nên không thấy có lúc xả, không thấy có lúc sinh.

Bồ Tát Bất Không Kiến nói với Nguyệt Thượng: Đúng vậy! Này Nguyệt Thượng! Đã biết không thể dùng thân nữ để thành Phật, nay cô vì sao không chuyển thân nữ?

Nguyệt Thượng đáp: Thưa thiện nam! Phàm là thể không thì không có chuyển đổi. Hết thảy các pháp cũng lại như vậy.

Vì sao nay con phải chuyển thân nữ?

Bồ Tát Trì Địa nói với Nguyệt Thượng: Cô đã từng được thấy Đức Như Lai chưa?

Nguyệt Thượng đáp: Thưa thiện nam! Con thấy Đức Như Lai cũng như trong tay con đang nắm giữ Đức Hóa Phật. Như Lai như vậy là bình đẳng, không có sai khác.

Bồ Tát Biện Tụ nói với Nguyệt Thượng: Cô nay đã có thể biện giải về pháp nghĩa rồi chăng?

Nguyệt Thượng đáp: Thưa thiện nam! Thể của pháp giới là không thể nói nêu, cũng không thể dùng văn tự, toán số để thâu tóm được.

Bồ Tát Vô Ngại Biện nói với Nguyệt Thượng: Cô ở chỗ chư Như Lai thời quá khứ đã từng được nghe những pháp gì?

Nguyệt Thượng đáp: Thưa thiện nam! Nay có thể ngước nhìn lên hư không, Đức Như Lai giảng nói pháp cùng với hư không này không khác. Người nghe pháp kia cũng lại như vậy.

Thưa thiện nam! Tướng của các pháp kia như hư không, không có khác biệt.

Bồ Tát Hư Không Tạng nói với Nguyệt Thượng: Xưa kia cô đã từng cúng dường Chư Phật, vậy việc phụng hành bố thí như thế nào và hồi hướng như thế nào?

Nguyệt Thượng đáp: Thưa thiện nam! Như con nay đối với tượng hóa Phật này mà bố thí Phật, Tăng thì việc đạt được công đức như thế nào?

Bồ Tát Hư Không Tạng nói: Đây là hóa Phật. Nếu cúng dường nơi ấy thì không có tướng công đức.

Nguyệt Thượng nói: Thưa thiện nam! Cũng như vậy. Xưa kia con đối trước chư Như Lai hành bố thí và hồi hướng, cũng hành thí với tướng như vậy và cũng hồi hướng như vậy.

Bồ Tát Bất Tổn Tha Tâm nói: Tại sao nay cô đối với hết thảy chúng sinh có thể hiện bày tâm Từ khắp tất cả?

Nguyệt Thượng đáp: Thưa thiện nam! Con như chúng sinh kia, không khác.

Bồ Tát Bất Tổn Tha Tâm lại nói: Như chúng sinh kia, việc ấy như thế nào?

Nguyệt Thượng đáp: Các chúng sinh ấy chẳng phải là quá khứ, chẳng phải là vị lai, chẳng phải là hiện tại, mà tâm từ kia cũng chẳng phải thuộc về quá khứ, vị lai và hiện tại, nên cũng không thể dùng lời để nói.

Thưa thiện nam! Thế nên tâm từ kia cũng lại như vậy.

Bồ Tát Hỷ Vương hỏi Nguyệt Thượng: Cô nay đã đạt được pháp nhãn chưa?

Nguyệt Thượng đáp: Thưa thiện nam! Con nay nhục nhãn hãy còn chưa được, huống hồ là được pháp nhãn.

Bồ Tát Kiên Ý nói với Nguyệt Thượng: Cô hành bồ đề trải qua thời gian bao lâu?

Nguyệt Thượng trả lời: Thưa thiện nam! Như ánh sáng của sóng nắng kia đã chiếu trong thời gian bao lâu thì con phát tâm Bồ Đề cũng lại như vậy.

Bồ Tát Di Lặc bảo Nguyệt Thượng: Khi nào cô có thể thành tựu đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác?

Nguyệt Thượng thưa: Cũng như Bồ Tát Di Lặc, khi nào có thể vượt khỏi địa của hàng phàm phu.

Lúc này, Trưởng Lão Xá Lợi Phất bạch Phat: Bạch Thế Tôn! Sức biện tài của cô Nguyệt Thượng này thật là ít có.

Làm sao cô ấy có thể cùng với các vị đại Long mặc áo giáp như vậy để cùng hỏi đáp, chỉ đứng không ngồi, lại không kính lễ các Bồ Tát?

Nguyệt Thượng thưa với Tôn Giả Xá Lợi Phất: Thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất! Cũng như đốm lửa, thể của nó là hay thiêu đốt, tất cả các vật đều có thể bị đốt cháy.

Đúng vậy, thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất! Các Bồ Tát cùng với Chư Phật không có sai khác. Lúc ở trong các hành muốn thiêu rụi hết thảy các phiền não, có các phiền não hoặc của mình, hoặc của người khác đều thiêu đốt sạch.

Tôn Giả Xá Lợi Phất lại hỏi: Khi cô thành tựu đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, Cõi Phật kia sẽ như thế nào?

Nguyệt Thượng đáp: Thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất! Trong Cõi Phật sau này của con, không có các vị tu hành hạnh nhỏ, trí nhỏ, ngôn từ hạn hẹp. Cũng như Tôn Giả Xá Lợi Phất hiện nay, con tất nhận lấy Cõi Phật như vậy.

Tôn Giả Xá Lợi Phất lại nói với Nguyệt Thượng: Cô đã từng nói: Tất cả pháp giới bình đẳng với thể tánh Như Lai không có sai khác, nay tại sao chỗ thấy lại có hơn thua?

Nguyệt Thượng nói: Thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất! Ví như nước trong biển lớn và nước nơi vết chân bò. Nước trong hai nơi ấy giống nhau không khác, nhưng dấu chân bò kia không thể tiếp nhận vô lượng, vô biên chúng sinh như nơi biển lớn được.

Cũng vậy, thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất! Chư Phật và Thanh Văn tuy đồng pháp giới nhưng các vị Thanh Văn không thể vì vô lượng, vô biên chúng sinh tạo mọi lợi ích rộng lớn như Chư Phật.

Lại nữa, thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất! Ví như bên trong hạt cải có hư không, mười phương Thế Giới cũng có hư không, hư không nơi hai chỗ ấy tuy không khác, nhưng hư không trong hạt cải không thể dung chứa xóm làng, thành ấp, cõi nước, không thể nào kiến lập núi Tu Di, biển lớn giống như hư không trong mười phương Thế Giới được.

Cũng vậy, thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất! Tuy đối với các môn không, vô tướng, vô nguyện thì Chư Phật bình đẳng với Thanh Văn, nhưng hàng Thanh Văn không thể cùng với vô lượng, vô biên các chúng sinh kia tạo vô số lợi ích rộng lớn giống như Chư Phật Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Trưởng Lão Xá Lợi Phất nói: Như vậy, này Nguyệt Thượng! Chỗ đạt được giải thoát của Phật và Thanh Văn lẽ nào không bình đẳng?

Nguyệt Thượng đáp: Thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất!

Chớ nói như vậy, nên nói là: Chư Phật và Thanh Văn giải thoát đồng đẳng.

Trưởng Lão Xá Lợi Phất lại hỏi: Việc như vậy, tướng trạng thế nào?

Nguyệt Thượng đáp: Thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất! Nay con muốn hỏi, Tôn Giả theo ý mình mà trả lời.

Khi Tôn Giả chứng đắc tâm giải thoát thì có thể khiến cho tam thiên đại thiên Thế Giới này bằng phẳng như bàn tay chăng?

Lại có cây cối và núi rừng đều nghiêng mình cúi xuống hướng về Tôn Giả không?

Hoặc đã có thể diệt trừ hết tất cả các điều ác vi tế của riêng mình chưa?

Đã diệt hết thảy phiền não của chúng sinh chưa?

Đã được hết thảy Chư Thiên đảnh lễ chưa?

Đã quy tụ chúng ma khắp cả ba mươi do tuần đến chưa?

Có một niệm khởi tâm trí tuệ liền được giải thoát chưa?

Lại có thể hàng phục quyến thuộc của tất cả ma chưa?

Tôn Giả Xá Lợi Phất đáp: Tôi đối với tất cả các việc như vậy chưa được một việc nào.

Nguyệt Thượng lại nói: Thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất! Bồ Tát ngồi nơi Đạo Tràng Bồ Đề đều có các việc thù thắng như vậy, lại còn có vô lượng, vô biên việc thù thắng khác nữa.

Thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất! Giải thoát của Thanh Văn và giải thoát của Chư Phật có các việc hơn thua, ưu khuyết, sai khác như vậy, vì sao Tôn Giả cho rằng giải thoát của Chư Phật Như Lai và giải thoát của Thanh Văn bằng nhau?

Bấy giờ, Đức Thế Tôn tán thán Nguyệt Thượng: Lành thay! Lành thay! Nguyệt Thượng! Con nay đã có thể biện thuyết vô ngại như vậy.

Khi ấy, hình tượng Như Lai hóa thân trong tay phải của Nguyệt Thượng liền từ nơi hoa sen đứng dậy, đến chỗ Đức Thế Tôn nhiễu quanh Phật đủ ba vòng, rồi từ rốn mà vào, do thần lực của Phật nên đại địa chấn động.

Lúc đó, nơi mỗi mỗi lỗ chân lông của Đức Thế Tôn xuất hiện một hoa sen màu sắc như vàng ròng, dùng bạc làm lá, tạng báu công đức làm đài sen. Trong các hoa sen kia đều tự nhiên hiện ra một vị Phật ngồi kiết già.

Hình tượng các Đức Như Lai hóa hiện này dùng các tướng tốt trang nghiêm hiện bày khắp mười phương các cõi nước của Chư Phật, cùng hiển hiện, vì các chúng sinh nơi cõi ấy mà nói pháp. Khi các Ngài giảng nói pháp cú nơi cõi nước của các Đức Phật kia, nhưng nhờ thần lực của Như Lai nên âm thanh lại được nghe nơi cõi nước của Đức Phật này.

Nguyệt Thượng thấy rõ các thần thông thù thắng vi diệu như vậy nên rất vui mừng, toàn thân xúc động. Bên tay phải của cô đang cầm một hoa sen, bèn dùng hoa tung lên trên thân của Đức Như Lai.

Hoa ấy bay đến nơi đảnh của Phật, liền biến thành một tấm trướng bằng hoa, vuông góc thẳng xuống có bốn trụ ngang rộng ngay ngắn hết sức cân đối. Trong tấm trướng lại hóa hiện một tòa ngồi, dùng các châu báu trang nghiêm, dùng vô lượng áo trời để trải lên trên, bỗng nhiên lại xuất hiện một hình tượng hóa Phật giống như Đức Thích Ca ngồi kiết già trên tòa kia.

Khi Nguyệt Thượng rải hoa cúng đã nguyện: Bạch Thế Tôn! Con xin nguyện nương nơi diệu lực của căn lành này, ở đời sau nếu có các chúng sinh vin vào tướng chấp ngã, con sẽ vì họ giảng nói pháp để trừ diệt.

Bấy giờ, do uy lực của Đức Phật, nên lại có hoa sen thứ hai hiện ra bên tay phải của Nguyệt Thượng. Cô lại dùng hoa ấy rải lên trên Đức Như Lai, làm thành tấm trướng hoa thứ hai, dùng các thứ báu trang nghiêm như trên đã nói.

Nguyệt Thượng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Con nguyện nhờ vào nhân duyên của căn lành này, ở đời sau, nếu có chúng sinh chấp vào ngã kiến, con sẽ vì họ giảng nói pháp để trừ bỏ.

Lúc ấy, do thần lực của Phật, nên lại có cành hoa sen thứ ba hiện ra nơi tay phải của Nguyệt Thượng. Cô lại dùng hoa ấy tung lên trên Đức Như Lai, liền hóa thành tấm trướng hoa thứ ba, cũng dùng các thứ báu trang nghiêm như trê.

Nguyệt Thượng lại thưa: Bạch Thế Tôn! Con nguyện nhờ vào nhân duyên của căn lành này, ở đời sau, nếu có chúng sinh nương vào hết thảy tướng mà sinh tâm phân biệt, con sẽ vì họ giảng nói pháp để trừ bỏ tướng phân biệt ấy, cũng nhằm dứt trừ tâm tham dục, sân giận, ngu si.

Lúc đó, cô lại thấy có cành hoa sen thứ tư hiện ra nơi tay phải, Nguyệt Thượng cũng lại dùng hoa sen kia tung lên trên Đức Như Lai. Khi đến đảnh Đức Phật lại hóa thành tấm trướng hoa thứ tư, dùng các thứ trang nghiêm như trên.

Nguyệt Thượng lại bạch Thế Tôn: Con nguyện nhờ vào nhân duyên của căn lành này, ở đời sau, nếu có chúng sinh chấp vào bốn thứ điên đảo, con sẽ vì họ giảng nói pháp khiến trừ diệt hết bốn điên đảo ấy.

Bấy giờ, lại do thần lực của Như Lai, nên có hoa sen thứ năm hiện ra nơi tay phải của Nguyệt Thượng. Cô lại dùng hoa này tung lên trên Đức Như Lai, cũng lại hóa thành tấm trướng bằng hoa thứ năm, cũng được trang nghiêm như trước.

Nguyệt Thượng lại thưa: Bạch Thế Tôn! Con nguyện nhờ vào nhân duyên của căn lành này, ở đời sau, nếu có chúng sinh bị năm thứ cái che lấp, con sẽ vì họ giảng nói pháp để diệt trừ.

Lại nhờ thần lực của Đức Phật, nên có cành hoa sen thứ sáu hiện ra nơi tay phải của Nguyệt Thượng. Cô lại cũng dùng hoa sen này tung lên trên chỗ Đức Như Lai, cũng liền biến thành tấm trướng bằng hoa thứ sáu, cũng được trang nghiêm như trước.

Cô lại thưa: Bạch Thế Tôn! Con nguyện nhờ vào nhân duyên của căn lành này, ở đời sau, nếu có chúng sinh đắm chấp vào sáu nhập, con sẽ vì họ giảng nói pháp để họ lìa mọi sự chấp trước.

Lại do thần lực của Đức Phật, ở bên tay phải của Nguyệt Thượng lại có cành hoa sen thứ bảy hiện ra. Cô liền dùng hoa ấy dâng cúng Đức Như Lai, cũng lại biến thành tấm trướng bằng hoa thứ bảy, hình trạng và sự trang nghiêm như trên.

Nguyệt Thượng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Con nguyện nhờ vào nhân duyên của căn lành này, ở đời sau, nếu có chúng sinh chấp trước vào bảy thức, con sẽ vì họ giảng nói pháp khiến được đoạn trừ.

Lại do thần lực của Phật, nên lại có cành hoa sen thứ tám hiện ra bên tay phải của Nguyệt Thượng. Cô lại đem dâng lên cúng Phật. Hoa ấy bay đến, theo thứ lớp biến thành tấm trướng hoa thứ tám, hình trạng và sự trang nghiêm cũng như trên.

Cô lại thưa: Bạch Thế Tôn! Con nguyện vào đời sau, nhờ nhân lành này, nếu có chúng sinh chấp trước vào tám thứ điên đảo, con sẽ vì họ giảng nói pháp khiến đều trừ diệt.

Lại do thần lực của Phật, nên lại có hoa sen thứ chín hiện ra nơi tay phải của Nguyệt Thượng. Cô lại tung lên trên đảnh của Đức Phật, theo thứ lớp hoa ấy cũng kết thành tấm trướng bằng hoa thứ chín, như trước đã nói.

Nguyệt Thượng lại thưa: Bạch Thế Tôn! Con nguyện nhờ vào nhân duyen của căn lành này, ở đời sau, nếu có chúng sinh chấp trước nơi chín sử, con sẽ vì họ giảng nói pháp khiến được trừ diệt.

Bấy giờ, do nơi thần lực của Đức Phật, nên lại có hoa sen thứ mười hiện nơi tay phải của Nguyệt Thượng. Cô lại tung lên để cúng dường Đức Như Lai, cũng theo thứ lớp hoa ấy lại kết thành tấm trướng thứ mười bằng hoa che ở bên trên, trang nghiêm ngang rộng như trước.

Nguyệt Thượng lại thưa: Bạch Thế Tôn! Con nguyện nhờ vào nhân duyên của căn lành này, ở đời sau, sẽ có đầy đủ mười lực như Đức Thế Tôn hiện nay, phóng ra ánh sáng lớn chiếu khắp mười phương cõi nước không sai khác.

Lúc này, những tấm trướng bằng hoa kia được giăng cao lên đến Phạm cung, do đấy từ mặt đất lên tới Cõi Trời Đại Phạm… nhân có trướng hoa nên lại có vô lượng ngàn vạn Thiên chúng cùng vân tập đến pháp hội.

***