Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Nhân Duyên Quang Minh đồng Tử

PHẬT THUYẾT KINH

NHÂN DUYÊN QUANG MINH ĐỒNG TỬ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Thi Hộ, Đời Tống
 

PHẦN BA
 

Lúc ấy, Đức Thế Tôn lại bảo trưởng giả Thiện Hiền: Đồng Tử này là con ông, ông nên đem về giữ gìn, nuôi dưỡng.

Trưởng giả Thiện Hiền kia còn mang nặng những quan niệm xấu ác, không thực hành chánh đạo. Lúc đó lại lén nhìn ngoại đạo Ni Kiền Đà.

Ngoại đạo nói: Trưởng giả Thiện Hiền! Ông nên suy xét, Đồng Tử này là di vật trong lửa còn sót lại, rất xui xẻo.

Tuy lửa không đốt, nhưng tướng sao tốt được?

Nếu đem về ở với ông, gia đình ông sẽ bị hư hoại, lại khong hợp với mạng của ông, sẽ gây nhiều tổn hại, muốn làm việc gì đều không được thuận lợi, sau sẽ hối hận.

Trưởng giả nghe ngoại đạo nói vậy, nên không bằng lòng nhận Đồng Tử.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Vua Tần Bà Sa La: Đại Vương! Ông nên mang Đồng Tử này về cung nuôi dưỡng.

Vua Tần Bà Sa La vâng lời Phật dạy, vội vàng đứng dậy, khom người xuống, đưa hai tay bồng Đồng Tử, nhìn khắp đứa bé, rồi bạch Phật: Con vâng lời Phật dạy, đem Đồng Tử về cung, nhưng đặt tên Đồng Tử là gì?

Xin Phật Thế Tôn đặt cho.

Phật bảo: Đại Vương! Đồng Tử này được sinh từ trong lửa, nên đặt tên là Hỏa Quang Minh.

Lúc ấy, Đức Thế Tôn ở trong đại chúng, đem Đồng Tử giao phó cho Vua Tần Bà Sa La, lại quan sát kỹ để biết Vua Tần Bà Sa La và chúng hội, rồi tùy theo căn tánh, sở thích của họ mà giảng nói pháp.

Các chúng hội này được nghe pháp rồi, có hơn trăm người phát khởi lòng tin chân thật trong sạch, cao tột. Có người chứng quả Tu Đà Hoàn, có người chứng quả Tư Đà Hàm, có người chứng quả A Na Hàm, có người chứng quả A La Hán.

Có người đạt đến căn lành của noãn vị, có người đạt đến căn lành của đảnh vị, có người đạt đến căn lành của nhẫn vị, có người phát tâm Bồ Đề Thanh Văn, có người phát tâm Bồ Đề Duyên Giác, có người phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, có người phát tâm quy y thâu nhận, có người phát tâm thọ trì giới luật.

Với chúng hội như vậy, Phật đều đem sức của công đức và chánh pháp làm chúng được hòa hợp, tùy theo chỗ thích ứng đều được lợi ích.

Khi ấy, Vua Tần Bà Sa La rời khỏi hội Phật, đem Đồng Tử trở về cung Vua.

Đại Vương triệu tập tám cung tần làm tám người mẹ:

Hai người làm dưỡng mẫu để nuôi dưỡng.

Hai người làm nhũ mẫu lo việc cho bú mớm.

Hai người làm tịnh mẫu để tắm giặt.

Hai người làm hý mẫu, để làm bạn học tập và vui chơi.

Đại Vương sai tám bà mẹ làm như vậy rồi giao Đồng Tử cho họ nuôi, từ lúc còn bú mớm cho đến trưởng thành. Lúc ăn, lúc bú và các việc làm khác, suốt cả ngày đêm ân cần, nuôi dưỡng, vỗ về, thương yêu, không để thiếu sót. Dần đến khi trưởng thành, giống như một hoa sen đẹp từ trong ao trong sạch mọc lên, luôn luôn được thương yêu, giữ gìn như vậy cho đến sau này.

Đồng Tử Quang Minh có mot người cậu họ, đem của cải đi ra ngoài buôn bán đã lâu, trải qua nhiều năm nay chưa quay trở về.

Bỗng một bữa nọ, nghe người ngoài nói: Em gái ông mang thai, Phật đã thọ ký, chắc chắn sẽ sinh con trai. Sau khi sinh rồi, gia đình giàu có thịnh vượng, an lành vào bậc nhất, ở trong cõi người thọ hưởng phước Trời, sau đó xuất gia học đạo trong pháp của Phật, dứt các phiền não, chứng A La Hán.

Người anh nghe nói như vậy, liền thâu góp của cải buôn bán, mang vác lặn lội từ xa trở về nhà mình. Về đến nhà, biết em đã chết, nên kêu buồn khóc lóc.

Tự nghĩ: Lúc trước, ở ngoài đã nghe Phật thọ ký, em ta chắc chắn sinh con trai, dứt các phiền não, chứng A La Hán. Nay em ta đã chết, lời Phật nói là không thật.

Chẳng lẽ Phật Thế Tôn cũng nói dối hay sao?

Nghĩ vậy rồi, tìm đến nhà hàng xóm hỏi han việc ấy.

Hỏi: Tôi đi buôn bán xa mới về.

Trước đã nghe người nói: Em tôi mang thai, Phật đã thọ ký, chắc chắn sẽ sinh con trai. Sau khi sinh rồi, gia đình giàu có thịnh vượng, an lành vào bậc nhất, ở trong cõi người thọ hưởng phước Trời, sau đó xuất gia hoc đạo trong pháp của Phật, dứt các phiền não, chứng A La Hán. Tôi nghe nói vậy, vui mừng vội trở về. Kịp về đến nhà thì em tôi đã chết.

Lời Phật nói vậy có phải là giả dối hay không?

Người làng xóm vì người cậu họ cua Đồng Tử Quang Minh mà nói kệ:

Trăng, sao có dưới đất

Núi, đá bay lên không

Biển lớn có thể khô

Lời Phật thật, không dối.

Người làng xóm nói kệ rồi, lại bảo với người cậu họ: Lời Thế Tôn nói thật, không giả dối, nhưng em ông đã chết là có nguyên nhân. trưởng giả Thiện Hiền tin theo lời ngoại đạo, nên tạo nghiệp giết hại. Do nguyên nhân giết hại mà em ông chết. Đồng Tử Quang Minh có oai đức lớn, lửa không thể đốt cháy, người sinh ra từ trong hoa sen. Nay Vua Tần Bà Sa La đang nuôi dưỡng trong cung.

Người làng xóm kể lại đầy đủ việc ấy cho người cậu.

Người cậu nghe rồi, trở về nhà, nói với trưởng giả Thiện Hiền: Việc trưởng giả làm là không theo pháp lý. Em gái tôi làm sao chết, tôi đã biết rõ. Em tôi mang thai, ông sắp bày mưu kế, sinh sản không tròn. Nguyên nhân ông dùng điều xấu ác, tin theo ngoại đạo, giết hại em tôi.

Đồng Tử Quang Minh có oai đức lớn, sinh ra từ trong hoa sen, lửa không thể đốt cháy, nay đang ở trong cung Vua. Việc này thật phi lý. Ngày nay, ông hãy mau đến cung Vua xin đem Đồng Tử về thì việc này tốt, nếu không làm được vậy, ắt tôi cùng ông sẽ không còn hòa thuận.

Tôi sẽ đem tro trắng đi rải nơi các ngả tư đường và khắp chốn, làm cho trắng đất, khiến mọi người sợ hãi, rồi tôi xướng lên: trưởng giả Thiện Hiền giết hại người nữ. Em tôi trước do nguyên nhân này nên bị giết. Đồng Tử Quang Minh nay ở trong cung Vua, Nhà Vua như vậy là làm việc không lợi ích. Tôi sẽ rao việc này khắp nơi. Ông hãy tự tính toán, không nên để lại sự xấu hổ.

Trưởng giả Thiện Hiền nghe nói xong, lòng sinh buồn rầu, tự mình suy nghĩ: Như anh nói là thật, không phải dối. Nếu thật như vậy, ta thật xấu hổ.

Nghĩ rồi, liền đến cung Vua.

Đến rồi, cung kính quỳ lạy, đem việc ấy tâu Vua: Thưa Đại Vương! Tôi quả thật không nghĩ kỹ, Vua thật là cao tột. Nếu không đem được Đồng Tử Quang Minh về, e Vua bị chê bai.

Xin Vua cho tôi đem Đồng Tử này về.

Vua nói: Này trưởng giả! Lòng ta vốn không muốn giữ lấy Đồng Tử này. Do Phat Thế Tôn giao phó cho ta.

Nếu không phải Phật bảo, ta giữ lấy làm gì?

Nếu ông muốn đem Đồng Tử này về, nên đi đến chỗ Phật trình bày đầy đủ việc ấy.

Trưởng giả Thiện Hiền liền ra khỏi cung Vua, đến chỗ Phật, rồi bạch: Con có người thân từ xa về, bảo con: Đồng Tử Quang Minh ở nơi cung Vua, trong ngày này phải mau đem Đồng Tử về là tốt.

Nếu không, người ấy không hòa thuận với con, sẽ đến ngả tư đường hô lên: trưởng giả Thiện Hiền giết hại người nữ. Em tôi trước do nguyên nhân này mà chết. Đồng Tử Quang Minh nay ở trong cung Vua, lúc ấy Vua cũng không làm việc lợi ích. Con vì việc này nên đã đi đến cung Vua xin lại Đồng Tử.

Vua đáp: Trước kia do Phật bảo ta đem về nuôi dưỡng. Nay con đến đây xin Phật bảo Vua trao lại Đồng Tử cho con.

Đức Thế Tôn biết việc ấy, xem xét biết trưởng giả Thiện Hiền nếu không được Đồng Tử này, trong lòng bị khổ não thúc ép, không đạt được ý này chắc chắn sẽ nôn huyết mà chết.

Phật vì lòng thương rộng lớn làm việc cứu giúp, liền bảo Tôn Giả A Nan: Này A Nan!

Ông có thể đến cung Vua Tần Bà Sa La nói lại như lời của ta: Phật hỏi Đại Vương có được khoe không?

Nay có một việc xin Vua nghe lời Phật dạy: trưởng giả Thiện Hiền đến xin lại Đồng Tử Quang Minh. Xin Vua trao lại cho. Nếu trưởng giả Thiện Hiền không nhận được Đồng Tử, lòng bị buồn rầu thúc ép, ý này không đạt được, chắc chắn sẽ nôn huyết mà chết. Vua vì việc này, nên làm theo lời Phật dạy.

Tôn Giả A Nan vâng theo sự chỉ dạy của Phật, liền đến cung Vua Tần Bà Sa La, gặp Vua, rồi nói như lời Phật nói: Phật thăm hỏi Đại Vương có được khỏe không?

Nay có một việc xin Vua nghe lời Phật dạy: trưởng giả Thiện Hiền đến xin lại Đồng Tử Quang Minh. Xin Vua trao lại cho. Nếu trưởng giả Thiện Hiền không nhận được Đồng Tử, lòng bị buồn rầu thúc ép, ý này không đạt được, chắc chắn sẽ nôn huyết mà chết. Đại Vương vì việc ấy, nên trao Đồng Tử lại cho họ.

Bấy giờ, Vua Tần Bà Sa La vâng lời Phật dạy, liền nói: Tôn Giả Đại Đức! Xin trở về bạch Phật giúp con: Vua Tần bàsa la cúi đầu dưới chân Thế Tôn, kính lời thăm hỏi Thế Tôn, con xin vâng theo lời Phật dạy.

Tôn Giả A Nan ra khỏi cung Vua, trở về chỗ Phật, bạch Phật Thế Tôn đúng như lời Vua.

Lúc ấy, Vua Tần Bà Sa La liền kêu trưởng giả Thiện Hiền đến, rồi nói: Này Thiện Hiền! Đồng Tử ấy được nuôi dưỡng, giữ gìn trong cung Vua đã lâu. Tám bà mẹ chăm sóc, bú mớm theo từng lúc. Lòng ta thương yêu hơn là cha con. Tuy nay ta vâng lời Phật, trao lại cho ông, nhưng ông cũng sẽ theo như tâm ý của ta, mỗi ngày ba lần ông đưa Đồng Tử vào cung, ta muốn gặp nó.

Trưởng giả Thiện Hiền vâng lệnh Vua, liền tâu: Tôi vâng lệnh Vua, không dám làm trái. Mỗi ngày ba lần sẽ đưa đến cung Vua.

Vua Tần Bà Sa La liền lấy các thứ báu đẹp, trang nghiêm, vòng trang sức bằng ngà voi, để Đồng Tử Quang Minh cỡi voi báu, cho riêng một người hầu theo làm bạn đưa đến nhà trưởng giả Thiện Hiền. Sau đó, mỗi ngày ba lần, trưởng giả đưa Đồng Tử đến cung Vua, Vua tự mình xem kỹ, Đồng Tử Quang Minh làm việc gì đều theo như pháp lý.

Cho đến sau này, trưởng giả Thiện Hiền qua đời, Đồng Tử Quang Minh làm chủ nhà, tiếp nối sự nghiệp, lại chuyên cần, sáng suốt tin Phật, tin Pháp, tin Tỳ Kheo Tăng. Quy y Phật, Pháp, Tăng.

Ở nơi này, trước kia người cha là trưởng giả Thiện Hiền đã tạo nghiệp giết hại, nay trưởng giả Quang Minh vì cha tu làm việc phước. Trong nhà lúc nào cũng có đầy đủ bốn thứ để cúng dường, hầu Tăng chúng bốn phương. Cho đến vị lai, đối với người gom thu gìn giữ kho tàng chánh pháp của Thế Tôn, người cao tuổi đứng đầu trong các đại Thanh Văn, cũng luôn lo việc cung cấp, cúng dường các thứ.

Trưởng giả Quang Minh ở trong thành Vương Xá, tu các phước nghiệp như vậy, đều vì cha mà làm việc lợi ích.

Bấy giờ, có một khách buôn, trước là bạn cũ cùng buôn bán với Thiện Hiền, ở phương xa buôn bán lâu chưa về, nghĩ: Thiện Hiền hoàn toàn không làm nghiệp thiện. Nay lại nghe biết ông ta đã chết, có con tên Quang Minh. trưởng giả Quang Minh tin Phật, Pháp, Tăng, quy y Tam Bảo, làm việc đúng như lý.

Người khách buôn nghe việc này rồi nghĩ thương Thiện Hiền, vui mừng cho trưởng giả Quang Minh, liền đem hương tốt ngưu đầu chiên đàn, tạo ra cái bát lớn chứa đầy vật báu, từ phương xa sai người đem đến nói: Ý tôi mong mãi mãi làm kỷ niệm để nhớ không quên.

Khi ấy, trưởng giả Quang Minh liền đem câu Thần Chú ủng hộ cho họ.

Câu chú ấy là: Kế na tức tư thác dạ phược, thất thác dạ phược, yết lý ca thác kế na phược ngật lý hệ hằng.

Đọc chú này xong, lại nói: Bát báu này, hoặc Sa Môn, hoặc Bà La Môn, hoặc người có các thứ thần thông oai lực lớn sẽ nhận nó. Nếu được như vậy nên vui.

Chú nguyện rồi, liền mang bát ấy ra khỏi thành Vương Xá. Trước tiên trồng một cây trụ lớn ở bên trái đường, rồi trang sức dây lụa, trên lại treo chuông rung, để cái bát ở dưới cây làm dấu hiệu.

Bấy giờ có các ngoại đạo, như thường lệ, vào lúc sáng sớm, đi đến sông tắm rửa, lần lượt qua đường ấy, thấy bát báu này liền hỏi trưởng giả Quang Minh: Trưởng giả, ông đặt bát ở đây để làm gì?

Trưởng giả Quang Minh đem nguyên nhân nói lại cho các ngoại đạo, các ngoại đạo nói: Các vị Sa Môn Thích tử thanh tịnh, có thể nhận lãnh bát này, người không năng lực không thể nhận được.

Ngoại đạo nói rồi, theo đường mình mà đi.

Sau đó có các chúng Tỳ Kheo Đại đức cao tuổi, mang bát đi khất thực, vào thành Vương Xá, thấy bên trái đường có bát báu ấy, mới hỏi trưởng giả Quang Minh: Ông để bát ở đây làm gì?

Trưởng giả Quang Minh cũng đem nguyên nhân trả lời như trước.

Các Tỳ Kheo nói: Trưởng giả, bát báu này chúng tôi không thể nhận, nên đem dâng lên Phật để thêm lớn lợi lành, diệt các tội nhơ.

Các Tỳ Kheo nói vậy xong, theo đường mình mà đi.

Bấy giờ, Tôn Giả Thập Lực Ca Diếp đi đến chỗ để bát, thấy việc này rồi, nên đến nhà trưởng giả Quang Minh, hỏi trưởng giả: Ông để bát báu ở bên trái đường làm gì?

Trưởng giả Quang Minh đem nguyên nhân trước thưa với Tôn Giả.

Thập Lực Ca Diếp suy nghĩ: Ta nghe trước kia trưởng giả Thiện Hiền gây nghiệp giết hại vì tin ngoại đạo. Nay ở đây, trưởng giả Quang Minh lại làm việc phước, ta không nên bỏ bát này mà đi, phải hiện sức thần làm cho trưởng giả Quang Minh tròn đầy chí nguyện.

Nghĩ xong, liền dùng thần lực duỗi cánh tay phải, giống như lực sĩ co duỗi cánh tay, chỉ trong khoảnh khắc, lấy bát báu kia đem về chỗ mình.

Các Tỳ Kheo thấy Thập Lưc Ca Diếp mang bát báu đến, đều cùng thưa hỏi: Tôn Giả, ông được bát này ở đâu?

Thập Lực Ca Diếp đem việc trước nói lại cho các Tỳ Kheo. Các Tỳ Kheo thưa: Tôn Giả, ông vì bát này mà hiện thần lực, có đúng nghi pháp không?

Thập Lực Ca Diếp nói với các Tỳ Kheo: Ví như nghi pháp, hoặc không như nghi pháp, ta đã làm rồi, vậy biết làm sao đây?

Các Tỳ Kheo đem việc này bạch Phật.

Phật bảo các Tỳ Kheo: Nếu không đúng lúc, không đúng nơi và không lợi ích thì không được tự tiện hiện tướng thần lực. Hiện không đúng pháp sẽ sinh lỗi lầm.

***