Kinh Đại thừa
Phật Thuyết Kinh Nhân Vương Hộ Quốc Bát Nhã Ba La Mật đa
PHẬT THUYẾT
KINH NHÂN VƯƠNG HỘ QUỐC
BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bất Không, Đời Đường
PHẨM BỐN
PHẨM NHỊ ĐẾ
Bấy giờ, Vua Ba Tư Nặc bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Trong thắng nghĩa đế có thế Tục Đế không?
Nếu nói không thì trí ấy không phải hai.
Còn nếu nói có thì trí ấy không phải một.
Nghĩa một và hai, việc ấy như thế nào?
Phật dạy: Này Đại Vương! Trong pháp của Phật Long Quang Vương ở quá khứ ông đã hỏi nghĩa này. Nay ta không nói thì Đại Vương không nghe. Vậy không nói không nghe tức là một nghĩa, hai nghĩa. Ông hãy lắng nghe cho kỹ, vì ông ta sẽ nói.
Thế rồi Thế Tôn nói kệ:
Vô tướng thắng nghĩa đế
Thể chẳng ta người làm
Nhân duyên có như huyễn
Cũng chẳng ta người làm
Pháp tánh vốn vô tánh
Thắng nghĩa đế không như
Các pháp là như huyễn
Hợp ba giả mà có
Không, không đế thật không
Tịch tịnh thắng nghĩa không
Các pháp do duyên có
Nghĩa hữu vô như vậy
Hữu vô vốn là hai
Như trâu có hai sừng
Hiểu rõ thấy không hai
Nhị đế thường không vậy
Tâm hiểu thấy không hai
Cầu hai không thể được
Không nói hai là một
Một cũng không thể đắc
Hiểu rõ luôn từ một
Với đế luôn từ hai
Thấu đạt một hai này
Thể nhập thắng nghĩa đế
Thế đế huyễn hóa sanh
Ví như hoa hư không
Như ảnh, như mao luân
Do duyên nên huyễn có
Huyễn hóa thấy huyễn hóa
Ngu gọi huyễn là thật
Thuật gia thấy pháp huyễn
Thật huyễn đều không có
Nếu hiểu pháp như vậy
Là hiểu nghĩa một hai
Với tất cả các pháp
Nên quán sát như vậy.
Này Đại Vương! Đại Bồ Tát trụ vào thắng nghĩa đế để giáo hóa các hữu tình. Hữu tình và Phật là một không hai.
Vì sao?
Vì hữu tình và bồ đề cả hai đều là không. Vì hữu tình không, nên chứng đắc bồ đề cũng không. Vì Bồ Đề không, nên hữu tình không. Vì tất cả pháp không, nên không là không.
Vì sao?
Vì Bát Nhã là vô tướng, hai đế đều không. Nghĩa là từ vô minh đến nhất thiết trí không có tự tướng, không có tha tướng. Đối với đệ nhất nghĩa thấy mà không có chỗ thấy.
Nếu có tu hành cũng không chấp trước, mà không tu hành cũng không chấp trước, chẳng tu hành, chẳng phải không tu hành cũng không chấp trước.
Với tất cả pháp đều không chấp trước. Khi Bồ Tát chưa thành Phật thì cho bồ đề là phiền não. Khi Bồ Tát thành Phật thì phiền não là bồ đề.
Vì sao?
Vì Đệ nhất nghĩa không có hai. Chư Phật Như Lai và tất cả pháp đều như vậy.
Vua Ba Tư Nặc bạch Phật: Chư Phật và tất cả Bồ Tát cả mười phương vì sao không lìa văn tự để hành thật tướng?
Phật dạy: Này Đại Vương! Văn tự nghĩa là Khế Kinh, ứng tụng, khởi biệt, phúng tụng, tự thuyết, duyên khởi, thí dụ, bổn sự, bổn sanh, phương quảng, hy hữu và luận nghị.
Tất cả chương cú, văn tự, ngôn ngữ, âm thanh từ các Kinh trên nói ra đều như không phải phi thật tướng. Nếu chấp lấy tướng văn tự tức là phi thực tướng.
Này Đại Vương! Người tu thật tướng như tu văn tự. Thật tướng tức là mẹ trí của Chư Phật, là mẹ trí căn bản của tất cả hữu tình. Như vậy gọi là thể của nhất thiết trí. Chư Phật chưa thành Phật là mẹ trí của Phật hiện tại.
Chư Phật đã thành Phật tức là Nhất Thiết Trí. Khi chưa đắc là tánh, mà đắc rồi là trí. Bát Nhã của ba thừa không sanh, cũng không diệt, tự tánh nó thường trụ. Đây là giác tánh của tất cả hữu tình.
Nếu Bồ Tát không chấp trước văn tự, không lìa văn tự, không có tướng văn tự, chẳng phải không văn tự, có thể tu như vậy mà không thấy tướng tu. Đó gọi là người tu văn tự mà có thể đắc chơn tánh Bát Nhã. Đó là bát nhã Ba la mật đa.
Này Đại Vương! Đại Bồ Tát hộ trì quả Phật, hộ trì hạnh Thập Địa, ủng hộ giáo hóa hữu tình là như vậy.
Vua Ba Tư Nặc bạch Phật: Chơn tánh là một nhưng căn hạnh, phẩm loại hữu tình lại có vô lượng.
Vậy pháp môn là một hay vô lượng?
Đức Phật dạy: Này Đại Vương! Pháp môn chẳng phải một, cũng chẳng phải vô lượng.
Vì sao?
Vì sắc pháp và tâm pháp, tướng ngũ thủ uẩn, ngã nhơn tri kiến của các hữu tình có nhiều căn hạnh và vô biên phẩm loại. Pháp môn tùy theo căn cũng có vô lượng. Tánh của các pháp này chẳng phải tướng, chẳng phải vô tướng và chẳng phải vô lượng. Nếu Bồ Tát theo các hữu tình mà thấy một thấy hai tức là không thấy nghĩa một và hai. Nếu hiểu rõ chẳng phải một, chẳng phải hai tức là thắng nghĩa đế.
Nếu chấp lấy một và hai là có hoặc không tức là Tục Đế, cho nên pháp môn chẳng phải một, chẳng phải hai.
Này Đại Vương! Tất cả Chư Phật giảng nói bát nhã Ba la mật đa và hôm nay ta giảng nói bát nhã Ba la mật đa không có hai, không khác.
Đại chúng các ông nên thọ trì đọc tụng, lời nói đi đôi với sự tu hành. Đó là thọ trì pháp của Chư Phật.
Này Đại Vương! Bát nhã Ba La Mật Đa này có vô lượng công đức. Nếu có hằng hà sa bất khả thuyết Chư Phật thì mỗi mỗi Đức Phật ấy giáo hóa vô lượng bất khả thuyết hữu tình. Mỗi hữu tình ấy đều chứng thành Phật. Chư Phật này lại giáo hóa vô lượng bất khả thuyết hữu tình đều thành Phật.
Bát Nhã Ba La Mật Đa mà Chư Phật ấy giảng nói có vô lượng bất khả thuyết na du đa ức kệ, nói không cùng tận. Trong các bài kệ lại lấy một bài kệ, một bài kệ chia ra ngàn phần, lại trong ngàn phần mà chỉ nói một phần.
Công đức của ý nghĩa trong một câu ấy còn vô cùng tận, huống chi tất cả công đức của vô lượng ý nghĩa của câu như vậy.
Nếu có người nào với Kinh này mà sanh một tâm niệm với niềm tin thanh tịnh, người này vượt ra khỏi sanh tử khổ nạn trong trăm kiếp ngàn kiếp, trăm ngàn vạn kiếp, huống chi ghi chép, thọ trì, đọc tụng, giảng nói cho người thì công đức đạt được sánh bằng tất cả Chư Phật trong mười phương.
Nên biết, người này được Chư Phật hộ niệm, không bao lâu sẽ chứng Vô Thượng Bồ Đề. Khi Đức Phật nói pháp này, có mười ức người đắc tam không nhẫn, một trăm vạn ức người đắc đại không nhẫn, vô lượng Bồ Tát được trụ vào mười địa.
***