Kinh Đại thừa
Phật Thuyết Kinh Nhân Vương Hộ Quốc Bát Nhã Ba La Mật đa
PHẬT THUYẾT
KINH NHÂN VƯƠNG HỘ QUỐC
BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bất Không, Đời Đường
PHẨM HAI
PHẨM QUÁN NHƯ LAI
Bấy giờ, Thế Tôn ra khỏi tam muội, ngồi nơi Tòa Sư Tử, Ngài dạy đại chúng:
Như Lai biết mười sáu vị đại Quốc Vương đều nghĩ như vậy: Thế Tôn đại bi làm cho tất cả đều được lợi ích an lạc.
Các Vua chúng ta phải giữ gìn đất nước như thế nào?
Này Thiện Nam Tử! Trước tiên vì các Đại Bồ Tát, Ta sẽ nói về việc giữ gìn quả Phật, giữ gìn hạnh Thập Địa. Các ông phải lắng nghe cho rõ, lắng nghe cho thật kỹ, ghi nhớ đúng về việc ấy.
Nghe Đức Phật nói như vậy, cả đại chúng, Vua Ba Tư Nặc… đều cùng nhau khen ngợi rằng: Lành thay! Lành thay! Rồi tất cả rải vô lượng hoa báu thơm đẹp, hoa ấy biến thành lọng báu lơ lửng giữa hư không, che khắp cả đại chúng và bao khắp mọi nơi.
Khi ấy, Vua Ba Tư Nặc đứng dậy đảnh lễ sát hai chân Đức Phật, chấp tay quỳ dài bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát giữ gìn quả Phật như thế nào?
Giữ gìn hạnh Thập Địa như thế nào?
Đức Phật dạy Vua Ba Tư Nặc: Giữ gìn quả Phật nghĩa là Đại Bồ Tát nên trụ như vậy: Giáo hóa tất cả loài noãn sanh, thai sanh, thấp sanh và hóa sanh, không quán sắc tướng, không quán sắc, với thọ tưởng hành thức cũng như vậy.
Hiểu biết ngã nhân, thường lạc ngã tịnh, bốn nhiếp pháp, sáu độ, hai đế, bốn đế, lực, vô úy v.v… tất cả các hạnh cho đến Bồ Tát, Như Lai cũng đều như vậy, không quán tưởng, không quán Như.
Vì sao?
Vì tánh của các pháp là chân thật, nó không đến không đi, không sanh không diệt, đồng đẳng với chân tế, pháp tánh không có hai, không riêng biệt, nó như hư không, tướng uẩn xứ giới không có ngã, không có ngã sở. Đó là Đại Bồ Tát tu hành bát nhã Ba la mật đa.
Vua Ba Tư Nặc thưa Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu tánh của Bồ Tát và chúng sanh không có hai thì Bồ Tát lấy tướng gì để giáo hóa chúng sanh?
Phật dạy: Này Đại Vương! Sắc, thọ, tưởng, hành, thức là thường, lạc, ngã, tịnh. Pháp tánh không trụ vào sắc, không trụ vào phi sắc. Thọ, tưởng, hành, thức là thường, lạc, ngã, tịnh. Không trụ vào tịnh, cũng không trụ vào phi tịnh.
Vì sao?
Vì tánh của các pháp đều là không, do thế đế, do tạm giả mà có. Tất cả hữu tình và pháp uẩn xứ giới, tạo phước chẳng phải phước và bất động hành, do nhân quả mà có. Các hạnh của Thánh Hiền Tam Thừa đã tu cho đến quả Phật đều nói là có. Sáu mươi hai kiến cũng gọi là có.
Này Đại Vương! Nếu chấp trước vào danh tướng để phân biệt các pháp hành của sáu cõi, bốn sanh, ba thừa tức là không thấy được thật tánh của các pháp.
Vua Ba Tư Nặc thưa Phật: Bạch Thế Tôn! Thật tánh của các pháp là thanh tịnh, bình đẳng, phi hữu, phi vô.
Vậy trí chiếu như thế nào?
Phật dạy: Này Đại Vương! Trí chiếu thật tánh phi hữu phi vô.
Vì sao?
Vì pháp tánh là không. Tức là sắc thọ tưởng hành thức, mười hai xứ, mười tám giới, sáu cảnh giới của phàm phu, mười hai nhân duyên, hai đế, bốn đế, tất cả đều không. Các pháp ấy sanh rồi diệt, có rồi không, trong từng sát na cũng như vậy.
Vì sao?
Vì trong một niệm có chín mươi sát na. Mỗi sát na trải qua chín trăm lần sanh diệt. Vì các pháp hữu vi đều là không.
Nhờ bát nhã Ba la mật đa thâm sâu nên chiếu thấy tất cả các pháp đều không, nội không, ngoại không, nội ngoại không, không không, đại không, thắng nghĩa không, hữu vi không, vô vi không, vô thủy không, cứu cánh không, tánh không, bản tánh không, tự tướng không, tất cả pháp không, bát nhã Ba la mật đa không, nhân không, quả Phật không, không không nên không.
Các pháp hữu vi do pháp tập hợp nên có, thọ tập hợp nên có, danh tập hợp nên có, nhân tập hợp nên có, quả tập hợp nên có, sáu cõi nên có, mười địa nên có, quả Phật có, tất cả đều có.
Này Thiện Nam Tử! Nếu Bồ Tát trụ vào tướng của pháp mà có tướng ngã, tướng nhân, là sự hiểu biết của hữu tình, là vướng vào thế gian nên chẳng phải Bồ Tát.
Vì sao?
Vì tất cả các pháp đều không. Nếu đối với các pháp mà đắc bất động, không sanh không diệt, vô tướng, không phải vô tướng thì không nên khởi kiến chấp.
Vì sao?
Vì tất cả pháp đều là như. Phật, pháp, Tăng cũng như. Trong một niệm đầu tiên khi Thánh trí hiện tiền thì có đầy đủ tám vạn bốn ngàn Ba La Mật Đa, gọi là hoan hỷ địa, diệt sạch các chướng, được giải thoát. Vận chuyển gọi là thừa. Khi tướng động diệt thì gọi là Kim Cang định, tướng lễ bình đẳng gọi là trí nhất thiết trí.
Này Đại Vương! Văn tự, chương cú của bát nhã Ba la mật đa này trăm Đức Phật, ngàn Đức Phật, trăm ngàn vạn ức Đức Phật đều cùng nói.
Nếu có người đem bảy báu trong cả hằng hà sa Ba Ngàn đại thiên Thế Giới để bố thí, làm cho tất cả hữu tình trong đại thiên Thế Giới đều chứng quả A La Hán.
Không bằng người đối với Kinh này dù chỉ khởi lên một niệm với lòng tin thanh tịnh, huống chi người thọ trì, đọc tụng, hiểu một câu.
Vì sao?
Vì lìa tánh văn tự, không có tướng văn tự, chẳng phải pháp, chẳng phải phi pháp. Vì Bát Nhã là không, nên Bồ Tát cũng không.
Vì sao?
Vì trong mười địa, địa nào cũng đều có mới bắt đầu sanh, hiện đang sanh, cho đến chấm dứt sự sanh. Như vậy, ba mươi sanh đều là không. Trí nhất thiết trí cũng đều không.
Này Đại Vương! Nếu Bồ Tát thấy có cảnh giới, thấy trí tuệ, thấy nói, thấy thọ trì thì chẳng phải sự thấy của bậc Thánh mà đó là sự thấy của phàm phu. Quả báo của hữu tình ba cõi là hư vọng.
Các nghiệp ở Cõi Dục do phân biệt đã tạo ra, các nghiệp của bốn tịnh lự định ở Cõi Sắc đã tạo ra, các nghiệp của bốn không định ở Cõi Vô Sắc đã tạo ra, tất cả nghiệp quả của ba cõi đều là không.
Căn bản vô minh của ba cõi cũng không. Các địa của bậc Thánh là sanh diệt vô lậu. Ở trong ba cõi huân tập các vô minh khác, quả báo có thay đổi cũng đều là không.
Bồ Tát ngôi Đẳng Giác chứng đắc Kim Cang định, nhơn quả của hai trường hợp chết là không, nhất thiết trí cũng không. Phật vô thượng giác với các trí đã viên mãn. Trạch, phi trạch diệt chơn tịnh pháp Giới, tánh tướng bình đẳng, ứng dụng cũng không.
Này Thiện Nam Tử! Nếu có người tu tập bát nhã Ba la mật đa, người nói, người nghe. Ví như nhà ảo thuật không nói, không nghe. Pháp đồng với pháp tánh giống như hư không. Tất cả đều là Như.
Này Đại Vương! Đại Bồ Tát giữ gìn quả Phật là như vậy.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Vua Ba Tư Nặc: Ông đem tướng gì để quán Như Lai?
Vua Ba Tư Nặc thưa: Quán thật tướng của thân thì quán Phật cũng như vậy, không có khoảng trước, không có khoảng sau, không có khoảng giữa, không trụ vào ba khoảng, không lìa ba khoảng, không trụ vào năm uẩn, không trụ vào bốn đại, không lìa bốn đại, không trụ vào sáu xứ, không lìa sáu xứ.
Không trụ vào ba cõi, không lìa ba cõi, không trụ vào phương hướng, không lìa phương hướng. Minh và vô minh đồng đẳng, chẳng phải một, chẳng phải khác, chẳng phải đây, chẳng phải kia, chẳng thanh tịnh, chẳng ô uế, chẳng phải hữu vi.
Chẳng phải vô vi, chẳng phải tướng mình, chẳng phải tướng người, không danh, không tướng, không mạnh, không yếu, không chỉ dạy, không nói, chẳng bố thí, chẳng xan tham, chẳng giữ giới, chẳng phạm.
Chẳng nhẫn nhục, chẳng sân giận, chẳng tinh tấn, chẳng biếng nhác, chẳng định, chẳng loạn, chẳng trí tuệ, chẳng ngu si, chẳng đến, chẳng đi, chẳng vào, chẳng ra, chẳng phải ruộng phước, chẳng phải không ruộng phước, chẳng phải tướng.
Chẳng phải vô tướng, chẳng nắm bắt, chẳng xả bỏ, chẳng lớn, chẳng nhỏ, chẳng thấy, chẳng nghe, chẳng hay chẳng biết, diệt hết nơi hoạt động của tâm, dứt hẳn đường ngôn ngữ, pháp tánh đồng với chân tế. Con dùng tướng như vậy để quán Như Lai.
Phật dạy: Này Thiện Nam Tử! Đúng như lời ông đã nói, các lực, vô úy,… hằng hà sa công đức, các pháp bất cộng của Chư Phật Như Lai đều như vậy. Người nào tu tập bát nhã Ba la mật đa nên quán như vậy. Nếu quán khác đi thì gọi là tà quán.
Khi Đức Phật nói pháp này có vô lượng đại chúng đắc pháp nhãn tịnh.
***