Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Nhất Thiết Pháp Cao Vương

PHẬT THUYẾT KINH

NHẤT THIẾT PHÁP CAO VƯƠNG

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
 

PHẦN MỘT
 

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Đức Thế Tôn cùng với một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ Kheo, đến thành Vương Xá, trụ ở rừng trúc Ca Lan Đà. Các vị Tỳ Kheo này, trước kia, đều là những Phạm Chí bện tóc, như là Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp, tất cả đều là Đại A La Hán, các lậu đã sạch, không còn phiền não, tâm được tự tại, khéo đạt được tâm giải thoát, tuệ giải thoát, là bậc rồng lớn trong loài người.

Những việc cần làm đã làm xong, lìa bỏ các gánh nặng, được lợi mình, dứt hẳn các ràng buộc của phiền não, tâm được chánh trí, giải thoát tất cả, tâm được tự tại, đến bờ bên kia trước nhất.

Bấy giờ, vào ngày rằm trăng tròn, Thế Tôn ngồi bố tát ở giữa đất trống, các Tỳ Kheo vây quanh cung kính cúng dường. Ở đó, lại có một Tỳ Kheo khác, chỉ trong một ngày được xuất gia, thọ giới, đến chỗ Thế Tôn. Đến chỗ Thế Tôn rồi, đem đầu mặt lễ sát chân Phật và đi nhiễu ba vòng.

Nhiễu ba vòng rồi, chắp tay hướng về Phật, thưa: Bạch Thế Tôn! Con mới xuất gia có một ngày, lại được thọ giới sáng nay. Cúi xin Thế Tôn chỉ dạy cho con.

Con ở trong Tăng Chúng, phải thọ thực thế nào?

Trong Tăng thọ thực rồi, làm sao có thể tiêu, những vật thọ thực đã thọ thực rồi, làm sao có thể tiêu của người cho?

Lại nữa, người thiện nam tin vào nghĩa gì mà bỏ nhà xuất gia để được lợi ích?

Vị Tỳ Kheo lạ kia, dùng kệ thưa Phật:

Con mới đi xuất gia

Sáng nay được thọ giới

Cúi xin Phật dạy cho

Làm sao tiêu thức ăn.

Nghĩa nào bỏ được nhà

Xuất gia vào Phật Pháp

Xin Phật nói thắng nghĩa

Sao tiêu của người cho?

Như Lai đáp Tỳ Kheo kia: Tỳ Kheo nên biết! Nếu Tỳ Kheo thành tựu được ba pháp, xứng đáng thọ thực ở trong Tăng. Ăn rồi tiêu được của người cho. Thiện Nam kia tin nghĩa gì mà bỏ nhà xuất gia, để được lợi ích.

Những gì là ba?

Tỳ Kheo nên biết! Gia nhập Chúng Tăng, làm việc Chúng Tăng và tương ưng với lợi dưỡng của Chúng Tăng. Tỳ Kheo nào thành tựu ba pháp này, đáng được thọ thức ăn của Chúng Tăng.

Ăn rồi sẽ tiêu của đã ban cho.

Thiện nam kia tin vào ý nghĩa gì mà bỏ nhà xuất gia được lợi ích lớn?

Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ:

Người gia nhập Chúng Tăng

Hành động như Chúng Tăng,

Tương ưng theo lợi dưỡng

Tiêu được của ban cho.

Phật thuyết như vậy rồi.

Tỳ Kheo kia lại bạch: Bạch Thế Tôn! Thế Tôn nói sơ lược nghĩa như vậy, con không hiểu rõ.

Bạch Thế Tôn! Tỳ Kheo thế nào, mới được gọi là gia nhập Chúng Tăng, hành động Chúng Tăng và tương ưng với lợi dưỡng Chúng Tăng?

Khi ấy, Tỳ Kheo dùng kệ bạch Như Lai:

Thế nào nhập Chúng Tăng?

Thế nào hành động Tăng?

Thế nào lợi Chúng Tăng?

Xin Phật dạy con rõ.

Phật bảo: Này Tỳ Kheo! Hãy lắng nghe! Lắng nghe! Hãy khéo suy nghĩ. Ta sẽ vì ông thuyết giảng rộng rãi về gia nhập Chúng Tăng, hành động Chúng Tăng và lợi ích của Chúng Tăng.

Tỳ Kheo bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Con rất muốn nghe.

Phật nói: Tỳ Kheo! Được gọi là Tăng, phải có bốn hạnh, bốn sự chứng đắc, gồm tám vị. Đó gọi là Tăng, xứng đáng được thọ lãnh sự cung kính, cúng dường của Trời, Người ở thế gian là ruộng phước cao tột.

Khi ấy Thế Tôn nói kệ:

Có bốn hạnh, bốn đắc

Gồm tất cả tám vị

Mới được gọi là Tăng

Hưởng ruộng phước cao tột.

Tỳ Kheo bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Con chưa biết hành động của Chúng Tăng là gì?

Phật nói: Tỳ Kheo! Đó là bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy phần bồ đề và tám phần Thánh đạo. Tỳ Kheo nên biết, đó là hành động của tăng.

Rồi Thế Tôn nói kệ:

Nếu thường siêng tu tập

Tám Thánh đạo vắng lặng

Tu đạo được như vậy

Là hành động theo Tăng.

Tỳ Kheo bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Con chưa biết lợi dưỡng của Chúng Tăng là thế nào?

Phật nói: Tỳ Kheo! Lợi dưỡng Chúng Tăng là bốn quả Sa Môn.

Những gì là bốn?

Nghĩa là quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán.

Tỳ Kheo nên biết! Đấy gọi là lợi dưỡng của Tăng.

Rồi Thế Tôn nói kệ:

Người lớn được lợi lớn

Một người ở trong Tăng

Được bốn quả Sa Môn

Tiêu được của ban cho.

Phật nói như vậy rồi, Tỳ Kheo kia lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Như lời Thế Tôn nói, Tỳ Kheo gia nhập Chúng Tăng, hành động Chúng Tăng và tương ưng với lợi dưỡng Chúng Tăng, Tỳ Kheo như vậy, có thể tiêu được thức ăn của người khác. Đồ thọ thực, đã thọ thực rồi, có thể tiêu được vật của người khác cúng dường.

Thiện Nam kia tin nghĩa gì mà bỏ nhà xuất gia, được lợi ích như vậy?

Bạch Thế Tôn! Người nào mong cầu vào trí của nhất thiết trí, mà bỏ nhà xuất gia.

Con chưa hiểu, bạch Thế Tôn! Người đó gia nhập vào Chúng Tăng, nhưng không hành động như Chúng Tăng và không được lợi dưỡng của Tăng chứ?

Phật nói: Tỳ Kheo! Lành thay, lành thay! Ông khéo suy nghĩ. Ông hỏi rất hay. Ông giỏi biện tài mới có thể hỏi Như Lai nghĩa như vậy, làm lợi ích cho nhiều người, an vui cho nhiều người, làm nhiều điều lợi ích cho nhiều người. Ông nay vì thương xót sự lợi ích an vui ở thế gian, vì thương xót Trời, Người nên hỏi như vậy.

Theo lời ông hỏi: Nếu người nào mong cầu vào trí nhất thiết trí mà bỏ nhà xuất gia.

Người ấy nhập Chúng Tăng mà không hành động theo Chúng Tăng và không được lợi dưỡng theo Chúng Tăng phải không?

Lời hỏi như vậy, ta sẽ vì ông thuyết giảng.

Tỳ Kheo nên biết! Người kia không gia nhập Chúng Tăng, chẳng hành động như Tăng, không được tương ưng lợi dưỡng như Chúng Tăng.

Bấy giờ Thế Tôn nói kệ:

Người mong cầu Bồ Đề

Không gia nhập Chúng Tăng

Không tu nghiệp Chúng Tăng

Chẳng tương ưng lợi dưỡng.

Khi Phật nói như vậy rồi, Tỳ Kheo kia bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Con chưa hiểu chúng sinh nào, không gia nhập Chúng Tăng, chẳng hành động như Tăng, chẳng tương ưng lợi dưỡng Chúng Tăng.

Bạch Thế Tôn! Vì sao lại cho phép, để người ấy xuất gia, cho phép thọ thức ăn Chúng Tăng, thì làm sao người ấy tiêu của ban cho?

Phật bảo: Tỳ Kheo! Ông hãy dừng lại. Chớ hỏi như vậy, không cần hỏi điều đó.

Vì sẽ có Tỳ Kheo khác lại hỏi: Bạch Thế Tôn! Nếu có Tỳ Kheo nào không gia nhập Chúng Tăng, chẳng hành động như Tăng, chẳng tương ưng lợi dưỡng Chúng Tăng, thì làm sao tiêu của ban cho.

Khi ấy, Thế Tôn lại bảo: Tỳ Kheo! Không cần hỏi điều này?

Lại có Tỳ Kheo khác nữa, cũng hỏi đến lần thứ ba: Bạch Thế Tôn! Nếu có Tỳ Kheo nào không gia nhập Chúng Tăng, chẳng hành động như Tăng, chẳng được tương ưng lợi dưỡng Chúng Tăng, thì làm sao tiêu của ban cho?

Thế Tôn dùng lòng ân cần cũng hỏi lại Tỳ Kheo kia ba lần, rồi phóng tướng ánh sáng trắng giữa chặng mày, chiếu khắp tam thiên đại thiên Thế Giới. Ánh sáng rực rỡ, biến khắp nơi che khuất núi sông vách đá. Chỉ thấy có ánh hào quang đó tỏa khắp tam thiên đại thiên Thế Giới. Chúng sinh trong biển của tam thiên đại thiên Thế Giới này, gồm có cá kình, cá voi, rùa… từ xưa chưa từng thấy.

Nay đã thấy ánh hào quang rồi, đều sinh lòng kính sợ. Trong biển của tam thiên đại thiên Thế Giới này còn có Rồng, Rồng nữ, A Tu La, A Tu La nữ, Ca Lầu La, Ca Lầu La Nữ, từ xưa cũng chưa từng thấy. Khi thấy ánh hào quang rồi, đều sinh lòng kinh sợ.

Ánh hào quang như thế cũng chiếu đến bốn Cõi Trời Thiên Vương, Cõi Trời Tam Thập Tam, Trời Diệm Ma, Trời Đâu Suất, Trời Hóa Lạc, Trời Tự Tại, Trời Phạm Thân, Trời Phạm Phụ, Trời Phạm Chúng, Trời Đại Phạm, Trời Quang Minh.

Trời Thiểu Quang, Trời Vô Lượng Quang, Trời Thiên Quang Âm, Trời Tịnh, Trời Thiểu Tịnh, Trời Vô Lượng Tịnh, Trời Tịnh Quảng Quả, Trời Bất Phiền, Trời Bất Nhiệt, Trời Thiện Kiến, Trời Thiện Hiện, Trời A Ca Ni Tra, cho đến trời Phi tưởng Phi Phi Tưởng Xứ. Có hơn ngàn Thiên Tử, đều thấy ánh hào quang của Phật.

Tất cả đều đến chỗ Phật, cho đến tam thiên đại thiên Thế Giới, trời Tứ Thiên Vương, lần lượt đến các Cõi Trời Tịnh xứ, tất cả đều một lòng đến chỗ Phật. Đến chỗ Phật rồi, cung kính tôn trọng, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, chắp tay hướng Phật và trụ ở trong hư không.

Khi ấy, lại có nhiều chúng Tỳ Kheo du hành trong nhân gian, thấy ánh hào quang cũng bèn đến chỗ Phật. Đến chỗ Phật rồi, cúi đầu đảnh lễ sát chân, nhiễu bên phải ba vòng, hết lòng suy nghĩ đúng đắn, ngồi xuống một bên.

Lại có Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, đã thấy hào quang, cũng bèn đến chỗ Phật. Đến chỗ Phật rồi, cúi đầu đảnh lễ sát chân, nhiễu bên phải ba vòng, một lòng nhớ nghĩ chân chánh, ngồi xuống một bên.

Lại có tam thiên đại thiên Thế Giới, các loài Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Người và không phải người cũng đều thấy hào quang, cũng đến chỗ Phật. Đến chỗ Phật rồi, cúi đầu đảnh lễ sát chân, nhiễu phải ba vòng, một lòng nhớ nghĩ ngay thẳng, ngồi xuống một bên.

Lúc bấy giờ, Tuệ mạng Xá Lợi Phất từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa y phục một bên, gối phải quỳ sát đất, chắp tay hướng về Phật, bạch: Bạch Thế Tôn! Rất nhiều Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di đều đến tập họp ở đây.

Nhiều Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lầu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Người và không phải người, Bốn Đại Thiên Vương, Cõi Trời Tam Thập Tam, Dạ Ma, Đâu Suất, Hóa Lạc, Tự Tại Và Trời Phạm Thiên, Cho Đến Vô Lượng Tịnh Xứ, Tịnh Thân. Có hơn ngàn Thiên Tử, thấy ánh hào quang của Phật cũng đều đến tập họp.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Thế Tôn phóng hào quang giữa chặn mày, xin Thế Tôn vì con, giải thích.

Rồi Tuệ mạng Xá Lợi Phất dùng kệ, hỏi Phật:

Hơn số ngàn chúng sinh

Cả ức na do tha

Đều thấy hào quang Phật

Nên đến chỗ Thế Tôn.

Thế Tôn, vì cớ gì

Lại do nhân duyên gì

Mà ngàn ức chúng sinh

Đến tập họp nơi đây?

Thế Tôn biết nghĩa này

Vì sao họ đến đây

Xin Đại Sư thương xót

Vì con mà giải thích.

Phật bảo Tuệ mạng Xá Lợi Phất: Xá Lợi Phất! Có người mới xuất gia, trong một ngày lại được thọ giới Tỳ Kheo.

Hỏi: Nếu có Tỳ Kheo nào tu hành hạnh đại thừa, chuyên tâm mong cầu trí nhất thiết trí, người đó làm thế nào thọ thực thức ăn của Chúng Tăng mà có thể tiêu được của ban cho?

Xá Lợi Phất! Nay ta muốn trả lời câu hỏi của Tỳ Kheo kia. Vì lý do đó, nên vô lượng ngàn ức chúng sinh mới tập họp đến đây.

Tuệ mạng Xá Lợi Phất bạch Phật: Cúi xin Đức Thế Tôn! Cúi xin Đấng Thiện Thệ! Xin trả lời câu hỏi này.

Phật nói: Xá Lợi Phất! Nếu ta thuyết nghĩa này sẽ có người mê muội.

Vì sao?

Xá Lợi Phất! Vì tất cả Bậc Đại Long là không thể nghĩ bàn được. Dù bậc có thần thông lớn, rống tiếng sư tử lớn, cũng không thể nghĩ bàn, tiếng rống của sư tử không thể nghĩ bàn, bậc đại pháp của chúng sinh cũng không thể nghĩ bàn. Ở đây chẳng phải tất cả phàm phu ngu si, Thanh Văn, Duyên Giác đều có thể tin hiểu. Cho nên ông hỏi ba lần. Ta đều im lặng không đáp nghĩa này là vậy.

Tuệ mạng Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Trong hội này có Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lầu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Người và không phải người đều tin nghĩa này. Cúi xin Thế Tôn vì lợi ích những vị này mà giải đáp câu hỏi của con.

Phật bảo: Xá Lợi Phất! Khi thuyết nghĩa này chúng sinh sẽ mê mờ.

***