Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Nhu Thủ Bồ Tát Vô Thượng Thanh Tịnh Phân Vệ

PHẬT THUYẾT

KINH NHU THỦ BỒ TÁT

VÔ THƯỢNG THANH TỊNH PHÂN VỆ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Tường Công, Đời Tống
 

PHẦN BA
 

Lúc ấy, Bồ Tát Nhu Thủ vì Bồ Tát Long Thủ mà nói: Vì sao?

Này thiện nam! Bồ Tát ấy do hạnh không chấp mà được nhập vào pháp nhẫn chăng?

Đáp: Này Bồ Tát Nhu Thủ! Nếu có Bồ Tát đã tưởng niệm về chỗ hướng đến thì chấp vào hành và nói: Tôi hiểu biết sâu rộng, cho rằng mình thông đạt hiểu rõ pháp nhẫn, tôi đã đạt được đạo… người nói những lời ấy đều chấp vào hành.

Bồ Tát Nhu Thủ lại hỏi: Bồ Tát tu hành như thế nào để đạt được đạo?

Đáp: Đối với các pháp đều không có chỗ hội nhập, không nhớ nghĩ các pháp, biết rõ các pháp là không, các pháp ấy dựa vào nhân duyên, vốn là không, đều là không thật có. Hạnh Bồ Tát này ứng hợp với đạo nhẫn. Hạnh này là không có chỗ thực hành, như người ngủ say, hành động trong mộng.

Bồ Tát Long Thủ lại nói: Nhưng người mộng, không đi đến đâu cũng không có sự đi, cũng không có đi đến, không đứng ngồi. Người này khi tỉnh mộng rồi thì hiểu tin rằng mộng không thật nên không còn nắm giữ, không xả bỏ, hoàn toàn không chấp trước, không ảnh tượng, không hình tướng, không xứ sở cũng không thật có, nó như hư không.

Này Bồ Tát Nhu Thủ, hạnh của Bồ Tát nên không có chỗ nắm giữ, cũng không có nẻo nhập, giống như hư không, vốn là không, không hành động hý luận. Đây là ruộng phước vô thượng của đời, đáng thọ nhận tất cả sự cúng dường mới làm Bậc Đạo Sư vô lượng, là ruộng phước tối thắng, là ứng hợp với hạnh pháp nhẫn tối thượng.

Đại chúng trong hội vui mừng cung kính, đều cầm hoa báu để rải trên Bồ Tát Nhu Thủ, chiêm ngưỡng vui mừng vô cùng.

Bấy giờ Bồ Tát Long Thủ nói với Bồ Tát Nhu Thủ: Nhân Giả, chúng ta nên đi vào thành để khất thực.

Bồ Tát Nhu Thủ đáp: Vâng, Nhân Giả hãy đi. Khi đã khất thực, các vị ấy đều vô niệm, giơ chân lên bỏ chân xuống, bước đi đều vô niệm. Dù có lay động cũng không chỗ, không trụ và cũng không đi, không co không duỗi, vô tâm vô niệm, không có chỗ bước đi, đi không có chỗ tưởng, cũng không có tưởng về thành.

Không có tưởng trên đường đi, lại cũng không có tưởng về thành vách, xóm làng, xã huyện, cũng không có dặm đường ngõ ngách, không có tưởng về nhà ở, cũng không có niệm về cửa ngõ, không nghĩ về nam nữ, cũng không có tưởng về huyễn hóa, đều không có tâm tưởng về hành nên là vô niệm.

Vì sao?

Vì pháp hành ấy là như vậy, cũng không có chỗ chấp trước, không màu sắc, không ảnh tượng, không sinh không diệt, đều không có các tưởng. Như vậy, này Hành giả đó chính là khất thực vô thượng của Bồ Tát, là đạo hạnh cốt yếu thanh tịnh vắng lặng.

Khi ấy, Đại Bồ Tát Long Thủ bỗng nhiên ở chỗ ấy nhập định tam muội chánh thọ như biển đức của định ấy thì ví như biển lớn vắng lặng không lăn tăn, trong vắt chỉ có thuần một vị, đáy biển sâu rộng không thể đo lường, ngọc báu anh lạc có đầy khắp nơi, mà biển thì sâu rộng mênh mông bao la, hàm chứa vạn vật to lớn rộng rãi, không bờ không bến, nước lớn tràn đầy.

Các đức ấy làm cho thần, rồng đều cư ngụ ở đó, là chỗ nuôi lớn thể chất của chúng sinh.

Như vậy, này Bồ Tát Long Thủ! Các Bồ Tát nhờ nơi tam muội chánh định như biển ấy, đã trụ vào yếu chỉ đó không thể lay động.

Này Bồ Tát Long Thủ! Khi Bồ Tát dùng biển Pháp Thân thâu tóm tất cả đạo mầu, trí tuệ và ba mươi bảy phẩm trợ đạo, khắp mười phương đều nương vào đó mà trưởng thành, ứng hợp với pháp vi diệu vô thượng. Vì không lay động, không còn lời nói về sự hành hóa, nên biết người như vậy thì đạt được địa định hành không còn thoái chuyển.

Bấy giờ, Bồ Tát Diệu Tâm muốn làm lay động chỗ ngồi Tam Muội chánh định như biển của Đại Sĩ Long Thủ nhưng dùng hết thần lực vẫn không thể lay động được. Khi ấy, Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới đều chấn động sáu cách mà thân của Bồ Tát Long Thủ và chỗ ngồi cũng không có lay động.

Vì sao?

Vì Bồ Tát Long Thủ ấy đã an trụ không lay động, an trụ vào không nơi chốn, trụ đều là không thật có, trụ không có tưởng niệm, trụ không có hý luận nơi hành, trụ không tranh cãi, trụ không có ngôn từ, trụ không có chỗ trụ. Đó gọi là trụ của đạo.

Bấy giờ, Đại Bồ Tát Long Thủ từ định xuất ra, cung kính hướng về Đức Như Lai, không sự chấp trước, bình đẳng Chánh Giác, mưa xuống hoa Câu văn rải khắp Đức Thế Tôn và tán thán: Xin quy y với Đức Phật Thiên Trung Thiên, khiến cho tất cả các hội Bồ Tát.

Các chúng Đại Sĩ, các Đại Thiên tôn quý và rồng, Quỷ Thần trong mười phương đều đến nghe pháp như vậy, giảng nói trí tuệ vi diệu sâu xa, yếu chỉ vô thượng, vì không lệ thuộc, chấp trước, không giảng nói về luân hồi, vì vốn là không, vắng lặng rộng lớn.

Khi ấy, Bồ Tát Diệu Tâm nói với Bồ Tát Long Thủ: Nhân Giả có biết mặt đất chấn động sáu cách không?

Bồ Tát Long Thủ đáp: Này thiện nam! Người có động thì mới biết là mặt đất chấn động. Lại vì chấn động bốn phía trên dưới, tuy biết nó động nhưng lại bất động.

Lại nữa, như Chư Phật Thế Tôn, Đại Bồ Tát, vị không thoái chuyển, cả thế gian trong khắp mười phương cũng đều chuyển động, nhưng đâu có thể làm lay động chỗ tôn quý ấy. Xem xét các chúng Thanh Văn, Duyên Giác, … họ tuy đã lìa động nhưng chưa hiểu rõ vốn là không, đang ở nơi đất của sự chuyển động mà tự cho rằng là không động.

Nếu biết rõ vốn là không, đang ở nơi đất thì đối với các pháp vĩnh viễn không còn lay động, không niệm không chấp. Như vậy này Diệu Tâm, Bồ Tát đó dùng hạnh không, vô tướng, vô nguyện đối với pháp cốt yếu thanh tịnh không có lay động. Đó mới chính là hoàn toàn vắng lặng an ổn không lay động.

Nhu Thủ lại hỏi Bồ Tát Long Thủ: Có thể đi vào thành khất thực ư?

Đáp: Này Bồ Tát Nhu Thủ! Hôm nay, tôi đã biết rõ trí tuệ khất thực tối thắng vô thượng.

Vì sao?

Vì duyên vào nơi ấy mà đạt được Tam Muội chánh định như biển, nên mới biết rõ. Vì chứng đắc đạo vô thượng bình đẳng chánh chân giác, vì ở trong sinh tử mà khởi bày Phật sự, chuyển bánh xe chánh pháp để cứu độ chúng sinh, luôn làm nhân duyên cứu giúp, để xa lìa nguồn gốc cấu uế.

Đúng vậy, này Bồ Tát Nhu Thủ, như tôi gặp Hiền Giả là sớm gặp được thiện hữu vô thượng, từ lâu đã mong gặp, tâm rất vui mừng, thành tựu đức lớn, tự mình vui mừng.

Này Bồ Tát Nhu Thủ! Đối với tôi, sự che chở của Ngài là đệ nhất, vô lượng độ thoát của Ngài là đệ nhất, không cấu uế, rộng lớn vi diệu, tốt đẹp của Ngài là đệ nhất, cũng là đệ nhất tối thượng không thể nghĩ bàn. Nguyện cúi đầu cung kính năm vóc sát đất, lễ bái bậc nhất vô thượng Tiên thánh cam lồ.

Bồ Tát Nhu Thủ nói: Lành thay, lành thay! Này Nhân Giả Long Thủ! Vì đã chứng đắc nên thông hiểu được các pháp như sóng nắng, mộng huyễn, ảnh tượng, tiếng vang, pháp ấy không tiếng gọi, không hình tướng, đều là không thật có.

Từ nay về sau Nhân Giả mới có thể thừa tự giáo pháp Vô Thượng Đại Đạo chẳng thể nghĩ bàn, nhờ chứng đắc Tam Muội chánh định như biển, nên mới ứng hợp như vậy. Nên biết, vị này ngang với bậc Nhất sinh bổ xứ. Đó gọi là trí tuệ biện tài của Bồ Tát, đạt được điều đó giống như pháp vi diệu sâu xa, định như biển thì xa lìa được các tưởng. Nhân Giả có thể đi vào thành khất thực.

Bồ Tát Long Thủ đáp: Suy nghĩ ngang với đức ấy nên cùng đi với Nhân Giả, hai Bậc Thánh cùng đi chẳng nên hay sao?

Bồ Tát Nhu Thủ nói: Tôi không có chỗ đi, cũng không có chỗ đến, lại không có tiến tới hay dừng nghỉ, không có đi cùng bạn bè, không đứng không ngồi, lại cũng chẳng đi, đi không có chỗ đến, đến cũng không có nguyên do, trụ không có xứ sở, ngồi cũng không có chỗ chiếm cứ, đi không có nẻo hướng đến.

Ví như Bồ Tát Long Thủ, Như Lai hiện hóa, do có đi đến, ngồi, đứng, nằm, ngủ, thức chăng?

Hóa là giả nên không có nơi đi đến, ngồi ngủ. Tôi đối với các pháp cũng như vậy, không trụ chẳng trụ, không khởi chẳng khởi, cũng không đã khởi, không khởi bên trong, cũng không sẽ khởi, cũng không vừa khởi.

Bồ Tát Long Thủ đáp: Như Nhân Giả đã nói đây là lời giảng nói mà cả thế gian rất khó tin.

Ai sẽ tin Nhân Giả tuệ cốt yếu này?

Đáp: Này Bồ Tát Long Thủ! Nhân Giả nên lắng nghe! Lẽ nào vì người không có mắt mà giơ cao cây đèn?

Đốt ngọn đuốc chỉ vì người sáng mắt. Như pháp vi diệu sâu xa này, chính vì hướng đến Đại Bồ Tát thông đạt thấu triệt sâu xa, họ mới có thể tin nhận đạo cốt yếu và hiểu rõ đạt đến tuệ cốt yếu này. Khi ấy, hành giả hiểu rõ tất cả vốn là không, các Bồ Tát này đã ứng hợp với những vị tu phạm hạnh thanh tịnh vô thượng sâu xa, nên gặp được Bậc Chánh Sĩ, trụ vào pháp thâm sâu.

Đối với những người tin pháp, thọ pháp, trì pháp, Thuyết Pháp ở nơi vườn Nai, đã chuyển bánh xe chánh pháp, ứng hợp với Hiền Thánh cũng là Bậc Đạo Sư, ban cho con mắt sáng, làm thích hợp với vô lượng người cường tráng mạnh mẽ. Đây là pháp vô thượng tối thắng.

Khi Bồ Tát Nhu Thủ nói ra lời ấy, trong đại chúng có tám vạn Bồ Tát đều đạt được pháp nhẫn vô sinh.

Khi ấy, Bồ Tát Diệu Tâm ở trước đại chúng hết sức vui mừng, chắp đôi tay báu, tâm cung kính hướng về Thế Tôn tán thán và tán thán Bồ Tát Nhu Thủ.

Tán thán xong hoan hỷ nói: Con xin tự quy y với Chư Phật là Bậc Thánh tuệ thông đạt, phá tan đám mây của sự ngủ mê, đập nát nguồn gốc của ngu si, thoát khỏi các thứ điên đảo, trừ sạch lưới nghi ngờ, thuận duyên vào con đường giác ngộ, đạt đến Bậc Thánh vô thượng. Con tự quy y với pháp.

Pháp ấy là pháp thù thắng, là pháp đối trị, nhằm cứu giúp các thứ bệnh hoạn, mù, điếc…, cắt triệt vòng sinh tử, diệt trừ các thứ ô uế, tẩy sạch tâm cấu nhiễm, thông suốt con đường mê hoặc. Pháp là vô thượng, tu tập theo thì hoàn toàn giải thoát.

Các vị Bồ Tát từ lâu đã thực hiện phạm hạnh, thuộc hàng Tiên thánh sáng suốt thanh tịnh vô thượng, các bậc đại thần thông nguyện hiển bày công đức ấy, đệ tử của bậc Vô thượng ở đây là Bậc Thánh Chúng đạt chánh tín, chứng pháp vi diệu sâu xa. Hôm nay, con xin quy y theo các vị ấy.

Bồ Tát Nhu Thủ đáp: Này Diệu Tâm! Nếu không giải thoát, thì sẽ đạt đến đạo quả Vô thượng Đẳng Giác.

Hỏi: Vì sao?

Thưa Bồ Tát Nhu Thủ, ai không được giải thoát?

Đáp: Ai còn chấp giữ, thì sẽ cầu giải thoát. Như vậy, này Diệu Tâm, pháp là không có chấp giữ cũng không lệ thuộc.

Lại nữa, này thiện nam, pháp không giải thoát cũng không chấp giữ, vậy ai có giải thoát?

Không trói không mở, các pháp không nắm giữ, không lấy, không bỏ.

Như có người nói với người huyễn rằng: Này thiện nam! Người đã thoát khỏi sự nắm giữ, đi vào giải thoát.

Người huyễn đáp: Tôi chẳng phải nam, cũng chẳng phải phàm phu, tôi không có sự nắm giữ, nên làm gì có chỗ giải thoát?

Như vậy, này Diệu Tâm! Đạo không có chấp giữ, cởi bỏ, nên quán sát đó là không, không vốn là không, thanh tịnh vậy.

Khi ấy, Bồ Tát Long Thủ nói với Bồ Tát Nhu Thủ: Đi thôi, thiện nam Tử! Chúng ta đi đến phương Đông để khất thực.

Đáp: Này Bồ Tát Long Thủ! Huyễn hóa, sóng nắng mà có phương Đông, Tây, Nam, Bắc ư?

Tôi đối với Nhân Giả còn không thể nói, huống gì có lời nói.

Vì sao?

Vì các lời nói ấy tùy theo chỗ Ngài đã hỏi. Nhân Giả tùy thuận nơi đó mà nói ra như pháp, mỗi mỗi đều biết rõ, không bị chướng ngại, cho nên tôi chẳng còn ngôn ngữ, chưa biết đáp lại.

Phàm là người thông đạt đều không chấp lời nói, huống chi là đối với chỗ ấy mà có lời nói ư?

Thế nên các pháp không có nguyên do.

Hỏi: Thế nào là không có các pháp?

Đáp: Này Bồ Tát Long Thủ! Là không có chỗ, không có người, các pháp ấy là không, chính là các pháp cốt yếu. Bằng trí tuệ ấy, mới có thể biết rõ các âm thanh kia, không có chỗ lưu truyền mới là nghĩa lý cốt yếu.

Đây đâu phải đạt đến nghĩa lý cốt yếu để nói?

Đây là sự nối tiếp với tưởng hành.

Hỏi: Chỗ hành nào có thể xa lìa các tưởng?

Đáp: Này Bồ Tát Long Thủ! Bồ Tát không có tưởng về sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Lại nữa, đối với pháp vốn không có sự hành, chỗ vốn không ấy, cũng không có sự hành, nhờ sự hành này xa mà lìa được các tưởng.

Khi Bồ Tát Nhu Thủ giảng nói pháp vi diệu sâu xa này, có năm ngàn Bồ Tát đạt được tuệ này, hai ngàn Trời, Người phát tâm Bồ Tát.

Bấy giờ, Bồ Tát Long Thủ nói: Tôi sẽ thoái lui, vì Bồ Tát chẳng phải là bạn của tôi.

Bồ Tát Nhu Thủ đáp: Tôi không đi đến cũng chẳng có bạn bè, lại không cùng với ai cả.

Vì sao?

Vì đạo không có bạn bè, cũng không có tưởng niệm cùng các bạn bè, lại cũng không cùng với dục hành làm bạn. Đối với pháp vốn là không, cũng không thấy bị trói buộc nơi bạn bè. Vì vốn không chấp trước, nên không nói có, có tánh của tôi, của ông, của người, có thọ mạng và pháp nuôi dưỡng thân, có nhân vật, ngôn ngữ, chỗ chấp trước và sự tạo tác việc tạo tác, hướng đến.

Nguồn gốc của các pháp vốn là không có như vậy, nên cùng ai để làm bạn?

Người có bạn là bị dục trói buộc.

Này Bồ Tát Long Thủ! Ví như có người thông hiểu sáng suốt, suy nghĩ rằng: Huyễn hóa của Như Lai, vật huyễn hóa của huyễn sĩ.

Như vậy, hóa này và hóa kia là một hay là khác?

Nhân Giả nói tôi và ông là bạn bè, ông và tôi gặp nhau, ý của Bồ Tát Long Thủ như thế nào?

Người hóa kia có bạn không?

Đáp: Này Bồ Tát Nhu Thủ! Người do biến hóa không có bạn.

Vì sao?

Vì biến hóa vốn là không, đều là không thật có, không có hình tượng, không thể nắm bắt được.

***