Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Những điều Trái Nghịch Của Ma

PHẬT THUYẾT KINH NHỮNG ĐIỀU 

TRÁI NGHỊCH CỦA MA

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

PHẦN MỘT
 

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Đức Phật ở tại khu lâm viên Kỳ Đà Cấp Cô Độc thuộc nước Xá Vệ cùng với đại chúng Tỳ Kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị hội đủ, chúng Đại Bồ Tát thì rất nhiều, không thể tính kể và Chư Thiên Cõi Dục, Cõi Sắc và Chư Thiên Cõi Tịnh Cư.

Lúc ấy, Đức Thế Tôn vì vô số chư vị trong chúng hội trước sau vây quanh mà giảng nói Kinh Pháp, có một vị Thiên Tử tên là Đại Quang, vốn theo hầu cận Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, hiện đang an tọa nơi Tòa ngồi, liền thưa hỏi Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Thưa Đại Sĩ! Vì sao có thể cho rằng các Bồ Tát thực hành những việc của ma?

Việc làm của ma là gì?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Đối với các nghiệp mà có tạo tác, đó là việc làm của ma. Đối với chí nguyện mà có chỗ thọ nhận, chấp giữ, có sự xâm đoạt, đó là việc làm của ma. Nếu tư tưởng có ham muốn, chấp trước, nhận thức nhớ nghĩ mong cầu, đó là việc làm của ma.

Lại nữa, này Nhân Giả! Bồ Tát nương tựa tham chấp, chí mong cầu đạt đên đạo quả, đó là việc làm của ma. Tâm đôi với sáu pháp bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ luôn dựa chấp, đó là việc làm của ma.

Thức nghĩ về bố thí, vọng tưởng về trì giới, thọ chấp về nhẫn nhục, buông lung nơi tinh tấn, vướng mắc nơi thiền định, hạn hẹp về trí tuệ, đó là việc làm của ma.

Lại nữa, này Nhân Giả! Tâm chỉ lìa thích ở chỗ vắng lặng, thực hành để đạt được các pháp quán cho riêng mình, đó là việc làm của ma. Nếu khiến nhớ nghĩ về hạnh tri túc, chỉ tu tập đức hạnh cho riêng mình, đó là việc làm của ma. Nếu hành theo nẻo không, vô tướng, vô nguyện, tu tập không buông lung, trụ chấp nơi chỗ thuyết giảng, chỉ dạy của Như Lai, đó là việc làm của ma.

Nhân Giả, nếu mọi tư tưởng đều có chỗ chấp giữ, tâm ý cũng ở chỗ ứng hợp thì mọi thấy nghe, nhớ biết, phân biệt về Kinh Điển đều là việc làm của ma.

Thiên Tử Đại Quang lại hỏi Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Việc làm cho ma trụ ở đâu?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Trụ ở sự tinh tấn.

Hỏi: Do những gì mà trụ nơi tinh tấn?

Người thực hành tinh tấn nên mới bị các ma tìm cách quấy nhiễu.

Người biếng trễ thì Ma Ba Tuần đâu cần phải quấy nhiễu!

Hỏi: Thế nào gọi là Bồ Tát tinh tấn không bị ma quấy nhiễu?

Nếu cho là thân ta tinh tấn tức là không phù hợp.

Vì sao?

Vì tự thân đã tinh tấn nên cho là có chỗ ứng hợp, tức dựa dẫm vào thế gian.

Nhân Giả! Muốn biết rõ tinh tấn, tức là cùng tuân theo chỗ tu tập, vì tinh tấn bình đẳng tức là bình đẳng không có đối tượng để tinh tấn, do không còn chỗ ứng hợp tức là không buông lung.

Nhân Giả! Nếu mắt không còn hướng đến để hành theo sắc thì đó gọi là tinh tấn bình đẳng, tai không còn hướng đến để hành theo âm thanh, mũi không còn hướng đến để hành theo các mùi hương, lưỡi không còn hướng đến để hành theo các vị, thân không còn lệ thuộc vào các xúc chạm, ý không còn chấp giữ để hành theo các pháp thì đó gọi là tinh tấn bình đẳng.

Lại nữa, Nhân Giả! Nếu không hành theo các thứ phiền não, đoạn trừ mọi thứ cấu uế của ái dục cho chúng sinh, đó gọi là Bồ Tát thực hành tinh tấn bình đẳng.

Nếu ở trong Ba Cõi mà không chấp chỗ thực hành, cứu giúp, diệt trừ các thứ não loạn, chấp trước của chúng sinh, đó là hạnh tinh tấn bình đẳng của Bồ Tát. Thực hành bố thí, dứt mọi sự phân biệt, nên dùng bốn ân để giáo hóa các loài tham lam, keo kiệt.

Tu tập giới cấm mà không phân biệt, điều phục, chỉ dạy các hạng chúng sinh đang phạm phải những việc ác. Thực hành nhẫn nhục, dứt trừ mọi vọng tưởng để điều phục các hạng người giận dữ. Thực hành tinh tấn, dứt mọi tưởng niệm để thâu phục các sự biếng nhác.

Tu tập thiền định, trừ mọi sự phân biệt để thâu giữ mọi nẻo tâm ý loạn động. Hành hóa theo trí tuệ diệt mọi đối tượng phân biệt để chuyển hóa các thứ trí xấu ác. Đó là hạnh tinh tấn bình đẳng của Bồ Tát.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi lại bảo Thiên Tử Đại Quang: Như có chỗ thấu tỏ lý không, là hành theo trí tuệ, thực hành lý không, chẳng tưởng chấp cái không đó là nhớ nghĩ. Tinh tấn thực hành theo không là tiếp cận với các thứ nhận thức mà không có đối tượng được nhận thức.

Xét rõ các tà kiến mà chẳng xa lìa pháp không, đó là thực hành theo lý không. Gọi là không, tức các nhận thức đều là không. Do không, nên gọi là không không.

Do không không ấy nên gọi là không. Từ nơi không này nên các pháp đều là không. Hoặc thấu hiểu trí tuệ này mà dứt trừ kiêu mạn. Đó là hạnh tinh tấn bình đẳng của Bồ Tát.

Lại nữa, Thiên Tử! Tu tập như vậy mà dứt mọi tưởng chấp, cũng không nhớ nghĩ vô tưởng đều gắn liền với tất cả các thứ tưởng niệm, kết hợp các thứ tưởng niệm, không chấp vào chỗ tưởng niệm.

Chỗ tưởng niệm là không tưởng niệm, cũng không tưởng chỗ tưởng niệm, bình đẳng đối với tất cả các tưởng, các niệm. Nếu có thể hiểu rõ tất cả các tưởng niệm như thế, thì dù có ở nơi trí tuệ ấy cũng không vì có trí tuệ mà kiêu mạn, cũng không ham thích buông lung. Đó là hạnh tinh tấn bình đẳng của Bồ Tát.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi lại bảo Thiên Tử Đại Quang: Hành theo vô nguyện chính là theo chỗ tâm hướng đến. Nếu được sự ái mộ, tâm không tham vướng. Chẳng hành theo chỗ nguyện để hướng tới đối tượng được phát sinh. Lìa các nhận thức về mọi thứ sinh diệt, vô thường, xả bỏ nhị biên, không chấp có thân, cũng không chấp ngã và ngã sở đều lìa bỏ hết mọi thứ chấp về vận hành, sinh tử, thực hành tinh tấn như thế, đó là hạnh tinh tấn bình đẳng của Bồ Tát.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi lại bảo: Bồ Tát thường dùng sự bình đẳng để tu tập. Đối với chỗ có được trí tuệ sáng tỏ của Bậc Thánh thì không còn chấp vào đối tượng để tu hành, hiểu rõ phương tiện thiện xảo, thâu tóm gốc của tất cả các thứ công đức, thấu đạt về tuệ, về không ngã, không nhân, không chúng sinh, không thọ mạng.

Dùng phương tiện thiện xảo nơi tinh tấn để mở bày, giáo hóa tất cả các loài chúng sinh. Đạt được trí tuệ của Bậc Thánh, không đâu là không ứng hợp, không gì là không thanh tịnh. Người hiểu rõ phương tiện thiện xảo thì tinh tấn thâu tóm các chánh pháp.

Người có trí tuệ tinh tấn thì hiểu rõ tất cả chánh pháp, không hủy hoại pháp giới. Người thấu tỏ trí phương tiện thiện xảo thì cúng dường, phụng sự vô số Chư Phật.

Người đạt được trí tuệ của Bậc Thánh thì phân biệt nẻo giác ngộ, giải thoát của Bậc Thánh. Người hiểu rõ trí phương tiện thiện xảo thì nêu giảng thông suốt các thứ sai khác nơi văn tự của giáo pháp.

Người đạt được trí tuệ của Bậc Thánh thì tu tập theo thân Phật, dứt hết mọi lậu hoặc. Người hiểu rõ trí phương tiện thiện xảo thì dùng ba mươi hai tướng tốt của bậc Đại Nhân để tự trang nghiêm.

Người đạt được trí tuệ của Bậc Thánh thì khiến cho mọi thứ sinh tử không còn nơi chốn để sinh. Người hiểu rõ trí phương tiện thiện xảo thì thường nhớ nghĩ đến chúng sinh.

Người đạt được trí tuệ của Bậc Thánh thì tu hành nơi pháp không, vô tướng, vô nguyện. Người hiểu rõ trí phương tiện thiện xảo thì ban tuyên giáo pháp để đoạn trừ sáu mươi hai thứ tà kiến và các tưởng chấp trước, mong cầu.

Người đạt được trí tuệ của Bậc Thánh thì khuyến khích chúng sinh tu hành tinh tấn để đạt được sáu thứ thần thông. Người hiểu rõ trí phương tiện thiện xảo thì dùng thần thông biến hóa để cứu độ mọi loài.

Người đạt được trí tuệ của Bậc Thánh thì tinh tấn nên không bị các ấm, giới, nhập, các trần gây trở ngại. Người hiểu rõ trí phương tiện thiện xảo thì nắm giữ, phòng hộ các thứ ấm, nhập.

Người đạt được trí tuệ của Bậc Thánh thì tu tập theo bản tánh thanh tịnh của Niết Bàn. Người hiểu rõ trí phương tiện thiện xảo thì vì các chúng sinh mà mở bày, giáo hóa khiến họ tu hành đạo Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Người đạt được trí tuệ của Bậc Thánh thì chứng đắc tuệ nhãn, thấy biết cùng khắp. Người hiểu rõ trí phương tiện thiện xảo thì đạt được Thiên nhãn, giáo hóa những hạng người còn tham chấp.

Người đạt được trí tuệ của Bậc Thánh thì tu tập tinh tấn, không vướng mắc vào các pháp. Người hiểu rõ trí phương tiện thiện xảo thì dùng văn tự để ghi chép, diễn tả, theo đó mà thuyết giảng chánh pháp.

Người đạt được trí tuệ của Bậc Thánh thì phân biệt được ý nghĩa sâu xa nơi các pháp. Người hiểu rõ trí phương tiện thiện xảo thì tuyên dương trí tuệ, biện tài thuận hợp.

Người đạt được trí tuệ của bậc Thánh thì hiểu rõ các căn, mỗi mỗi đều sai khác, tâm niệm chẳng đồng. Người hiểu rõ trí phương tiện thiện xảo thì nhận biết mọi căn cơ của chúng sinh để thuyết pháp thuận hợp.

Người đạt được trí tuệ của Bậc Thánh thì thông tỏ tám vạn bốn ngàn pháp môn. Người hiểu rõ trí phương tiện thiện xảo thì có thể vì tất cả chúng sinh mà nêu bày, chỉ rõ tám vạn bốn ngàn pháp môn. Đó là Bồ Tát tu tập hạnh tinh tấn bình đẳng.

Lúc Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi thuyết giảng về pháp tu tập tinh tấn bình đẳng này để mở bày cho chúng hội, thì có tám ngàn Thiên Tử phát tâm Bồ Đề cầu đạo quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, năm trăm Thiên Tử đạt được pháp nhẫn vô sinh.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn khen ngợi Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Lành thay, lành thay! Ông đã khéo giảng nói về pháp tu tập tinh tấn bình đẳng của Bồ Tát.

Thiên Tử Đại Quang thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Đức Như Lai đã khen ngợi Đại Sĩ, thế Đại Sĩ không vui mừng sao?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Ý Thiên Tử nghĩ thế nào?

Giả sử người làm ảo thuật khen ngợi người được biến hóa ra thì người được biến hóa ấy có nên vui mừng chăng?

Thưa không! Người làm việc biến hóa không có chỗ lệ thuộc, cũng không có chỗ thọ nhận.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi nói: Đúng vậy, tướng của tất cả các pháp là như nhiên đều như huyễn hóa.

Tướng của Như Lai cũng như vậy, nên do đâu mà tôi vui thích?

Ví như âm vang của tiếng gọi, đối với tiếng hay, dở đều không tồn tại, cũng không có chỗ thọ nhận. Tất cả các pháp cũng như vậy, giống như âm vang của tiếng vốn đều thanh tịnh. Sự thanh tịnh của Đức Như Lai, của Văn Thù cũng như thế, thì tôi dựa vào cái gì để vui thích.

Thiên Tử Đại Quang lại hỏi: Vì sao Như Lai khen ngợi Đại Sĩ?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Do có chỗ tuyên dương về trí tuệ, dứt mọi duyên dựa, mới được sự khen ngợi của Như Lai. Đối với các lời nói thì không hề buồn, vui cũng chẳng thêm bớt. Đối với các chúng sinh thì không có tưởng chấp chúng sinh.

Đối với tất cả các pháp thì không có tướng chấp các pháp. Tu tập, đoạn dứt sinh tử để đạt đến Niết Bàn. Hiểu rõ việc làm của ma và con đường hành hóa của Phật.

Do nơi việc làm của ma mà giác ngộ Chân Đế. Phân biệt, thấy rõ được pháp Phật và việc làm của ma. Không sợ việc ma, không nương vào pháp Phật, thực hành như vậy thì được Như Lai khen ngợi.

Thiên Tử lại hỏi Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Đại Sĩ đã phụng hành theo đúng pháp như thế chăng, cho nên mới được Như Lai khen ngợi?

Sự khen ngợi ấy là bình đẳng, không hề thiên lệch.

Hỏi: Sự bình đẳng ấy không có thiên lệch chăng?

Gọi là bình đẳng tức là bình đẳng đối với các điều trái nghịch, cũng bình đẳng nơi ngã và ngã sở, bình đẳng nơi bốn đại, cũng bình đẳng nơi các nhận thức, sự bình đẳng của tôi cũng lại như vậy. Như các thứ ấy thì bốn điên đảo cũng bình đẳng, sự bình đẳng của tôi cũng như vậy.

Như bình đẳng với những chuyển đổi chẳng thuận hợp và muốn được chứng đắc, sự bình đẳng của tôi cũng như vậy. Như bình đẳng nơi sinh tử cùng với Niết Bàn, như bình đẳng nơi hạnh nguyện, bình đẳng nơi gốc sinh tử và Niết Bàn.

Do bình đẳng nơi gốc Niết Bàn với sinh tử nên gọi là bình đẳng của bản tế. Vì bình đẳng nơi bản tế nên bình đẳng nơi ngã và ngã sở.

Do bình đẳng nơi ngã và ngã sở nên bình đẳng với vô minh, gốc của ái dục. Như bình đẳng nơi vô minh gốc của ái dục thì cũng bình đẳng với trí tuệ, gốc của giải thoát. Nếu đã bình đẳng với trí tuệ, gốc của giải thoát thì cũng bình đẳng với tham dục, giận dữ, ngu si.

Do bình đẳng với ba cấu uế nên cũng bình đẳng với ba môn giải thoát: Không, vô tướng, vô nguyện. Đã bình đẳng với ba môn giải thoát thì cũng bình đẳng với gốc của các pháp hữu vi.

Đã bình đẳng với gốc của các pháp hữu vi thì cũng bình đẳng với gốc của các pháp vô vi. Đã bình đẳng với gổc của các pháp vô vi nên sự bình đẳng của Văn Thù cũng vậy.

Vì thế, này Thiên Tử Đại Quang! Do sự bình đẳng ấy nên các pháp đều bình đẳng. Do sự thuyết giảng ấy nên chỗ nêu bày, thuyết giảng hiện tại mới được khen ngợi. Tất cả các pháp đều bình đẳng như hư không. Hư không bình đẳng, không có thiên lệch.

Hư không vô số cũng không có chỗ hiện bày. Nếu có chốn hướng đến mới có chỗ tu tập, hội nhập. Vì thế Như Lai khen ngợi pháp ấy.

Thiên Tử Đại Quang hỏi: Nhân Giả có thể nêu bày thông suốt về pháp được khen ngợi và pháp không được khen ngợi chăng?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Khen ngợi Bồ Tát là từ nơi chí nguyện phát xuất. Dối trá, không thật, là chỗ hành theo buông lung, nên không được khen ngợi. Không có lòng nhân từ, nhớ nghĩ đến việc làm hại chúng sinh, đó chẳng phải là pháp được khen ngợi.

Từ bi, thương yêu tất cả chúng sinh, đó là pháp được khen ngợi. Giận dữ, kết buộc, xa lìa nhẫn nhục đó là pháp không được khen ngợi.

Không say loạn, thuận theo lời dạy của giới luật, có tội lỗi, tự thành tâm hối cải, không che giấu đó là pháp được khen ngợi. Che giấu lỗi lầm, không chịu bày tỏ, ăn năn, đó là pháp không được khen ngợi.

Tự thấy thân làm việc ác có thể sửa đổi, dứt trừ, đó là pháp được khen ngợi. Tìm kiếm lỗi lầm của người khác, đó là pháp không được khen ngợi.

Nhận biết rõ ân đức để hành theo, không mang điều mưu hại, hiếu thuận nhân từ, đó là pháp được khen ngợi. Không thấy rõ pháp vô thượng, tâm thường mưu hại, gặp nguy hiểm chống trái không thuận theo đạo hiếu, không biết báo ân, đó là pháp không được khen ngợi.

Nghe giáo pháp của Phật, tìm cầu theo đó để tu tập, đó là pháp được khen ngợi. Nghe Kinh Điển không chịu kính thuận, đó là pháp không được khen ngợi.

Giữ gìn giới luật chưa từng thiếu sót, đó là pháp được khen ngợi. Đối với giới đã thọ mà không tuân theo, đó là pháp không được khen ngợi.

Thường ở chỗ thanh vắng, tâm ý tịch tĩnh, đó là pháp được khen ngợi. Thích ở chỗ ồn náo, tự buông lung, đó là pháp không được khen ngợi.

Ở chỗ thanh vắng tu tập, xả bỏ thân mạng cũng không luyến tiếc, đó là pháp được khen ngợi. Tham ái đối với thân mạng mình, đó là pháp không được khen ngợi.

Tu Bốn pháp Như ý túc, tri túc của Bậc Thánh, đó là pháp được khen ngợi. Không biết con đường tiến lùi, nhiều mong cầu, ưa thích các việc ác, đó là pháp không được khen ngợi.

Bị người khinh khi có thể nhẫn nhịn, đó là pháp được khen ngợi. Dùng tâm não hại hướng đến mọi người, đó là pháp không được khen ngợi.

Có khả năng ngăn chận các tham dục, đó là pháp được khen ngợi. Đối với người căn trí chậm kém, không thể chỉ dạy, giáo hóa, đó là pháp không được khen ngợi.

Đã quy y thì không quên mất, đó là pháp được khen ngợi, vốn đã quy y mà lại trái bỏ, không nhớ nghĩ, đó là pháp không được khen ngợi.

Hiểu rõ oai nghi phép tắc chân chánh, chí thành thực hiện đúng như lời dạy, tâm khẩu tương ưng, đó là pháp được khen ngợi. Khinh khi, dối trá, mê hoặc tất cả thế gian, đó là pháp không được khen ngợi.

Hộ trì chánh pháp, không trái với Kinh Điển, đó là pháp được khen ngợi. Phỉ báng Kinh Pháp, trái với chánh đạo, đó là pháp không được khen ngợi.

Được nghe Kinh Điển mà không phỉ báng, tuy không có thầy dạy mà vẫn tuyên dương giáo pháp, không có sự mong cầu, đó là pháp được khen ngợi. Tham tiếc Kinh Pháp, tự xưng là thầy, thuyết giảng Kinh Pháp thường theo vọng tưởng, đó là pháp không được khen ngợi.

Nắm giữ phương tiện thiện xảo, mở bày giáo hóa chúng sinh, đó là pháp được khen ngợi. Không cứu độ chúng sinh, không dùng phương tiện thiện xảo, không hành theo bốn ân, đó là pháp không được khen ngợi.

Có thể tu tập theo sáu pháp Ba la mật, ân cần siêng năng mến mộ tìm cầu, đó là pháp được khen ngợi, xả bỏ sáu pháp Ba la mật là pháp không được khen ngợi.

Tạo lập, thực hành theo trí tuệ, đạt đến Thánh Đạo là pháp được khen ngợi. Cao ngạo, buông lung, hành theo kiêu mạn là pháp không được khen ngợi.

Thực hành từ bi vững bền, thương xót chúng sinh, đó là pháp được khen ngợi. Không mở rộng, phát huy hành theo hạnh từ là pháp không được khen ngợi.

Phụng hành mười điều thiện không trái với nguyện lớn, là pháp được khen ngợi. Tập theo thói quen tự buông lung làm mười điều ác, đó là pháp không được khen ngợi.

Có thể dứt bỏ mọi thứ xấu ác, đó là pháp được khen ngợi. Thuận theo các việc ác, trái với chánh pháp, đó là pháp không được khen ngợi.

Này Thiên Tử Đại Quang! Nên biết, người xuất gia điên đảo, không thực hành theo chánh pháp, gọi là pháp không được khen ngợi. Ưa thích pháp không, vô tướng, vô nguyện, thành tựu tất cả là pháp được khen ngợi.

Oai vệ ngồi trên Tòa Sư Tử cao, thuyết giảng mà xen luận bàn những chuyện của thế gian, thuận theo thế tục, gọi là pháp không được khen ngợi.

Nếu đạt được kho tàng Kinh Điển Bồ Tát, tu tập thuận hợp, lên Tòa Sư Tử giảng diễn giáo pháp, đó là pháp được khen ngợi.

Thọ nhận thức ăn của tín thí mà hủy hoại giới cấm, đó là pháp không được khen ngợi. Thuận theo giới pháp thanh tịnh, trong lành, thọ nhận sự cúng dường, làm lợi ích cho tất cả chúng sinh, đó là pháp được khen ngợi.

Cao ngạo, tự đại, ganh ghét Kinh Pháp, gọi là pháp không được khen ngợi. Khiêm nhường, cung kính không kiêu mạn, buông lung, khen ngợi công đức của mọi người, là pháp được khen ngợi.

Đố kỵ với Bồ Tát, ghét bỏ những người có hạnh cao quý, là pháp không được khen ngợi. Thấy các Bồ Tát, luôn cung kính như Phật, đó là pháp được khen ngợi.

Như vậy, này Thiên Tử Đại Quang! Như lời Phật dạy, người thực hành theo pháp đó là pháp được khen ngợi. Không đạt được trí tuệ lớn, đó là pháp không được khen ngợi. Người thuận theo giáo pháp của Như Lai, gọi là pháp được khen ngợi.

Thiên Tử Đại Quang hỏi: Dùng những thứ gì để tán thán pháp được khen ngợi và thấy rõ pháp không được khen ngợi?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Tôi đối với các pháp không hành theo khen ngợi cũng không hành theo không khen ngợi.

Vì sao?

Vì tất cả các pháp đều có không chỗ ứng hợp, cũng không có ngã và ngã sở.

Nhân Giả không cùng với pháp thiện hòa hợp sao?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Tôi không cùng với pháp thiện hòa hợp, cũng không cùng với pháp ác hòa hợp.

Vì sao?

Vì nếu còn tham chấp, đó gọi là hữu vi, không còn tham chấp là vô vi. Chấp vô thường cũng là hữu vi. Chấp có thân, không rõ thân vốn là không.

Nhân Giả đã đạt được các đức cũng là hữu vi, tức là có ngã và ngã sở chăng?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Nếu tôi chấp thân hữu vi là ngã sở thì bị rơi vào sự sợ hãi.

Nhân Giả không sợ hãi đối với pháp hữu vi chăng?

Đáp: Nếu thấy pháp hữu vi vĩnh viễn tồn tại, thành tựu rốt ráo không diệt tận, thì tôi mới lo sợ.

Nhân Giả không thấy các pháp hữu vi được thành tựu sao?

Đáp: Tôi hãy còn chưa thấy các pháp vô vi được thành tựu, huống nữa lại thấy các pháp hữu vi được thành tựu.

Nhân Giả là hữu vi hay vô vi?

Đáp: Tôi không phải hữu vi, cũng chẳng phải vô vi.

Vì sao?

Nếu là pháp hữu vi thì cùng với hàng phàm phu ngu tối. Nếu là pháp vô vi thì cùng bình đẳng với Thanh Văn, Duyên Giác.

Nếu nhân giả cũng không hữu vi, cũng chẳng phải vô vi, thì nay tôi làm thế nào để giữ gìn, thọ trì lời dạy này?

Đáp: Ví như việc làm của người biến hóa, người muốn giữ gìn pháp ấy cũng như vậy.

Này Thiên Tử! Ý ông nghĩ sao?

Thần thức của Như Lai an trụ ở đâu?

An trụ ở nơi sắc chăng?

Đáp: Chẳng phải vậy.

An trụ ở nơi thọ, tưởng, hành chăng?

Đáp: Chẳng phải vậy.

An trụ nơi ba cõi chăng?

Đáp: Chẳng phải vậy.

An trụ nơi hữu vi hay vô vi?

Đáp: Chẳng phải vậy.

Thần thức của Như Lai an trụ ở đâu?

Đáp: Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi!

Thần thức của Như Lai hoàn toàn không có chỗ an trụ.

Này Thiên Tử! Thần thức của Như Lai dầu không có chỗ trụ, nhưng ông nên y theo chỗ trụ ấy mà giữ gìn.

Thưa Bồ Tát! Văn Thù Nhân Giả tức là Như Lai chăng?

Như Lai không có nguồn gốc, không đến không đi, không có nơi chốn qua lại, chỗ đến của tôi cũng vậy. Do đó, tôi là Như Lai, chỗ đến cũng như vậy. Như chỗ đến của Phật, tôi cũng như thế. Do ý nghĩa ấy, tôi là Như Lai. Như chỗ trụ của Như Lai, chỗ trụ của tôi cũng vậy.

Do đấy, tôi là Như Lai. Như Lai không có nguồn gốc, Văn Thù Sư Lợi cũng không có nguồn gốc, nên nói là không có nguồn gốc. Do đó, tôi là Như Lai.

Như Lai không có nguồn gốc thì nên cầu từ đâu?

Này Thiên Tử! Như Lai không có nguồn gốc, thì phải ở trong sáu mươi hai thứ kiến chấp mà cầu đạt.

Sáu mươi hai thứ kiến chấp ấy nên cầu như thế nào?

Đáp: Cầu ở trong nẻo giải thoát của Như Lai, không theo pháp giận dữ mà cầu.

Sự giải thoát của Như Lai không theo pháp giận dữ, vậy nên cầu ở đâu?

Đáp: Hạnh Nguyện của chúng sinh cầu như thế nào?

Đáp: Nên cầu ở trong Thánh tuệ của Như Lai.

Cầu thánh tuệ của Như Lai như thế nào?

Đáp: Nên ở trong nguồn gốc các căn sai khác của chúng sinh mà cầu.

Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Chỗ thuyết giảng của Bồ Tát hiện tại tôi không thể lãnh hội. Do không hiểu rõ nên không thể phân biệt, khiến còn nghi ngờ.

Đáp: Trí tuệ của Như Lai thì không thể phân biệt.

Vì sao?

Đáp: Vì trí tuệ của Như Lai không có chướng ngại, cũng không nhớ nghĩ, cũng không thể mau đạt được, không có ngôn từ, không có nơi chốn để hành hóa, không có tâm ý thức, xa lìa mọi lời dẫn dạy. Do đó, không thể biết, cũng không thể phân biệt.

Trí tuệ của Như Lai không thể phân biệt thì các hàng Thanh Văn làm sao hiểu rõ?

Do đâu mà Bồ Tát được an trụ trong quả vị không thoái chuyển?

Đáp: Này Thiên Tử! Đức Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác dùng phương tiện thiện xảo, thuận theo căn cơ, sử dụng văn tự để thuyết giảng.

Lại nữa, trí tuệ ấy thì không có văn tự. Ví như chẳng từ trong nước mà có lửa sinh ra. Do sử dụng vật dụng lấy lửa, nhận lấy ánh sáng mặt trời mới phát sinh ra lửa.

Như Lai cũng vậy, có đủ oai thần, giáo pháp vi diệu, đạo tuệ vô biên, nên phân biệt rộng để giảng nói về trí tuệ gốc không, không ai có thể nhận biết hết. Thánh tuệ của Như Lai thiêu đốt mọi thứ cỏ cây ngu si tối tăm, khiến chúng không thể sinh trở lại.

Trí tuệ ấy vì sao cho là thiêu đốt các thứ cỏ cây tối tắm?

Đáp: Vì trí tuệ ấy phân biệt các hành nơi tâm của chúng sinh, diễn nói ba mươi bảy phẩm trợ đạo, sáu pháp Ba la mật. Không có cỏ cây, không sinh ra mọi thứ tạp uế, cũng không có bệnh tật.

Vì sao nói như vậy?

Đáp: Lời giảng nói thông suốt ấy không phân biệt về duyên khởi, lời nói không chê bai, không hòa hợp, không ly tán. Chỗ thuyết giảng ấy cũng không nói về sinh tử, không dạy về Niết Bàn, chỗ đoạn trừ cũng không dứt bỏ, không có tạo ra sự chứng đắc, không tuân hành, không thủ đắc, không trở về. Ngôn từ ở đây chính là lời vắng lặng, chắc thật.

Thiên Tử nói: Thật khó đạt được, thật chưa từng có!

Nay Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi thuyết giảng về trí tuệ vi diệu rộng lớn, siêu việt như thế mà Ma Ba Tuần không đến nơi đây để thực hiện các việc phá hoại, quấy nhiễu, chống đối chăng?

Vừa dứt lời ấy, trong chóc lát thì Ma Ba Tuần ở giữa hư không nổi lên mây mưa dữ dội, phát ra âm thanh lớn vang khắp chúng hội, khiến mọi người đều suy nghĩ: Đây là những âm thanh gì mà não động đến như thế.

Khi ấy, Đức Thế Tôn bảo Văn Thù Sư Lợi: Ông có thấy ma đang nhiễu loạn chăng?

Kính thưa Đức Thế Tôn, đúng vậy!

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi liền dùng pháp Tam Muội Như kỳ tượng để suy nghĩ khiến Ma Ba Tuần tự nhiên bị trói buộc rồi rơi xuống đất, la hét, giận dữ: Này Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi!

Sao ông lại dùng thần lực trói buộc thân tôi?

***