Kinh Đại thừa

Bộ Bảo Tích

PHẬT THUYẾT KINH

NÓI VỀ LỄ TẮM PHẬT SAU KHI

ĐỨC PHẬT ĐÃ NHẬP DIỆT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

Nghe như vậy, một thuở nọ Đức Phật ở nước Xá Vệ, trong vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc cùng các Đại Tỳ Kheo Tăng, Chư Thiên Nhân Dân hội họp nói Kinh.

A Nan quỳ trước Phật chấp tay bạch Phật rằng: Bạch Đấng Thiên Trung Thiên! Con có chỗ muốn hỏi, nguyện Phật cho con nói đó, sau khi Phật nhập Niết Bàn, nếu hàng bốn chúng đệ tử Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di trong những ngày mồng Tám tháng Tư, ngày Rằm tháng Bảy, thì nên làm lễ Tắm Phật như thế nào?

Phật bảo A Nan:  Lễ Tắm Phật là độ cho những ai có phước nguyện thì phải tự giảm bớt tiền của, giảm bớt sự quyến tiếc trân ngọc mà bỏ ra cúng dường để cầu phước độ đời, phải cúng Chùa, đốt đèn, đốt hương, tạo Kinh Tượng.

Hoặc Cúng Dường Chư Sư, bố thí cho người nghèo khổ, có thể sắp bày Trai Hội, không nên hứa cúng rồi sau chẳng bỏ ra, làm như thế là hiện đời bị mắc nợ Phật, chính tâm miệng mình làm thì phải mang tội vọng ngữ.

Vì sao?

Vì làm mâm bàn để lễ Phật, dùng năm loại nước thơm, tự tay tắm Phật thầy, dâng lên Chư Tăng rưới nước chú nguyện. Trong lúc làm như vậy thì có Trời, Rồng, Quỷ Thần đều chứng biết.

Người này lấy đi năm thứ tài vật trong nhà, xâm lấn phần dùng của vợ con để cầu phước lợi mà trái lại không lấy để cúng dường thì sẽ có năm tội vào ba đường ác.

Thế nào là năm?

Một là tài của ngày một giảm dần.

Hai là hay để quên mất tài sản.

Ba là sanh gặp nơi không lợi.

Bốn là vào trong địa ngục núi lớn, bị tra khảo trị tội đau đớn khó tả.

Năm là ở đời sau, hoặc sanh làm tôi tớ, trâu ngựa, loa, lạc đà, hoặc làm heo dê, đó là năm.

Lại thêm ba tội ác: Một là sanh làm quỷ đói ở trong ngạ quỷ, hai là sanh làm súc sanh trong loài cầm thú, ba là sanh địa ngục nê lê cọng thêm mười tám địa ngục nữa tội không thể tính được.

Ngày Rằm tháng bảy, tự nghĩ đến bảy đời cha mẹ, năm loài thân thuộc có đọa trong đường ác khổ đau thống thiết, do phước lễ Phật làm phúc muốn họ được giải thoát khổ đau, gọi là quán lạp.

Phật là Vua trên đến Cõi Trời, dưới đến ba cõi, chẳng ăn uống như người thế gian. Những vật cúng dường đó phải phân đều cho Chúng Tăng, không được lấy riêng, nếu lấy dùng riêng thì tội này rất lớn.

Nếu không có Tăng Chúng để phân chia thì phải bố thí cho người nghèo cùng, côi cút, già yếu, là để gieo trồng căn lành. 

Các đệ tử nghe Kinh này xong hoan hỷ lễ Phật mà lui.

***