Kinh Đại thừa

Bộ Hoa Nghiêm

PHẬT THUYẾT

KINH PHẠM CHÍ NỮ THỦ Ý

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

Nghe như vậy!

Một thuở nọ, Đức Phật đang chuyển bánh xe chánh pháp tại vườn Lộc Uyển, chỗ ở của các vị Tiên, thuộc thành Ba La Nại, cùng với chúng Đại Tỳ Kheo năm trăm người, vô số Bồ Tát đông đủ và các vị Bồ Tát ở những Cõi Phật khác đều vân tập đến.

Bấy giờ, vào buổi sáng sớm, Đức Phật đắp y mang bát vào thành khất thực để tạo phước cho tất cả. Tôn Giả A Nan vẫn theo thị giả Phật như thường lệ. Đức Đại Thánh vào đại thành Ba La Nại, tuần tự khất thực trên đường và hướng đến nhà của vị Phạm Chí. Vị Phạm Chí có người con gái tên là Thủ Ý.

Từ xa nhìn thấy Đức Phật đĩnh đạc và tươi đẹp, oai thần cao vời, tâm ý cô gái bỗng nhiên thanh thản, các căn định tĩnh, đạt sự lặng yên vi diệu tối thượng và sự thanh tịnh bậc nhất, không còn các trần, các nhập, dứt hẳn sợ hãi, tâm ý thanh tịnh, không chút cấu uế như mặt nước lắng yên.

Cô gái thấy Đức Phật thân màu vàng ròng, sáng rỡ như núi báu, như cây nơi Cõi Trời hoa quả tươi quý, ba mươi hai tướng tốt của bậc Đại nhân và tám mươi vẻ đẹp trang nghiêm khắp sắc thân, tỏa ánh sáng như cung điện có trụ cột châu báu, như núi Tu Di đứng cao sừng sững một mình, như Mặt Trăng tròn tỏa sáng giữa các vì sao, như Mặt Trời vừa mọc ánh màu đỏ ửng chiếu sáng khắp nơi…

Cô gái thấy Đức Phật đến đứng ở ngoài cửa thì vô cùng hoan hỷ, bèn quay vào nhà trải tòa rồi trở ra cho Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, quỳ gối, thưa: Thật quý thay, Đức Như Lai đã đến đây! Kính xin Đấng Thánh Tôn để mắt hạ cố vào tệ xá của con. Đức Phật rũ lòng từ thương xót nên đã vào ngồi trong nhà.

Thủ Ý rất vui mừng, lại cúi đầu đảnh lễ lần nữa, rồi lấy một chiếc ghế nhỏ để ngồi trước Phật, thưa: Bạch Đấng Thiên Trung Thiên! Con đã từng nghe Đức Như Lai ở vườn Lộc Uyển, chỗ của các vị Tiên, tại thành Ba La Nại, vì các Sa Môn, Phạm Chí, Phạm Thiên, Rồng, Thần, các ma, người đời và các loại chúng sinh… chuyển bánh xe vô thượng, hiện bày chánh pháp.

Đức Phật bảo: Này Phạm nữ! Đúng vậy, đúng vậy! Đúng như lời người nói, ta đã ở thành ấy chuyển bánh xe pháp vô thượng vì những người chưa được nghe mà giảng nói chánh pháp, không nói phi pháp.

Thủ Ý thưa: Bạch Thế Tôn! Đức Như Lai đã chuyển bánh xe chánh pháp gì?

Đức Thế Tôn nói: Ta đem pháp mười hai nhân duyên để chuyển bánh xe chánh pháp.

Thủ Ý thưa: Bạch Thế Tôn! Kính xin Thế Tôn ban ân lớn, vì con mà một lần nữa phân biệt giảng nói pháp mười hai duyên khởi, điểm chung quy của bánh xe chánh pháp, khiến con hiểu rõ được ý nghĩa của pháp.

Đức Phật nói: Hãy lắng nghe và ghi nhớ kỹ, ta sẽ giảng nói rõ ý nghĩa của pháp ấy cho cô.

Phạm nữ vâng lời lắng nghe.

Đức Phật bảo Phạm nữ: Nếu chấp có ngã thì có đầu tiên, cuối cùng, sinh khởi nơi không sinh khởi, do nhân duyên vô minh mà có hành, do hành mà có thức, do thức mà có danh sắc, do danh sắc mà có sáu nhập, do sáu nhập mà có xúc, do xúc mà có thọ, do thọ mà có ái, do ái mà có thủ, do thủ mà có hữu, do hữu mà có sinh, do sinh mà có già, bệnh, chết, khổ sở, buồn rầu và hoạn nạn nhóm họp.

Như vậy, này Phạm nữ! Nếu vô minh diệt thì hành, thức, danh sắc, sáu nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sinh, già, bệnh, chết đều diệt, khổ sở, buồn rầu và các hoạn nạn cũng dứt hẳn.

Phạm nữ nên biết là ta đã dùng pháp này, ở vườn Lộc Uyển, chỗ của các vị tiên, thuộc thành Ba La Nại, vì các Sa Môn, Phạm Chí, Phạm Thiên, Rồng, Thần, các ma, người đời, chuyển bánh xe chánh pháp, giảng nói về pháp mười hai nhân duyên, nếu giữ gìn và thực hành theo thì nhờ đó sẽ được giải thoát.

Thủ Ý thưa: Bạch Đấng Thiên Trung Thiên! Pháp có trong, có ngoài chăng?

Phật nói: Pháp không có trong ngoài.

Thủ Ý lại thưa: Pháp có tồn tại tên gọi là vô minh không?

Không.

Pháp có khởi lên minh, có trừ diệt minh chăng?

Không.

Cô gái lại thưa: Sự đạt được minh ấy có hình tướng chăng?

Không.

Do nhân duyên gì mà có thân này?

Nếu không có vô minh thì do đâu có sinh?

Tâm ý khởi kiêu mạn mà thành hành thì do đâu nhân duyên được hợp nên?

Cô gái lại thưa: Bạch Đại Thánh! Như cây không có rễ, nhờ đâu mà bỗng sinh ra cành nhánh, cộng lá, hoa quả?

Như vậy, bạch Thế Tôn! Nếu cho rằng vô minh không có hình tướng, giả sử nhân duyên từ vô minh khởi lên tâm kiêu mạn thì sao lại cho do từ nguồn gốc là vô minh nên đưa đến các hành?

Do đâu đưa đến sự nhóm họp các khổ não?

Đức Phật nói: Nên biết nguồn gốc các tướng đều thanh tịnh. Cũng vậy, pháp của các pháp, pháp không biết pháp, phàm phu ngu tối không chịu nghe tội phước rồi tạo các điều ác, do tạo điều ác mà có mở đầu kết thúc, do mở đầu kết thúc mà có khổ vui.

Nếu hiểu rõ được điều ấy thì không còn tạo tội, cũng không làm phước, cũng chẳng còn tiến lùi, mở đầu kết thúc, cũng không còn phải gặp gỡ khổ vui…

Đức Phật lại bảo Thủ Ý: Phạm nữ muốn biết điều đó, cũng như nhà ảo thuật làm ra nhiều điều biến hóa, người được biến hóa cũng không nghĩ, không nói mình là người được biến hóa. Nhà ảo thuật ấy, hoặc lấy thật làm giả, hoặc lấy giả làm thật, tất cả đều là những cách lừa dối để gạt người.

Cho nên, nhà ảo thuật và người được biến hóa ra là có sự biến hóa mà cũng không có sự biến hóa. Đó cũng chỉ là pháp dối gạt người ngu tối.

Ý cô nghĩ sao?

Sự biến hóa ấy, lẽ nào lại có trong, có ngoài?

Thủ Ý đáp: Dạ không có. Bạch Đấng Thiên Trung Thiên!

Đức Phật lại hỏi: Ý cô nghĩ sao?

Sự huyễn hóa không tồn tại thì có tên gọi là ngã không?

Dạ không. Bạch Đấng Thiên Trung Thiên!

Vậy thì sự huyễn hóa ấy có đời sau vị lai chăng?

Dạ không. Bạch Đấng Thiên Trung Thiên!

Ý cô nghĩ sao?

Sự huyễn hoa ấy có sinh khởi và hoại diệt chăng?

Dạ không. Bạch Đấng Thiên Trung Thiên!

Ý Phạm nữ nghĩ sao?

Sự huyễn hóa ấy có thật có, có hình tướng không?

Dạ không. Bạch Đấng Thiên Trung Thiên!

Thế thì sự huyễn hóa ấy có thấy nghe, có huyễn hay không huyễn chăng?

Dạ không. Bạch Đấng Thiên Trung Thiên!

Rồi cô gái ấy lại bạch Phật: Con đã từng nghe sự huyễn hóa ấy là không có thấy nghe, không có huyễn hay không huyễn.

Đức Thế Tôn lại hỏi: Ý cô nghĩ sao?

Giả sử không có thân thì có thể làm phát khởi các pháp thuật biến hóa được không?

Thủ Ý đáp: Thưa Đấng Thiên Trung Thiên! Sự huyễn hóa ấy, quả đúng là không thật có.

Đức Phật nói: Như vậy, này Thủ Ý! Vô minh là không trong, không ngoài. Cho nên, các pháp ấy là không thật có, cũng không có tên gọi. Vô minh không có đời sau, cũng không có trở lại. Vô minh không có sinh khởi, cũng không có hoại diệt.

Vô minh không có hình tướng, nhân duyên thích hợp với vô minh đưa đến các hành, thức, danh sắc, sáu nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sinh, già, bệnh, chết khổ sở, buồn rầu và các hoạn nạn nhóm họp.

Khi ấy, Thủ Ý bạch Phật: Thật là kỳ diệu! Thật chưa từng có! Bạch Thế Tôn! Sự giảng dạy của Thế Tôn không gì sánh kịp.

Vì sao?

Bạch Phật Thiên Trung Thiên! Xin hãy ở trong hư không chuyển bánh xe chánh pháp, sự chuyển bánh xe chánh pháp là không thể nghĩ bàn, bánh xe chánh pháp không thể xưng kể, giới hạn, là vô lượng. Bánh xe chánh pháp không ai đạt được. Bánh xe chánh pháp không hình tướng. Bánh xe chánh pháp không sinh. Bánh xe chánh pháp là giải thoát.

Đức Thế Tôn nói: Đúng vậy, đúng vậy! Thật đúng như lời người nói! Sự vận chuyển bánh xe của ta là sự vận chuyển bánh xe pháp không, sự vận chuyển bánh xe không thể nghĩ bàn, sự vận chuyển bánh xe không thể xưng kể giới hạn, sự vận chuyển bánh xe vô lượng, không ai đạt được, bánh xe không hình tướng, không sinh, là bánh xe giải thoát.

Bấy giờ, Phạm nữ Thủ Ý vô cùng hoan hỷ, phát tâm thiện rồi liền dùng hương Chiên đàn và cac hương hoa để cúng dường Phật, thưa: Bạch Thế Tôn! Nhờ cội gốc của công đức này, con nguyện sẽ được ủng hộ và được cứu độ, điều phục các căn, chế ngự ái dục, được vận chuyển bánh xe pháp, vận chuyển bánh xe pháp không, bánh xe không thể nghĩ bàn, không thể xưng kể giới hạn, bánh xe vô lượng, không ai đạt được, bánh xe không hình tướng, không sinh khởi, không diệt độ…

Đức Phật mỉm cười, từ kim khẩu Như Lai phóng ra ánh sáng năm màu: Xanh, vàng, đỏ, trắng và xanh lục. Ánh sáng lớn ấy chiếu đến khắp vô số các Cõi Phật ở mười phương, che lấp cả ánh sáng của mặt trời, mặt trăng, rồi trở lại vòng quanh thân Phật ba vòng và nhập vào nơi đỉnh đầu.

Tôn Giả A Nan, người hiểu rõ về bảy pháp, một là biết ý nghĩa, hai là hiểu pháp, ba là biết đúng thời, bốn là biết rõ thời tiết, năm là biết rõ về đại chúng, sáu là tự rèn luyện về bản thân, bảy là biết rõ căn tanh của người khác, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, bày vai bên phải, quỳ gối bên phải, chắp tay bạch Phật: Hôm nay Đại Thánh mỉm cười là sự cảm ứng từ điều gì?

Kính xin Thế Tôn nói rõ ý nghĩa ấy cho chúng con.

Bạch Đấng Thiên Trung Thiên! Xin hãy rũ lòng thương, ban nhiều sự an ổn, nhớ nghĩ đến Chư Thiên và người đời mà phân biệt giảng nói.

Đức Phật bảo: Này Tôn Giả A Nan! Ông có thấy Phạm nữ Thủ Ý dùng bột chiên đàn, hương hoa, hương bột để tung rải cúng dường Phật rồi thệ nguyện được vận chuyển bánh xe chánh pháp không?

Tôn Giả A Nan đáp: Bạch Thế Tôn! Con đã thấy.

Đức Phật nói: Cô gái này, nhờ cội gốc của công đức ấy mà được tự giúp mình và làm an ổn người khác, cứu độ được nhiều người.

Sau khi qua đời, nàng ấy sẽ được chuyển thành thân nam, trong tám mươi bốn ức kiếp không bị đọa vào đường ác, cúng dường sáu vạn Đức Phật Thế Tôn, xuất gia hành đạo, ý chí hướng về đạo quả Sa Môn, nghe nhận Kinh Pháp, nghe Kinh Pháp xong thì đọc tụng, được an trú trong chánh pháp hiện tại của Như Lai.

Sau khi Phật diệt độ, nàng ấy lại cúng dường Xá Lợi, giáo hóa vô số vô lượng chúng sinh, ở trong các chúng hội nhiều không thể tính kể, thiết lập đạo chánh chân vô thượng.

Đến kiếp thọ sinh sau cùng, ở trong tam thiên Đại Thiên Thế Giới, sẽ được thành đạo chánh chân vô thượng, thành bậc Tối Chánh Giác, kiếp tên là Bảo Minh, Phật Hiệu là Bảo Quang gồm đủ mười tôn hiệu Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.

Đức Phật ấy thọ mạng đủ một kiếp, vì các chúng sinh không thể tính kể về số lượng khuyên họ phát tâm bồ đề, được lợi ích tăng trưởng, sau đó họ ở trong cảnh giới Niết Bàn vô dư y mà vào diệt độ.

Tôn Giả A Nan bach Phật: Nàng Thủ Ý này đã gieo trồng căn lành ở chỗ Đức Phật nào?

Đức Phật đáp: Vào đời xa xưa, nàng ấy ở chỗ Đức Phật Duy Vệ, ban đầu phát tâm bồ đề khi còn là thân nữ, nàng dâng chuỗi ngọc báu để cúng dường Phật. Cho đến đời hiện tại hôm nay, nàng cũng ở trước ta, phát nguyện tu tập đạo chánh chân vô thượng.

Nàng ấy cũng ở chỗ Phật Thức Như Lai Chánh Giác phát tâm hoan hỷ, dốc lòng tin dâng cúng y phục lên Đức Phật, nhờ niềm tin từ gia đình mà xuất gia tu hành đạo, làm vị Sa Môn trọn vẹn một ngàn năm, tu hành phạm hạnh thanh tịnh, luôn luôn giảng nói pháp vi diệu, sâu xa.

Khi ở chỗ Như Lai Chánh Giác Tùy Diệp, nàng cúng dường Đức Thế Tôn và chúng đệ tử đầy đủ trọn vẹn trong mười lăm ngày, cũng phát tâm cầu đạt đạo quả chánh chân vô thượng. Lúc ở chỗ Như Lai Chánh Giác Câu Lâu, nàng thích học theo điều thiện, hiểu rõ các chương cú, dùng các loại ngọc và hương thơm quý để dâng cúng Đức Phật, rồi cũng thệ nguyện thành Chánh Giác.

Khi ở chỗ Phật Chánh Giác Câu Na Hàm Mâu Ni, suốt cuộc đời, nàng dùng hương thơm xoa trên Tháp Phật, cúng dường y phục, thực phẩm, thuốc thang, giường tòa cho Đức Phật và Thánh Chúng trong hai ngày.

Nàng đã gặp Phật Ca Diếp và cúng dường phụng sự Đức Phật, không hề bỏ tâm đạo cho đến hôm nay cúng dường ta. Nàng sẽ chuyển thân nữ thành thân nam, sau này sẽ thành tựu Phật đạo để độ thoát chúng sinh.

Đức Phật dạy như thế xong, tất cả đại chúng đều hoan hỷ.

***