Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Phạm Thiên Thưa Hỏi

PHẬT THUYẾT

KINH PHẠM THIÊN THƯA HỎI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bồ Đề Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
 

PHẦN BỐN
 

Bạch Thế Tôn! Nếu có thiện nam, thiện nữ nào nghe được pháp nghĩa hết sức sâu xa như vậy, nghe rồi không hề sợ hãi, thì người ấy đạt được các công đức lớn như vậy.

Bạch Thế Tôn! Con dùng một kiếp, hoặc hơn kém một kiếp để nói về công đức đã đạt được của các thiện nam, thiện nữ ấy cũng không thể hết.

Như sự giác ngộ của Phật là khó nhận biết, khó thấy, không hiểu mà có thể tin tưởng nắm giữ, lãnh thọ, gìn giữ, đọc tụng, thuyết giảng các pháp như vậy cho người khác, tự mình đã có thể an trụ, lại khiến cho kẻ khác an trú trong pháp đó.

Bấy giờ, Đức Như Lai bảo Đại Phạm Thiên Thắng Tư Duy: Này Phạm Thiên! Ông chỉ nhận biết một ít về hình sắc, công đức của các Đại Bồ Tát và hết lòng ca ngợi, tán thán. như tri kiến của Phật thì mới nhận thức trọn vẹn, do Như Lai có trí tuệ không hề bị chướng ngại.

Này Phạm Thiên! Các thiện nam, thiện nữ ấy có được vô lượng công đức như vậy. Lại còn có vô lượng công đức hơn thế nữa. Nếu người có thể nhận biết pháp thâm diệu của Như Lai đã thuyết giảng, hiểu rõ về chữ, câu, nghĩa, thì có thể chứng biết về ý nghĩa sâu xa ấy, tùy thuận không trái ngược, tùy thuận tương ưng hoàn toàn thì có thể hiểu rõ về ý nghĩa, không lệ thuộc vào câu chữ.

Như vậy, Bồ Tát nhận biết về chỗ thuyết pháp của Như Lai, đã dựa vào ngôn ngữ gì để thuyết giảng, nương vào ý nghĩa gì để thuyết pháp, nương vào phương tiện gì để thuyết giảng, nương vào những sự hội nhập gì để thuyết pháp, nương vào tâm đại bi như thế nào để thuyết pháp?

Này Phạm Thiên! Nếu có Bồ Tát nào biết rõ về năm lực nơi hành trí của Như Lai, thì Bồ Tát ấy đổì với các chúng sinh có thể tạo được sự nghiệp an trụ duy trì chánh pháp.

Phạm Thiên thưa: Bạch Thế Tôn! Những gì là năm Lực nơi hành trí của Như Lai?

Phật dạy: Này Phạm Thiên!

Đó là:

1. Ngôn ngữ dùng để thuyết pháp.

2. Ý nghĩa nơi việc thuyết pháp.

3. Phương tiện để thuyết pháp.

4. Sự chứng nhập để thuyết pháp.

5. Hội nhập nơi tâm đại bi để thuyết pháp.

Này Phạm Thiên! Như vậy gọi là Như Lai dùng năm lực nơi hành trí để thuyết pháp. Trong pháp sâu xa ấy, không phải là cảnh giới có thể nhận biết của hàng Thanh Văn, Duyên Giác.

Phạm Thiên thưa: Bạch Thế Tôn! Thế nào là Bồ Tát nhận biết về ngôn ngữ thuyết pháp của Như Lai?

Phật dạy: Này Phạm Thiên! Như Lai giảng nói về pháp quá khứ, hiện tại, vị lai, giảng nói về pháp nhiễm, pháp tịnh, pháp thiện, pháp bất thiện, pháp thế gian, pháp xuất thế gian, pháp hữu lậu, pháp vô lậu, pháp có tội, pháp không tội, pháp hữu vi, pháp vô vi, giảng nói về pháp ngã, chúng sinh, nhân, trượng phu, pháp chứng đắc, pháp sinh tử, pháp Niết Bàn…

Này Phạm Thiên! Nên biết những ngôn thuyết này như nói về sự huyễn hóa. Nên biết do khồng có tướng quyết định nên ngôn thuyết như các việc trong mộng, vì mọi nhận thức đều hư vọng, như tiếng vang nên nói từ hư không phát ra.

Ngổn thuyết như hình bóng, vì do nhân duyên hòa hợp, như dấu ấn, vì không chuyển nhập, như dợn nắng, vì kiến chấp điên đảo, như hư không, vì không sinh không diệt. Do không thuyết giảng mà có thể thuyết giảng, nên biêt là đã dứt bặt mọi nẻo ngôn ngữ.

Này Phạm Thiên! Nếu Bồ Tát có thể nhận biết về những sự thuyết pháp như vậy, thì Bồ Tát ấy tuy dùng tất cả ngôn ngữ để thuyết giảng, nhưng đối với các pháp đều không có đối tượng được ngôn thuyết, do không tham chấp nơi các pháp nên có được biện tài ưa thuyết giảng không chướng ngại.

Do biện tài ấy nên ở trong hằng hà sa số kiếp thuyết giảng về vô số pháp không hề có chướng ngại, không cùng tận và mọi sự thuyết giảng đều không xa lìa pháp giới, nên không chấp trước nơi hình tướng sai biệt.

Này Phạm Thiên! Đó gọi là ngôn ngữ thuyết pháp của Như Lai.

Này Phạm Thiên! Thế nào là Bồ Tát nhận biết về ý lực sâu xa nơi phương tiện để thuyết pháp của Đức Như Lai?

Này Phạm Thiên! Như Lai hoặc nơi pháp nhiễm giảng nói tịnh, hoặc nơi pháp tịnh nói nhiễm. Bồ Tát đối với ý sâu xa của Như Lai nên nhận biết như vậy.

Phạm Thiên thưa: Thế nào là pháp nhiễm Như Lai giảng nói tịnh?

Này Phạm Thiên! Vì không thể nhận thấy thể của pháp nhiễm. Như vậy nên Như Lai đối với pháp nhiễm nói tịnh.

Vì sao pháp tịnh Như Lai nói nhiễm?

Vì không thấy thể tánh của pháp tịnh, do vậy nên Như Lai nơi pháp tịnh nói là nhiễm.

Lại nữa, này Phạm Thiên! Như Lai nương nơi bố thí để chỉ bày về Niết Bàn.

Hàng phàm phu ít hiểu biết nên không thể nhận rõ ngụ ý của Như Lai, chỉ có các Bồ Tát mới khéo nhận biết được ngụ ý ấy, nên tin như thế nơi pháp thiện sâu xa mà suy nghĩ: Người hành bố thí thì vào đời sau sẽ được giàu sang lớn. Nhưng ở trong pháp ấy không một pháp nào có thể từ một niệm tới một niệm chuyển đến đời sau, vì Niết Bàn không phải là pháp chuyển biến.

Nếu không một pháp nào có thể từ một niệm đến một niệm chuyển tới đời sau, thì đấy tức là thật tướng của tất cả các pháp. Thật tướng của các pháp tức là Niết Bàn. Như Lai giảng thuyết về trì giới là Niết Bàn, do không tạo tác, không sinh khởi.

Nhẫn nhục là Niết Bàn, do niệm niệm được vắng lặng. Tinh tấn là Niết Bàn, do không có đôi tượng được chọn lấy hay xả bỏ. Thiền định là Niết Bàn, do không tham châp nơi thiền vị.

Bát Nhã là Niết Bàn, do không thủ đắc về tướng. Tham dục là thật tế, vì tánh của các pháp không có tướng tham dục. Sân hận là thật tê, vì tánh của các pháp không có tướng sân hận. Ngu si là thật tế, vì pháp tánh không có tướng ngu si.

Thế gian là Niết Bàn, vì không thoái chuyển, không sinh khởi. Niết Bàn là thế gian, vì do sự chấp trước. Thật ngữ là hư vọng, vì sinh ra các kiến chấp. Hư vọng là thật ngữ, vì do nơi người tăng thượng mạn.

Lại nữa, này Phạm Thiên! Như Lai do tùy ý mà thuyết giảng.

Hoặc tự thuyết ta là người nói về chấp thường.

Hoặc tự thuyết ta là người nói về nhiễm.

Hoặc tự thuyết ta là người nói về chấp đoạn.

Hoặc tự thuyết ta là người nói không có nghiệp.

Hoặc tự thuyết ta là người nói không có sự tạo tác nơi nghiệp.

Hoặc tự thuyết ta là người nói về bất tín.

Hoặc tự thuyết ta là người nói về việc không biết ân.

Hoặc tự thuyết ta là người nói về trộm cướp.

Hoặc tự thuyết ta là người nói về sự không dung nạp.

Hoặc tự thuyết ta là người nói về sự chẳng thọ nhận. Nhưng Như Lai thật sự không có các sự việc như vậy.

Này Phạm Thiên! Ông nên biết đây là chỗ tùy ý của Như Lai, do nương vào những ý nghĩa nào đấy để khiến cho chúng sinh kiêu mạn xả bỏ ngã mạn.

Này Phạm Thiên! Như Lai đã nương vào những ý sâu xa như vậy để giảng nói pháp. Nếu Bồ Tát nhận biết về phương tiện tùy hành của Như Lai để thuyết pháp, hoặc nghe Phật ra đời thì có thể tin tưởng, lãnh thọ, nhằm chỉ dẫn cho chúng sinh về nghiệp thiện, về quả báo nơi sắc thân.

Hoặc nghe Phật không ra đời cũng tin tưởng, lãnh thọ, vì cho đấy là thân pháp tánh của Chư Phật.

Hoặc nghe Phật thuyết pháp cũng tin tưởng, lãnh thọ, vì ưa thích văn tự nơi chúng sinh.

Hoặc nghe Phật không thuyết pháp cũng tin tưởng, lãnh thọ, do pháp tánh của Chư Phật là không thể nêu giảng được.

Hoặc nghe có Niết Bàn cũng tin tưởng, lãnh thọ, vì nhằm diệt trừ điên đảo là chỗ dấy khởi các phiền não.

Hoặc nghe không có Niết Bàn cũng tin tưởng, lãnh thọ, do tướng của các pháp là không sinh, không diệt.

Hoặc nghe có chúng sinh cũng tin tưởng, lãnh thọ, do đã vào được cửa của thế đế.

Hoặc nghe không có chúng sinh cũng tin tưởng, lãnh thọ, do đã hội nhập nơi nhất nghĩa đế.

Này Phạm Thiên! Đại Bồ Tát khéo nhận biết về phương tiện tùy hành của Như Lai để giảng nói pháp như thế, đối với âm thanh của các lời giảng nói không hề sợ hãi, thì nên biết là cũng có thể tạo lợi ích cho vô lượng chúng sinh.

Này Phạm Thiên! Thế nào là Bồ Tát nhận biết về phương tiện thuyết pháp của Như Lai?

Này Phạm Thiên! Như Lai vì chúng sinh mà giảng nói về bố thí sẽ đạt được giàu sang, giảng nói về trì giới sẽ được sinh lên Cõi Trời, nhẫn nhục sẽ được thân tướng uy nghiêm, tinh tấn sẽ đạt được đầy đủ các trí, thiền định sẽ có được mọi sự tịch tĩnh, trí tuệ sẽ xả bỏ hết các phiền não, hiểu biết rộng sẽ có được trí tuệ.

Hành mười nẻo nghiệp thiện sẽ thành tựu được mọi sự giàu có, an vui nơi hàng trời, người. Hành từ, bi, hỷ, xả sẽ được sinh lên Cõi Trời Phạm Thế. Hành Xa Ma Tha sẽ đạt được Tỳ Bà Xá Na. Hành theo bậc Hữu Học sẽ chứng được bậc Vô Học.

Hành hạnh Bích Chi Phật thanh tịnh thì có thể thọ nhận các sự cúng dường. Hành theo sự chỉ dạy của Chư Phật sẽ đạt được vô lượng trí. Hành theo Niết Bàn sẽ diệt trừ tất cả mọi khổ não.

Này Phạm Thiên! Như Lai dùng các phương tiện thiện xảo như vậy, vì những chúng sinh mà khen ngợi, thuyết giảng các pháp ấy, nhưng Như Lai thật sự chẳng thủ đắc về ngã, chúng sinh, thọ mạng, trượng phu… nên biết là Như Lai cũng không thấy có bố thí, cũng không thấy quả của Bố thí.

Không thấy có keo kiệt, cũng không thấy quả của keo kiệt.

Không thấy có trì giới, cũng không thấy quả của trì giới.

Không thấy có hủy giới, cũng không thấy quả của hủy giới.

Không thấy có nhẫn nhục, cũng không thấy quả của nhẫn nhục.

Không thấy có giận dữ, cũng không thấy quả của giận dữ.

Không thấy có tinh tấn, cũng không thấy quả của tinh tấn.

Không thấy có biếng trễ, cũng không thấy quả của biếng trễ.

Không thấy có thiền định, cũng không thấy quả của thiền định.

Không thấy có tâm loạn, cũng không thấy quả của tâm loạn.

Không thấy có bát nhã, cũng không thấy quả của Bát Nhã.

Không thấy có ngu si, cũng không thấy quả của ngu si.

Không thấy có khổ vui, cũng không thấy quả của khổ vui.

Không thấy có bậc Tu Đà Hoàn, cũng không thấy quả của Tu Đà Hoàn. Cho đến không thấy có Bồ Đề, không thấy quả của Niết Bàn.

Này Phạm Thiên! Như Lai luôn vì chúng sinh mà thuyết giảng pháp, chúng sinh nương nơi những lời chỉ dạy như thật của Như Lai để tu hành, chuyên cần tu tập các hạnh, vì ý nghĩa gì chúng sinh chuyên cần tu tập các pháp hành ấy nhưng không thể chứng, không thể đắc từ quả vị Tu Đà Hoàn đến A La Hán, Duyên Giác, cho đến đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, đạt tới Niết Bàn?

Do vậy mà các chúng sinh ấy không chứng đắc Niết Bàn, không thấy Niết Bàn.

Này Phạm Thiên! Đó gọi là phương tiện thuyết pháp của Như Lai. Các Đại Bồ Tát phải nên tinh tấn tu tập nhằm khiến cho chúng sinh thâu giữ được diệu pháp.

Này Phạm Thiên! Thế nào là Bồ Tát nhận biết về chỗ hội nhập để thuyết pháp của Như Lai?

Này Phạm Thiên! Mắt là nhập nơi cửa giải thoát. Như vậy tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng là nhập nơi cửa giải thoát.

Vì sao?

Vì mắt là không, không ngã và ngã sở. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng là không, không ngã và ngã sở. Vì tự tánh của chúng là như thế.

Này Phạm Thiên! Nên biết các nhập ấy đều là nhập nơi cửa giải thoát. Nên biết chánh hành thì chẳng lừa dối. như vậy, sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp đều là nhập cửa giải thoát.

Đó là cửa Không, cửa vô tướng, cửa vô nguyện, cửa chẳng hành, cửa chẳng sinh, chẳng diệt, cửa không từ đâu đến, cũng không đi về đâu, cửa chẳng thoái lui, chẳng sinh, cửa tự tánh thanh tịnh, vắng lặng.

Lại nữa, này Phạm Thiên! Như Lai đối với tất cả các danh tự nêu bày rõ về cửa giải thoát.

Vì sao?

Vì tất cả các danh tự đều không hòa hợp, không dụng công, vì tự tánh của chúng vốn sâu kín.

Này Phạm Thiên! Nên biết Như Lai tức ở trong tất cả các thứ văn tự để giảng nói về Thánh Đế. Nên biết Như Lai tức ở trong hết thảy pháp được nêu giảng đã thuyết giảng về cửa giải thoát.

Này Phạm Thiên! Nếu không có danh tự, ngôn ngữ để thuyết pháp, thì Chư Phật, Như Lai không giảng nói về thật đế.

Này Phạm Thiên! Như Lai thuyết pháp không có pháp nhiễm, trong tất cả các pháp được thuyết giảng, Như Lai đa chỉ bày về cửa giải thoát khiến mọi người chứng đắc được trí tuệ, hội nhập Niết  Bàn.

Này Phạm Thiên! Đó gọi là pháp môn hội nhập để thuyết pháp của Như Lai.

Này Phạm Thiên! Các Đại Bồ Tát phải nên tu học pháp ấy.

Này Phạm Thiên! Thế nào là Như Lai dùng tâm đại bi, thuyết giảng pháp cho khắp tất cả chúng sinh?

Này Phạm Thiên! Như Lai có đầy đủ ba mươi hai thứ tương ưng với đại bi, vì tất cả chúng sinh mà thuyết pháp.

Những gì gọi là ba mươi hai thứ tương ưng với đại bi?

***