Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Phạm Thiên Thưa Hỏi

PHẬT THUYẾT

KINH PHẠM THIÊN THƯA HỎI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bồ Đề Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
 

PHẦN CHÍN
 

Bồ Tát đoạn ác đạo nói: Nếu Bồ Tát đối với Quốc Độ của Chư Phật đều đặt chân tới, tức thì tất cả các đường ác đều bị tiêu diệt. Đó gọi là Bồ Tát.

Bồ Tát Quan Thế Tự Tại nói: Nếu Bồ Tát mà chúng sinh khi gặp tức thì phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, lại xưng niệm danh hiệu mình liền hết lo sợ. Đó gọi là Bồ Tát.

Bồ Tát Đắc Thế Chí nói: Nếu Bồ Tát chân đi đến đâu đều làm chấn động cả tam thiên đại thiên Thế Giới cùng cung điện của ma. Đó gọi là Bồ Tát.

Bồ Tát Vô Bì Quyện nói: Nếu Bồ Tát với số lượng các kiếp nhiều như cát của Sông Hằng làm một ngày, ba mươi ngày như vậy làm một tháng, mười hai tháng như vậy làm một năm. Số năm như thế, nếu hơn trăm ngàn vạn ức kiếp được gặp một Đức Phật.

Gặp như vậy cho đến hằng hà sa các Đức Như Lai ở nơi ấy thường thực hành phạm hạnh, tu tập công đức, rồi sau đó mới được thọ ký Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, trong thời gian ấy không có ngững nghỉ, tâm không mỏi mệt. Đó gọi là Bồ Tát.

Bồ Tát Đạo Sư nói: Nếu Bồ Tát đối với các chúng sinh rơi vào tà đạo mà sinh khởi tâm từ bi lớn, làm cho họ đi vào chánh đạo mà không cần báo đáp. Đó gọi là Bồ Tát.

Bồ Tát Đại Di Lâu Sơn nói: Nếu Bồ Tát đối với tất cả các pháp tâm không phân biệt, như núi Di Lâu chỉ một màu sắc. Đó gọi là Bồ Tát.

Bồ Tát Na La Diên nói: Nếu Bồ Tát không bị tất cả các thứ phiền não phá hoại. Đó gọi là Bồ Tát.

Bồ Tát Tâm Lực nói: Nếu Bồ Tát suy nghĩ về tất cả các pháp mà thân tâm không bị thương tổn. Đó gọi là Bồ Tát.

Bồ Tát Sư Tử Du Bộ Tự Tại nói: Nếu Bồ Tát không có lo sợ đối với các luận thuyết, được pháp nhẫn thâm diệu, có thể khiến cho các loại ma, tất cả ngoại đạo đều phải sợ hãi. Đó gọi là Bồ Tát.

Bồ Tát Bất Khả Tư Nghi nói: Nếu Bồ Tát biết tâm và pháp không thể nghĩ bàn, không chỗ suy nghĩ, không nơi phân biệt. Đó gọi là Bồ Tát.

Thiên Tử Thiện Tịch nói: Nếu Bồ Tát có thể sống trong tất cả các Cung Điện của Trời mà không có tham nhiễm, cũng không thủ đắc nơi pháp không tham nhiễm. Đó gọi là Bồ Tát.

Bồ Tát Thật Ngữ nói: Nếu Bồ Tát nói ra điều gì thường là chân thật, cho đến ỏ trong mộng cũng không nói dối. Đó gọi là Bồ Tát.

Bồ Tát Hỷ Kiến nói: Nếu Bồ Tát có thể thấy tất cả các sắc đều là màu sắc của Phật. Đó gọi là Bồ Tát.

Bồ Tát Thường Bi nói: Nếu Bồ Tát thấy chúng sinh bị rơi trong cõi sinh tử đau khổ, không vui thích đối với tất cả các điều an lạc của bản thân, chỉ trừ pháp lạc và thường giáo hóa chúng sinh. Đó gọi là Bồ Tát.

Bồ Tát Tâm vô Ngại nói: Nếu Bồ Tát có thể đối với tất cả chúng ma phiền não mà không sân hận. Đó gọi là Bồ Tát.

Bồ Tát Thường Hỷ Căn nói: Nếu Bồ Tát thường dùng hỷ căn để tự thỏa mãn ước nguyện của mình và thỏa mãn ước nguyện của người khác, mọi điều đã làm xong. Đó gọi là Bồ Tát.

Bồ Tát Tám Nghi hối nói: Nếu Bồ Tát đối với tất cả các pháp tâm không nghi ngờ. Đó gọi là Bồ Tát.

Bồ Tát Sư Tử Đồng Tử nói: Nếu Bồ Tát cũng không phải là pháp nam cũng không phải là pháp nữ, mà hiện ra đủ các loại sắc thân để thành tựu lợi ích cho các chúng sinh. Đó gọi là Bồ Tát.

Bồ Tát Bảo Nữ nói: Nếu Bồ Tát đối với các ngọc báu không sinh tâm tham nhiễm mà chỉ ưa thích Tam Bảo. Đó gọi là Bồ Tát.

Ưu Bà Di Tỳ Xá Khư Đạt Đa nói: Nếu Bồ Tát có sở đắc tức là không có bồ đề. Nếu không thủ đắc tất cả pháp, không sinh nơi tất cả pháp, không diệt nơi tất cả pháp. Đó gọi là Bồ Tát.

Đại Hiền sĩ Bạt Đà Ba La nói: Nếu Bồ Tát có các chúng sinh nghe đến danh hiệu mình liền quyết định phát tâm vô thượng bồ đề. Đó gọi là Bồ Tát.

Đồng Tử Bảo Nguyệt nói: Nếu Bồ Tát thường có thể tu hành phạm hạnh Đồng Tử, cho đến tâm không còn nhớ tới năm dục, huống gì là thân còn thọ hưởng. Đó gọi là Bồ Tát.

Bồ Tát Đao Lợi Thiên Tử Mạn Đà La Hoa Hương nói: Nếu Bồ Tát trì giới, tâm thường huân tập các hương của pháp thiện công đức, không lưu giữ các loại hương thơm khác. Đó gọi là Bồ Tát.

Bồ Tát Tác Hỷ nói: Nếu Bồ Tát vui thích nơi ba pháp. Đó là cúng dường Phật, giữ gìn chánh pháp, giáo hóa chúng sinh. Đó gọi là Bồ Tát.

Phạm Thiên Thắng Tư Duy nói: Nếu Bồ Tát thấy tất cả pháp đều là Phật Pháp. Đó gọi là Bồ Tát.

Nếu Bồ Tát khi chúng sinh nhìn thấy liền có thể nhập vào tam muội đại từ. Đó gọi là Bồ Tát.

Pháp Vương Tử Văn Thù Sư Lợi nói: Nếu Bồ Tát tuy thuyết giảng các pháp mà không dấy khởi tưởng về pháp, tưởng về ngã, tưởng về kẻ khác. Đó gọi là Bồ Tát.

Bồ Tát Võng Minh nói: Nếu Bồ Tát với ánh sáng có thể diệt trừ tất cả các phiền não tối tăm của hết thảy chúng sinh. Đó gọi là Bồ Tát.

Bồ Tát Phổ Hoa nói: Nếu Bồ Tát thấy khắp mười phương Thế Giới của Chư Phật nở đầy các loài hoa tươi đẹp. Đó gọi là Bồ Tát.

Các vị Bồ Tát như thế là tùy theo chỗ ưa thích của mình mà nêu bày biện tài vừa xong.

Bấy giờ, Phật bảo Phạm Thiên Bình Đẳng Hạnh Bà La Môn Đại Bà La Tử: Này Phạm Thiên! Nếu Bồ Tát có thể đại diện cho các chúng sinh lãnh chịu các thứ khổ não, lại có thể xả bỏ tất cả phước báo, đem cho các chúng sinh. Đó gọi là Bồ Tát.

Phạm Thiên Thắng Tư Duy hỏi Phạm Thiên Bình Đẳng Hạnh Bà La Môn Đại Bà La Tử: Này thiện nam! Nay ông thực hành pháp gì?

Đáp: Thưa Phạm Thiên! Các chúng sinh hành theo tất cả pháp hữu vi gì, thì tôi hành như vậy.

Phạm Thiên hỏi: Các chúng sinh dùng gì để hành tất cả pháp hữu vi?

Đáp: Thưa Phạm Thiên! Đó là chỗ hành của Chư Phật, là tất cả pháp hữu vi mà các chúng sinh hành.

Phạm Thiên hỏi: Chư Phật thực hành những gì?

Đáp: Thưa Phạm Thiên! Chư Phật dùng đệ nhất nghĩa không để hành.

Phạm Thiên hỏi: Này thiện nam! Nếu chỗ hành của tất cả phàm phu cũng là nẻo hành của Chư Phật.

Vậy Phật và chúng sinh không có khác nhau sao?

Phạm Thiên Bình Đẳng Hạnh Bà La Môn Đại Bà La Tử thưa: Thưa Phạm Thiên! Ông muốn khiến cho không trung có sự sai khác sao?

Phạm Thiên đáp: Không.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi hỏi Phạm Thiên Thắng Tư Duy: Này Phạm Thiên! Như Lai lẽ nào đã không giảng nói tất cả pháp không sao?

Phạm Thiên đáp: Đúng vậy!

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi nói: Này Phạm Thiên! Vì thế tất cả các pháp không có sai khác và các hành tướng ấy cũng lại không có tướng sai biệt. Cho nên Như Lai không nói các pháp có nhiều hình tướng.

Phạm Thiên Bình Đẳng Hạnh Bà La Môn Đại Bà La Tử hỏi Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Như những lời của hành giả giảng nói thì những gì gọi là hành?

Đáp: Này thiện nam! Người nào dù bất cứ ở đâu đều có bổn chánh hạnh, thì người đó gọi là hành xứ phạm hạnh.

Này thiện nam! Những người nào hành bốn phạm hạnh, thì những người ấy gọi là thành tựu phạm hạnh.

Này thiện nam! Tuy ở giữa đồng trông vắng vẻ mà xa lìa phạm hạnh thì người ấy không được gọi là thành tựu phạm hạnh và cũng không phải khéo nhận biết phạm hạnh.

Này thiện nam! Nếu có người tuy ở lâu đài tốt đẹp, giường bằng vàng bạc, áo nệm sang trọng mà thành tựu được phạm hạnh, thì người ấy mới đích thật là thành tựu phạm hạnh, thật là khéo nhận biết phạm hạnh.

Phạm Thiên hỏi: Nếu thấy rõ về ngã kiến thì không phải là trí kiến sao?

Đáp: Này thiện nam! Đúng vậy, đúng vậy! Này thiện nam! Nếu thấy rõ về ngã kiến thì người ấy không phải là trí kiến.

Này thiện nam! Như người khéo nhận biết đúng như thật về tánh của vàng tức biết nó mềm mại hay không mềm mại. Cũng vậy, thấy ngã thì có thể là trí thanh tịnh.

Phạm Thiên hỏi: Vì sao nói là ngã kiến: Đáp: Này thiện nam! Do vô ngã nên thể của pháp mới thường.

Này thiện nam! Ngã thường không có bản thể thì xưa nay không thành. Do ngã như vậy nên cuôì cùng quyết định nói là ngã.

Hỏi: Như tôi hiểu về ý nghĩa của pháp mà Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi giảng nói: Là thấy ngã tức thấy Phật.

Vì sao?

Vì thể của ngã và thể của Phật là không có sai khác.

Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Những người nào có thể thấy được Như Lai?

Đáp: Này thiện nam! Nếu có thể không cải đổi về tướng của ngã kiến.

Vì sao?

Vì ngã kiến, pháp kiến, Phật kiến đều là bình đẳng.

Hỏi: Phải chăng có chỗ vô sở hành mới được gọi là chánh hạnh chăng?

Đáp: Có.

Này thiện nam! Nếu không hành nơi tất cả pháp hữu vi thì đó gọi là chánh hạnh.

Hỏi: Hành như thế nào gọi là chánh hạnh?

Đáp: Này thiện nam! Nếu chẳng vì nhận biết mà hành, không vì đoạn trừ mà hành, không vì chứng đắc mà hành, không vì tu tập mà hành, đó gọi là chánh hạnh.

Hỏi: Có người không gặp Phật mà có Tuệ Nhãn thanh tịnh chăng?

Đáp: Có Này thiện nam! Chư Phật Như Lai không thấy hai tướng. Vậy người kia tức có Tuệ Nhãn thanh tịnh.

Hỏi: Tuệ Nhãn thấy được những pháp gì?

Đáp: Này thiện nam! Nếu chỉ thấy một pháp thì không gọi là Tuệ Nhãn.

Này thiện nam! Tuệ Nhãn không thấy các pháp hữu vi, cũng không thấy các pháp vô vi.

Vì sao?

Vì tuệ bát nhã không có phân biệt. Do ý nghĩa này nên bát nhã không thấy có các pháp hữu vi. Bát nhã là pháp vô vi cũng vượt hơn tuệ nhãn, cho nên không thấy.

Hỏi: Có Tỳ Kheo chảnh hạnh mà không chứng đắc đạo quả chăng?

Đáp: Có.

Này thiện nam! Ở trong chánh hạnh không có quả, không có chứng đắc cũng không có chánh hạnh, ở đó cũng không tu hành một pháp.

Này thiện nam! Ở trong chánh hạnh cũng không có quả để có thể chứng đắc. Vì không có phân biệt.

Này thiện nam! Không chứng đắc một pháp nào mới gọi là chứng đắc.

Này thiện nam! Nếu phân biệt mà nói ta có chỗ chứng đắc, thì người ấy là ngã mạn. Do trong chánh hạnh không có tăng thượng mạn. Do không có tăng thượng mạn nên không chứng, không đắc.

Hỏi: Vì đắc pháp gì mà gọi là đắc đạo?

Đáp: Này thiện nam! Do những pháp gì không sinh, xưa nay không sinh và sau này cũng không sinh. Vì chứng đắc pháp ấy nên gọi là thật pháp.

Hỏi: Nếu pháp không sinh, sao có các pháp để chứng?

Đáp: Này thiện nam! Nếu biết pháp không sinh, tức nói biết pháp ấy. Đó gọi là chứng pháp. Thấy các pháp hữu vi tất cả đều không sinh thì đấy gọi là chứng đắc chánh định.

Hỏi: Vì sao gọi là chứng đắc chánh định?

Đáp: Này thiện nam! Ta và Niết Bàn bình đẳng không hai, không có sai biệt cho nên gọi là chứng đắc chánh định. Tùy theo chánh định mà gọi là chứng đắc chánh định. Do chứng đắc rốt ráo pháp bình đẳng nên nói là chánh định.

Lại nữa, do hiểu rõ được nghĩa lý nên nói là chánh định, do không hý luận nơi các tam muội nên nói là chánh định.

***