Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Phạm Thiên Thưa Hỏi

PHẬT THUYẾT

KINH PHẠM THIÊN THƯA HỎI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bồ Đề Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
 

PHẦN MƯỜI BA
 

Này các thiện nam! Nếu có người thực hành theo Kinh này, thì ta thấy người ấy đã thâu nhận và có đầy đủ hết thảy các uy lực.

Này các thiện nam! Nếu có người nào nghe Kinh này, hoặc là Hòa Thượng, A Xà Lê, thì ta thấy sự cúng dường tài vật của thế gian không làm sao báo đáp được ân đức của các vị Pháp Sư. Vì pháp môn này vượt ra ngoài pháp thế gian, cho nên sự cúng dường của thế gian không thể báo đáp được.

Pháp này không có nhiễm ô, mà tài vật thế gian là pháp nhiễm ô nên không thể báo đáp ân đức ấy được. Do vậy không thể dùng của cải, phẩm vật ăn uống, ngọa cụ… của thế gian mà báo đáp ân đức của vị Pháp Sư được.

Này các thiện nam! Nếu có người nào tu hành theo đúng pháp môn này thì mới có thể báo đáp ân đức của Phật, ân đức của người thuyết pháp, ân đức của thầy.

Người đó được gọi là chẳng ăn không phẩm vật của người dâng cúng, là người thuận theo lời chỉ dạy của như Lai, là người vượt qua các dòng, là người ra ngoài các đường hiểm, là người kiến lập Đạo Tràng, là người có thể diệt trừ quân địch.

Là Sư Tử chúa không còn lo sợ, là voi chúa có thể hàng phục ma, là bò chúa, các luận sư ngoại đạo không thể phá hoại, là bậc y vương chữa trị các bệnh, là người không sợ hãi có thể thuyết pháp, là người có thể dùng đầy đủ tài vật đem ra bố thí, là người xả bỏ tất cả phiền não.

Là người trì giới thanh tịnh, rốt ráo các pháp thiện, là người được nhân nhục lớn, xa lìa ngã và ngã sở, là người có đủ lực tinh tấn lớn, ở trong vô lượng kiếp không có mệt mỏi, là người đầy đủ thiền định, tâm thường trú một nơi, là người có trí tuệ lớn, hiểu rõ ngôn từ các chương cú.

Là người có công đức lớn, dùng vô lượng phước đức trang nghiêm nơi thân tướng, là người có oai đức lớn, có thể che ánh sáng của mặt trời, mặt trăng, là người đại lực, nắm giữ mười lực của Phật, là người có đám mây lớn làm sấm chớp, mưa tuôn, diệt trừ phiền não.

Là người quay về nương tựa nơi chánh pháp để đi đến Niết Bàn, là người cứu độ được mọi sợ hãi nơi sinh tử, là người có ánh đèn sáng, xa lìa tối tăm vô minh, là người làm ma khiếp sợ khiến trở về quy phục, là người tạo đại đạo cứu cánh của chúng sinh.

Là người đạt được quả vị ngồi nơi Đạo Tràng, là người được pháp nhãn, là người thấy chân như, là người biết rõ về không, là người an trú vào đại bi, là người an lập đại từ, là người không rời bỏ chúng sinh, là người từ bỏ tiểu thừa, là người hướng đến đại thừa.

Là người dứt trừ mọi điên đảo, là người đi đến bình đẳng, là người vào nơi pháp vị, là người an trú nơi Đạo Tràng, là người phá trừ các ma, là người trụ nơi nhất thiết trí, là người có thể chuyển pháp luân, là người làm việc của Phật.

Này các thiện nam! Một kiếp hoặc hơn một kiếp, ta khen ngợi, tôn xưng người ấy, nói về công đức theo như nơi Kinh này mà tu hành cũng không thể cùng tận. Dù là sự biện tài của Như Lai cũng không cùng tận.

Bấy giờ, trong chúng hội có một vị Thiên Tử tên là bất thoái chuyển bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Ngài dạy tùy pháp tu hành.

Vậy thế nào là tùy theo pháp tu hành?

Phật dạy: Này Thiên Tử! Người nghe ta thuyết pháp theo đó mà tu hành, nghĩa là không phải tu hành tất cả các pháp, nhưng đó gọi là tu hành các pháp.

Vì sao?

Vì người tu hành tất cả các pháp thì pháp ấy không tạo tác, cũng chẳng phải là không tạo tác. Nếu pháp không tạo tác, cũng chẳng phải là không tạo tác, đó gọi là tùy pháp tu hành.

Hành như vậy nên là hành giả không hành thiện, không hành bất thiện, không hành hữu lậu, không hành vô lậu, không hành pháp thế gian, không hành pháp xuất thế gian, không hành hữu vi, không hành vô vi, không hành sinh tử và không hành Niết Bàn. Đó gọi là tùy pháp tu hành.

Nếu không tu hành tất cả pháp thì gọi là tu hành. Vì người thế gian chấp có pháp tướng, không hành như thật. Nếu cho có pháp tướng, tức là người ấy không tu hành như thật. Người không thể trú trong các pháp, không hành như thật hết thảy các pháp, do tất cả pháp không có đối lập. Đó gọi là tu hành như thật.

Bấy giờ, Thiên Tử bất thoái chuyển bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu người có thể tu hành như thật như vậy, thì người ấy có thể tu hành như thật một cách rốt ráo.

Vì sao?

Vì hành pháp chân thật, nên gọi là rốt ráo. Người tu hành như thật không trụ nơi tà đạo mà trụ nơi chánh đạo, có tùy pháp hành.

Bạch Thế Tôn! Thực hành chánh đạo là không có pháp tà, vì các pháp bình đẳng không có sai khác.

Lúc này, Phạm Thiên Thắng Tư Duy hỏi Thiên Tử bất thoái chuyển: Này thiện nam! Ông trú trong chỗ tu hành như thật sao?

Đáp: Thưa Phạm Thiên! Nếu trong sự thuyết pháp của Đức Thế Tôn có hai tướng, thì tôi trú nơi tu hành như thật. Nay các pháp không có hai tướng nên mới gọi là tu hành như thật.

Thưa Phạm Thiên! Tôi trú trong pháp ấy không có tạo tác, không có hý luận như pháp chân như, theo các pháp như thật như vậy mà tu hành, cho nên tôi nói là an trú nơi ấy để tu hành.

Phạm Thiên nói: Này Thiên Tử! Tôi thường ở trong Quốc Độ của Phật này mà không biết ông.

Thiên Tử thưa: Thưa Phạm Thiên! Tôi cũng ở trong Quốc Độ của Phật này mà cũng chưa từng thấy biết tôi.

Phạm Thiên nói: Này Thiên Tử! Ở Quốc Độ của Phật này không có phân biệt, không có chỗ phân biệt về tôi thấy hay không thấy.

Thiên Tử thưa: Thưa Phạm Thiên! Tôi cũng như vậy, cũng không phân biệt, không có chỗ phân biệt, từng ở nơi Cõi Phật này thấy cùng không thấy.

Phạm Thiên hỏi: Này Thiên Tử! Người như thế nào là có thể thấy và chưa từng thấy?

Đáp: Thưa Phạm Thiên! Các phàm phu đều chưa thấy pháp của Bậc Thánh. Nếu có thể hội nhập nơi pháp Bậc Thánh, tức gọi là trước kia chưa thấy mà nay được thấy.

Pháp này không phải nhờ nơi nhãn thức mà thấy được, cũng không nhờ nơi tỷ, thiệt, thân, ý thức mà biết được. Chỉ các Bậc Thánh Nhân đạt như chân như mới thấy đúng nhãn, nhĩ, ý và pháp vị. Cái thấy ấy gọi là chánh kiến.

Bấy giờ, Thích Đề Hoàn Nhân bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Ví như thương chủ vào nơi đảo châu báu mắt thấy đều là bảo vật. Cũng vậy, thành tựu các công đức không thể nghĩ bàn, nên có chỗ ưa thích thuyết giảng đều là pháp bảo đều là thật tế.

Này các thiện nam! Do không chấp vào ngã kiến, không chấp nơi chúng sinh kiến, có chỗ ưa thích giảng thuyết đều không điên đảo.

Này các thiện nam! Có chỗ ưa thích giảng thuyết đều đạt được thanh tịnh nơi đời trước, không thấy đời sau, không thấy đời hiện tại.

Này các thiện nam! Nếu có chỗ lia thích giảng thuyết thì dù không có niềm tin khiến sinh niềm tin, nếu có niềm tin rồi thì khiến được giải thoát.

Này các thiện nam! Nếu có chỗ ưa thích thuyết giảng dù có kiêu mạn đều khiến được hàng phục, không có kiêu mạn thì khiến thấy biết đều đúng như thật.

Này các thiện nam! Nếu có chỗ ưa thích giảng thuyết thì tất cả các thứ ma không đến quấy rối. Nếu có người nghe thì được ra khỏi các nghiệp ma.

Này các thiện nam! Nếu có chỗ ưa thích giảng thuyết dù các pháp thiện chưa sinh thì có thể khiến phát sinh, nếu các pháp thiện đã sinh rồi thì khiến không bị tiêu diệt.

Này các thiện nam! Nếu có chỗ ưa thích giảng thuyết thì các phiền não hiện tại đã sinh có thể khiến đoạn trừ, các thứ phiền não chưa sinh thì khiến không phát sinh.

Này các thiện nam! Nếu có chỗ ưa thích giảng thuyết, nếu tâm bồ đề chưa phát thì khiến được phát, tâm bồ đề đã phát rồi thì khiến không bị thoái chuyển.

Này các thiện nam! Nếu có chỗ ưa thích giảng thuyết thì có thể làm cho các pháp không bị đoạn mất, thâu giữ các pháp khiến không bị tiêu diệt.

Này các thiện nam! Nếu có chỗ ưa thích giảng thuyết thì có thể khiến đạt đầy đủ tất cả pháp Phật.

Bạch Thế Tôn! Dùng sự ưa thích thuyết giảng ấy để khéo hàng phục tất cả ngoại đạo.

Vì sao?

Vì tất cả loài dã can đối trước Sư Tử chúa đều không dám phô bày thân huống gì là phát ra âm thanh.

Bạch Thế Tôn! Tất cả ngoại đạo với các luận nghị Sư cũng lại như vậy, không thể kham nổi, không thể gầm lên tiếng gầm vô thượng của Sư Tử chúa.

Bấy giờ, Thiên Tử bất thoái chuyển hỏi Thích Đề Hoàn Nhân: Này Thiên Vương Kiều Thi Ca! Do ý nghĩa gì mà gọi là Sư Tử gầm?

Đáp: Này Thiên Tử! Nếu hành giả thuyết pháp mà không có tham chấp để nêu bày pháp, đó gọi là Sư Tử gầm. Nếu hành giả có tham chấp mà thuyết pháp thì đó là tiếng dã can kêu, không phải là Sư Tử gầm, vì đã khởi lên tất cả tà kiến.

Này Thiên Tử! Ông nên nói rõ hơn thế nào là Sư Tử gầm?

Thiên Tử đáp: Này Kiều Thi Ca! Nếu hành giả thuyết pháp mà đến quả vị của Đức Như Lai cũng không tham chấp huống chi là các pháp khác, thì đó gọi là Sư Tử gầm.

Lại nữa, này Kiều Thi Ca! Nếu hành giả như pháp đã nêu giảng tu hành và theo như thế mà thuyết giảng pháp, thì đó gọi là Sư Tử gầm. Quyết định thuyết pháp gọi là Sư Tử gầm. Thuyết pháp không có lo sợ gọi là Sư Tử gầm.

Lại nữa, này Kiều Thi Ca! Nếu hành giả xem các pháp không sinh, không diệt, không vì pháp sinh, không vì pháp diệt theo đấy mà thuyết pháp, thì đó gọi là Sư Tử gầm.

Lại nữa, này Kiều Thi Ca! Nếu hành giả xem các pháp không có cấu bẩn, sạch sẽ, hội họp, phân tán mà thuyết giảng pháp, thì đó gọi là Sư Tử gầm.

Lại nữa, này Kiều Thi Ca! Sư Tử gầm gọi là quyết định thuyết giảng. Tất cả các pháp không có ngã, không có chúng sinh. Đó gọi là Sư Tử gầm. Do quyết định thuyết pháp là không, vô tướng, vô nguyện, đó gọi là Sư Tử gầm. Giữ gìn các pháp để thuyết giảng, gọi là Sư Tử gầm.

Vì các chúng sinh khiến cho họ được giải thoát, Phát Tâm Bồ Đề và nói: Ta sẽ làm Phật thuyết pháp như vậy gọi là Sư Tử gầm. Nếu có thể đạt được thanh tịnh với đời sông biết đủ, thuyết pháp như vậy gọi là Sư Tử gầm. Thường ở chỗ thanh vắng, thuyết pháp như vậy gọi là Sư Tử gầm. Tự mình bố thí vào bảo người khác bố thí, thuyết pháp như vậy gọi là Sư Tử gầm.

Giữ gìn các oai nghi đã thành tựu, thuyết pháp như vậy gọi là Sư Tử gầm. Xem mọi người bình đẳng không có người thân kẻ oán, thuyết pháp như vậy gọi là Sư Tử gầm. Thường tu tinh tấn, không xa lìa bản nguyện, thuyết pháp như vậy gọi là Sư Tử gầm.

Có thể diệt trừ phiền não, thuyết pháp như vậy gọi là Sư Tử gầm. Dùng trí tuệ khéo biết các nẻo hành, thuyết pháp như vậy gọi là Sư Tử gầm.

Trong lúc Thiên Tử giảng nói về ý nghĩa của Sư Tử gầm như vậy, thì Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới đều chấn động đủ sáu cách, trăm ngàn kỹ nhạc tự nhiên phát ra, có ánh sáng lớn chiếu khắp Thiên Địa, trăm ngàn Chư Thiên hết sức vui mừng và thưa: Thiên Tử bất thoái Chuyển thuyết giảng về pháp Sư Tử gầm cho chúng tôi nghe, ở cõi Diêm Phù Đề lại thấy việc chuyển pháp luân.

Bấy giờ, Đức Phật mỉm cười. Khi Đức Phật mỉm cười, thường thường từ trong miệng phóng ra trăm ngàn vạn loại ánh sáng xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng, tím chiếu khắp vô lượng, vô biên Thế Giới, lên đến Cõi Trời Phạm Thiên che khuất cả ánh sáng mặt trời, mặt trăng. Ánh sáng chiếu xong, quay vòng quanh nơi thân Phật ba vòng, rồi đi xuống nơi đỉnh đầu.

Khi ấy, Phạm Thiên Thắng Tư Duy chắp tay hướng về Đức Phật dùng kệ để xưng tán Đức Thế Tôn:

Vượt qua hết thảy tuệ tối thắng

Đều biết ba đời hành chúng sinh

Trí tuệ, công đức và giải thoát

Xin nói nhân duyên của nụ cười.

Phật tuệ vô lượng không nghĩ bàn

Biết tâm chúng sinh không chướng ngại

Tùy đó nói pháp nêu căn tánh

Thanh Văn, Duyên Giác không bì kịp.

Cúi mong Bậc Tối Thắng Vô Thượng

Xin nối nhân duyên của nụ cười

Lưỡi sạch không dơ, trăng ánh sáng

Như vua Đế Thích, Vua Phạm Thiên.

Chiếu khắp trời, người, núi Tu Di

Thiết Vi và cùng tất cả núi

Cúi mong Tối Thắng Vô Thượng Tôn

Xin nói nhân duyên của nụ cười.

Đại Thánh vắng lặng, lìa sân giận

Trời, người chiêm ngưỡng không nhàm chán

Tất cả đều mong được an lạc

Xin nói nhân duyên của nụ cười.

Thông đạt các pháp như hư không

Bọt nước, ánh chớp, ảnh, huyễn, mộng

Ánh trăng đáy nước, tướng hư không

Xin nói nhân duyên của nụ cười.

Lìa tướng phân biệt, các tà kiến

Hiểu không, vô tướng và vô tác

Thường thích thiền định pháp tịch tĩnh

Xin nói nhân duyên ánh sáng này.

Không chấp văn tự, tiếng nói phô

Vì các chúng sinh thường thuyết pháp

Không chấp ngã, pháp, tuệ vô cầu

Mỗi mỗi câu pháp Như Lai nói.

Trí thông căn, lực đều đầy đủ

Hoa quang, trí tuệ vì con giảng

Như Lai Thế Tôn diệt trừ được

Sinh, già, bệnh, chết, tất cả khổ.

Lực Na La Diên sức dũng mãnh

Hàng phục tất cả lực các ma

Và những chúng sinh chưa quay về

Làm cây đèn sáng họ nương tựa.

Xin Đấng Thiên Nhân Sư dũng mãnh

Vì con nói rõ duyên nụ cười.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Phạm Thiên Thắng Tư Duy: Này Phạm Thiên! Đây là Thiên Tử bất thoái chuyển, ông có thấy không?

Đại Phạm Thiên thưa: Bạch Thế Tôn, con đã thấy!

Phật dạy: Này Phạm Thiên! Thiên Tử bất thoái chuyển này, từ nay trở về sau, trải qua hơn ba trăm hai mươi vạn A tăng kỳ kiếp sẽ được làm Phật Hiệu là Tu Di Đăng Vương gồm đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trương Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn, Thế Giới tên là Thiện Hóa, kiếp tên là Phạm Thán, Quốc Độ của Phật ấy dùng vàng Diêm Phù Đàn cùng ngọc Lưu Ly làm đất.

Trong ấy toàn là Bồ Tát Tăng, dũng mãnh, hàng phục các ma oán, mọi vật cần dùng theo ý niệm đều hiện đến như ở cõi Trời Đâu Suất. Tuổi thọ của Phật ấy là không thể tính kể được, thuyết giảng pháp không có lỗi lầm.

Khi ấy, Phạm Thiên Thắng Tư Duy nói với Thiên Tử bất thoái chuyển: Này Thiên Tử! Nay như Lai đã thọ ký cho ông rồi chăng?

Thiên Tử nói: Này Phạm Thiên! Đức như Lai thọ ký cho tôi cũng như thọ ký nơi pháp giới chân như.

Phạm Thiên bảo: Pháp tánh, pháp giới là không thể thọ ký.

Thiên Tử nói: Như pháp tánh, pháp giới là không thể thọ ký, vậy nên biết tất cả Bồ Tát được thọ ký cũng là như vậy.

Phạm Thiên nói: Này Thiên Tử! Nếu Phật Như Lai không thọ ký cho ông, vậy ông trong thời quá khứ đã ở chỗ các Chư Phật tu hành phạm hạnh chăng?

Thiên Tử đáp: Nếu không có chỗ trụ tức là trụ nơi phạm hạnh.

Phạm Thiên hỏi: Này Thiên Tử! Thế nào là không chỗ trú là trú nơi phạm hạnh?

Thiên Tử đáp: Này Phạm Thiên! Nếu không trú nơi Dục Giới, không trú nơi Sắc Giới, không trú nơi Vô Sắc Giới, đó là trú nơi phạm hạnh.

Lại nữa, này Phạm Thiên! Nếu không trú nơi ngã, không trú ở chúng sinh, không trú ở thọ mạng, không trú ở nhân, không trú ở phạm hạnh. Tóm lại mà nói không trú vào pháp, không trú vào phi pháp, đó là trú nơi phạm hạnh.

Phạm Thiên hỏi: Này Thiên Tử! Phạm hạnh có ý nghĩa gì?

Thiên Tử đáp: Này Phạm Thiên! Trú nơi đạo lý không hai, đó gọi là nghĩa của phạm hạnh.

Phạm Thiên hỏi: Này Thiên Tử! Trú nơi đạo lý không hai là trú vào đâu?

Thiên Tử đáp: Này Phạm Thiên! Trú nơi đạo lý không hai tức là không trú nơi tất cả các pháp.

Vì sao?

Vì các Thánh Hiền đều không có chỗ trú, không chấp vào các pháp, không vượt qua các dòng.

Phạm Thiên hỏi: Này Thiên Tử! Thế nào là tu đạo?

Thiên Tử đáp: Này Phạm Thiên! Không rơi vào nẻo có, không, nên không phân biệt là có, là không. Tu hành như thế gọi là tu đạo.

***