Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Phạm Thiên Thưa Hỏi

PHẬT THUYẾT

KINH PHẠM THIÊN THƯA HỎI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bồ Đề Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
 

PHẦN MƯỜI BỐN
 

Phạm Thiên hỏi: Này Thiên Tử! Dùng pháp gì để tu đạo?

Thiên Tử đáp: Này Phạm Thiên! Không thấy, nghe, biết về các pháp, không đắc cũng không chứng. Đối với tất cả các pháp là vô tướng, chẳng hiển bày, đó gọi là tu đạo.

Bấy giờ, Phạm Thiên Thắng Tư Duy hỏi Thiên Tử bất thoái chuyển: Này Thiên Tử! Thế nào là Bồ Tát đạt tinh tấn kiên cố?

Đáp: Này Phạm Thiên! Bồ Tát đối với các pháp mà không thấy một tướng, không thấy khác tướng. Đó gọi là Bồ Tát đạt tinh tấn kiên cố.

Bồ Tát đối với các pháp không hủy hoại pháp tánh, không chấp trước, không đoạn trừ, không tăng, không giảm, không thấy sự cấu, tịnh ra ngoài pháp tánh. Đó gọi là tinh tấn kiên cố bậc nhất, cho nên thân tâm Bồ Tát không có lay động.

Khi ấy, Đức Thế Tôn liền khen ngợi Thiên Tử bất thoái chuyển: Lành thay, lành thay! Rồi Ngài nói với Phạm Thiên Thắng Tư Duy: Như Thiên Tử bất thoái chuyển vừa nói về thân tâm không lay động là tinh tấn kiên cố bậc nhất.

Này Phạm Thiên! Như Lai nhớ lại về thuở quá khứ đã từng thực hành tất cả mọi việc đều tinh tấn kiên cố, trì giới Đầu Đà, tôn trọng cúng dường các Đức Như Lai, nhưng chẳng được các Ngài thọ ký đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Lại nữa, ta thường ở nơi thanh vắng, thiền tọa suy tư, tu tập đa văn, thương yêu chúng sinh, thường cung cấp mọi vật dụng cho họ, mọi việc khổ hạnh khó làm ta đều siêng năng tinh tấn thực hành, nhưng cũng không được các Đức như Lai thọ ký, vì do bấy giờ ta trụ nơi thân, khẩu, ý để phát khởi tinh tấn.

Này Phạm Thiên! Ta về sau này đã tạo được sự tinh tấn kiên cố như lời Thiên Tử vừa nói, nên mới được Phật Nhiên Đăng như Lai thọ ký về đời vị lai sẽ làm Phật Hiệu là Thích Ca Mâu Ni.

Này Phạm Thiên! Nếu có Bồ Tát nào muốn được như Lai thọ ký cho, thì nên tu hành tinh tấn kiên cố như lời Thiên Tử vừa nói, phải đối với các pháp không dấy khởi sự vướng chấp nơi tinh tấn.

Phạm Thiên thưa: Bạch Thế Tôn! Thế nào là ba đời bình đẳng tinh tấn?

Phật dạy: Này Phạm Thiên! Tâm quá khứ đã diệt, tâm vị lai chưa đến, tâm hiện tại thì vô trụ. Nếu pháp đã diệt thì không còn phát khởi, nếu pháp chưa đến tức tướng không sinh, nếu pháp chẳng trụ tức trú nơi thật tướng.

Hễ là như vậy, thì chẳng quá khứ, chẳng vị lai và chẳng hiện tại. Không quá khứ, vị lai và hiện tại, đó gọi là tự tánh. Mà tự tánh như vậy tức là không sinh.

Này Phạm Thiên! Đấy tức là ba đời bình đẳng tinh tấn có thể khiến cho Bồ Tát mau được thọ ký.

Này Phạm Thiên! Nếu Bồ Tát thành tựu pháp nhân nhục như vậy, tin tất cả các pháp không có chỗ xả bỏ, đó gọi là Bồ Tát tinh tấn bố thí.

Tin tất cả các pháp không có các lậu, đó gọi là Bồ Tát tinh tấn trì giới. Tin tất cả các pháp không bị tổn hại, đó gọi là Bồ Tát tinh tấn nhẫn nhục. Tin tất cả các pháp không có chỗ phát khởi, đó gọi là Bồ Tát tinh tấn siêng năng hành hóa.

Tin tất cả các pháp là bình đẳng, đó gọi là Bồ Tát tinh tấn thiền định. Tin tất cả các pháp không có phân biệt, đó gọi là Bồ Tát tinh tấn bát nhã.

Này Phạm Thiên! Bồ Tát tin nơi các pháp không tăng, không giảm, không tà, không chánh, thường xuyên bố thí mà không cầu báo ân, luôn giữ gìn giới cấm không có tham chấp, hành trì nhân nhục, biết rõ trong ngoài đều không, thực hành tinh tấn, biêt rõ không có chôn phát khởi, tu tập thiền định, không có chỗ nương tựa, tu hành bát nhã, không có chỗ chấp thủ nơi tướng.

Này Phạm Thiên! Bồ Tát thành tựu pháp nhân như vậy, tuy đối với tất cả các pháp có hiện bày sự tu hành, nhưng không hề câu nhiễm, đó gọi là người được các pháp bình đẳng.

Bồ Tát không bị các pháp thế gian, như được, mất, khen, chê, ca tụng, hủy báng, khổ, vui làm lay động. Bồ Tát phải vượt ra ngoài các pháp thế gian, cũng không nên tự cao và tự ti, không vui, không buồn, không vọng động, không phóng dật, không có hai tâm, xa lìa các kiến chấp, được pháp không hai, đối với chúng sinh chấp thuận hai kiến chấp thì khởi tâm thương yêu, tìm cách giáo hóa các chúng sinh ấy mà thọ nhận thân tướng.

Đó gọi là Tinh tấn kiên cố bậc nhất, là đắc nhân vô ngã. Nhẫn nhục đối với chúng sinh phát khởi tâm thương yêu để giáo hóa họ.

Lúc Đức Như Lai giảng nói về pháp đại tinh tấn như vậy, có tám ngàn Bồ Tát được pháp nhẫn vô sinh và đều được Ngài thọ ký thành tựu đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, tuy mỗi vị ở các cõi khác nhau, nhưng đồng thành Phật Đạo và cùng một Danh Hiệu là Tinh Tấn Kiên Cố.

Bấy giờ, Tuệ mạng Đại Ca Diếp ở trong chúng hội, liền đến bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Ví như rồng lớn muốn làm mưa thì nó thường mưa ở những nơi biển rộng, ngoài ra nó không mưa các nơi khác. Các vị Bồ Tát cũng lại như vậy, thường đem mưa pháp lớn rưới lên những ai có tâm rộng lớn. Ngoài ra các vị không giảng nói cho người có tâm nhỏ hẹp.

Phật dạy: Này Ca Diếp! Đúng vậy, đúng vậy, đúng như lời ông vừa nói! Các Rồng chúa sở dĩ không mưa xuống cõi Diêm Phù Đề không phải là chúng ích kỷ, nhưng do nơi chốn đó không thể chứa hết lượng mưa lớn.

Vì sao?

Vì giọt mưa của Rồng chúa lớn như trục xe, ở trong cõi Diêm Phù Đề không thể dung nạp hết. Nếu có mửa xuống cõi ấy thì nơi các thành ấp, xóm làng, rừng núi, ao hồ đều trôi nổi như chiếc lá táo. Cho nên Rồng chúa không mưa xuống cõi Diêm Phù Đề.

Này Ca Diếp! Các vị Bồ Tát này không tuôn mưa pháp xuống nơi các chúng sinh khác, không phải vì tâm ích kỷ, mà do các chúng sinh ấy không có đủ khả năng để lãnh hội các pháp này.

Do ý nghĩa đó các vị Bồ Tát thường đối với những ai có trí tuệ sâu rộng vô lượng, vô biên, với tâm rộng lớn như biển mới ban bố pháp vũ vô thượng không thể nghĩ bàn ấy.

Này Ca Diếp! Giống như biển lớn có thể chứa được lượng mưa hạt lớn như trục xe mà không có tăng không có giảm. Các vị Bồ Tát cũng lại như vậy, đối với một kiếp, hoặc trăm kiếp, hoặc nghe lãnh hội, hoặc giảng nói pháp môn an nhiên trong lặng không tăng, không giảm.

Này Ca Diếp! Ví như biển lớn chứa đựng được nước của hàng trăm con sông chảy vào, nhưng đều hòa chung thành một vị mặn. Các vị Bồ Tát cũng lại như vậy, dù nghe rất nhiều pháp, lãnh hội vô số luận nghị, nhưng đều tin hiểu chỉ có một vị, đó là vị khổng.

Này Ca Diếp! Ví như biển lớn thanh tịnh, không cấu uế, các dòng sông đục dơ đổ vào đều trở thành trong sạch. Các vị Bồ Tát ở đây cũng lại như vậy, có thể làm thanh tịnh tất cả các thứ phiền não, sân hận, oán hại, cấu bẩn.

Này Ca Diếp! Ví như biển lớn rất là sâu rộng không đáy, không thể đo lường được. Các vị Bồ Tát ấy cũng lại như vậy đều có thể đi vào pháp tướng thâm diệu. Tất cả hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật đều không có sánh được.

Này Ca Diếp! Ví như biển lớn chứa đựng được rất nhiều nước và có nhiều ngọc quý. Các vị Bồ Tát ấy cũng lại như vậy đều đã tích tụ được vô lượng pháp, vô lượng trí tuệ, vô lượng pháp bảo. Do những ý nghĩa trên nên nói tâm của các vị Bồ Tát rộng lớn như biển cả.

Này Ca Diếp! Ví như biển lớn tích tụ vô lượng các loại ngọc báu. Các vị Bồ Tát cũng lại như vậy, tất cả đều thâm nhập vào vô số pháp môn để tu hành, tích tập các pháp bảo và làm phát sinh vô lượng tụ pháp bảo.

Này Ca Diếp! Ví như biển lớn sinh ra ba loại báu: Một là thiểu giá, hai là đại giá, ba là vô giá. Các vị Bồ Tát giảng nói pháp cũng lại như vậy, tùy theo chúng sinh có căn tánh lanh hay chậm để giáo hóa khiến chúng được giải thoát.

Có khi dùng pháp Tiểu Thừa khiến được giải thoát, có khi dùng pháp trung thừa khiến được giải thoát, có khi dùng pháp Đại Thừa khiến cho chúng sinh được giải thoát.

Này Ca Diếp! Ví như biển lớn trọn không thiên vị cho một chúng sinh nào mà có. Các vị Bồ Tát ấy cũng lại như vậy, không vì riêng một chúng sinh nào mà phát tâm bồ đề.

Này Ca Diếp! Ví như biển lớn dần dần chuyển thành sâu, dần dần hợp như ý muốn. Các vị Bồ Tát ấy cũng lại như vậy, dần dần hướng đến nhất thiết trí thâm diệu, dần dần tùy thuận ý muốn.

Này Ca Diếp! Ví như biển lớn không dung chứa tử thi qua đếm. Các vị Bồ Tát ấy cũng lại như vậy, không dung chứa tâm của hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật, cũng không dung chứa những người có tâm tham lam, phá giới, điên cuồng, giận dữ, lười biếng, loạn động, ngu si, kiến chấp nơi ngã, nhân chúng sinh…

Này Ca Diếp! Ví như lúc kiếp tận Thế Giới này bị lửa thiêu đốt, thì các ao hồ, sống ngòi, khe suôi đều khô cạn trước, sau đó, biển lớn mới khô cạn.

Lúc chánh pháp bị hủy diệt cũng lại như vậy, những ai hành theo chánh pháp của đạo nhỏ thì bị diệt trước, sau đó mới hủy diệt chánh pháp của các vị Bồ Tát với tâm rộng lớn như biển.

Này Ca Diếp! Các vị Bồ Tát ấy thà bỏ thân mạng, chớ không xả bỏ chánh pháp.

Này Ca Diếp! Nước trong biển lớn có thể khô cạn, nhưng chánh pháp thâm diệu của các vị Đại Bồ Tát thì không bao giờ diệt tận.

Này Ca Diếp! Ông cho là các vị Bồ Tát làm mất chánh pháp chăng?

Chớ nên nghĩ như vậy.

Này Ca Diếp! Giống như trong biển lớn kia có ngọc báu Kim Cang gọi là Tập chúng bảo. Ngọc báu này ở trong biển lớn của ngàn Thế Giới, khi nó chuyển thành ngọc báu Kim Cang Ma Ni cho đến khi mặt Trời thứ bảy hiện ra, ngọn lửa dữ bùng cháy, trên đến Cõi Trời Phạm Thế mà ngọc Ma Ni ấy không bị cháy, không bị mất.

Nếu đem châu báu này đến một biển lớn của Thế Giới khác mà làm cho Thế Giới ấy bị cháy, thì việc này không thể xảy ra.

Các vị Bồ Tát cũng lại như vậy, khi chánh pháp bị hủy diệt, có bảy loại tà pháp xuất hiện. Bây giờ, các vị Bồ Tát đi đi đến các phương khác.

Bảy loại tà pháp ấy là:

1. Luận sư ngoại đạo.

2. Tri thức ác.

3. Hạng lạm dụng đạo pháp theo nẻo tà.

4. Não loạn lẫn nhau.

5. Vào rừng gai tà kiến.

6. không thể phá trừ căn bất thiện.

7. không có người chứng đắc pháp.

Khi bảy loại tà pháp này xuất hiện giữa đời, các vị Bồ Tát ấy biết các chúng sinh không thể độ được, lúc ấy mới sinh về Quốc Độ của các Đức Phật khác để thường được gặp Phật, nghe pháp và giáo hóa chúng sinh làm tăng trưởng thiện căn.

Này Ca Diếp! Ví như biển lớn làm nơi sinh sống của vô lượng chúng sinh, làm cho mọi người đều được an vui. Các vị Bồ Tát cũng lại như vậy, làm nơi nương tựa của chúng sinh, khiến họ đạt được an lạc nơi Cõi Trời, người và Niết Bàn.

Này Ca Diếp! Ví như nước trong biển lớn rất là mặn, các chúng sinh ở nơi khác đến không thể uống được. Các vị Bồ Tát cũng lại như vậy, các ma, ngoại đạo không làm hại được.

Này Ca Diếp! Ví như chúng sinh ở trong biển lớn không tìm nước ở nơi khác để uống, mà chỉ uống nước mặn của biển. Các vị Bồ Tát cũng lại như vậy, không cần tìm cầu pháp vị ở nơi khác để uống, mà chỉ tự uống pháp vị của Chư Phật.

Bấy giờ, Tôn Giả Đại Ca Diếp bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Biển lớn sâu rộng còn có thể đo lường được, nhưng các vị Bồ Tát, thì tất cả hàng Thanh Văn, Duyên Giác không thể đo lường được. Do vậy nói tâm của các vị Bồ Tát giống như hư không.

Phật dạy: Này Ca Diếp! Nước trong biển lớn nơi hằng hà sa số Thế Giới có thể đo lường được, nhưng trí tuệ rộng lớn của các vị Bồ Tát không thể đo lường được.

Lúc này, Đức Thế Tôn bèn dùng kệ để nhác lại ý nghĩa trên:

Ví như biển lớn chứa tất cả

Nước khắp mọi nơi cũng chẳng đầy

Những vị Bồ Tát này cũng vậy

Thường cầu chánh pháp không chắn đủ.

Ví như biển lớn nhận các sông

Tất cả chảy về không thừa thiếu

Những vị Bồ Tát cũng như vậy

Nghe pháp thâm diệu không tăng giảm.

Ví như biển lớn tánh không đục

Nước bẩn chảy vào đều lắng trong

Các vị Bồ Tát cũng như vậy

Làm tịnh tất cả phiền não cấu.

Ví như biển lớn sâu không đáỵ

Những vị Bồ Tát này cũng vậy

Trí tuệ, công đức không hạn lượng

Tất cả ngoại đạo chẳng thể biết.

Ví như biển lớn chỉ một vị

Trăm sông đổ vào chẳng đổi thay

Các vị Bồ Tát cũng như vậy

Nghe, thọ nhận pháp một vị không.

Ví như biển lớn trong Thế Giới

Không chỉ vì một chúng sinh nào

Các vị Bồ Tát cũng như vậy

Vì khắp tất cả phát tâm đạo.

Như biển châu báu gọi Tập Bảo

Nhờ đây mà có nhiều châu báu

Bảo tụ Bồ Tát cũng như vậy

Từ Bồ Tát bảo xuất Tam Bảo.

Ví như biển lớn có ba báu

Mà biển lớn ấy không phân biệt

Bồ Tát thuyết pháp cũng như vậy

Ba thừa độ thoát không tã, người.

Ví như biển lớn dần dần sâu

Những Bồ Tát này cũng như vậy

Quyết tu công đức vì chúng sinh

Dần dần vào sâu pháp đại thừa.

Biển lớn không dung chứa tử thi

Những Bồ Tát này cũng như vậy

Phát tâm thanh tịnh nguyện bồ đề

Không dung nạp Thanh Văn, Duyên Giác.

Ví như biển lớn cổ châu báu

Khi kiếp thiêu cháy ngọc không cháy

Bồ Tát trong khi pháp sắp diệt

Đạt trí hộ trì khiến không diệt

Như châu báu kia không cháy mất

Chuyển đến biển lớn ở phương khác

Biết các chúng sinh không pháp khí

Bồ Tát tuệ sáng đến cõi khác.

Ba ngàn Thế Giới lúc sắp diệt

Lửa kiếp bốc lên đốt đất Trời

Trăm sông ngàn suối đều khô trước

Sau đó đại dương mới cạn kiệt.

Người hành đạo nhỏ cũng như vậy

Lúc pháp sắp diệt thì diệt trước

Bồ Tát dũng mãnh không tiếc thân

Hộ trì chánh pháp không để diệt.

Phật còn tại thế hay diệt độ

Tam bảo trong tâm không thể diệt

Tâm sâu thanh tịnh trụ nơi pháp

Dùng pháp thiện ấy tu hành đạo.

Trăm ngàn chúng sinh sống trong biển

Biển có, không vì một loài nào

Bồ Tát phát tâm cũng như vậy

Vì độ tất cả các chúng sinh.

Mười phương Thế Giới các biển lớn

Lượng nước rất nhiều có thể lường

Nẻo hành đạo của các Bồ Tát

Thanh Văn, Duyên Giác không thể lường.

Mười phương Thế Giới cõi hư không

Hư không còn có thể lường tính

Bồ Tát hành trì hư không giới

Rộng lớn vô biên khó lường xét

Ca Diếp nên biết các Bồ Tát

Tâm dũng mãnh, tinh tấn, kiên cố

Ước nguyện làm Phật độ chúng sinh

Chẳng thể bằng họ huống là hơn.

Khối báu công đức như biển lớn

Là ruộng phước tốt nên cúng dường

Cũng là Đại Y Vương tối thượng

Chữa trị tất cả bệnh chúng sinh.

Là nơi nương tựa và cứu độ

Bến bãi, đèn sáng, đạo cứu cánh

Mắt thế gian nhìn rõ vô minh

Được mắt tức được uống Cam Lồ.

Là các Pháp Vương của thế gian

Là trí quyết đoán của Đế Thích

Là hành Bốn Thiền của đại phạm

Là chuyển pháp luân của Phạm Thiên.

Là bậc dẫn đường, trí tuệ lớn

Chỉ rõ nẻo tà, đạo chân chánh

Dũng mãnh trú trong đại bồ đề

Trong lặng diệt trừ phiền não cấu.

Tịnh tu pháp thiện như trăng rằm

Ánh sáng tỏa khắp như mặt trời

Trí tuệ Bồ Tát luôn tăng trưởng

Như tiếng sấm lớn tuôn mưa pháp.

Như Sư Tử chúa không sợ hãi

Tâm thường điều phục như voi chúa

Bồ Tát kiên cố như Tu Di

Tất cả các ma không thể phá.

Xa lìa cấu bẩn, trong như nước

Có đủ uy mãnh là như lửa

Không có chướng ngại là như gió

Không thể lay động như mặt đất.

Bồ Tát xa lìa tâm hạn hẹp

Trừ gốc ngã mạn và tham, ganh

Như cây thuốc tốt không phân biệt

Tám pháp thế gian không cấu nhiễm.

Bồ Tát giống như hoa Ưu Đàm

Ngần vạn ức kiếp không thể thấy

Biết báo ân sâu của Chư Phật

Chủng tử Phật Tánh không đoạn diệt.

Hành từ kiên cố tâm đại bi

Dùng tâm hỷ xả để vượt qua

Lìa xa tâm ý về năm dục

Thường cầu tài bảo của Pháp Phật.

Hành trì bố thí là hơn hết

Giữ gìn giới luật không người bằng

Khéo sống nhẫn nhục không gì hơn

Siêng năng tinh tấn không mệt mỏi.

Hành thiền đầy đủ các thần thông

Đi đến vô lượng Quốc Độ Phật

Thường gặp Chư Phật và nghe pháp

Như điều nghe rồi nói cho người.

Khéo biết nẻo hành nơi chúng sinh

Tùy theo căn tánh lanh hay chậm

Gọi là khéo biết lực phương tiện

Là thấp đèn tuệ được cứu vớt.

Có thể hiểu biết tất cả pháp

Thâu rõ chúng sinh được giải thoát

Tu hành kiên cố biết như thật

Nhờ đây nên biết rõ như thật.

Quan sát đúng đối với các pháp

Từ đâu đến và đi về đâu

Khéo biết các pháp không đến, đi

Thường trú pháp tánh, không hề động.

Thấy pháp hữu vi đều là không

Tăng trưởng đại bi cứu muôn loài

Vọng tưởng phiền não nên chịu khổ

Vì nhằm cứu độ nên tu tập.

Phàm phu phân biệt ta, của ta

Nên phải sống trong các tà kiến

Bồ Tát hiểu thật tướng các pháp

Trừ các kiến chấp, thuyết giảng pháp.

Vô thường là thường, không tịnh, tịnh

Vô ngã cho ngã, khổ cho vui

Phàm phu điên đảo nên tham chấp

Sinh tử đời trước không biết được.

Biết rõ pháp điên đảo như vậy

Không ngã không nhân không chúng sinh

Như vậy Bồ Tát tu chánh đạo

Vô thường, không lạc, vô ngã tịnh.

Ca Diếp nên biết! Bồ Tát này

Ta thường khen ngợi các công đức

Nẻo hành hóa ấy không thể hết

Giống như hạt bụi giữa trái đất.

Phát tâm bồ đề không thoái chuyển

Ba ngàn đại thiên vật cúng dường

Có sự cúng dường hơn hiện tại

Người ấy đáng thọ cúng dường này.

Nếu người phát tâm nguyện làm Phật

Tức là cung kính cúng dường ta

Phật quá khứ, hiện tại, vị lai

Cũng đều đã cung kính cúng dường.

***