Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Phạm Thiên Thưa Hỏi

PHẬT THUYẾT

KINH PHẠM THIÊN THƯA HỎI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bồ Đề Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
 

PHẦN MƯỜI MỘT
 

Bấy giờ, Bồ Tát vô Tận Ý bạch Đức Như Lai Phổ Quang: Bạch Thế Tôn! Chúng con đã nghe pháp môn hội nhập Tam Muội tịnh minh.

Vậy chúng con nên thực hành pháp môn này như thế nào?

Khi ấy, Phật Phổ Quang bảo Bồ Tát vô Tận Ý: Này thiện nam! Có hai phương pháp các ông nên thực hành.

Đó là: Thuyết Pháp đúng như thật và Thánh mặc nhiên. Bấy giờ, hai vị Bồ Tát vâng lời dạy bảo của Phật, cúi đầu đảnh lễ, đi nhiễu quanh Phật ba vòng, rồi hướng đến cái hồ rất đẹp ở trong một vườn cây, tự dùng thần lực của mình hóa ra một tòa lâu đài bằng châu báu và ở đấy tu tập.

Lúc ấy, có Phạm Thiên tên là Diệu Quang cùng bảy vạn hai ngàn Phạm Thiên khác đến cúi đầu đảnh lễ hai vị Bồ Tát ấy rồi thưa: Thưa hai vị Bồ Tát: Đức như Lai Phổ Quang dạy: Đại chúng vân tập thì nên thực hành hai việc: Hoặc thuyết pháp đúng như thật, hoặc Thánh mặc nhiên.

Thưa hai vị Bồ Tát, thế nào là thuyết pháp đúng như thật và thế nào là Thánh mặc nhiên?

Hai vị Bồ Tát dạy: Này Phạm Thiên! Các ông hãy chú ý lắng nghe, ta sẽ giải thích cho: như lời các ông vừa hỏi, thì chỉ có Phật mới thông suốt hết được. Tuy là như vậy nhưng hai vị Bồ Tát cũng lấy ý nghĩa của hai câu ấy để giải thích cho chúng Phạm Thiên.

Khi đó bảy vạn hai ngàn Phạm Thiên đều được pháp nhân vô sinh, còn Phạm Thiên Diệu Quang chứng được tam muội Phổ Quang.

Lúc này, hai vị Bồ Tát trải qua suốt bảy vạn sáu ngàn năm, dùng năng lực biện tài vô ngại để trả lời câu hỏi về thuyết pháp đúng như thật và Thánh mặc nhiên. Trong thời gian đó, hai vị Bồ Tát hỏi đáp, giải thích không hề dừng nghỉ mà cũng không nêu bày hết nghĩa lý.

Bấy giờ, ở giữa không trung có tiếng dạy bảo của Đức Như Lai Phổ Quang: Này hai vị Bồ Tát! Các ông chớ nên dùng ngôn thuyết mà mãi luận bàn, vì các sự luận bàn đều như là tiếng vang, do vậy sự luận bàn ấy không có lợi ích gì.

Cho dù các ông có được biện tài vô ngại và Đà La Ni vô tận thì trong một kiếp, hoặc trăm kiếp luận bàn về hai câu ấy cũng không cùng tận.

Này hai vị Bồ Tát! Pháp của Chư Phật là tướng tịch diệt, là đệ nhất nghĩa, ở trong tịch tĩnh mà tịch tĩnh rốt ráo, không văn tự, không nghĩa lý, không thể diễn bày. Hễ có diễn bày đều là vô nghĩa. Do đấy, hai vị hãy nương vào ý nghĩa ấy, chớ nương vào văn tự. Bấy giờ, hai vị Bồ Tát nghe lời Đức Phật Phổ Quang chỉ dạy liền im lặng không còn luận bàn.

Đức Phật dạy: Này thiện nam! Vì ý nghĩa ấy, nên Bồ Tát phải biết: Nếu dùng biện tài để thuyết pháp thì trăm ngàn vạn kiếp, hoặc hơn trăm ngàn vạn kiếp cũng không thể cùng tận.

Này thiện nam! Ý các ông thế nào?

Hai vị Bồ Tát kia đâu phải là người xa lạ. Bồ Tát vô Tận Ý nay là Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, còn Bồ Tát ích Ý nay chính là thân ông, Phạm Thiên Diệu Quang Thắng Tư Duy đó.

Bây giờ, Bồ Tát Bình Đẳng Hành bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thật là hiếm có, sự giác ngộ của Chư Phật là lợi ích lớn khiến cho chúng sinh theo lời chỉ dạy tinh tấn tu hành, chứng được bồ đề.

Bạch Thế Tôn! Chúng sinh do lười biếng, không thể như lời chỉ dạy của Ngài mà tu hành, tuy gặp trăm ngàn vạn Đức Phật cũng không thu đạt lợi ích gì. Do vậy nên biết, nhờ sự siêng năng tinh tấn tu hành mới được giác ngộ.

Bấy giờ, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi hỏi Phạm Thiên Bình Đẳng Hạnh Bà La Môn Đại Bà Ia Tử: Này thiện nam! Ông biết Bồ Tát tu tập như thế nào gọi là siêng năng tinh tấn?

Đáp: Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Nếu Bồ Tát có thể chứng đắc được Thánh Đạo mới gọi là siêng năng tinh tấn chăng?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi hỏi: Bồ Tát tu hành như thê nào để có thể chứng đắc Thánh Đạo?

Đáp: Nếu đối với các pháp không có phân biệt hành hóa như thế thì Bồ Tát có thể chứng đắc Thánh Đạo.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi hỏi: Thế nào gọi là chứng đắc Thánh Đạo?

Đáp: Nếu Bồ Tát tu hành ở trong sự bình đẳng xem các pháp đều bình đẳng, tức gọi là đã chứng đắc Thánh Đạo.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi hỏi: Này thiện nam! Gọi là bình đẳng thì có thể thấy được sao?

Đáp: Không! Vì sao?

Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Nếu pháp bình đẳng có thể thấy được thì không phải là bình đẳng. Nếu có thể không thấy các pháp bình đẳng tức gọi là thấy được bình đẳng.

Bấy giờ, Phạm Thiên Thắng Tư Duy hỏi Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Thưa Bồ Tát! Các pháp bình đẳng có thể thấy được không?

Đáp: Này Phạm Thiên! Không thể thấy, nếu thấy bình đẳng tức là cái thấy không bình đẳng.

Phạm Thiên hỏi: Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Nếu Bồ Tát tu hành đối với tướng bình đẳng của tất cả các pháp mà không thấy các pháp, tức gọi là đã chứng đắc Thánh Đạo.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi hỏi: Này Phạm Thiên! Tại sao không thấy?

Đáp: Do xa lìa hai tướng nên không thấy.

Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Nhờ không thấy như vậy tức là chánh kiến.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi hỏi: Này Phạm Thiên! Ở trong thế gian ai có thể có cái thấy bình đẳng?

Đáp: Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Đó là Chư Phật Như Lai.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi hỏi: Này Phạm Thiên! Làm sao có thể thấy?

Đáp: Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Như đối với chân như của sắc không khởi lên một tưởng nào khác, thì chân như của thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy, không khởi lên một tưởng nào khác. Như năm ấm bình đẳng nên gọi là thấy bình đẳng.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi hỏi: Này Phạm Thiên! Thế nào gọi là thế gian?

Đáp: Diệt tận là thế gian.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi hỏi: Này Phạm Thiên! Nếu diệt tận là thế gian, thì tướng của thế gian là diệt tận sao?

Đáp: Tướng của thế gian thì không thể diệt tận.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi hỏi: Này Phạm Thiên! Vì ý nghĩa gì mà nói thế gian là tướng diệt tận?

Đáp: Thế gian rốt ráo là tướng diệt tận. Do ý nghĩa ấy nên tướng là không thể diệt tận.

Vì sao?

Vì là diệt tận thì không thể lại diệt tận.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi hỏi: Này Phạm Thiên! Phải chăng Phật đã không nói các pháp hữu vi là tướng diệt tận sao?

Đáp: Tận cùng nơi pháp tướng thì thường không diệt tận. Cho nên Phật dạy tướng của tất cả pháp hữu vi là không cùng tận.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi hỏi: Này Phạm Thiên! Thế nào gọi là pháp hữu vi?

Đáp: Do tướng của chúng diệt tận nên gọi là pháp hữu vi.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi hỏi: Này Phạm Thiên! Các pháp hữu vi trú vào đâu?

Đáp: Pháp hữu vi trú trong thể tánh vô vi.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi hỏi: Này Phạm Thiên! Nếu vậy thì pháp hữu vi và pháp vô vi có gì sai khác?

Đáp: Pháp hữu vi và Pháp vô vi về văn tự, cách diễn bày thì có sai khác.

Vì sao?

Vì văn tự ngôn thuyết tức là hữu vi, nên cũng là vô vi. Còn nói về pháp tướng thì pháp hữu vi và pháp vô vi không có sai khác, vì pháp tướng không có phân biệt.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi hỏi: Này Phạm Thiên! Những pháp tăng thượng nào có được ngôn ngữ ấy?

Đáp: Chứng đắc pháp vô vi tức là không phân biệt pháp tăng thượng nơi ngôn ngữ ấy.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi hỏi: Này Phạm Thiên! Những ngôn ngữ nào gọi là có ý nghĩa?

Đáp: Làm cho tâm của người khác nắm giữ tướng mà dùng ngôn ngữ.

Vì sao?

Vì tất cả văn tự đều là hý luận. Nhưng Chư Phật không trụ nơi hý luận, không dựa vào ngôn ngữ, không có diễn nói.

Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Tất cả ngôn ngữ vốn không phải là ngôn ngữ. Do đó Phật dạy tất cả các pháp không thể diễn nói.

Vì sao?

Vì Chư Phật, Như Lai không phải là do ngôn ngữ mà được tên gọi.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi hỏi: Này Phạm Thiên! Chư Phật như Lai tại sao được tên gọi?

Đáp: Chư Phật như Lai không phải sắc, không phải tướng, không phải pháp mà được tên gọi.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi hỏi: Này Phạm Thiên! Chư Phật như Lai xa lìa sắc pháp mà được tên gọi chăng?

Đáp: Không, thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Vì sao?

Vì sắc thân là như và pháp thể là như. Hai pháp như ấy không phải là một, không phải là khác, Chư Phật như Lai do vậy mà được tên gọi. Như Lai do nơi chân như như thật mà được tên gọi. Nếu Phật Như Lai do như thật mà được tên gọi thì không bao giờ mất.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi hỏi: Này Phạm Thiên! Chư Phật như Lai chứng đắc pháp gì mà có Danh Hiệu là Phật?

Đáp: Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Chư Phật Như Lai đều thông đạt chân như thanh tịnh của tất cả pháp tánh. Do chân như ấy mà chứng đắc như thế nên được tên gọi là Chánh Biến Tri.

Bấy giờ, Phạm Thiên Bình Đẳng Hạnh Bà La Môn Đại Bà La Tử bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ Tát trú nơi đại thừa mà gọi là an trú?

Khi ấy Đức Thế Tôn dùng kệ đáp:

Bồ Tát không hoại sắc

Trú nơi tâm bồ đề

Biết sắc như bồ đề

Là Bồ Tát tuệ sáng.

Do sắc là bồ đề.

Bình đẳng vào tướng hư không hoại tánh các pháp.

Là Bồ Tát tuệ sáng.

Không hoại nghĩa bồ đề

Tức là nghĩa bồ đề

Trong nghĩa bồ đề ấy

Cũng không có bồ đề.

Chánh hạnh đệ nhất nghĩa

Là gọi trú bồ đề

Bồ Tát người tuệ sáng

Nên hiểu được bồ đề.

Ngu nơi ấm, giới, nhập mà muốn cầu bồ đề.

Ấm, giới… là bồ đề không riêng có bồ đề.

Các Bồ Tát tuệ sáng

Đối pháp thượng, trung, hạ không thử cũng không xả.

Nên gọi trú bồ đề.

Tuệ sáng không phân biệt

Pháp, phi pháp là hãi

Cũng không chấp chẳng hãi

Gọi là hành bồ đề.

***