Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Phạm Thiên Thưa Hỏi

PHẬT THUYẾT

KINH PHẠM THIÊN THƯA HỎI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bồ Đề Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
 

PHẦN MƯỜI NĂM
 

Bấy giờ, Phạm Thiên Thắng Tư Duy thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Bồ Tát nên cung thỉnh Đức như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri hộ trì pháp môn này, để chúng sinh đời sau nương vào oai lực của Đức như Lai tu tập và phổ biến rộng khắp pháp môn ấy.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi nói: Này Phạm Thiên! Ý ông thế nào?

Ông cho Đức như Lai đối với pháp môn này có thật pháp, có giảng thuyết, có trình bày và có hộ trì chăng?

Phạm Thiên đáp: Không.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi nói: Này Phạm Thiên! Do đấy ông nên biết, tất cả các pháp không thể diễn nói, không thể trình bày, không có hủy diệt, không có hộ trì. Nếu có sự ủng hộ pháp môn này thì như ủng hộ hư không.

Này Phạm Thiên! Nếu có Bồ Tát nói: Ta ủng hộ pháp môn này, thì biết lời nói của vị Bồ Tát ấy là không đúng.

Vì sao?

Vì pháp môn này vượt ra ngoài tất cả mọi sự nói năng, nêu bày. Đó gọi là Bồ Tát ưa thích không tranh luận.

Này Phạm Thiên! Nếu có Bồ Tát nào ở trong chúng hội này cho rằng: Hôm nay ta được nghe pháp, thì biết Bồ Tát ấy tức chẳng phải là nghe pháp.

Vì sao?

Vì không chấp nơi sự nghe pháp mới gọi là nghe pháp.

Phạm Thiên hỏi: Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Bồ Tát dựa vào ý nghĩa gì mà nói không chấp vào chỗ nghe pháp mới gọi là nghe pháp?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi nói: Này Phạm Thiên! Tai, mắt, mũi, lưỡi, thân, ý không bị phiền não làm cấu nhiễm thì khi ấy mới gọi là nghe pháp.

Vì sao?

Vì khi ấy tai, mắt, mũi, lưỡi, thân, ý sáu nhập ấy không bị đắm nhiễm theo sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp.

Bấy giờ, trong chúng hội có ba vạn hai ngàn Thiên Tử, năm trăm Tỳ Kheo, ba trăm Tỳ Kheo Ni, tám trăm Ưu Bà Tắc, tám trăm Ưu Bà Di, nghe Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi thuyết pháp như vậy đều đạt được pháp nhẫn vô sinh và cùng nhau nói: Đúng vậy, đúng vậy, thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Đúng như lời Bồ Tát nói. Không chấp nơi sự nghe pháp mới gọi là nghe pháp.

Khi ấy, Phạm Thiên Thắng Tư Duy hỏi các vị Bồ Tát đã chứng đắc pháp nhẫn vô sinh: Các vị nói như thế là không lãnh hội pháp môn này sao?

Các vị Bồ Tát trả lời: Đúng như điều chúng tôi nghe, thì không lãnh hội mới gọi là nghe.

Phạm Thiên hỏi: Các vị làm thế nào để nhận biết pháp môn này?

Đáp: Này Phạm Thiên! Do không nhận biết tức là nhận biết.

Phạm Thiên hỏi: Các vị đã chứng đắc những pháp gì mà gọi là đạt được pháp nhẫn vô sinh?

Đáp: Này Phạm Thiên! Do tất cả các pháp đều không thể chứng đắc. Do vậy, chúng tôi đạt được pháp nhẫn vô sinh.

Phạm Thiên hỏi: Các vị cho thế nào là tùy pháp hành?

Đáp: Này Phạm Thiên! Do chẳng tùy theo các hành tức là tùy pháp hành.

Phạm Thiên hỏi: Chư vị có thể không thấu tỏ thông đạt pháp môn này chăng?

Đáp: Này Phạm Thiên! Tất cả các pháp chúng tôi thảy đều thông đạt, thấu tỏ, không còn phân biệt bỉ, ngã.

Bấy giờ, trong chúng hội có một vị Thiên Tử tên là vô cấu, nói với Phạm Thiên Thắng Tư Duy: Này Phạm Thiên! Nếu có người chịu nghe pháp môn của Kinh này mà không được Đức Như Lai thọ ký, thì tôi sẽ xin thọ ký cho đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Vì sao?

Vì pháp môn này không hề mất nhân quả, mà có thể sinh ra tất cả các pháp thiện, có thể phá trừ ma oán, xa lìa mọi thương ghét, có thể làm cho tâm của chúng sinh được thanh tịnh, có thể khiến người có tín tâm đều được an vui.

Đó là nhờ pháp môn này diệt trừ mọi sân hận, là chỗ tu hành của những người chân thiện, là chỗ hộ niệm của tất cả Chư Phật, là pháp của tất cả hàng Trời, Người, A Tu La ở thế gian đều cùng giữ gìn, là pháp môn nếu ai quyết định thực hành thì đạt đến quả vị không thoái chuyển.

Là pháp môn chân thật không hư dối nên đi đến Đạo Tràng. Là pháp môn chân thật không điên đảo, có thể làm cho chúng sinh hiểu được pháp của Chư Phật. Nhờ pháp môn này nên chuyển được pháp Luân, đoạn trừ mọi thứ nghi ngờ, có thể mở bày được Thánh Đạo.

Nhờ pháp môn này các người cầu giải thoát đều phải khéo lắng nghe lãnh hội. Nhờ pháp môn này mà những ai muốn được các pháp Đà La Ni nên khéo thọ trì.

Do nơi pháp môn này giúp cho người cầu phước đức phải nên thuyết giảng. Những người cầu pháp lạc phải nên hộ trì pháp môn này, vì pháp môn ấy có thể đem lại cho mọi người sự an lạc lớn để đạt đến Niết Bàn.

Vì pháp môn này làm cho ma ác, ngoại đạo không thể phá hoại người tu tập, vì ai hành trì pháp môn này có thể nhận sự cúng dường.

Do pháp môn này khiến người có căn tánh lanh lợi thực hành đều vui mừng. Vì pháp môn này làm cho người có trí chân thật đều được hoan hỷ. Vì pháp môn này có thể ban cho mọi người trí tuệ, xa lìa các tà kiến.

Vì pháp môn này có thể đem lại cho người trí sáng phá trừ ngu si. Do pháp mổn này văn từ có thứ lớp, giúp cho người khéo thuyết giảng. Vì pháp môn này rốt ráo, thiện xảo, tùy theo ý nghĩa mà thuyết giảng.

Vì pháp môn này có nhiều lợi ích, giảng nói về đệ nhất nghĩa đế. Vì pháp môn này là chỗ ham muốn của những người ưa thích đạo pháp. Vì pháp môn này khiến những người có trí tuệ không thể xa lìa.

Vì pháp môn này là kho báu lớn của người hành trì bố thí. Vì pháp môn này là ao nước mát trong đồi với những người nóng bức. Do pháp môn này có thể khiến đối với kẻ sân hận hay từ bi, tâm đều bình đẳng.

Do pháp môn này có thể làm cho người biếng nhác trở thành tinh tấn. Vì pháp môn này làm cho người vọng niệm đều đạt được thiền định. Vì pháp môn này đã ban cho người ngu si ánh sáng của Bát Nhã.

Này Phạm Thiên! Vì pháp môn này luôn được tất cả Chư Phật quý trọng. Khi Thiên Tử vô cấu thuyết giảng về pháp môn này thì khắp tam thiên đại thiên Thế Giới đều chấn động sáu cách.

Bấy giờ, Phật khen ngợi Thiên Tử vô Cấu: Lành thay, lành thay! Đúng như lời ông nói.

Khi đó, Phạm Thiên Thắng Tư Duy bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thiên Tử vô cấu trong thời quá khứ đã ở nơi trú xứ của các Đức Như Lai nghe Kinh này rồi sao?

Phật dạy: Này Phạm Thiên! Thiên Tử Vô Cấu này nơi đời quá khứ ở chỗ sáu mươi bốn ức Chư Như Lai đã được nghe pháp môn ấy. Lại trải qua bốn vạn hai ngàn kiếp về sau, Thiên Tử vô cấu sẽ thành Phật Hiệu là vô Cấu Trang Nghiêm, Cõi Nước tên là Bảo trang nghiêm.

Từ đây đến khi thành Phật, có Đức Phật nào xuất hiện nơi thế gian Thiên Tử đều đem tất cả vật dụng dâng lên cúng dường, cùng lắng nghe pháp môn này.

Này Phạm Thiên! Các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà  Di, Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, người, không phải người… ở nơi pháp Hội này đạt được pháp Nhân vô sinh đều được sinh về Cõi Nước Bảo Trang Nghiêm.

Lúc ấy, Thiên Tử vô cấu bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Con không cầu bồ đề, không nguyện bồ đề, không ham muốn bồ đề, không vui thích bồ đề, không suy nghĩ về bồ đề, không phân biệt về bồ đề, vậy tại sao Đức Như Lai thọ ký cho con?

Phật dạy: Này Thiên Tử! Nếu lấy cỏ cây với thân, cành, lá ném vào trong lửa và nói: Đừng cháy, đừng cháy! Nêu nói như vậy mà không cháy thì không bao giờ có.

Này Phạm Thiên! Bồ Tát cũng lại như vậy. Tuy không cầu bồ đề, không nguyện bồ đề, không ham muốn bồ đề, không vui thích bồ đề, không suy nghĩ về bồ đề, không phân biệt về bồ đề, thì biết vị Bồ Tát ấy đã được tất cả Chư Phật thọ ký.

Vì sao?

Vì chư Bồ Tát không cầu bồ đề, không nguyện bồ đề, không ham muốn bồ đề, không vui thích bồ đề, không suy nghĩ về bồ đề, không phân biệt về bồ đề, tức được Chư Phật thọ ký đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Lúc này, trong chúng hội có năm trăm Bồ Tát bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nay chúng con không cầu bồ đề, không nguyện bồ đề, không ham muốn bồ đề, không vui thích bồ đề, không suy nghĩ về bồ đề, không phân biệt về bồ đề.

Tất cả vừa bạch như vậy xong và nhờ thần lực của Phật, liền thấy ỏ phương Trên có tám vạn bốn ngàn Đức Phật thọ ký cho đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Bấy giờ, năm trăm Bồ Tát bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thật là hiếm có, thật là hiếm có, như Lai khéo thuyết giảng pháp. Nếu Bồ Tát không cầu bồ đề, không nguyện bồ đề, không ham muốn bồ đề, không vui thích bồ đề, không suy nghĩ về bồ đề, không phân biệt về bồ đề, thì biết Bồ Tát ấy đã được Chư Phật thọ ký.

Bạch Thế Tôn! Chúng con thấy nơi phương Trên với tám vạn bốn ngàn Đức Phật đã thọ ký cho chúng con đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Bấy giờ, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: Cúi xin Đức Thế Tôn hộ trì cho pháp môn này được trang nghiêm và tồn tại mãi mãi trong cõi Diêm Phù Đề.

Nếu có Thiện Nam, Thiện Nữ nào được nghe pháp môn này, giả sử có vô số các thứ ma muốn phá hoại, thì cũng không thể phá hoại được. Nếu ai thọ trì pháp môn này, thì có thể phát tâm cầu đạt đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Phật bảo Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Đúng vậy, đúng vậy! Ông nên lắng nghe, vì pháp môn này tồn tại lâu ở thế gian nên ta bảo ông hãy kêu gọi các bộ chúng Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, Cưu Bàn Trà… nên đọc tụng Thần Chú và thường ủng Hộ pháp môn ấy.

Nếu có các Pháp Sư, Thiện Nam, Thiện Nữ đọc tụng Thần Chú ấy thì Chư Thiên, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, Cưu Bàn Trà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già… thường theo hộ vệ.

Nếu có Thiện Nam, Thiện Nữ nào đi trên đường bị lạc, hoặc ở nơi làng xóm, hoặc nơi đồng vắng, hoặc trong phòng tăng, hoặc nơi nhà yên vắng, hoặc nơi chôn kinh hành, hoặc trong chúng hội đọc câu Thần Chú này.

Thì các vị Thần thường theo hộ vệ, tạo mọi diệu lực nơi nhân duyên cho vị Pháp Sư giỏi thuyết giảng với biện tài vô ngại kiên cố, không bao giờ quên, khiến các thứ oán tặc không thể đến phá hoại, mọi sự sinh hoạt đi, đứng, nằm, ngồi của vị Pháp Sư đều được an nhiên, tốt đẹp.

Này Văn Thù Sư Lợi! Thần Chú ấy là:

Đa dật tha, Ưu đầu lệ, đầu đầu lệ, ma lệ, giá lệ, ma cù giá lệ, thất ly, di hy, sơ ly di ly, hầu lâu hầu lâu hầu lâu ác bà lệ, bi đa địa khư khư lệ, khư lệ khư lệ khư nê, a tăng nê, già đề ma tử lệ, ma na, Sa Bà nê, bạt đại kiền đại, tát bà lưu đế, bà la bà già đế, tân đầu lệ.

Nam Mô Phật đề tỵ tà, giá ly đế lệ. Nam rnô Đạt ma da, ni già sa ni. Nam Mô Tăng già da, Sa Bà hệ, đa ba bế, tỵ dụ ba thiên đa ni, tát bà ba ba ni, mai đề ly mê, tát bà phù đề tỵ da, tát đa ni ly trì thứ, bà lam hồng ma ba đồ, ma hà ly sư tỵ, bát la xa đá, đa đa la chỉ sắt thiên đế, tát bà già la hạ. Nam Mô tát bà Phật đề tỵ da, tất triền đố, mạn đá la, bát đại san bà hạ.

Này Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Nếu có Đại Bồ Tát nào muốn tu hành pháp môn thù thắng này thì nên thọ trì, đọc tụng Thần Chú này, chớ nên đùa cợt, tán loạn, mọi sự cử động luôn giữ tâm thanh tịnh, không chứa thức ăn dư thừa, luôn luôn ít ham muốn biết đủ, ở riêng một mình, xa lìa nơi chôn ồn ào, náo nhiệt, thường hành từ bi, luôn vui với pháp thiện, không nên lừa dối, nói lời chân thật, ưa thích Tọa Thiền và thuyết pháp.

Sống trong chánh niệm, thường xa lìa tà niệm, thích tu hạnh Đầu Đà, đối với được, mất không còn vui buồn, hướng đến Niết Bàn, nhàm chán sinh tử, tâm giữ bình đẳng, không có thương ghét, hòa hợp ly biệt, không tham luyến tự thân và tất cả của cải.

Thành tựu đầy đủ các oai nghi, thường trì giới luật, dịu dàng luôn nhẫn nhục với lời nói ác, luôn tươi vui, thường hành điều thiện, hễ gặp người nào đều chào đón hỏi thăm, xả bỏ ngã mạn, hòa đồng vui vẻ.

Này Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Các Thiện Nam đọc tụng Thần Chú, tu hành như vậy thì trong đời này bậc Pháp Sư ấy đạt được mười thứ lực như sau:

1. Niệm lực: Tức là không quên các pháp.

2. Ý lực: Tức là phương tiện thiện xảo chọn lựa các pháp.

3. Pháp lực: Luôn tùy thuận Kinh, hiểu rõ ý nghĩa.

4. Kiên cổ lực: Thường giữ tâm bồ đề như pháp tu hành.

5. Tàm quý lực: Hộ trì ta và người khác.

6. Văn lực: Đầy đủ trí tuệ.

7. Đà La Ni lực: Tất cả những gì nghe qua đều hành trì được.

8. Nhạo thuyết biện lực: Được các Đức Phật hộ niệm.

9. Thâm pháp lực: Đầy đủ năm thứ thần thông.

10. Pháp nhân vô sinh lực: Mau được đầy đủ trí nhất thiết trí.

Này Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Nếu Pháp Sư nào có thể đọc tụng Thần Chú này và thực hành như vậy, thì biết vị Pháp Sư ấy trong đời hiện tại đạt được mười lực.

Lúc như Lai thuyết giảng về diệu lực của Thần Chú này, có bốn vị Đại Thần Vương đều kinh sợ, lông tóc dựng ngược, bèn cùng vô lượng quỷ thần quyến thuộc vây quanh đều đến trước Phật, cúi đầu đảnh lễ và tác bạch: Bạch Thế Tôn! Bốn Thần Vương chúng con đã chứng đắc được quả Tu Đà Hoàn. Nếu có vị Pháp Sư nào theo lời Phật dạy tinh tấn tu hành, chúng con thường bảo quyến thuộc, từ vị quan quân cho tới thần dân đều đến hộ trì vị Pháp Sư ấy.

Nếu có các Thiện Nam, Thiện Nữ nào hộ niệm, thọ trì, đọc tụng, thuyết giảng pháp môn này thì bốn Thần Vương chúng con thường đến chỗ người ấy, hoặc ở thành ấp, thôn xóm đồng trông vắng, trong phòng, xuất gia, tại gia để hầu hạ cung cấp vật dụng, làm cho họ được an ổn, không có nhàm chán và khiến cho các Ma Vương không thể đến quấy nhiễu.

Bạch Thế Tôn! Bất cứ ở nơi nào, bốn vị Thần Vương chúng con đều thuận theo pháp môn ấy làm cho xung quanh nơi ấy cách trăm do tuần hoặc là Chư Thiên, con của Chư Thiên, Rồng, con của Rồng, Dạ Xoa, con của Dạ Xoa, Cưu Bàn Trà, con của Cưu Bàn Trà hết thảy đều không thể đến quấy phá được.

Lúc ấy, Thiên Vương Tỳ Lâu Bác Xoa nói kệ:

Chúng quyến thuộc hiện có

Thân thích và thứ dân

Đều cùng nhau hộ vệ

Cúng dường Pháp Sư ấy.

Thiên Vương Tỳ Lâu Lặc Xoa nói kệ:

Con là con Pháp Vương

Từ pháp mà hóa sinh

Phật Tử, người phát tâm

Con đều nên cúng dường.

Thiên Vương Đề Đầu lại trá nói kệ:

Nếu có các Pháp Sư

Trì kinh của Chư Phật

Con thường theo hộ vệ

Rộng khắp cả mười phương.

Thiên vương Tỳ Sa Môn nói kệ:

Là người phát đạo tâm

Nên thọ sự cúng dường

Tất cả các chúng sinh

Đều không thể biết được.

Khi đó, con của Thiên Vương Tỳ Sa Môn tên là Thiện Thật, dâng lọng quý bằng bảy báu lên Đức Như Lai và nói kệ:

Kính bạch Đức Thế Tôn

Con trì pháp môn này

Và rộng nói cho người

Tâm con luôn như vậy.

Đức Thế Tôn đều biết

Đời trước việc con làm

Mới đầu phát đạo tâm

Chí thành cầu Phật Đạo.

Thế Tôn Đảnh vô kiến

Con dâng lọng quý này

Để mong được như vậy

Tướng tốt vô kiến đảnh

Xin đem tâm ái kính

Chiêm ngưỡng Đức Như Lai

Mong bậc Lưỡng Túc Tôn

Từ bi quan sát con,

Con cầu mắt Phật Tịnh

Nguyện thấy A Dật Đa.

Thế Tôn bậc trí tuệ

Liền dùng kệ đáp lại:

Sau khi ông mạng chung

Liền sinh Trời Đâu Suất

Từ cõi đó hạ sinh

Được thấy Phật Di Lặc.

Hai ngàn năm cúng dường

Mới được đi xuất gia

Đã được xuất gia rồi

Chuyên tịnh tu phạm hạnh.

Chư Phật trong hiền kiếp

Tất cả đều được gặp

Cũng thảy đều cúng dường

Nương các Ngài tu hành.

Hơn sáu mươi ức kiếp

Ông thành tựu quả Phật

Danh hiệu là Bảo Cái

Quốc Độ rất nghiêm tịnh.

Chỉ có Bồ Tát Tăng

Thuyết giảng pháp vi diệu

Thọ mạng trọn một kiếp

Phật ấy diệt độ rồi.

Chánh pháp trụ một kiếp

Tượng pháp trụ nửa kiếp

Pháp thanh tịnh thù thắng

An ổn các chúng sinh.

Bấy giờ, Thích Đề Hoàn Nhân cùng vô số trăm ngàn Chư Thiên vây quanh, bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu có vị Pháp Sư nào thọ trì pháp môn này, thì chúng con đều theo hộ vệ, cúng dường. Ở chỗ nào có đọc tụng, thuyết giảng pháp môn ấy thì chúng con cùng hàng quyến thuộc đến nghe và làm tăng thêm uy lực, không có lo sợ của vị Pháp Sư, đồng thời khiến cho ý nghĩa thứ lớp của pháp không bị tổn thất.

Lúc này, con của Thích Đề Hoàn Nhân tên là Thiện Hộ đem lọng báu quý có các vật báu đan xen dâng lên Đức Thế Tôn và nói kệ:

Con thường biết như thật

Việc đời trước Thế Tôn

Con cũng làm như vậy

Cầu nhất thiết trí Phật.

Đức Thế Tôn xa xưa

Vật gì cũng bố thí

Con cũng làm như vậy

Xả bỏ vật mình có.

Con nay con Pháp Vương

Thọ trì pháp môn này

Nói rộng cho nhiều người

Báo ân Đức Như Lai.

Người thọ pháp môn ấy

Thì cũng giống như con

Con giúp đỡ người đó

Chứng đắc đạo bồ đề.

Thế Tôn, hàng Thanh Văn

Không thể hộ trì pháp

Ở đời sau sợ hãi

Con hộ pháp môn này.

Thế Tôn an ủi con

Lại đoạn nghi Chư Thiên

Con cũng muốn như vậy

Thành Phật như Thế Tôn.

Phật thông đạt trí tuệ

Thọ ký nhất thiết trí:

Ông sau này thành Phật

Như ta nay không khác.

Hơn một ngàn ức kiếp

Lại trên trăm ức kiếp

Mới chứng đắc thành Phật

Danh Hiệu là Trí Thành.

Bấy giờ, chủ Thế Giới Ta Bà là Đại Phạm Thiên Vương bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu có thiện nam, thiện nữ nào có thể thuyết giảng pháp môn này, thì con xả bỏ niềm vui của thiền định đi đến cúng dường vị ấy.

Vì sao?

Vì pháp môn này phát sinh ra Đế Thích, Đại Phạm Thiên Vương và các bậc tôn quý. Lại nữa, nếu có thiện nam, thiện nữ nào thuyết giảng pháp môn này thì sẽ được nhận sự cúng dường của Phạm Thiên Vương, tất cả hàng Trời, Người, A Tu La ở thế gian.

Thiên Vương Diệu Phạm nói kệ:

Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni

Thiện Nam và Thiện Nữ

Thọ trì pháp môn này

Chỗ thế gian cúng dường.

Cho đến có một người

Thực hành pháp môn ấy

Con Thiên Vương Diệu Phạm

Phải nên nêu bầy rõ.

Trải nhiều tòa hoa đẹp

Cao đến Trời Phạm Thiên

Ngồi trên tòa báu ấy

Thuyết giảng pháp môn này.

Nếu trong đời xấu ác

Nghe được pháp môn ấy

Nên phát tâm hy hữu

Vui mừng nói lành thay!

Nếu vô lượng Thế Giới

Lửa lớn khắp mọi nơi

Cũng phải nên vượt qua

Đến nghe pháp môn này.

Nếu có ai muốn nghe

Pháp môn khai Phật Đạo

Nên như báu Tu Di

Cúng dường người nghe pháp.

Khi đó, Đức Thế Tôn hiện bày diệu lực thần thông làm cho ma Ba Tuần và quân ma đếu đến chỗ Phật bạch: Bạch Thế Tôn! Con cùng quyến thuộc xin lập thệ nguyện: Nếu pháp môn này lưu hành đến nơi nào, thì người thuyết pháp, người nghe pháp và Quốc Độ ấy không có việc làm của ma, chúng con thường đến ủng hộ.

Lúc ấy, Đức Thế Tôn bèn phóng hào quang màu vàng ròng chiếu khắp thiên hạ này, bảo Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử: Này Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Như Lai trú từ pháp môn như vậy, vì tạo lợi ích cho các vị Pháp Sư, tùy theo pháp môn này tồn tại giữa cõi Diêm Phù Đề lâu hay mau thì pháp Phật cũng không diệt.

Bấy giờ, các chúng sinh trong chúng hội đem tất cả hoa, hương, hương bột tung lên cúng dường Phật và tác bạch: Bạch Thế Tôn! Chúng con nguyện pháp môn này lưu truyền rộng khắp và tồn tại mãi mãi nơi cõi Diêm Phù Đề.

Khi ấy, Phật bảo Tôn Giả A Nan: Ông nên thọ trì pháp môn này.

Tôn Giả A Nan thưa: Dạ, bạch Thế Tôn, con xin thọ trì!

Phật dạy: Này A Nan! Như Lai nay phó chúc pháp môn này cho ông, vậy ông nên thọ trì, đọc tụng, thuyết giảng cho mọi người.

Tôn Giả A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu người nào thọ trì, biên chép, đọc tụng, thuyết giảng cho người khác về pháp môn này thì người ấy có được bao nhiêu công đức?

Phật dạy: Này A Nan! Tùy theo pháp môn này có bao nhiêu văn tự, chương cú mà vị này thọ trì. Nếu có người trọn đời đem tất cả các vật dụng tạo an lạc thù thắng vi diệu cúng dường Chư Phật và Chúng Tăng.

Nếu có người chỉ cúng dường pháp môn này, cung kính tôn trọng, khen ngợi thì phước đức người ấy sẽ hơn người kia, vì đời hiện tại được mười một tạng cổng đức như sau:

1. Thấy Phật Tạng: Được Thiên Nhãn.

2. Nghe Pháp Tạng: Được Thiên Nhĩ.

3. Thấy Tăng tạng: không thoái chuyển nơi Bồ Tát tăng.

4. Vô tận tài tạng: Đạt được tạng báu.

5. Sắc thân tạng: Được đầy đủ ba mươi hai tướng tốt.

6. Quyến thuộc tạng: Các quyến thuộc không thể bị hủy hoại.

7. Tạng nghe các pháp chưa được nghe: Được thọ trì các pháp Đà La Ni.

8. Úc niệm tạng: Được nhạo thuyết biện tài vô ngại.

9. vô úy tạng: Phá trừ tất cả Luận Sư ngoại đạo.

10. Phước đức tạng: Tạo lợi ích cho tất cả chúng sinh.

11. Trí tuệ tạng: Được pháp của tất cả Chư Phật.

Lúc Phật thuyết giảng Kinh này, có bảy mươi hai na do tha Bồ Tát đạt được pháp nhẫn vô sinh, vô lượng chúng sinh phát tâm cầu đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, vô số chúng sinh tâm diệt trừ được các pháp hữu lậu, chứng đắc giải thoát.

Bấy giờ, Tuệ mạng A Nan liền đứng dậy, sửa lại y phục, trịch vai bên phải, đảnh lễ nơi chân Phật và tác bạch: Bạch Thế Tôn! Pháp môn này gọi tên là gì và thọ trì như thế nào?

Phật dạy: Này A Nan! Pháp môn này tên là Bình Đẳng Thâu Giữ Tất Cả Pháp, theo như vậy mà hành trì. Còn có tên là Trang Nghiêm Tất Cả Pháp, cũng theo như vậy mà hành trì.

Còn có tên là Thắng Tư Duy Phạm Thiên Sở vấn, cũng như vậy mà hành trì. Còn có tên là Văn Thù Sư Lợi Luận Nghĩa, cũng như vậy mà hành trì.

Phật Thuyết giảng pháp môn này xong, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, Phạm Thiên Thắng Tư Duy, Bình Đẳng Hành, Bồ Tát Võng Minh, Trưởng Lão Đại Ca Diếp, tuệ mạng A Nan và các vị Bồ Tát từ mười phương Thế Giới vân tập đến, tám bộ chúng Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà Vương, A Tu La… đều rất vui mừng, vâng lời Phật dạy.

***